Một nhà Nho mẫu mực, văn võ song toàn tại sao lại trở thành Thần Tiên trong Đạo giáo?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Canh ba thắp đèn, gà chưa gáy
Nam nhi lập chí quyết học hành;
Đầu xanh không biết chăm học sớm,
Bạc đầu hối hận học muộn rồi".

Bài thơ "Khuyến học" của nhà Nho này đã khích lệ rất nhiều thế hệ học trò. Thư pháp của ông dày dặn, hùng hồn,khoan thai, rộng rãi, vừa nghiêm ngặt tuân thủ chuẩn mực vừa mang theo thế hào hùng. Ông là một vị quan thanh liêm, chính trực dám nói lời ngay thẳng, dũng cảm xông pha, xem nhẹ sống chết của bản thân, có khí tiết trung nghĩa, tấm lòng rộng mở giống như núi cao. Con người và chữ viết của ông là những tấm gương bất diệt. Đó chính là nhà thư pháp thời nhà Đường - Nhan Chân Khanh.

Trải qua mấy nghìn năm, tài năng văn võ song toàn của Nhan Chân Khanh vẫn khiến nhiều người rung động. Năm 755, khi An Lộc Sơn phát động binh biến, Nhan Chân Khanh chính là người đầu tiên phất cờ khởi nghĩa, lãnh đạo 17 quận ở Hà Bắc chống lại quân phản loạn. Anh họ Nhan Cảo Khanh và cháu trai Nhan Quý Minh cùng hơn 30 người nhà họ Nhan bị bắt và sát hại. Cả gia đình của ông đều là những người trung liệt.

Trong triều đình, Nhan Chân Khanh là người ngay thẳng, thường công khai nói lời can gián nên bị gian thần ghen ghét, khiến ông nhiều lần bị giáng chức. Thế nhưng Nhan Chân Khanh vẫn một lòng trung thành, thương yêu nhân dân, tận tụy với công việc, hết lòng dốc sức để phục hưng Đại Đường. Ông là một vị quan có đức độ và danh vọng rất cao. Sau 30 năm khói lửa bắt đầu từ loạn An Sử, ở tuổi 77, Nhan Chân Khanh đã hy sinh vì đất nước khiến các tướng sĩ đều khóc thương...

Nhan Chân Khanh (năm 709 - 785) nhiều lần giữ các chức vụ như Giám sát Ngự sử, Thái thú Bình Nguyên, Thượng thư bộ Lại, Thái tử Thái sư. Sau đó, ông còn được phong tước Lỗ Quận Công nên được người đời gọi là "Nhan Lỗ Công" (Ảnh thuộc miền công cộng)

Sau khi Nhan Chân Khanh qua đời không lâu, những câu chuyện truyền kỳ rằng ông trở thành Thần Tiên bắt đầu được lưu truyền trong dân gian. Trong tác phẩm "Nhung mạc nhàn đàm" của nhà văn Vi Huyền thời Trung Đường có ghi chép về việc Nhan Chân Khanh thực hiện phép "thi giải" (Thi giải: hình thức viên mãn của Đạo gia. Sau khi tu luyện đắc Đạo, mượn một vật hóa làm thi thể, nhưng bản thân người đó đã thành Tiên đi lên, chứ không phải thực sự chết).

Khi người nhà của Nhan Chân Khanh di dời mộ phần của ông thì phát hiện rằng, dù quan tài đã mục nát nhưng khuôn mặt của Nhan Chân Khanh vẫn như còn sống, tay chân mềm mại, râu tóc đen nhánh, nắm tay không mở ra, móng tay mọc xuyên qua mu bàn tay... Khi nâng quan tài lên, họ cảm thấy quan tài càng ngày càng nhẹ. Đến khi mở ra xem, chỉ thấy một chiếc quan tài trống không.

Những tác phẩm như "Tiên truyện thập di" vào cuối thời nhà Đường và "Thái Bình Quảng Ký" vào đầu thời Tống đều có ghi lại những câu chuyện tương tự.

Trong cuốn sách ghi lại những câu chuyện Thần Tiên trong Đạo giáo, "Lịch thế Chân Tiên thể đạo thông giám", Nhan Chân Khanh được tôn xưng là "Bắc Cực trừ tà viện Tả phán quan", được xếp vào Thần Lôi bộ trong Đạo giáo, phụ trách việc thanh trừ tà ma.

Vậy tại sao một nhà Nho mẫu mực lại trở thành Thần Tiên trong Đạo giáo?

