Lý giải chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ từ góc nhìn khác 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là một trong bốn thần thoại ái tình trong văn hóa truyền thống các nước Á Đông, câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ triển hiện sức sống mãnh liệt của sinh mệnh. Cho đến nay, đây vẫn là một truyền thuyết mỹ lệ lưu truyền rộng rãi ở các nước Á Đông, già trẻ đều hay.

Mỗi khi đến ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm, người ta thường nhớ đến câu chuyện ái tình lâm ly của Ngưu Lang-Chức Nữ, cảm động cho sự kiên trinh của một mối tình. Phần đông khi kể chuyện này đều đồng tình với sự hội ngộ của Ngưu lang Chức Nữ, oán trách Thiên Đế làm họ phải chia lìa. Trong sự lựa chọn đúng sai của thế nhân, dường như có ít người đứng về bên Thiên Đế.

Thế nhưng, cái mà mọi người đều cho là đúng đó, có nhất định là không sai sót gì chăng? Câu chuyện truyền lại đời này qua đời khác, liệu không có chỗ sai lầm? Không nhất định là vậy.

Năm nay là năm nhuận, âm lịch nhuận hai tháng hai, cho nên mùng 7 tháng 7 tới muộn hơn. Để hiểu rõ hơn tương tư tâm tình của đôi trai gái, xin hãy bớt chút thời gian, từ một góc nhìn hoàn toàn khác mà bàn về thị phi sai đúng giữa Thiên Đế và đôi trẻ, xem xem trong đó còn chỗ nào chưa rõ, chỗ nào có chút hồ đồ.

Trong những câu chuyện lưu truyền về Ngưu Lang Chức Nữ, Thiên Đế trong vai phản diện, trừng phạt đôi uyên ương. Tất nhiên, Ông không phải nhân vật phản diện, nói dễ nghe một chút, là một ông lão hồ đồ, không theo lý của người thường. Ngưu Lang cùng Chức Nữ rõ ràng bị rơi vào dòng sông tình ái, hai người yêu nhau tới mức chết đi sống lại, nhưng chỉ có Thiên Đế nhìn không thuận mắt. Đày Ngưu Lang xuống chốn nhân gian, để Chức Nữ phòng không gối chiếc, suốt ngày lệ ướt hàng mi. Đây không phải hồ đồ sao? Ai có thể giải thích được cách nghĩ của Ông?

Tất nhiên là khó giải thích nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không giải thích được. Điểm mấu chốt ở đây là: Chúng ta không thể dùng nhãn quang thế tục để giải thích sự việc phát sinh trên Thiên thượng. Cũng không thể lấy phương thức sinh hoạt của phàm nhân để giải thích bình phẩm cuộc sống của Thần Tiên nơi thượng giới. Đạo lý rất đơn giản: Nếu cuộc sống của Thần Tiên cũng giống như của chúng ta, vậy chúng ta chẳng phải đã là Thần Tiên rồi ư. Vấn đề là: Chúng ta có phải là Thần Tiên không?

Cho nên, chúng ta hãy thay đổi góc nhìn để lý giải câu chuyện, xem xem câu chuyện có thể mang lại cho chúng ta khải thị gì.

Tiết ‘Thất tịch’ trên Thiên thượng, dưới nhân gian, câu chuyện Ngưu Lang Chức nữ đã thay đổi nhiều. Tranh “Ngưu Lang Chức Nữ” của Đường Bồi Hoa thời nhà Thanh. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc cung cấp).

Sơ lược câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ

Chức Nữ là cháu gái được sủng ái của Thiên Đế (có thuyết nói là con gái). Khi đến tuổi trưởng thành, Thiên Đế ban cho cô một pháp khí thần kỳ giống như cái thoi dệt vải. Đồng thời giao cho cô công việc, hàng ngày dùng thoi dệt lên bầu trời bảy màu rực rỡ. Chức Nữ ban đầu đối với việc này rất hứng thú, làm việc chăm chỉ. Nhưng lâu dần, cô cảm thấy công việc đơn điệu nhàm chán, bắt đầu lười nhác, thậm chí cảm thấy không thích làm. Thiên Đế để cho cô đỡ buồn nên thu xếp hôn sự cho cô với Ngưu Lang.

