Oan hồn nhập hồn kêu oan, phán quan xử án như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đường Tổng đốc chỉ tin lời của hồn ma, không coi trọng chứng cứ, suýt nữa đã tạo thành một vụ án oan sai. Còn Giang Tô Ty Lang trung Kỷ Dung Thư và Hình bộ Chủ sự Dư Văn Nghi, tuy gặp chuyện linh dị, nhưng tận trung chức thủ, cuối cùng đã minh oan được một vụ án khó khăn.

Oan hồn nhập hồn kêu oan

Năm Càn Long thứ 15 thời nhà Thanh (năm 1750), đồ ngọc trong nhà kho của quan phủ bị mất trộm, nha môn vội vàng triệu các hộ nô bộc, những người canh gác viên lâm đến, và tiến hành điều tra từng người một.

Hôm đó, phán quan thẩm vấn đến Thường Minh - chủ nhân của một gia đình nô bộc trông coi viên lâm. Trả lời thẩm vấn, Thường Minh đang nói thì bỗng nhiên giọng nói ông ta biến thành giọng của một đứa trẻ, nói rằng: “Đồ ngọc không phải ông ta lấy trộm, ông ta giết người. Tôi chính là người bị ông ta giết”.

Hiện tượng ly kỳ này khiến viên quan thẩm vấn kinh hãi, và chuyển vụ án lên bộ hình, do Giang Tô Ty Lang trung Kỷ Dung Thư và Hình bộ Chủ sự Dư Văn Nghi tiếp nhận vụ án.

Thường Minh bị đưa đến trước công đường, Kỷ Dung Thư và Dư Văn Nghi thẩm vấn rằng: “Ngươi có oan khuất gì?”

Hồn phách nhập vào thân Thường Minh trả lời: “Tôi là Lý Nhị Cách, năm nay 14 tuổi, nhà ở Hải Định, cha là Lý Tinh Vọng”.

Sau đó nó kể lại một mạch những gì nó đã gặp phải.

Tết Nguyên tiêu năm trước, Lý Nhị Cách theo Thường Minh đi xem lễ hội hoa đăng, trên đường trở về, Thường Minh thừa lúc đêm khuya thanh vắng đã trêu ghẹo Nhị Cách. Nhị Cách sợ hãi, dốc sức phản kháng, cậu nói với Thường Minh rằng: “Về nhà tôi sẽ nói với cha tôi”.

Thường Minh nghe vậy thì lo lắng sự việc bại lộ.

Hồn phách Nhị Cách nói tiếp: “Thường Minh dùng áo siết cổ tôi đến chết, sau đó chôn xác tôi dưới đáy sông. Cha tôi nghi ngờ Thường Minh giấu tôi đi, nên đã tố cáo đến chỗ viên quan phụ trách trị an của Kinh thành”.

Từ đó, oan hồn của Nhị Cách luôn theo bên Thường Minh. Ban đầu, oan hồn Nhị Cách không tiếp cận được Thường Minh, vì cứ gần là cảm thấy như lửa thiêu đốt, do đó, chỉ có thể cách xa ông ta 4, 5 thước. Dần dần, Nhị Cách có thể lại gần 2, 3 thước. Sau một thời gian nữa, lại có thể tiến gần đến khoảng 1 thước.

Hồn phách Nhị Cách nói: “Hôm qua, vì cảm thấy không nóng nữa, nên tôi mới có thể nhập vào người ông ta”.

Khi hồn phách Nhị Cách nhập lên thân Thường Minh thì ông ta mơ mơ màng màng giống như ngủ, như say rượu vậy.

Kỷ Dung Thư và Dư Văn Nghi nghe vậy thì cảm thấy rất kỳ lạ, bèn sai người chiểu theo tháng mà Nhị Cách nói, đi tra xét các hồ sơ vụ án. Quả thực họ đã lấy được hồ sơ vụ án mà khi đó cha Nhị Cách đã tố cáo. Sau đó lại sai người đến địa điểm chôn xác mà Nhị Cách nói, và họ cũng đã đào được thi thể.

Cha Nhị Cách nhận được thông báo, liền tới nhận xác. Nhìn thân thể vẫn chưa hoàn toàn bị phân hủy, ông nhân ra đó là con trai mình, liền khóc đau đớn không thành tiếng: “Là con trai của tôi”.

Hồn phách Nhị Cách cùng cha trò chuyện về những chuyện lặt vặt trong gia đình, chuyện nào cũng rất chi tiết.

Kỷ Dung Thư và Dư Văn Nghi giở xem hồ sơ vụ án, và xem xét từng chứng cứ, sau đó nói lớn: “Thường Minh, ngươi có nhận tội không?”

Lúc này, Thường Minh bỗng nhiên giống như từ trong mộng tỉnh lại. Ban đầu, biết sự việc đã bại lộ, Thường Minh vẫn giảo hoạt không nhận tội.

Hồn phách của Nhị Cách lại nhập vào Thường Minh nói. Cứ thế một người một hồn ma lần lượt tranh luận. Thường Minh thấy các chứng cứ đầy đủ, không thể nào che giấu được nữa, nên buộc phải nhận tội.