Thật ra điều này là có nguyên nhân. Trong thời đại Tam giáo cùng tồn tại và dung hợp ở triều Đường, sáng tác và thẩm mỹ văn hóa nghệ thuật không thể tách rời khỏi sự nuôi dưỡng và ảnh hưởng sâu rộng của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Nhà thư pháp Nhan Chân Khanh không chỉ có nền tảng văn hóa Nho giáo sâu dày mà còn có phong thái phi phàm của Thần Tiên.

Thư sinh nơi cửa Phật, Tiến sĩ năm Khai Nguyên

Nhan Chân Khanh xuất thân từ gia đình có truyền thống học vấn lâu đời. Ông nội đời thứ năm của ông là Nhan Chi Thôi đã hết lòng răn dạy con cháu đời sau trong tác phẩm "Nhan thị gia huấn" rằng, phải giữ gìn truyền thống học hành và gia phong thanh liêm chính trực. Tổ tiên của Nhan Chân Khanh đều giỏi thư pháp, mẹ ông cũng viết chữ rất đẹp. Nhan Chân Khanh từ nhỏ đã mồ côi cha nhưng tính tình của ông thông minh hiếu thảo, biết chịu khó tự lập. Ông thường dùng cành cây nhúng nước bùn vàng để luyện viết chữ trên tường, không muốn tạo thêm gánh nặng cho người mẹ góa phụ phải nuôi đàn con thơ, dựa vào sự cưu mang của họ hàng.

Hơn mười năm trước khi đỗ Tiến sĩ, Nhan Chân Khanh ở lại và học hành trong một ngôi chùa trên núi. Tiếng chuông sớm, tiếng trống chiều, gió mát trăng thanh, chính trong sự giản dị và thanh tịnh ấy, Nhan Chân Khanh đã ra sức miệt mài.

Năm 18 tuổi, ông lâm bệnh nặng, may mắn nhờ uống được đan dược của đạo sĩ Bắc Sơn Quân mới có thể khỏe lại. Bắc Sơn Quân dặn dò Nhan Chân Khanh rằng: "Anh là người có Tiên tịch, không nên trầm mê nơi chốn quan trường".

Từ đó Nhan Chân Khanh thường chú ý đến con đường tu Tiên, đồng thời ông cũng đọc một số kinh sách Phật gia và Đạo gia.

"Đa bảo Phật tháp bi", tác phẩm chữ Khải tiêu biểu trong thời kỳ đầu của Nhan Chân Khanh với phong cách kính cẩn chân thành, nét chữ cứng cáp đầy đặn, bố cục cân đối thanh thoát. Đây là mẫu chữ thường dùng nhất cho những người mới học thư pháp chữ Khải. (Ảnh thuộc miền công cộng)

"Tam thập lão Minh kinh, ngũ thập thiếu Tiến sĩ" (nghĩa là 30 tuổi đỗ Minh kinh đã là già, 50 tuổi đỗ được Tiến sĩ hãy còn trẻ). Biết bao nhiêu người đến tuổi 50 vẫn còn miệt mài thi cử, thế nhưng Nhan Chân Khanh mới 26 tuổi đã đỗ Tiến sĩ.

Vị Tiến sĩ năm Khai Nguyên (năm 734) với nét chữ Khải vừa chắc khỏe, đẹp đẽ, mang theo khí thế mạnh mẽ, đã kết hôn cùng con gái của Thái tử Trung thư Xá nhân Vi Địch. Trong khoảng thời gian có được "song hỉ lâm môn” này, Hoàng đế Đường Huyền Tông đã làm một số việc chấn động, khiến Nhan Chân Khanh cảm thấy ấn tượng sâu sắc:

(1) Dùng kiệu khiêng tượng Trương Quả Lão, một trong Bát Tiên vào cung Đông Đô;

(2) Cho lưu truyền bản "Đạo Đức Kinh" do Hoàng đế chép đến khắp cả nước, đồng thời ra lệnh cho các Đạo quán ở các châu huyện khắc lên đá.

Mùa thu năm đó còn có bản kinh Kim Cương ngự chú (Hoàng đế chú thích) của Phật. Từ sau khi chú thích "Hiếu kinh" vào năm 722, các hoàng đế Đại Đường đã nhiều lần ngự chú các kinh sách của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, thể hiện rằng (theo lời của Tể tướng Trương Cửu Linh): "Tam giáo đặt ngang hàng, vạn dân cùng biết,....Cả vạn khác biệt cùng nhất quán, Tam giáo đồng quy".

