Người Scotland thời Trung cổ có phải người đầu tiên chơi golf không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong các tác phẩm điện ảnh và truyền hình hiện đại, chúng ta thường thấy những người giàu có và quyền lực chơi golf trên thảm cỏ xanh với cây gậy trên tay. Golf vốn được mệnh danh là môn thể thao quý tộc, nó bắt nguồn từ đâu? 

Môn thể thao golf hiện đại được cho rằng có nguồn gốc ở Scotland. Bản ghi chép đầu tiên về golf ở Scotland là lệnh cấm chơi trò chơi này của vua James II vào năm 1452, vì nó khiến quân sĩ bỏ bê luyện tập bắn cung. Sau này, vua James IV dỡ bỏ lệnh cấm này vào năm 1502.

Liệu golf có thực sự bắt nguồn từ Scotland thời trung cổ như người ta vẫn thường nghĩ?

Chủy hoàn

Chủy hoàn (đánh quả bóng nhỏ) là một trò đánh bóng phổ biến ở Trung Quốc cổ đại, trên sân có các lỗ và đánh bóng bằng gậy. Chủy hoàn chính thức xuất hiện vào cuối triều đại Bắc Tống, và trong các triều đại Liêu, Kim, Nguyên, Minh sau đó, Chủy hoàn đã trở thành một môn thể thao ngoài trời phổ biến. Bất kể là từ việc sản xuất gậy đánh, kích thước quả bóng, cách bố trí sân chơi cho đến luật thi đấu, nó có rất nhiều điểm tương đồng với môn thể thao golf ngày nay.

Vào năm Chí Nguyên thứ mười chín (1282) thời Hốt Tất Liệt, tác giả Ninh Chí Trai đã viết cuốn sách "Hoàn Kinh", trong đó giới thiệu dụng cụ, cách chơi, luật thi đấu, các phương pháp và chiến thuật đánh bóng của Chủy hoàn. Cuốn sách này cũng đề cập rằng, hai vị vua nhà Tống và nhà Kim là Tống Huy Tông và Kim Chương Tông đều rất yêu thích Chủy hoàn. Gậy đánh của Tống Huy Tông còn được trang trí bằng vàng, đầu gậy gắn ngọc, thậm chí cả túi bóng cũng được làm bằng gấm.

Nhiều chương của "Hoàn Kinh" cũng nói rõ về đạo đức và tinh thần khi vận động thể chất, luyện tập thể dục thể thao, chẳng hạn như có chương Kết bạn, chương Chính nghĩa, chương Thiện hành, chương Tập trung trí tuệ, chương Tri nhân, v.v. Qua đó thể hiện rằng nội hàm tinh thần trong văn hóa truyền thống Trung Hoa là lấy đạo đức làm gốc.

Nói về nguồn gốc của Chủy hoàn, một số học giả cho rằng nó có thể bắt nguồn từ trò cưỡi ngựa đánh bóng (còn gọi là Mã cầu hay Polo) thời nhà Đường. Mã cầu rất phổ biến trong giới quý tộc thời Đường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như giá ngựa đắt đỏ, địa điểm chơi hạn chế… nên những người yêu thích thi đấu mã cầu dần bỏ cưỡi ngựa và chuyển sang đánh bóng trên mặt đất. Trên cơ sở này, người Tống đã thay đổi khung thành thành một hốc bóng, giải quyết được vấn đề địa hình hạn chế.

Triều thần nhà Đường chơi Mã cầu, năm 706. (Bức bích họa ở phía tây hành lang của lăng mộ Hoàng tử nhà Đường - Lý Hiền)

Triều đại Joseon của Hàn Quốc có một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng tên là Choe Sejin (1468-1542), ông là người đã biên soạn cuốn sách "Phác Thông sự Ngạn giải". “Thông sự” có nghĩa là phiên dịch; “ngạn giải” có nghĩa là giải thích về các từ ngữ phổ biến ở Trung Quốc vào thời điểm đó. Theo tiêu đề của cuốn sách, đương thời một phiên dịch viên họ Park (Phác) ở đất nước Cao Ly (Goryeo) đã viết ra cuốn sách này theo cách phát âm chuẩn của phương ngữ Bắc Kinh. Thời đó, người Cao Ly đọc cuốn sách này để hiểu về cuộc sống ở Nguyên Đại Đô (nay là Bắc Kinh) và học tiếng Hán, nó cũng được coi như một tài liệu để học khẩu ngữ tiếng Hán.

Cuốn sách này mô tả phong thái và diện mạo của quan, dân ở Nguyên Đại Đô, phong tục dân gian ở kinh đô, đời sống thành thị, cũng như các ngày lễ ở Trung Nguyên, v.v. Có thể gọi nó là một bách khoa toàn thư để tìm hiểu cuộc sống của người dân Nguyên Đại Đô. Trong đó, "Chủy hoàn" cũng được giới thiệu chi tiết.

Dụng cụ

Về các dụng cụ cần thiết để chơi "Chủy hoàn", trong "Phác Thông sự Ngạn giải" có ghi: "Đem giỏ đựng và túi da của ta đến, lấy gậy đánh bóng ra”.

Ngày nay, mỗi khi chơi golf, người chơi mang theo một chiếc túi da dài đựng đầy các loại gậy khác nhau. Vào thời nhà Nguyên, khi mọi người đi đánh bóng, họ đặt tất cả vật dụng cần thiết vào "giỏ đựng" và "túi da" được đặc chế cho môn này. Hoặc là xách tay, hoặc là đeo trên lưng, rồi đi đến địa điểm chơi "Chủy hoàn". Bóng và gậy được sử dụng trong Chủy hoàn không khác nhiều so với trò golf ngày nay.

