Một niệm thành Phật, một niệm thành ma - Thiên đường, địa ngục trong một niệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao vạn vật trên thế giới đều có đối lập, có thiện thì có ác, có Phật thì có ma? Ma quỷ là hiện thân của tội nghiệp trên thế gian và mang đến tai họa, chết chóc.

Một trong những cuộc đối thoại của nhân vật nam chính Đạm Đài Tẫn trong bộ phim truyền hình cổ trang ăn khách “Trường nguyệt tẫn minh”, nói về lý do tồn tại của ma. Ma Vương Đạo Tẫn nói: “Vào thời khắc ta trở thành Ma thần, tất cả nhân duyên bày ra trước mắt, ta mới hiểu rằng thì ra thị phi, thiện ác đều là do nghiệp. Nếu tội nghiệp trên thế gian chưa dứt, thì ma thần vẫn sẽ vĩnh viễn không bị tiêu vong”.

Trước khi chứng Đạo, Phật Thích Ca Mâu Ni là Thái tử của Ca Tỳ La Vệ quốc, tên gọi là Kiều Đạt Ma Tất Đạt Đa. Khi đó, miền bắc của Ấn Độ có 16 nước lớn. Tộc Thích Ca thuộc đẳng cấp Sát Đế Lợi, thống trị một số thành bang và bộ lạc của biên duyên vùng bắc đông bộ. Đức Phật sinh ra ở Ca Tỳ La Vệ Quốc thuộc thống trị của tộc Thích Ca. Cha Ngài là Quốc vương Tịnh Phạn Vương, mẹ là Hoàng hậu Maya.

Theo ghi chép của “Bát thập tụng luật” và Kinh Phật, khi Hoàng hậu Maya mang thai Đức Phật, bà đã có 4 giấc mộng. Giấc mơ đầu tiên bà thấy một con voi trắng sáu ngà, giấc mơ thứ hai bà thấy bản thân bay vào khoảng không, giấc mơ thứ ba bà thấy mình bò lên núi cao, giấc mơ thứ tư bà thấy mọi người cúi đầu hành lễ bái lạy. Hoàng hậu kể lại những giấc mơ cho Tịnh Phạn Vương.

undefined
Tranh vẽ Giấc mơ voi trắng của hoàng hậu Maya. (Wikipedia)

Đức vua bèn triệu mời các quân sư triều đình tới để giải mộng. Sau khi nghe kể về những cảnh tượng trong mộng của Hoàng hậu, các quân sư đều trả lời rằng: “Hoàng hậu nhất định sẽ sinh bé trai, mang đầy đủ 32 tướng của bậc trượng phu, là người trang nghiêm, nếu kế tục ngôi vua, sẽ lái bánh xe vàng mà thu phục khắp thiên hạ. Nếu xuất gia tu đạo, chứng Pháp vương vị, danh tiếng thập phương, làm cha của chúng sinh”.

Năm Thái tử Tất Đạt Đa 29 tuổi, khi đi tuần qua 4 cổng thành, ngài đã gặp người già, người bệnh, người chết và nhà tu hành. Thái tử cảm nhận sâu sắc sự khổ đau của sinh lão bệnh tử nơi nhân gian, thường xuyên rơi vào trầm tư nhưng vẫn không tìm ra con đường thoát khổ. Vì vậy, vào một đêm trăng, Thái tử cưỡi ngựa rời bỏ cung điện, xuất gia tu đạo.

1. Trận quyết chiến kinh thiên có một không hai

Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa rời cung đi xuất gia, ông đã tu khổ hạnh ở trong rừng suốt 6 năm. Tuy nhiên, ông nhận ra bản thân vẫn không chứng ngộ được chính Đạo, nên đã rời bỏ rừng. Khi đó, sức khoẻ của ông rất yếu. May mắn thay, ông gặp một cô gái chăn cừu, cô cho ông uống một cốc sữa, khiến sức khoẻ ông hồi phục.

Sau khi đi tắm ở sông Hằng Hà, ông cảm thấy tinh thần sảng khoái. Ông tới một nơi gọi là Bồ Đề Ca Da, và ngồi kiết già thiền định dưới gốc cây Bồ Đề, hai mắt ông khẽ nhắm lại, dần dần tiến vào nhập định. Ông âm thầm nói với bản thân rằng lần này nếu không thể giác ngộ được chính Đạo, nhất định sẽ không đứng lên.