Nhan Chân Khanh tham gia thi tuyển vào bộ Lại, được xếp vào vị trí "Tam phán ưu" (ba người đứng đầu), và bổ nhiệm làm Thư lang cục Chúc tác tỉnh Bí thư. Khi mẹ qua đời, Nhan Chân Khanh từ chức về quê, chịu tang ba năm để giữ trọn đạo hiếu. Sau đó, ông lại đỗ khoa thi "Bác học văn từ tú dật".

Vào những năm đầu niên hiệu Thiên Bảo, Nhan Chân Khanh được thăng chức từ Huyện úy Lễ Tuyền phủ Kinh Triệu lên chức Huyện úy Trường An. Năm 39 tuổi, ông nhận chức Giám sát ngự sử. Trong khoảng thời gian này, Nhan Chân Khanh sửa lại nhiều vụ án oan sai ở quận Ngũ Nguyên, vừa đúng lúc vùng này đang có hạn hán thì trời đổ mưa nên người dân quận Ngũ Nguyên yêu mến gọi là "mưa ngự sử".

Từ vùng Trung Nguyên đến mưa bụi Giang Nam

Năm Thiên Bảo thứ 12 (năm 753), do đắc tội với sủng thần Dương Quốc Trung, Nhan Chân Khanh bị giáng chức, phải rời khỏi Trường An, đến nhận chức Thái thú ở quận Bình Nguyên thuộc Đức Châu, Sơn Đông. Quận Bình Nguyên thuộc phạm vi cai quản của Tiết độ sứ Phạm Dương An Lộc Sơn. Nhan Chân Khanh nhạy bén, nhanh chóng phát hiện ra mưu đồ tạo phản của An Lộc Sơn, nên đã cho tu sửa thành trì, tích trữ lương thực, làm tốt công tác chuẩn bị.

Tác phẩm "Đông Phương Sóc họa tán bi" do Nhan Chân Khanh sáng tác trong khoảng thời gian này đã thể hiện sự mạnh mẽ, khỏe khoắn, hùng hồn, nghiêm chỉnh, là một trong những kiệt tác trong số các bia ký của ông.

Không lâu sau khi nổ ra loạn An Sử, Nhan Chân Khanh đã chỉ huy 20 vạn quân ra sức chống cự. Các quận ở Hà Bắc đều xem ông là Vạn Lý Trường Thành của đất nước, danh hiệu "Nhan Bình Nguyên" của ông cũng ra đời từ đây.

Mùa thu năm 758, Nhan Chân Khanh tìm thấy xương sọ của cháu trai Nhan Quý Minh, và xương chân của anh họ Nhan Cảo Khanh, ông viết liền một mạch bài "Tế điệt văn cảo" (Bài văn tế cháu) - kiệt tác đứng thứ hai về thư pháp Hành thư. Máu và nước mắt cùng nỗi bi thương, u sầu của nỗi đau gia đình hy sinh vì đất nước trào dâng qua giữa từng dòng chữ, lay động lòng người.

Một phần bài văn Hành thư “Tế điệt văn cảo” của Nhan Chân Khanh. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Cùng với vận mệnh từ thịnh đến suy của Đại Đường, con đường làm quan của Nhan Chân Khanh cũng đầy chông gai. Ông là một vị trung thần chính trực, không xu nịnh cấp trên, không hùa theo quyền quý, thậm chí còn bị Tể tướng Nguyên Tải vu oan là "phỉ báng triều chính". Việc Nhan Chân Khanh bị giáng chức, đẩy ra làm quan ở ngoài đã bắt đầu từ trước loạn An Sử. Sau đó, việc này lặp lại nhiều lần ở nửa sau cuộc đời ông. Từ năm 45 tuổi đến năm 70 tuổi (khi tỉ mỉ tra cứu niên biểu), Nhan Chân Khanh đã bị giáng chức tổng cộng 9 lần. Đường dài gập ghềnh, thuyền ngựa đều vất vả, dấu chân của ông trải dài khắp vùng Sơn Đông, Hà Bắc, Thiểm Tây, Sơn Tây, Tứ Xuyên, Giang Tô, Hồ Bắc, Giang Tây, Chiết Giang,...

"Người quân tử làm quan, không lấy địa vị tôn quý làm vinh quang, mà lấy việc làm tròn bổn phận làm vinh quang". Nhan Chân Khanh dặn dò con cái rằng: "Làm tròn bổn phận không có việc nào khác, chỉ cần quy chỉnh bản thân, cách vật mà thôi, trung với vua, yêu thương người dân mà thôi".

