Phụ nữ dưới 50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn nam giới: Nghiên cứu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, số lượng bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi đã thay đổi, với tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ trẻ hiện nay cao hơn nam giới. Một nghiên cứu mới cho thấy xu hướng này cũng đang lan sang các nhóm phụ nữ lớn tuổi hơn.

Các tác giả của bài báo đăng trên Tạp chí Ung thư của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã kiểm tra tỷ lệ mắc ung thư phổi và phế quản từ năm 2000 đến năm 2019 theo từng khoảng thời gian 5 năm, tập trung vào giới tính, tuổi tác và năm chẩn đoán của bệnh nhân.

Kết quả phân tích cắt ngang cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ở nam giới giảm mạnh hơn từ năm 2000 đến năm 2004 và từ năm 2015 đến năm 2019.

Ngược lại, tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ từ 35-54 tuổi lại tăng lên trong cùng thời kỳ này, cho thấy hiện tượng "đảo ngược lịch sử (nam giới vốn có tỷ lệ cao hơn)".

Ở nhóm từ 50-54 tuổi, tỷ lệ nam giới mắc bệnh trên 100.000 người giảm mạnh hơn gấp đôi so với nữ giới, lần lượt giảm 44% và 20%. Điều này dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh nữ/nam tăng từ 0,73 (giai đoạn 2001-2004) lên 1,05 (giai đoạn 2015-2019).

Chỉ phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nam giới. Tuy nhiên, khoảng cách này đang thu hẹp dần theo thời gian.

Nghiên cứu này dựa trên một bài báo năm 2018 được tài trợ bởi Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ.

Xu hướng liên quan

Những phát hiện này khiến các nhà nghiên cứu lo ngại không chỉ vì số phụ nữ bị ảnh hưởng ngày càng tăng, mà còn bởi hút thuốc lá không phải là nguyên nhân của mọi trường hợp mắc bệnh ung thư phổi và phế quản. Nhiều nguồn gốc của bệnh vẫn chưa được biết.

Tiến sĩ Ahmedin Jemal, phó chủ tịch cấp cao về giám sát và khoa học công bằng sức khỏe tại American Cancer Society và tác giả chính của bài báo cho biết trong một tuyên bố:

“Chúng tôi không biết tại sao tỷ lệ phụ nữ trẻ tuổi và trung niên mắc ung thư phổi hiện nay lại cao hơn nam giới, nó hoàn toàn đảo ngược mô hình lịch sử. Nhất là khi tỷ lệ hút thuốc lá ở phụ nữ trẻ không cao hơn nam giới”.

Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học trước đây cho thấy hút thuốc lá khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ năm 1993 đã kết luận rằng tỷ lệ mắc ung thư phổi do hút thuốc ở phụ nữ chênh lệch gấp ba lần so với nam giới (27,9 - 9,60).

Một nghiên cứu lớn hơn được công bố trên Tạp chí Ung thư Anh năm 2014 đã kết luận rằng “hút thuốc lá nhiều có thể khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn nam giới”.

Nguy cơ mắc ung thư phổi ở phụ nữ Châu Á

Phụ nữ châu Á cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi do yếu tố di truyền - ngay cả khi họ chưa bao giờ hút thuốc lá.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Genetics, các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ về ba vùng di truyền được thừa hưởng khiến phụ nữ châu Á chưa bao giờ hút thuốc dễ mắc ung thư phổi. Những vùng này khác biệt với các vùng di truyền liên quan đến ung thư phổi do hút thuốc lá.

Nghiên cứu tổng hợp này bao gồm 14 nghiên cứu và có sự tham gia của hơn 10.000 phụ nữ châu Á chưa bao giờ hút thuốc và nhóm đối chứng.

Kết quả cho thấy sự khác biệt về DNA của đối tượng tại ba vị trí - hai trên nhiễm sắc thể số 6 và một trên nhiễm sắc thể số 10 - có liên quan đến ung thư phổi ở phụ nữ châu Á chưa bao giờ hút thuốc.

Những cách giúp bạn bỏ thuốc lá

Theo một nghiên cứu được công bố trên BMJ Open, một người muốn bỏ thuốc lá có thể phải mất từ ​​8-11 lần nỗ lực, nhưng chỉ cần quyết tâm, bỏ thuốc lá hoàn toàn là có thể. CDC khuyến nghị các chiến lược sau để chuẩn bị thành công:

  1. Tạo môi trường không hút thuốc
  • Vứt tất cả thuốc lá trong nhà, trong xe hơi và nơi làm việc trước khi bạn bỏ thuốc.
  • Vứt bỏ những thứ bạn sử dụng khi hút thuốc, chẳng hạn như bật lửa, diêm và gạt tàn.
  • Giặt quần áo và bất cứ thứ gì có mùi khói thuốc lá.
  1. Nói với mọi người rằng bạn đang cố gắng bỏ thuốc

Nói với bạn bè rằng bạn dự định bỏ thuốc. Hãy yêu cầu họ ủng hộ quyết định của bạn, đặc biệt là những đồng nghiệp hiện đang hút thuốc, bằng cách yêu cầu họ không hút thuốc xung quanh bạn và hạn chế mời bạn hút thuốc.

Hãy thông báo điều này cho nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn, bao gồm bác sĩ chăm sóc chính, nha sĩ, nhân viên tư vấn, dược sĩ và y tá. Họ có thể hỗ trợ thêm và đưa ra đề xuất về cách bỏ thuốc.

  1. Hãy chú ý đến những cám dỗ
  • Tránh xa những nơi bán thuốc lá.
  • Tránh những tình huống mà bạn sẽ bị cám dỗ hút thuốc và có sẵn thuốc lá.
  • Hủy đăng ký nhận chương trình khuyến mãi hoặc tờ rơi quảng cáo sản phẩm của các công ty tiếp thị thuốc lá qua email.

Theo Mary Gillis - The Epoch Times
Hoàng Tuấn

Mary Elizabeth Gillis là phóng viên sức khỏe và chuyên gia về tim phổi với hơn một thập kỷ kinh nghiệm. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về sinh lý học ứng dụng, cô lấy bằng thạc sĩ khoa học về báo chí tại Đại học Columbia.



BÀI CHỌN LỌC

Phụ nữ dưới 50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn nam giới: Nghiên cứu