Tới ngày thứ 49, trên bầu trời xuất hiện một áng mây ngũ sắc tường hoà, sau đó những cánh hoa trải xuống như mưa rơi, hương hoa ngào ngạt tràn ngập khắp không trung, hào quang vô hạn của Thái tử toả khắp nơi, chấn động bốn bể muôn xa, điềm lành thông suốt lên Thiên đình, kinh động tới Thiên chủ Ba Tuần của Dục giới thứ sáu. Ánh sáng tốt lành từ bi và ấm áp khiến nội tâm Ba Tuần run sợ, vô cùng sợ hãi, rẽ mây nhìn xuống, thì ra là Thái tử Tất Đạt Đa sắp chứng Đạo, thành Phật.

Tại sao Thiên chủ của Dục giới tầng trời thứ 6 nhìn thấy Thái tử Tất Đạt Đa sắp thành Phật, thì nội tâm ông ta lại run rẩy, sợ hãi vô cùng đến vậy? Ba Tuần này rốt cuộc là ai?

Thực ra, nhân vật Ba Tuần này chính là Ma vương mà chúng ta thường nói đến. Ma vương không phải là ma quỷ theo khái niệm thông thường. Ông ta là vua trong Thiên giới. Theo ghi chép trong Kinh Phật, Tam giới phân thành Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Quản hạt của Ma vương là tầng thiên thứ 6 của Dục giới, tầng trời Tha hoá tự tại. Tại sao lại gọi là ‘tầng trời Tha hoá tự tại’? Bởi vì những Thiên nhân ở nơi này đều là Thiên ma, tự tại nhờ vào sự vui thích của thế nhân, họ thường hạ xuống trần gian rong chơi, biến hoá, lấy dục vọng và khoái lạc của thế nhân làm thú vui cho bản thân. Ba Tuần chính là vua của những Thiên ma này.

Để duy trì nguồn hạnh phúc lâu dài cho bản thân, chúng khiến cho con người thế gian đều chìm đắm trong những thú vui dục vọng. Vì không để người tu hành đoạn tuyệt dục vọng, chúng thường tới nhân gian phá hoại Phật Pháp, dùng các biện pháp mê dụ, uy hiếp… ngăn trở người tu hành tu Đạo, buộc họ không tinh tấn lên được.

Ba Tuần nhìn thấy Thái tử Tất Đạt Đa sắp thành Phật, hơn nữa còn muốn tuyên dương Phật Pháp, giúp con người diệt trừ đau khổ và ham muốn. Nếu như nhân gian đều diệt trừ khổ đau, ham muốn, thì sẽ không còn lạc thú dục vọng cho chúng hấp thu nữa. Điều này làm sao có thể được. Vì vậy, Ba Tuần lập tức phái ba ma nữ thuộc hạ đắc lực nhất đi cản trở, dùng ái tình, tham dục và ham muốn để mê dụ Thái tử Tất Đạt Đa.

Nhưng ba ma nữ đã bị Phật quang từ biển thức của Thái tử Tất Đạt Đa chiếu rọi, lập tức hiện nguyên hình dạng vô cùng ô uế. Thái tử Tất Đạt Đa để cho ba ma nữ nhìn thấy bộ dạng xấu xa của chúng. Các ma nữ lập tức bị đánh bại, vội quay trở về ma cung. Ba Tuần nổi cơn thịnh nộ, đích thân dẫn một đoàn ma binh và các loại côn trùng độc, quái thú, mũi tên tẩm độc, địa lôi độc tới trước mặt Thái tử Tất Đạt Đa.

Tranh vẽ cảnh ma vương Thiên ma (Mara) tìm cách ngăn chặn thái tử Tất-đạt-đa đạt tới giác ngộ. (Hintha/CC BY-SA 3.0)

Ba Tuần nói với Thái tử: “Nếu giờ ngươi quay về cung điện, tiếp tục hưởng vinh hoa phú quý, ta sẽ tặng cho ngươi thêm nhiều mỹ nữ và báu vật. Nếu ngươi tiếp tục thành Phật, ta sẽ để ngươi chôn xác dưới gốc Bồ Đề này”.

Ba Tuần thấy Thái tử không mảy may động tâm, liền hạ lệnh cho các ma binh bắn ra các mũi tên tẩm độc. Nhưng kỳ lạ thay, những mũi tên độc dù được phóng ra như mưa, nhưng đều tự động rơi xuống phía trước cách Thái tử 3 thước. Chúng hoàn toàn không thể nào tiến gần tới bên thân của Thái tử.