Dường như có một sức mạnh thần bí nào đó dẫn dắt. Mỗi khi đến một nơi nào đó, Nhan Chân Khanh đều đến các chùa chiền, Đạo quán để thanh tịnh tâm hồn, học hỏi các bậc cao tăng đại đức. Mối quan hệ vừa gặp đã quen tự nhiên như vậy có liên quan đến những trải nghiệm thời thiếu niên của ông, cũng có thể là do nhân duyên từ nhiều đời trước. Nhan Chân Khanh kết giao với rất nhất nhiều tăng nhân, Đạo sĩ. Ông cùng với vị cao tăng Nghiêm Tuấn nổi tiếng "chỉ nói một lời đã hòa hợp, gắn kết như keo sơn".

Nhan Chân Khanh là "bạn tham thiền" cùng Hi Di đại sư của chùa Đông Lâm, thường cùng nhau đàm kinh luận đạo. Nhan Chân Khanh còn ngưỡng mộ tông sư Lý Hàm Quang (còn gọi là Huyền Tĩnh tiên sinh) của phái Thượng Thanh (Mao Sơn) trong Đạo giáo - người có đức độ cao cả và am hiểu những điều huyền diệu.

Tuy rằng Nhan Chân Khanh mong muốn được ẩn cư nơi núi rừng thanh tịnh, nhưng vì bận rộn với công việc trong triều đình, ông không thể tự do quyết định. Khi Nhan Chân Khanh đã viết thư bày tỏ tâm nguyện này, Lý Hàm Quang (sai đệ tử đưa thư trả lời) khích lệ "ý chí muốn thoát tục" của Nhan Chân Khanh, rằng dù ngay cả khi ở chốn quan trường, vẫn có thể dốc lòng tu dưỡng.

Thư pháp chính là phương pháp tu thân dưỡng tính chính yếu nhất của Nhan Chân Khanh, có thể giúp ông dưỡng thần, làm sạch tâm trí, có được một sức sống dồi dào. Nét bút của Nhan Chân Khanh thể hiện sự hài hòa âm dương, các nét chính - phụ tương hỗ lẫn nhau, các nét ngang dọc như có hình ảnh, phóng khoáng như mây trôi nước chảy. Tâm và tay phối hợp nhịp nhàng, nét bút thanh thoát, bay bổng.

Thư pháp và Đạo tương thông, Đạo và tài năng hợp nhất. Khi còn trẻ, Nhan Chân Khanh từng hai lần từ quan để bái sư học thư pháp với Trương Húc. Trương Húc truyền dạy cho ông 12 bút pháp, đồng thời còn dặn dò ông phải quan sát và lĩnh hội từ thiên nhiên và cuộc sống, dùng bút như mũi dao vẽ cát, khiến nét bút ẩn đi, nét chữ cứng cáp.

Đi khắp mọi miền Nam Bắc, Nhan Chân Khanh đã được chiêm ngưỡng nhiều tấm bia cổ, học hỏi từ các bậc thầy nổi tiếng, đồng thời ông cũng rất coi trọng việc hấp thu những tinh hoa từ dân gian. Khi tăng nhân, nhà thư pháp Hoài Tố đến gặp, Nhan Chân Khanh đã giảng lại bút pháp "Ốc lậu ngân" cho chính mình ngộ ra, Hoài Tố vui mừng tiếp nhận gợi ý này, đồng thời vô cùng kính phục. Nhan Chân Khanh khen ngợi rằng: "Hoài Tố là bậc tài hoa trong các tăng nhân, khí khái thông suốt, nội tâm suôn sẻ". Sau này Hoài Tố đã trở thành một bậc thầy thư pháp chữ Thảo đứng sau Trương Húc.

Nhận chức ở Hồ Châu, đạt được nhiều thành quả to lớn

Trong thời gian bị giáng chức đẩy đến Giang Nam, rời xa khỏi vòng xoáy chính trị của triều đình, ở độ tuổi "nhĩ thuận", Nhan Chân Khanh sùng Đạo, lễ Phật, gửi gắm tình cảm nơi non nước với tấm lòng khoáng đạt, sống một cuộc sống đầy đủ và tự do tự tại. Giống như ông miêu tả trong bài thơ "Vịnh Đào Uyên Minh" rằng:

"Tay cầm Sơn Hải Kinh,
Đầu đội khăn lộc tửu,
Hứng theo chòm mây cô,
Tâm cùng chim về tổ".

