Ông lão điên thấy trước được nhà Minh khai triều lập quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên đường phố Nam Xương thời nhà Nguyên, Trung Quốc, có một người hành vi điên điên khùng khùng, nói những lời vô lý ‘Cáo thái bình’, tên gọi Chu Điên, khi đó thiên hạ đang an định, người ta đều cho đó là lời của người điên, không thèm để ý. Khi Chu Nguyên Chương hành quân qua đó, Chu Điên liền dập đầu bái lạy. Ai hay vài năm sau, Chu Nguyên Chương lập ra triều Đại Minh, hóa ra Chu Điên là một cao nhân có năng lực biết trước sự việc.

Chu Điên sống vào thời nhà Minh, người Kiến Xương (nay thuộc Vĩnh Tu Giang Tây), người ta không biết lai lịch của ông. Năm 14 tuổi, ông như bị bệnh điên, chạy đến đường phố Nam Xương xin ăn, nói năng lung tung cả, người ta gọi ông là thằng điên. Đến năm ông khoảng 30 tuổi, hành vi quái dị, cứ có quan mới về nhậm chức là ông tới xin yết kiến, đồng thời nói ra ‘Cáo thái bình’. Khi ấy thiên hạ tuy bất ổn nhưng vẫn chưa xuất hiện đại loạn, người ta không hiểu ông nói cái gì, cho đó là hồ ngôn loạn ngữ.

Chỉ vài năm sau, thiên hạ nhà Nguyên biến loạn không ngày nào yên. Khi Trần Hữu Lượng xưng đế chiếm cứ Nam Xương, Chu Điên lại ẩn thân, không nói gì với Trần Hữu Lượng cả. Sau đó, Chu Nguyên Chương công phá Nam Xương, Chu Điên ra bên trái đường Đông Hoa Môn quỳ xuống bái lạy. Đây là lần đầu tiên Chu Nguyên Chương trông thấy Chu Điên. Chu Nguyên Chương quay về Kim Lăng, Chu Điên cũng theo về Kim Lăng.

Lúc Chu Nguyên Chương đích thân dẫn quân xuất chinh, Chu Điên tới yết kiến. Chu Nguyên Chương hỏi: ‘Ông tới đây làm gì?’

Chu Điên đáp: ‘Cáo thái bình’;

Chu Nguyên Chương mỗi lần ra ngoài, ông đều đi theo, đều nói một câu như vậy. Có lần Chu Nguyên Chương trông thấy từ xa, Chu Điên thò tay vào ngực như móc cái gì, rồi cho vào miệng, hỏi ông làm gì đó, đáp rằng: ‘con rận’, lại hỏi: ‘mấy con?’, ông bảo: ‘Nhị tam đấu’ (hai, ba đấu).

Ngôn hành kỳ quái của Chu Điên khiến Chu Nguyên Chương cảm thấy bất an. Một hôm Chu Nguyên Chương cho Chu Điên uống rượu thật say, nhưng ông uống mãi không say. Hôm sau lại xuất hiện trước mặt Chu nguyên Chương, còn kêu ca là nhiều rận quá. Thế là Chu Nguyên Chương sai người thay cho ông bộ quần áo mới, bộ cũ ở vùng eo lộ ra một bó cỏ Xương Bồ dài khoảng ba thốn.

Chu Nguyên Chương hỏi: ‘Cái này có công dụng gì?’

Chu Điên nói: ‘Nhai thật kỹ, xong uống nước, hết đau bụng.’

Về sau này Chu Điên càng điên càng lợi hại, Chu Nguyên Chương lệnh cho người bỏ Chu Điên vào một cái vại lớn, dùng một, hai bó sậy to để xông khói ông, sau khi lửa tắt mở ra xem, thấy ông chỉ rịn chút mồ hôi. Sau đó Chu Nguyên Chương lệnh cho ông mang lương thực đến chùa Sơn Phật, tách ông ra nhằm tránh bị quấy rầy.

Một hôm, có hòa thượng từ chùa đến, tâu rằng Chu Điên tranh ăn với người ta, nổi giận tuyệt thực đã nửa tháng nay rồi. Hôm sau, Chu Nguyên Chương đích thân tới thăm Chu Điên, tới gần chùa, từ xa đã trông thấy Chu Điên ra đón, chân bước nhẹ nhàng, trên mặt không có biểu hiện gì là bị đói cả. Chu Nguyên Chương thấy thật kỳ dị, liền bày tiệc khoản đãi ông, sau đó cho người giữ ông trong nhà suốt một tháng, không cung cấp thức ăn nước uống, xem ông phản ứng ra sao. Kết quả thấy Chu Điên đúng là có khả năng không ăn không uống, siêu xuất thường nhân. Các tướng sĩ thấy ông như có Thần thông, tranh nhau dâng rượu cùng đồ ăn, ông ăn vào lại nôn ra hết, đến khi Chu Nguyên Chương tới ăn cùng thì ông mới hết nôn ra.