Thái tử nói với Ba Tuần một cách bình hoà: “Ta chứng đắc được chính giác vô thượng là bởi vì vô số kiếp trước đã tu hành tinh tấn, tích luỹ vô số phúc đức và trí huệ. Tới nay đã viên mãn lục độ vạn hạnh. Tất cả những gì ngươi làm với ta chắc chắn là vô ích”.

Vừa dứt lời, chỉ thấy toàn thân Thái tử Tất Đạt Đa phát ra ánh Phật quang chói loà.

Các ma binh của Ba Tuần liên tiếp ngã rạp xuống, không thể đứng dậy nổi. Ba Tuần biết rằng không thể ngăn cản Thái tử Tất Đạt Đa chứng đạo được, ông ta không cam tâm, nhưng thấy tất cả ma binh đều đã tan rã, nên đành thất bại bỏ đi. Thái tử Tất Đạt Đa đã phá vỡ cản trở của Ma vương Ba Tuần, cuối cùng chứng Đạo, thành Phật, và trong lịch sử Ngài được biết tới là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

2. Cấu thành của ma giới

Trong “Trường A Hàm Kinh” có nói rằng, chúng sinh của Dục giới có 12 loại: địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, người, A Tu La, Tứ Thiên vương, Đao lợi Thiên, Diễm ma Thiên, Đâu suất Thiên, Hoá nhạc Thiên, Tha hoá tự tại Thiên, Ma Thiên.

Rõ ràng, 12 loại chúng sinh này được xắp xếp là theo sự cao thấp của tầng thứ sinh mệnh. Nhưng không phải nói rằng Dục giới có 12 tầng trời.

Dục giới được cấu thành bởi 6 Thiên, dưới dục giới 6 Thiên là nhân đạo, súc sinh đạo và địa ngục. Nó được gọi là dục giới bởi vì chúng sinh trong này đều có ngũ dục, Thiên nhân của Dục giới lục Thiên cũng không phải ngoại lệ.

Ngũ dục chính là tài, sắc, danh, ăn, ngủ, cũng có thể hiểu là nhận thức về màu sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc giác. Điều dẫn khởi ngũ dục là vì con người tại thế gian đều có 5 loại dục vọng.

Tuy nhiên, chúng sinh cư ngụ ở tầng trời càng cao, thì dục vọng càng nhạt, nhưng vẫn có tình cảm nam nữ. Cách yêu của chúng sinh ở Thiên Tứ Thiên vương và nhân loại rất giống nhau. Nhưng ở Thiên Tha hoá tự tại, tình yêu của chúng sinh chỉ cần giao tiếp bằng mắt trong thời gian ngắn là đủ.

Vậy tại sao Ba Tuần ở Tha hoá tự tại Thiên lại trở thành Ma vương? Theo ghi chép của “Kinh Phó Pháp tàng nhân duyên”, trong kiếp trước, Ba Tuần đã từng cúng dưỡng Phật Bích Chi một bát cơm, nên được phúc báo, được trở thành Thiên chủ của Tha hoá tự tại Thiên. Nhưng do tâm tham lam, ông ta không tin chính Pháp nên thích nhìn Phật Pháp bị tiêu diệt, thường chống lại người tu luyện và còn phỉ báng Phật Pháp.

Ma vương không phải sinh ra đã là ma, mà vì các loại dục vọng và mong muốn mà hoá thân thành ma. Những mong muốn này đều là do các loại dục vọng tạo nên, cũng chính là ngũ dục mà Phật giáo thường nói đến. Nếu áp dụng cho các khái niệm khoa học hiện đại, cái gọi là ngũ dục chính là nhận thức của con người về tất cả vật chất cấu thành vật chất ba chiều thời gian và không gian, hoặc nhận thức và sự phụ thuộc của các vật chất tồn tại. Ví dụ như con người của thời không nhân loại hiện đại muốn sinh tồn, trước tiên cần bỏ ra lao động thể chất và trí óc để kiếm được tiền tài, mua thức ăn để ăn, cần nghỉ ngơi để đảm bảo cho sức khoẻ, cần vui chơi giải trí, cần sinh con và nuôi dạy chúng, phát sinh các mối quan hệ trong xã hội, lập chỗ đứng trong xã hội.