Trong lúc nhàn rỗi khi làm quan ở Hồ Châu, Nhan Chân Khanh đã đến thăm những ngọn núi Tiên, dốc sức bảo vệ những di tích văn hóa Đạo giáo ở vùng này, đồng thời viết nhiều văn bia Đạo giáo, như "Hoa cái sơn vương Quách Nhị Chân Quân Đàn bi minh”, “Ngụy phu nhân tiên đàn bi minh”, “Hoa cô tiên đàn bi minh”, “Kiều tiên quan bi ký”, “Ma cô tiên đàn ký” v.v.

Tháng Giêng năm Đại Lịch thứ 8 (năm 773), Nhan Chân Khanh nhậm chức Thứ sử Hồ Châu. Ông tuyển dụng những người vừa có đức vừa có tài, xử lý công việc một cách trật tự ngay ngắn, khiến mọi việc ở vùng này ổn định. Nhan Chân Khanh còn chủ trì biên soạn một quyển từ điển vận thơ tên là "Vận hải kính nguyên" gồm 360 cuốn. Ông đã tập hợp 58 nhà hiền triết tinh anh của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo cùng nhau góp sức. Từ khi làm Hiệu thư lang, Nhan Chân Khanh đã bắt đầu biên soạn cuốn sách này, Trải qua chiến tranh loạn lạc và nhiều khó khăn trắc trở, đến khi Nhan Chân Khanh nhận chức ở Phủ Châu, công tác biên soạn đã có quy mô hơn. Ở Hồ Châu, ông đã tìm một nhóm bạn bè để cùng nhau cắt bỏ những chỗ rườm rà, bổ sung những chỗ khuyết thiếu, sữa chữa hoàn thiện khiến ông vô cùng hài lòng vui sướng.

Nhan Chân Khanh là nhân vật trung tâm của các buổi phụ xướng của Hồ Châu nhã tập (Nhã tập: các buổi tụ họp ngâm thơ, thảo luận của các nhà thơ, nhà văn). Ông còn có một phương diện phóng khoáng, ung dung tự tại. Đây là tranh vẽ Nhan Chân Khanh trong "Vãn tiếu đường trúc trang họa truyện". (Ảnh thuộc miền công cộng)

Trong quá trình biên soạn, ngày càng có nhiều người tập trung xung quanh Nhan Chân Khanh, ví dụ các văn sĩ Giang Đông, quan lại ở các châu huyện, các vị khách ở phương Bắc, hòa thượng, ẩn sĩ,...dần dần hình thành một nhóm giới văn hóa trí thức gần 100 người. Họ thường cùng nhau uống rượu ngâm thơ, chèo thuyền, leo núi, tìm những nơi tĩnh mịch, đến thăm các thắng cảnh, nghe đàn thưởng trà, thảo luận nhiều nội dung muôn màu muôn vẻ, ai cũng ung dung tự tại. "Toàn Đường thi" đã thu thập được 53 bài thơ liên cú của Hồ Châu nhã tập trong những năm thời Đại Lịch. Các danh sĩ tài ba như nhà thơ, hòa thượng Giảo Nhiên, trà thánh Lục Vũ và Tiêu Tồn, Lục Sĩ Tu, Lý Ngạc, Bùi Trừng, v.v.. là những người trợ giúp đắc lực của Nhan Chân Khanh.

Nhan Chân Khanh đã xây dựng đình thưởng trà (Đình Tam Quý) ở phía đông nam chùa Diệu Hỉ trên núi Trứ Sơn cho Lục Vũ. "Lưu hoa tịnh cơ cốt, sơ thược địch tâm nguyên" (Tạm dịch: Dòng chảy thanh tao gột rửa da thịt, Uống trà thanh lọc tâm hồn). Đó là hình ảnh tao nhã, nhàn hạ của Nhan Chân Khanh cùng bạn bè đang thưởng thức trà dưới ánh trăng. Trong bài thơ "Tặng tăng Giảo Nhiên", ông viết: "Ỷ thạch vong thế tình, viện vân đắc chân ý". (Tạm dịch: Tựa vào đá quên đi trần thế, Vươn tay lấy mây để có được ý nghĩa thực sự).