"Hoàn Kinh" viết, Chủy hoàn có nhiều loại gậy đánh khác nhau, chẳng hạn như "gậy thoán", “gậy phác” (tạm dịch: gậy phát bóng, gậy gạt bóng), v.v., có thể chọn loại gậy phù hợp trong các trường hợp khác nhau.

Về chất liệu của quả bóng, "Phác Thông sự Ngạn giải" nói: "Quả cầu làm bằng gỗ, hoặc mã não, to bằng quả trứng gà". Bóng đánh trong Chủy hoàn có kích thước gần như bóng chơi golf ngày nay.

Sân chơi

Sân chơi Chủy hoàn là một vùng đất rộng nhưng không bằng phẳng, giúp làm tăng sự thú vị và độ khó khi chơi. Mỗi sân có số lỗ khác nhau, được phân biệt bằng các cờ có màu sắc khác nhau.

"Phác Thông sự Ngạn giải" có viết, "Khi một người chơi đánh bóng, trước tiên đào một cái lỗ, sau đó đánh quả bóng vào lỗ”; hoặc "đào lỗ to bằng cái bát, gọi là ‘oa nhi’, hoặc có thể đào lỗ giữa cung điện và lầu các, hoặc đào lỗ trên bậc thang, hoặc đào lỗ trên mặt đất bằng phẳng”. Chúng tương tự lỗ golf ngày nay.

Còn trong "Hoàn Kinh" viết, khoảng cách giữa các hốc bóng có thể là từ vài chục bước chân cho đến trăm bước, tùy trường hợp mà sắp đặt khoảng cách cho phù hợp.

Để tăng độ khó của trò chơi, các lỗ chơi thời đó cũng có sự khác biệt. Theo "Phác Thông sự Ngạn giải", có một loại là "lỗ nền hoa", tức là tạo một lỗ trên nền gạch rồi cắm bông hoa lên để che cái lỗ đi; hoặc một loại lỗ khác là "lỗ nhà hoa", tức là trước tiên tạo một lỗ bóng trên mái nhà hoa, sau đó dùng gậy đánh bóng vào.

Từ bức “Minh Tuyên Tông hành lạc đồ” (Tranh vẽ Minh Tuyên Tông vui chơi) từ thời nhà Minh, có thể thấy địa điểm chơi Chủy hoàn của vua là một sân bằng phẳng với tổng cộng 10 lỗ. Để trò chơi thêm phần hấp dẫn, trên sân còn thiết kế một số chướng ngại vật như cây cối và gạch.

Ngày nay, trên sân golf cũng có những chướng ngại vật tương tự như Chủy hoàn.

Một phần bức tranh “Minh Tuyên Tông hành lạc đồ” vẽ thời nhà Minh. (Phạm vi công cộng)

Quy tắc

Về cách đánh Chủy Hoàn, cuốn "Phác Thông sự Ngạn giải" ghi lại khá rõ ràng: "Một người đánh quả bóng gỗ lên cao, bóng rơi vào lỗ", "Đánh quả bóng rơi vào lỗ thì thắng” , "Khi đánh bóng, bóng có thể bay lên, hoặc xiên [nửa vòng cung], hoặc xoáy, tùy thuộc vào vị trí của lỗ mà đánh", "Hoặc là đứng để đánh bóng, hoặc là quỳ xuống đánh, có rất nhiều tư thế".

Thể lệ chơi ghi trong “Phác Thông sự Ngạn giải” như sau: hoặc vài người, hoặc hơn chục người, chia làm hai nhóm để phân tranh thắng thua.

Theo "Phác Thông sự Ngạn giải", quy tắc tính điểm Chủy hoàn như sau: "Sau gậy đầu tiên, nếu bóng vào lỗ thì được hai điểm; nếu bóng không vào thì đánh tiếp ba gậy, bóng vào lỗ sẽ nhận được một điểm". Hai đội đánh luân phiên, đội nào đánh vào lỗ trước thì thắng.

Sự thịnh hành của Chủy hoàn

Thi đấu Chủy hoàn bắt nguồn từ Trung Quốc, cùng với việc truyền bá văn hóa, nó đã lan sang Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Cuốn "Vương triều Joseon thực lục" có nói khái quát về sự phổ biến của Chủy hoàn sau khi nó được đưa vào Triều Tiên. Bức bích họa "Sĩ nữ Chủy hoàn đồ" được khai quật từ ngôi mộ cổ Takamatsuzuka ở Nhật Bản mô tả cảnh các cô gái chơi đánh bóng.

Một số học giả nghiên cứu và nhận định rằng, Chủy hoàn có thể đã lan truyền về phía tây của Trung Quốc cổ đại theo cách sau: Hốt Tất Liệt thành lập triều đại nhà Nguyên, thống nhất giang sơn, cộng thêm ba cuộc viễn chinh trước đó của quân đội Mông Cổ đã mở rộng bờ cõi xuyên lục địa Á - Âu, nhờ đó Đế quốc Đại Nguyên trở thành triều đại có lãnh thổ lớn nhất trong lịch sử. Tuy xa xôi vạn dặm, các giáo sĩ La Mã, thương nhân từ nhiều quốc gia ở Châu Âu và sứ thần nước Nga cổ đại đều từng đến Nguyên Đại Đô thông qua các tuyến đường thủy hoặc đường bộ phát triển và an toàn. Mà vào thời đó, Chủy hoàn đang rất thịnh hành ở nhà Nguyên, có lẽ sau khi tới Trung Hoa, những người nước ngoài kia đã mang Chủy hoàn về nước của họ, khiến trò chơi này được truyền rộng về phương Tây.

Theo Hong Xi – The Epoch Times

Nam Phương biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Người Scotland thời Trung cổ có phải người đầu tiên chơi golf không?