Những gì mắt con người thấy, tai con người nghe được và tay chạm vào được, đều là vật chất của thời không ba chiều, không nhìn thấy Thiên giới, không nhìn thấy Thần giới. Tâm linh tiên thiên của con người, hay còn gọi là Thần tính, Phật tính bị phong ấn ở trong thời không ba chiều này, phong ấn bên trong nhục thân của con người. Vì vậy, Platon nói rằng nhục thể của con người chính là nhà ngục của linh hồn. Linh hồn bị nhốt trong nhà ngục nhục thân này, vì để sinh tồn trong thời không ba chiều, càng sinh tồn tốt thì vì thế lại sản sinh ra các ý nghĩ tham lam, dục vọng.

Thực ra, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng tư duy của con người không phải bắt nguồn từ đại não, mà từ giai đoạn tiến động của sóng điện não. Sóng điện não là gì và từ đâu tới?

Chúng ta thường nghe câu nói rằng “Tôi vừa mới đột nhiên thấy có linh quang hiện ra”. Thực ra “linh quang” này chính là sóng điện não, hay còn gọi là sóng não. Nó chính là tín hiệu điện sinh học được sinh ra khi các nguyên tế bào thần kinh não người truyền đi thông tin. Khi tín hiệu điện sinh học thể hiện trên các thiết bị khoa học trông giống như dao động của các dòng điện mạch xung, do vậy gọi là sóng não.

Năm 1929, bác sĩ tâm lý người Đức Hence Berge lần đầu công bố điện não đồ. Ông phát hiện ra rằng, não người chủ yếu có 5 loại sóng não khác nhau:

  • Delta: 0,2-3Hz
  • Theta: 3-8Hz
  • Alpha: 8-12Hz
  • Beta: 12-27Hz
  • Gamma: 27-30Hz

Các nhà khoa học phát hiện rằng sóng não khác nhau có cách thức hoạt động khác nhau. Dù con người đang trong lúc ngủ sâu, những sóng não này vẫn ở trạng thái hoạt động như cũ, và những sóng não này chính là hình thái của ý thức con người, hình thành nên hành vi, cảm xúc bên trong và bên ngoài của một con người.

Những sóng não này chính là hình thái của ý thức con người. (Shutterstock)

Từ góc độ vật lý, sóng não là một loại hạt, cũng là một loại tồn tại vật chất. Sự vận động của sóng não chính là vận động của vật chất. Vì chuyển động sóng não thể hiện sự tồn tại của vật chất, vậy thì các loại suy nghĩ tham lam, ham muốn của con người sẽ hình thành một loại vật chất ở trong thời không mà sóng não tồn tại. Nhiều người có công năng, đã khai ngộ, đều nhìn thấy loại vật chất này ở không gian khác đều là màu đen, có những cái còn có hình ảnh màu sắc kỳ quái, giống như ma mà chúng ta thấy trong rất nhiều phim giả tưởng và phim truyền hình.

Ví như, nhờ việc cung dưỡng Bích Chi Phật mà Ba Tuần được thăng lên làm Thiên nhân, vừa cũng vì không thể trừ bỏ tham niệm mà ông ta trở thành Ma vương, sống dựa vào những vật chất sinh ra do sự tham dục của tất cả con người nơi nhân gian. Nói một cách đơn giản, chính là những thứ tham dục của con người nhân gian, những dục vọng sinh ra trong đầu mỗi người hình thành những vật chất ở trong thời không khác. Chúng chính là những thứ nuôi sống Ba Tuần cùng các Thiên ma sinh sống ở Tha hoá tự tại Thiên. Nói cách khác, tham niệm của con người nuôi dưỡng ma và Ma vương, hình thành một thời không đặc biệt - Tha hoá tự tại Thiên.

Những vật chất do các dục niệm hình thành nên vốn cũng có năng lượng, có thể chế ước vĩ mô đối với các hạt của tầng hạt này. Trong nhiều tác phẩm truyền hình cho thấy sức mạnh vượt trội của Ma vương, nếu con người không có dũng cảm vứt bỏ sinh tử, rất khó chiến thắng nổi Ma vương. Vì vậy, dù là người bình thường hay người tu hành, nếu muốn thoát khỏi và thậm chí siêu vượt sự khống chế của Ma vương và ma, thì phải đoạn dứt dục.