Trong một lần tụ hội làm thơ liên cú, tăng nhân Giảo Nhiên viết rằng: "Hàn hoa hộ ánh trăng, trụy diệp chiêm phong âm" (Tạm dịch: Hoa lạnh che chở ánh trăng, Lá rụng chiếm lấy tiếng gió). Nhan Chân Khanh đáp: "Tư tịch vô trần lự, cao vân cộng phiến tâm". (Tạm dịch: Tối nay không lo lắng bụi trần, Cùng mây cao chia sẻ tâm hồn).

Có rất nhiều khách quý đến Hồ Châu nhã tập, trong đó có Lý Dương Băng, cháu trai của Lý Bạch, đồng thời cũng là một bậc thầy về thư pháp chữ Triện. Nhiều tấm bia do Nhan Chân Khanh viết đều mời Lý Dương Băng viết tiêu đề bằng chữ Triện nên được người đời sau gọi là "Song bích". Ngoài ra còn có Ngô Quân, vị Đạo sĩ từng cùng Lý Bạch ngâm thơ tiêu dao ở Thiểm Trung, nổi tiếng với những câu chuyện về Thần Tiên trong Đạo giáo. Đường Huyền Tông từng cho gọi Ngô Quân vào triều phong cho chức quan ở Viện Hàn Lâm. Thế nhưng Ngô Quân nhận thấy thiên hạ sắp đại loạn, nên ông đã quay về ẩn cư nơi núi rừng.

Sau khi cùng mọi người liên xướng làm thơ trên núi Hiện Sơn, Ngô Quân chào từ biệt. Nhan Chân Khanh đã thiết đãi yến tiệc để đưa tiễn, trong bài thơ “Phụng đồng Nhan sứ quân Chân Khanh thanh phong lâu động đình ca tống Ngô luyện sư quy", hòa thượng Giảo Nhiên đã cảm thán rằng: "Ngô hưng thái thủ đạo gia lưu, tiên sư viễn phóng thanh phong lâu”. (Tạm dịch: Thái thú Ngô Hưng theo dòng Đạo giáo, Tiên sư xa lánh lầu Thanh Phong".

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng người thường cùng tĩnh tọa tham thiền với hòa thượng Giảo Nhiên là Nhan Chân Khanh có nguồn gốc rất sâu xa với Đạo gia!

Di văn của Ngô Quân được Nhan Chân Khanh sắp xếp và cất giữ trong mật thất. Nếu không có sự đồng điệu tâm hồn và lòng tin tuyệt đối, ai có thể gánh vác trọng trách này? Trong bài luận "Thần tiên khả học luận", Ngô Quân nhấn mạnh sự tu dưỡng tâm tính, cần giữ sự tĩnh lặng, loại bỏ tính nóng nảy, không nên phóng túng, giữ gìn tinh khí để hòa hợp với thần, cả trong lẫn ngoài đều hài hòa, hình và thần đều phi phàm. Người chết vì trung hiếu, trinh liêm cũng có thể đắc Đạo.

Tháng 8 năm Đại Lịch thứ 9, Huyền Chân Tử Trương Chí Hòa lái thuyền đến, kết bạn tri kỷ với Nhan Chân Khanh. “Tây Tắc sơn tiền bạch lộ phi, đào hoa lưu thủy quyết ngư phì. Thanh nhược lạp, lục thoa y, tà phong tế vũ bất tu quy.” (Tạm dịch” Trước núi Tây Tắc có cò bay, hoa đào ngậm nước cá rô béo, nón tre xanh, áo tơi xanh, gió nghiêng mưa phùn chẳng muốn về)

Trương Chí Hòa từ quan ẩn cư, tu luyện thành Tiên, không chỉ có bài ca "Ngư phụ từ" thoải mái phóng khoáng được nhiều người yêu thích mà còn có tài vẽ tranh và thổi sáo rất điêu luyện. Khả năng lướt trên mặt nước và cưỡi hạc bay lên của ông khiến người khác kinh ngạc không thôi.

Trong bầu không khí ấy, sự tu dưỡng học Đạo của Nhan Chân Khanh ngày càng tinh sâu. Nghệ thuật thư pháp của ông cũng đạt đến đỉnh cao. Nhờ biết cách dưỡng sinh nên Nhan Chân Khanh vẫn giữ được thần sắc hồng hảo, cơ thể nhanh nhẹn khi đã ngoài 70 tuổi.