Năm 1359, Trần Hữu Lượng bắt ép Từ Thọ Huy - thủ lĩnh hồng quân, người tự xưng đế, dời đô về Giang Châu (nay là Giang Tây Cửu Giang), tự lập làm Hán Vương.

Lúc này, Chu Nguyên Chương chuẩn bị chinh thảo Trần Hữu Lượng, hỏi Chu Điên: ‘Lần này xuất binh được chứ?’

Chu Điên đáp: ‘Được’

Hỏi tiếp: ‘Hắn ta đã xưng đế, chiến thắng hắn chẳng phải là khó lắm sao?’

Chu Điên ngẩng mặt nhìn trời, nghiêm túc nói: ‘Trên Thiên Thượng không có chỗ của hắn.’

Khi Chu Nguyên Chương quyết định xuất chinh, hỏi Chu Điên: ‘Chuyến này mang ông đi cùng, được chứ?’

Chu Điên đáp: ‘Được!’.

Nói rồi, CHu Điên vơ lấy gậy, chạy lên trước ngựa của Chu Nguyên Chương, giống như khí thế của tráng sĩ múa giáo xông lên, biểu hiện dự triệu tất thắng của trận này.

Đoàn chiến thuyền hành quân tới An Huy An Khánh (Hoán Thành), không có gió, cử người hỏi Chu Điên, ông đáp ngay: ‘Cứ tiến quân! Cứ tiến là có gió, nhát gan không tiến thì không gió!’

Chỉ quản việc tiến lên! Dũng cảm tiến, lộ tự thông! (Pixabay)

Chu Nguyên Chương liền ra lệnh kéo thuyền tiến lên. Lúc sau có gió nhẹ nổi lên, đi được mười dặm thì gió to thổi tới, đoàn thuyền thuận lợi tiến thẳng vào Tiểu Cô.

Trong chiến trận, Chu Nguyên Chương sợ ông hồ ngôn loạn ngữ làm náo loạn lòng quân, nên phái người canh chừng. Thuyền binh vào vị trí, thấy một con cá heo sông bơi lội, Chu Điên thốt lời: ‘Thủy quái xuất hiện, nhiều người bị thương!’

Người đi theo ông mang lời ấy báo cáo Chu Nguyên Chương, Chu Nguyên Chương không cho là đúng, về sau quả nhiên có một số binh sĩ bị chết đuối dưới sông.

Có mười bảy, mười tám binh sĩ lôi Chu Điên tới bên bờ sông Hồ Khẩu để dìm chết ông. Hì hục nửa ngày mà chẳng làm ông hề hấn gì. Thuyền tới Hồ Khẩu, ông lại quay về gặp Chu Nguyên Chương, đòi ăn cơm. Chu Nguyên Chương sai người mang cơm ra, ăn xong, Chu Điên chuẩn bị y phục, giống như chuẩn bị đi xa.

Ông tới trước Chu Nguyên Chương hành lễ, vươn cổ ra nói: ‘Ngài giết đi!’

Chu Nguyên Chương bảo: ‘Bị ông làm phiền đủ rồi, cũng không dám giết ông, thôi thả để ông đi thật xa.’

Nói rồi, Chu Nguyên Chương sai người chuẩn bị cho ông lương khô ăn đường. Họ thấy Chu Điên đi về hướng Lư Sơn, sau đó biệt tăm biệt tích.

Sau đại chiến ở Bành Lãi, Chu Nguyên Chương quay về đường sông, quân binh giỏi thủy chiến, củng cố thế trận. Lúc nghỉ ngơi, phái người tới chân núi Lư Sơn hỏi thăm tung tích Chu Điên. Người ta đều nói là chưa bao giờ nhìn thấy ông. Có một hộ ở trong vùng cỏ rậm nói: ‘Ngày trước, có một vị cao gầy tới chỗ tôi, nói: ‘Được rồi, ta bảo thái bình tới rồi đó. Ngươi là dân thường, hãy chuyên tâm trồng cấy’, rồi ông ấy ở nhà tôi nửa tháng, cũng không ăn uống gì. Sau đó ông lên núi Lư Sơn, bặt tích.’

Năm Chí Chính thứ 23, Chu Nguyên Chương bao vây Vũ Xương, năm thứ hai bình định Hồ Bắc, năm Chí Chính thứ 25 bình định Giang Triết, tiến binh vào Trung Nguyên, Lưỡng Quảng, Phúc Kiến, thống nhất thiên hạ lên ngôi, tôn xưng Minh Thái Tổ.

Tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 16, bỗng nhiên có một vị hòa thượng chân trần tên gọi Giác Hiển tới Kim Lăng, tìm quan phụ trách nghi lễ nói rằng, tại một sơn động trong núi sâu vùng Lư Sơn, trông thấy một ông lão, ông ta bảo tôi tới tìm Hoàng đế triều Minh, gửi gắm mấy lời. Quan nghi lễ hỏi lời gì, ông đáp: ‘Quốc vận hòa khí số’ (tức là thời gian duy trì tồn tại của vương triều.)

Tin báo lên vua, Minh Thái Tổ nghe xong ngẫm nghĩ, người dối trá có nhiều, làm thân Hoàng đế nếu nghe nhầm tin nhầm, e là bị bách tính đàm tiếu, nên không tiếp kiến hòa thượng. Vị hòa thượng chân trần này lưu lại kinh thành tới bốn năm rồi mới quay về Lư Sơn, luôn một mực muốn gặp Minh Thái Tổ. Thái Tổ chỉ gửi cho ông hai bài thơ. Hai năm sau đó, Thái Tổ cho người đi nghe ngóng kiếm tìm, nhưng không có chút tin tức gì về Chu Điên nữa.

Bốn năm sau, Minh Thái Tổ mắc bệnh nhiệt rất nặng, sắp chết. Đột nhiên, hòa thượng chân trần kia lại xuất hiện cầu kiến, nói: ‘Thiên Nhãn Tôn Giả và Chu Điên Tiên Nhân sai tôi mang thuốc đến cho ngài.’

Ban đầu Thái Tổ không muốn gặp, sau nghĩ lại: ‘Ta có bệnh, người ta mang thuốc tới, không kể thực hư thì cũng nên tiếp kiến’, thế là cho gọi hòa thượng vào.

Hòa thượng mang đến hai loại thuốc, một loại gọi là Ôn Lương Dược, hai miếng; loại kia gọi là Ôn Lương Thạch, có một miếng. Thái Tổ khi ấy có lẽ sắp lìa trần, bèn uống ngay. Qua hai canh giờ, Hoàng đế thấy toàn thân cơ bắp chuyển động, ngay đêm ấy bệnh đã khỏi, tinh thần cũng ngày một tốt lên. Sau khi dùng hai lần thuốc, ngửi thấy hương vị cỏ Xương Bồ, đáy cốc còn lắng chút chu sa màu hồng, trông không giống chu sa ở trần thế.

Thái tổ hỏi hòa thượng về Chu Điên.

Hòa thượng kể lại đầu đuôi cuộc gặp: ‘Tôi ở chùa Thiên Trì, cách sơn động hơn 5 dặm. Bỗng một hôm có vị Đạo sĩ họ Từ tới, nói chùa Trúc Lâm mời tôi đi, tôi đi cùng ông ấy. Tới chùa Trúc Lâm, trông thấy Thiên Nhãn Tôn Giả, không lâu sau có một vị khoác áo cỏ đi tới, tôi hỏi Thiên Nhãn Tôn Giả đó là ai, trả lời là Chu Điên, là người hoàng thượng đang tìm kiếm. Nay hoàng thượng bị bệnh nhiệt, ngài mau mang thuốc cho hoàng thượng.’

Hòa thượng còn bảo: ‘Thơ của Thiên Nhãn Tôn Giả cùng Chu Điên và hoàng thượng, được viết lên tảng đá.’

Minh Thái Tổ hỏi: ‘Ông có nhớ bài thơ đó không?’ hòa thượng trả lời: ‘Có!’, liền viết lại đưa cho hoàng đế.

Thái tổ mới xem qua, thấy không vần điệu, cũng chẳng đối xứng cung bậc gì cả, ngôn từ thô lậu không giống thi ca. Thế là, Minh Thái Tổ phái người đi Lư Sơn mời Chu Điên, khi sứ giả đến nơi thì không thấy bóng người. Thái Tổ bèn lấy bài thơ ra xem kỹ lại, mới thấy ngôn từ không phải tầm thường, câu văn chất phác không hoa mỹ, nhưng chứa đựng tất cả đạo lý trị quốc cùng phúc họa tồn vong của quốc gia bên trong. Cho nên, Minh Thái Tổ đã ghi lại câu chuyện “Chu Điên Tiên chuyện”, kể lại sự tích, lưu lại cho hậu thế.

Nguồn tư liệu: “Minh sử - Liệt truyện hồi 178”, “Ngự chế Chu Điên Tiên Nhân truyện”

Thái Nguyên - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông lão điên thấy trước được nhà Minh khai triều lập quốc