Ma thể hiện tại thời không ba chiều của nhân loại sinh tồn, chính là những dục vọng phụ diện của con người đối với sinh lý con người, chế độ ăn uống hoặc môi trường. Chúng dẫn tới cơ thể mất cân bằng, gây ra các tình trạng không khỏe mạnh như mất ngủ, bực bội, áp lực, khó khăn về nhận thức, lo lắng. Nếu rơi vào tình trạng này trong thời gian dài, sẽ dẫn tới bệnh tật, thậm chí cái chết.

3. Một niệm thành ma

Theo Kinh Phật ghi chép, lục dục Thiên phân thành: Tứ thiên vương Thiên, Đao lợi Thiên, Diễm ma Thiên, Đâu suất Thiên, Hoá nhạc Thiên, Tha hoá tự tại Thiên. Trên cõi người là cõi trời thứ nhất trong Lục dục Tứ thiên vương Thiên. Tha hoá tự tại Thiên là tầng thứ 6 trong Lục dục Thiên của ma giới. Cõi con người là một thời không gian ba chiều do các phân tử cấu thành, vậy thì sự cấu thành của Tứ thiên vương Thiên, Đao lợi thiên, Diễm ma thiên, Đâu suất Thiên, Hoá nhạc Thiên, Tha hoá tự tại Thiên ắt hẳn phải vi mô hơn hạt phân tử cấu tạo nên loài người. Vì vậy, những Thiên nhân này dù vẫn ở Dục giới, nhưng có năng lượng tầng cấp cao hơn cõi con người, có thể điều khiển, kiểm soát cõi con người.

Con người muốn thoát khỏi Dục giới, thăng lên Sắc giới, Vô sắc giới, thậm chí vượt thoát khỏi sinh tử luân hồi, lên trên tới Pháp giới, thì phải trải qua hoặc đột phá khỏi các Thiên bên trên cõi người, gồm cả các loại chế ước của Tha hoá tự tại thiên.

Theo “Đại niết bàn kinh”, “Pháp diệt tận kinh”, “Đại thừa kim cang kinh luận”, “Kinh bảy giấc mộng của Anan”, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Kinh, thuyết Pháp 49 năm, những người đáng độ đều đắc độ. Ma vương Ba Tuần thấy Phật Thích Ca đã độ được nhiều người như thế, trong tâm rất khó chịu, bèn tới gặp Đức Phật và yêu cầu Phật mau chóng niết bàn.

Ông ta nói: “Ông đã độ nhiều người thế rồi, vậy có thể niết bàn rồi”.

Đức Phật thấy duyên phận của mình và chúng sinh đã đến nên đồng ý với Ba Tuần. Nhưng Ba Tuần lại nói tiếp: “Đợi sau khi ông nhập niết bàn, ta nhất định sẽ phá hoại Phật Pháp của ông”.

Phật Tổ nói: “Phật Pháp là chính Pháp, không có lực lượng nào có thể phá hoại được”.

Ba Tuần nói: “Chính nghĩa dù vĩnh viễn tồn tại, nhưng tà ác cũng sẽ không tiêu mất. Khi ông tại thế, cũng không phải mọi người ai ai cũng đều tín ngưỡng ông. Đồ tử, đồ tôn của ta cũng không quá nhiều. Nhân tính vốn ác, học cái xấu dễ, học điều tốt khó. Sau khi ông nhập diệt, những người tín ngưỡng ông sẽ ngày càng ít, còn người tín ngưỡng ta sẽ ngày càng nhiều”.

Đức Phật nói: “Phá hoại Phật Pháp của ta có gì tốt cho ngươi? Ánh sáng của Phật phổ chiếu, chiếu rọi những người thiện lương, cũng chiếu rọi những người tà ác như ngươi. Nếu thời đại chính Pháp kết thúc, phúc báo của ngươi cũng sẽ hết, chờ đợi ngươi sẽ là địa ngục vô gián, ngươi sẽ phải chịu đựng vô kể khổ đau trong địa ngục”.

Ba Tuần cười nói: “Ta biết, Phật Tổ không nói dối. Nhưng Ngài - Phật Tổ cũng biết, mệnh là do tâm tạo nên. Ta sẽ tìm cách tránh khỏi cái khổ địa ngục”.

Đức Phật nói: “Làm nhiều việc bất nghĩa ắt tự giết mình, làm sao có thể tránh được”.