Thư pháp của Nhan Chân Khanh vào những năm cuối đời có phong cách cổ xưa, cứng cáp, phong thái cao siêu, khoáng đạt, phóng khoáng. Một phần tấm bia "Nhan cần lễ bi" do Nhan Chân Khanh viết khi 71 tuổi. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Nhận nhiệm vụ lúc nguy nan, trung hậu và nhân ái

Một điều nữa cần nhắc đến chính là trong lúc ở Hồ Châu, Nhan Chân Khanh đã hoàn thành được một tâm nguyện. Đó là dựng được tấm bia "Thiên hạ phóng sinh trì bi minh" ở phía đông cầu La Đà. Năm 759, khi nhận chức Thứ sử Thăng Châu (Nam Kinh), Nhan Chân Khanh đã sáng tác tấm bia này.

Khi ấy Đường Túc Tông ra chiếu chỉ cho các châu huyện trên khắp cả nước xây dựng 81 hồ phóng sinh (Công viên Ô Long Đàm ở Nam Kinh là một trong những hồ vẫn tồn tại đến tận ngày nay). Trong thời gian 15 năm, Nhan Chân Khanh đã ba lần viết bia, hai lần dâng sớ. Vì sao ông xem trọng việc này như vậy?

Trong 8 năm loạn An Sử, số dân giảm hơn một nửa, trăm họ lầm than, đã không còn thời kỳ cường thịnh của nhà Đường. Vết thương trong lòng của người dân khó có thể chữa lành. Cảnh tượng tàn khốc đẫm máu, tiếng kêu than đầy trời như vậy, nếu những người trẻ tuổi chưa từng trải qua chắc sẽ khó có thể tưởng tượng ra. Với tội ác giết chóc điên cuồng thì làm việc thiện phóng sinh, bảo vệ sinh mệnh là việc làm công đức vô lượng.

Thuyết nhân quả luân hồi trong Phật giáo quả thật không sai. Nhan Chân Khanh đã tham gia lễ cầu siêu cho các vong linh, cúng bái tổ tiên, cầu phúc cho dân chúng, khắc kinh thư trên đá....Năm Đại Lịch thứ 12 (năm 777), Nhan Chân Khanh trở thành đệ tử Bồ Tát giới của hòa thượng Tuệ Minh. Ông từng ba lần dâng sớ xin từ chức về quê, nhưng không được phê chuẩn.

Năm Kiến Trung thứ 4 (năm 783), cuộc nổi loạn của các vùng phiên trấn ngày càng nghiêm trọng, tình thế vô cùng nguy cấp. Triều đình cử Nhan Chân Khanh, 75 tuổi, đích thân đến trại địch để ban hành chiếu chỉ và khuyên nhủ viên tướng nổi dậy Lý Hi Liệt. Tể tướng Lư Khởi dùng thủ đoạn để loại trừ những người bất đồng chính kiến, thế nhưng Hoàng đế Đức Tông vẫn đồng ý. Điều này đã đẩy vị nguyên lão bốn triều của Đại Đường vốn phải được nghỉ ngơi dưỡng già vào hố lửa.

Bạn bè và người thân khuyên Nhan Chân Khanh đừng đi. Nhưng ông nói: "Lệnh vua như vậy, đâu thể nào tránh được". Khi ấy Nhan Chân Khanh đã hoàn toàn hiểu được việc sống chết, thản nhiên nhận nhiệm vụ, trung hậu và nhân ái. Nhan Chân Khanh bị giam giữ hai năm sau đó bị giết chết. Tấm lòng trung trinh lẫm liệt của ông đã làm cảm động rất nhiều tướng sĩ nên những tướng sĩ này đã hạ độc, giết chết Lý Hi Liệt, đưa Nhan Chân Khanh trở về Đại Đường.

Thần tích truyền kỳ

Câu chuyện truyền kỳ Nhan Chân Khanh hóa thành Tiên từ Trung Nguyên nhanh chóng truyền đến vùng Giang Nam. Nhiều người dâm cảm nhớ ân đức của ông, lần lượt xây miếu để thờ phụng tưởng nhớ và thể hiện sự kính trọng với vị danh sĩ trung nghĩa gặp phải số mệnh oan trái, cầu nguyện cho ông thoát khỏi hồng trần, rời xa đau khổ, được hưởng sự an lạc. Rất nhiều người tin rằng Nhan Chân Khanh đã trở thành Thần.

Không chỉ người có quan hệ thân thiết với Nhan Chân Khanh như hòa thượng, nhà thơ Giảo Nhiên cho rằng ông là người của "trường phái Đạo gia" mà "Lỗ Công hiếu Tiên thuật" là hình ảnh về Nhan Chân Khanh của nhiều nhà văn đời nhau như Vương Thế Trinh (năm 1525 - 1590) v.v...