Sau hôn lễ, Ngưu Lang Chức Nữ trải qua những tháng ngày hạnh phúc ngọt ngào, nhưng Chức Nữ vẫn không thấy hứng thú với công việc dệt màu trên trời. Không chỉ có vậy, hai người suốt ngày quấn quýt bên nhau, bỏ bê công việc trách nhiệm.

Thấy họ như vậy nên Thiên Đế nổi giận, đày Ngưu Lang xuống trần gian. Kim Ngưu (trâu vàng) là bạn thân của Ngưu Lang nghe tin, động lòng trắc ẩn, xin Thiên Đế cho xuống hạ giới cùng Ngưu Lang. Thế là Ngưu Lang được an bài chuyển sinh đến một gia đình cùng khổ ở một nơi xa vắng dưới chân núi. Cha mẹ mất sớm, được anh trai nuôi lớn. Trong nhà ngoài người anh ra thì chỉ có một con trâu vàng làm bạn, đó chính là Kim Ngưu đi cùng Ngưu Lang xuống trần gian.

Chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ
Tranh minh họa câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ của Nhật Bản. (Miền công cộng)

Sau này người anh lấy vợ, chị dâu lại ghét em chồng, gia đình bắt đầu bất hòa. Cuối cùng Ngưu Lang đành phải đi ra ở riêng, dắt theo trâu vàng. Một hôm trâu vàng bảo Ngưu Lang: Hôm nay có Tiên nữ (Chức Nữ) hạ phàm, xuống tắm ở dòng sông cạnh thôn. Ngưu Lang theo lời đi gặp Chức Nữ, hai người lại tái hợp chốn nhân gian, kết thành duyên chồng vợ, sinh hạ một trai một gái.

Tiếc thay, ngày vui mấy chốc, Thiên Đế biết chuyện Chức Nữ tự ý hạ phàm nối lại nhân duyên, hạ chỉ cho gọi hai người về Trời. Chức Nữ cư trú sao Chức Nữ, Ngưu Lang cùng hai con ở sao Khiên Ngưu. Hàng năm vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, nhờ đàn chim hỉ thước rợp trời kết thành cầu nối để gia đình đoàn tụ trong thời gian ngắn ngủi.

Lý giải từ góc nhìn khác

Nếu nhìn từ góc độ đồng tình với Ngưu Lang Chức Nữ, thì đây là một câu chuyện tình đầy thơ mộng nhưng cũng chứa đựng sầu thương. Nhưng đứng từ vị trí trung lập, ý nghĩa của câu chuyện muốn biểu đạt có lẽ hoàn toàn khác.

Thiên Đế thực ra rất yêu quý cô cháu gái. Chức Nữ vừa lớn đã trao cho một công việc hết sức lãng mạn: Dệt màu cho bầu trời, tô màu cho vũ trụ. Thêm nữa, xuất từ lòng yêu mến mà Thiên Đế còn ban thêm cho cô một pháp khí kỳ diệu - Thoi dệt màu.

Chư Thần trên Thiên Thượng không phải không làm việc gì, không có trách nhiệm gì. Thiên Đế an bài công việc cho cháu gái chắc là đã có lựa chọn cẩn thận. Làm công việc này, không có uy quyền như Diêm Vương, nhưng cũng không cần lo lắng trách nhiệm như Thần Tài, lại càng không phải như Táo Quân suốt ngày bếp núc khói hun lửa đốt. Bầu trời bao la, cho Chức Nữ thỏa sức múa bút, tùy ý tô màu, thật là một công việc đẹp như mơ.

Để làm tốt công việc này chỉ cần một đức tính duy nhất, đó là nhẫn nại. Nhưng cuối cùng thì hàng ngày làm một việc, lâu lâu dần thì dù việc có tốt đẹp đến mấy cũng sẽ thấy khô khan.

Vậy là rất rõ: Nhẫn nại và nghị lực là điều Thiên Đế an bài cho Chức Nữ tu hành ở vị trí công tác này.

Tiếc thay, Chức Nữ không chịu nổi cảnh tịch mịch nên tu hành thất bại. Để con đường tương lai của Chức Nữ tốt hơn, Thiên Đế đã an bài hôn sự cho cô và Ngưu Lang. Ngờ đâu đôi trẻ cả hai đều bị rơi rớt trong ái tình. Cho nên Thiên Đế đành phải giáng Ngưu Lang xuống trần gian.