Ba Tuần nói: “Thánh nhân vô thường tâm, lấy tâm bách tính làm tâm. Ba Tuần cũng vô thường tâm, lấy bách tính tâm làm tâm. Về việc thuận theo bách tính, Phật Tổ không so sánh được với ta. Giới luật của Ngài thâm nghiêm, hết mức nhấn mạnh sự nguy hại của tham dục, dạy con người tránh xa tham dục. Còn ta có thể đáp ứng dục vọng của bách tính, thoả mãn dục vọng của bách tính. Chúng sinh không có tham dục thì làm sao có sự tồn tại của Ba Tuần ta”.

Đức Phật nói: “Ta có Kinh Phật lưu lại thế gian”.

Ba Tuần lại nói: “Kinh điển là văn tự chết, cần giáo hoá chúng sinh, còn cần có người giải thích”.

Đức Phật nói: “Ta có tăng bảo lưu lại thế gian”.

Tăng bảo chính là tăng đoàn, tăng chúng.

Ba Tuần nói: “Ngài cần giáo hoá chúng sinh, luôn phải dẫn người mới vào. Ngài sẽ không thể từ chối các đệ tử của ta tiếp nhận dạy bảo của ngài”.

Đức Phật nói: “Đương nhiên, ta không từ chối”.

Vậy là Ba Tuần tiếp tục nói: “Tới khi Pháp của Ngài mạt Pháp, ta sẽ kêu đồ tử, đồ tôn của ta trà trộn vào trong tăng bảo của Ngài, mặc cà sa của Ngài, xuyên tạc kinh điển của Ngài, phá hoại giới luật và Phật Pháp của Ngài, đạt được mục đích mà ngày nay dùng vũ lực cũng không thể làm được”.

Nghe xong những lời của Ma vương, Phật Tổ không nói gì một hồi lâu, hai hàng lệ từ từ rơi xuống. Ma vương thấy vậy, dẫn theo đám đông, cười ngạo mạn rồi rời đi.

Đức Phật nói với hình bóng của Ba Tuần: “Thời mạt Pháp, ta sẽ dẫn dắt đệ tử cởi bỏ cà sa, bước ra khỏi tu viện, tu thành trong một đời”.

Trong thời không ba chiều ngày nay, chính Pháp có thể khiến con người một đời tu thành đang được hồng truyền. Mọi người cũng có thể tìm thấy. Nhưng thành Phật, thành ma đều ở trong một niệm.

Cuộc đối thoại kỳ lạ giữa Ô Sào thiền sư và Bạch Cư Dị
Thiền sư và tướng quân. (NTDVN tổng hợp)

Thiền sư Hakuin Ekaku là một nhà sư của phái Rinzai trong thời kỳ Edo ở Nhật Bản, là bậc đại đức thiền tông nổi tiếng.

Một hôm, một vị tướng quân tới bái kiến Thiền sư, cầu thiền vấn đạo, xin Thiền sư cho ông được thể nghiệm một chút về địa ngục và Cực Lạc thực sự ra sao. Thiền sư Hakuin Ekaku không thèm để ý, tỏ thái độ khinh thường. Người tướng quân vô cùng kinh ngạc, vì phép lịch sự, ông lại hỏi lại một lần nữa. Không ngờ, một nụ cười khinh bỉ xuất hiện trên khóe miệng của Thiền sư, vẫn không có câu trả lời.

Vị tướng quân chưa từng gặp người dám vô lễ với mình, không chịu được, lớn tiếng quát: “Ông là Thiền sư gì chứ, chỉ là lão hoà thượng vô lễ, cuồng vọng”.

Thiền sư Hakuin Ekaku cười lớn, khắc nghiệt chế giễu nói: “Ông là tướng quân ư, theo tôi thấy ông giống kẻ ăn xin hơn”.

Vị tướng quân nghe vậy, nổi giận bừng bừng: “Xem ta giết ngươi”, nói rồi tiện tay rút kiếm định chém thiền sư.

Đúng lúc đó, Thiền sư ung dung nói: “Cánh cửa địa ngục là được mở ra như thế”.

Vị tướng quân chợt tỉnh ra, lập tức rút kiếm lại, hai tay hợp thập, cúi đầu quỳ lại Thiền sư: “Mạt tướng ngu si, đã quá mạo phạm, mong Thiền sư tha tội”.

Thiền sư Hakuin Ekaku mỉm cười nói: “Cánh cửa Thiên đường là được mở ra như thế”.

Rốt cuộc Thiên đường, địa ngục ở đâu? Chính là phân biệt ở một niệm thiện ác của chúng ta.

Theo Xinbuxinyouni

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Một niệm thành Phật, một niệm thành ma - Thiên đường, địa ngục trong một niệm