Giang Tô Ty Lang trung Kỷ Dung Thư - người phụ trách vụ án này, chính là phụ thân của Đại học sĩ triều Thanh Kỷ Hiểu Lam. Kỷ Hiểu Lam đã chép lại chuyện này vào trước tác “Duyệt Vi thảo đường bút ký”.

Trong bộ sách này, còn có một câu chuyện oan hồn kêu oan nữa.

Giả oan hồn kêu oan

Đây là một vụ án giết người, đã được Tổng đốc Đường Chấp Ngọc phúc tra xét xử rồi, hung thủ là Giáp.

Một đêm nọ, Tổng đốc Đường Chấp Ngọc một mình ngồi trước đèn, bỗng nhiên nghe thấy một tiếng khóc nho nhỏ, âm thanh này dần dần đến gần cửa sổ căn phòng của ông. Đường Chấp Ngọc gọi nữ tỳ đến, và nói: “Ngươi hãy ra xem ai đang khóc”.

Đường Chấp Ngọc gọi nữ tỳ đến, và nói: “Ngươi hãy ra xem ai đang khóc”. (Miền công cộng)

Nữ tỳ chạy ra, đột nhiên kêu thất thanh, rồi ngã vật ra. Đường Tổng đốc vội vàng vén rèm cửa lên, thấy một hồn ma người đầy máu me, đang quỳ dưới thềm đá.

Đường Tổng đốc kinh ngạc, lớn tiếng quát hồn ma. Hồn ma đó liền khấu đầu và nói: “Kẻ sát hại thảo dân là Ất, nhưng quan huyện lại phán xử nhầm hung thủ là Giáp. Oan thù của thảo dân không được báo thù, thảo dân chết không nhắm mắt”.

Ngày hôm sau, Đường Tổng đốc lại thẩm tra lại vụ án.

Đường Tổng đốc thấy y phục và giày của hung thủ mà mọi người cung cấp, lại rất phù hợp với y phục mà hồn ma đêm qua mặc, nên ông càng tin những điều mà hồn ma tối qua đã nói: Vụ án là do Ất phạm tội. Thế là Đường Tổng đốc sửa lại phán quyết là Ất chính là hung thủ.

Viên quan xét xử vụ án ban đầu nghe được tin này, cho rằng chứng cứ Giáp phạm tội là rõ ràng, không thể nào phán xử sai được, bèn biện luận với Đường Tổng đốc. Nhưng Đường Tổng đốc vẫn cứ kiên quyết giữ phán quyết của mình. Ông cho rằng: “Núi Nam có thể chuyển dịch, nhưng vụ án này không thể nào thay đổi được”.

Một người bạn của Đường Tổng đốc cảm thấy việc này có điều kỳ lạ, bèn khéo léo hỏi Đường Tổng đốc. Sau khi nghe Đường Tổng đốc kể chuyện đêm hôm trước, người bạn này cũng nhất thời không biết phản ứng ra sao.

Đến đêm, người bạn đến phủ của Đường Tổng đốc, và hỏi Tổng đốc rằng: “Hồn ma từ đâu đến?”

Tổng đốc nói: “Hồn ma tự đến trước thềm đá”.

Người bạn lại hỏi: “Hồn ma sau đó đi đâu?”

Tổng đốc trả lời: “Nó bỗng nhảy qua tường ra đi”.

Người bạn nghe xong, ngẫm nghĩ một chút rồi nói: “Hồn ma có ngoại hình nhưng không có thực chất, khi rời đi lẽ ra phải là lập tức biến mất, không thể nhảy qua tường ra đi được”.

Sau đó, người bạn tới chỗ bức tường đó, rồi lại đi dọc theo bức tường, ra phía ngoài của bức tường quan sát. Ông ấy phát hiện ra là ngói trên nóc bức tường không bị vỡ, nhưng vì mới có mưa, mà trên ngói nóc có thấp thoáng dấu chân người, hơn nữa lại còn kéo dài đến tận dưới tường bao bên ngoài.

Người bạn hô lớn: “Đây ắt là tù phạm đã mua chuộc kẻ cướp có thân thủ khỏe mạnh làm ra việc này”.

Đường Tổng đốc nghe xong, trầm tư suy nghĩ một lúc, bỗng nhiên bừng tỉnh ngộ, biết là mình đã bị mắc lừa.

Ngày hom sau, Đường Tổng đốc bèn phát quyết theo bản án ban đầu: Hung thủ là Giáp, không thay đổi.

Cũng vì việc này mà Đường Tổng đốc e dè, không truy cứu sâu thêm nữa.

Đường Tổng đốc chỉ tin lời của hồn ma, không coi trọng chứng cứ, suýt nữa đã tạo thành một vụ án oan sai. Còn Giang Tô Ty Lang trung Kỷ Dung Thư và Hình bộ Chủ sự Dư Văn Nghi, tuy gặp chuyện linh dị, nhưng tận trung chức thủ, cuối cùng đã minh oan được một vụ án khó khăn.

Nguồn: Duyệt Vi thảo đường bút ký

Thường Sơn Tử - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Oan hồn nhập hồn kêu oan, phán quan xử án như thế nào?