Câu chuyện tiếp nối là Ngưu Lang chuyển sinh đầu thai, lớn lên tại một nơi nào đó ở thế tục. Chức Nữ ngẫu nhiên giáng trần, lại có thể gặp được Ngưu Lang - người cô đã quên từ kiếp trước, trong biển chúng sinh chìm nổi kiếp người?. Trong đoạn này, thế nhân đều bảo do trâu vàng mở miệng nói cho Ngưu Lang biết về lộ trình của Chức Nữ, nhưng có ai thử nghĩ xem: Ai đã lặng lẽ an bài trong sâu thẳm mênh mông cuộc gặp gỡ này?

Mục đích chân thực của Thiên Đế

Chỗ làm thế nhân cảm động nhất trong chuyện tình này là khi hai vợ chồng gặp lại nhau nơi trần thế, sau khi có hai con, lại bị Thiên Đế sai Thiên binh Thiên tướng giải về Trời, chia cách lứa đôi, gia đình mỗi người một tinh cầu, mỗi năm chỉ được đoàn tụ một lần. Đây cũng là chỗ mà người ta bất mãn nhất đối với Thiên Đế.

Nhưng đổi lại góc độ mà xét, thì an bài này chưa hẳn đã là chuyện xấu.

Rất đơn giản, nếu Ngưu Lang ở lại trần gian sống một đời, thì thời gian cùng Chức Nữ bên nhau cũng không quá trăm năm. Hãy tính thử, chỉ là ba vạn sáu nghìn ngày đêm. Nhưng Thiên Đế đưa cả gia đình họ về Thiên thượng, bằng như khôi phục lại quốc tịch của Ngưu Lang trên Thiên giới. Như vậy, họ có được tháng ngày vô tận. Tuy một năm gặp nhau một lần, nhưng số lần đoàn tụ sẽ nhiều không kể xiết.

Vậy an bài tự thân của Ngưu Lang cùng Chức Nữ so với an bài của Thiên Đế, cái nào tốt đẹp hơn? Cái nào làm gia đình họ hạnh phúc hơn?

Thêm nữa, hết năm này qua năm khác họ phải sống trong tương tư chờ đợi. Điều mà Ngưu Lang cùng Chức Nữ học được trong nhớ thương đằng đẵng này, không phải là thứ mà họ còn thiếu sót, còn cần phải tu hành - Tâm nhẫn nại cùng nghị lực đó sao?

Ngoài sự nhẫn nại và nghị lực, trong tính cách của hai vị còn có chỗ thiếu sót, đó là chưa đủ trách nhiệm. Từ góc độ này, Thiên Đế đồng ý cho Kim Ngưu hạ phàm, theo sau Ngưu Lang, chẳng phải muốn cho Ngưu Lang và Chức Nữ thấy một tấm gương về trách nhiệm và nghĩa tình đó sao?

Làm bạn thân của Ngưu Lang, Kim Ngưu hóa thành trâu vàng gánh chịu khổ ải, một mực không rời, làm bầu bạn với hai người, giúp đỡ họ vượt qua khúc gian nan nhất của cuộc đời. Đây chẳng phải là tấm gương sống về trách nhiệm đặt ngay bên thân để Ngưu Lang Chức Nữ học tập đó sao?

Phân tích như vậy, trong câu chuyện này thì vị được tôn trọng nhất chẳng phải chính là Thiên Đế - vị bị nhiều người hiểu lầm nhất hay sao?

Tất nhiên, loại hiểu lầm này, chỉ là sự hiểu lầm của thế gian. Rất có thể trên thiên thượng Ngưu Lang và Chức Nữ sớm đã hiểu sự khổ tâm an bài của Thiên Đế, cũng sớm đã hoàn thành những gì cần phải hoàn thành trong tu hành. Ngưu Lang, Chức Nữ cùng Kim Ngưu có lẽ đã sớm quy vị. Chỉ còn lại chúng sinh nơi hồng trần mê mang vẫn đang bàn luận về câu chuyện tình lãng mạn, bàn về đúng sai được mất của từng vai diễn.

Viết tới đây, nhân dịp lễ tình nhân của Trung Quốc hàng năm, xin chúc cho các đôi tình nhân kết thành đôi lứa lâu bền!

(Chuyển tải từ “Tân Kỷ Nguyên”)

Sở Nhất Đinh - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lý giải chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ từ góc nhìn khác