Trong mối quan hệ giữa Nhan Chân Khanh và Lý Hàm Quang, Ngô Quân, Trương Chí Hòa v.v.., chúng ta có thể thấy được phong thái phóng khoáng của người trong Đạo gia thời nhà Đường. Nhan Chân Khanh tìm kiếm dấu tích của Tiên nhân, viết rất nhiều văn bia về tu luyện Đạo giáo, hướng tới những câu chuyện Thần tích phi thăng thành Tiên.

"Vào ngày mùng một tháng hai năm Nguyên Khang thứ hai đời Tấn Huệ Đế, mây ngũ sắc xuất hiện cả ngày, tiếng nhạc tiên du vang vọng, hai vị chân quân cưỡi chim loan, chim hạc hạc, từ từ bay lên." (Hoa cái sơn vương Quách Nhị Chân Quân Đàn bi minh) "Chân Khanh may mắn được kế thừa vinh quang còn lại, dám khắc đá vàng để ghi nhớ", đây là lời tâm huyết của ông trong bài "Ma cô sơn Tiên đàn ký".

仙山樓閣圖
Nhan Chân Khanh sáng tác rất nhiều văn bia về tu luyện Đạo giáo, hướng tới những Thần tích phi thăng thành Tiên. Bức tranh "Tiên sơn lầu các đồ" của một họa sĩ khuyết danh thời nhà Tống (Ảnh thuộc miền công cộng)

Suốt đời Nhan Chân Khanh thu nhận cả Nho - Phật - Đạo. Mỗi thời kỳ có trọng tâm khác nhau. Điều này có thể thấy rõ qua sự thay đổi phong cách thư pháp của ông. Lấy Nho giáo làm nền tảng, từ Nho giáo bước vào Đạo giáo, Nho giáo và Đạo giáo bổ sung cho nhau, tu tập cả Phật giáo và Đạo giáo. Cuối cùng, ông thoát khỏi gánh nặng hồng trần, đắc Đạo thành Tiên. Có lẽ ông đã xuống trần gian với sứ mệnh để lại những việc phi thường và thư pháp Nhan Thể cho hậu thế noi theo, rồi trở về cõi Tiên.

Chín năm sau khi Nhan Chân Khanh qua đời, tức là vào ngày 12 tháng 11 năm Trinh Nguyên thứ 10 (794), một sự kiện kỳ diệu vô cùng chân động đã xảy ra ở Đại Đường. Nữ tu sĩ 27 tuổi Tạ Tự Nhiên ở Quả Châu (nay là Nam Xung, Tứ Xuyên) đã phi thăng vào ban ngày tại đạo tràng Kim Tuyền. Lúc đó có hàng ngàn người vây quanh tiễn đưa, Thái sử Lý Kiên tấu lên triều đình, vua Đường Đức Tông cũng đã ban chiếu khen thưởng!

Trầm Tĩnh - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Tài liệu tham khảo:

  • "Tân Đường thư. Nhan Chân Khanh truyện", "Cựu Đường thư", "Tư trị thông giám"
  • "Nhan Chân Khanh niên phổ" của Chu Quan Điền
  • "Thời sự chỉ thiên tri. Nhan Chân Khanh truyện" của Cát Xuyên Trung Phu
  • Bình luận "Tam kinh" có chú thích ngự bút của Hoàng đế Đường Huyền Tông (Vương Song Hoài)
  • Sự hình thành chính sách Tam giáo hợp nhất thời nhà Đường và "Kinh Kim Cương" ngự chú của Đường Huyền Tông (Từ Tân Nguyên)
  • Tư tưởng Tiên Đạo của đạo sĩ Ngô Quân thời nhà Đường (Trang Hoành Nghị)
  • Hương vị Hồ Châu/ Vòng bạn bè và khoảng thời gian Nhan Chân Khanh ở Hồ Châu (Phần thượng, phần hạ) (Tư Vi)
  • Sử tích Đạo giáo ghi chép về Nhan Chân Khanh (Vương Tông Dục)
  • "Sắc Quả Châu nữ Đạo sĩ Tạ Tự Nhiên bạch nhật phi thăng thư" của Đường Đức Tông



BÀI CHỌN LỌC

Một nhà Nho mẫu mực, văn võ song toàn tại sao lại trở thành Thần Tiên trong Đạo giáo?