Quỷ Cốc Tử: Dùng Đạo thuyết giảng binh pháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Binh pháp gia tôn Quỷ Cốc Tử là Thánh nhân, Tung hoành gia tôn ông là Thủy tổ, người toán mệnh chiêm bói tôn ông là Sư tổ, Đạo giáo coi ông ngang với Lão Tử.

Thời kỳ Chiến Quốc, trên một quả núi có tên là Thanh Khê Quỷ Cố (thành phố Hạc Bích, Hà Nam ngày nay), có một ông lão ẩn cư, được mọi người tôn xưng là Quỷ Cốc Tử. Ông vốn tên là Vương Hủ, ngày ngày trên núi đọc sách, đả tọa, thiền định, không giao tiếp với thế nhân, sống cuộc sống tách biệt với thế gian.

Nhưng hơn 2000 năm nay, Binh pháp gia tôn Quỷ Cốc Tử là Thánh nhân, Tung hoành gia tôn ông là Thủy tổ, người toán mệnh chiêm bói tôn ông là Sư tổ, Đạo giáo coi ông ngang với Lão Tử, tôn ông là Vương Thiền Lão Tổ.

Cả đời Quỷ Cốc Tử chỉ xuống núi có một lần, chỉ thu nhận 4 đồ đệ: Bàng Quyên, Tôn Tẫn, Tô Tần, Trương Nghi. Trước khi vào núi, 4 người này đều là những vô danh tiểu tốt, sau khi xuất sơn thì lưu danh thiên cổ, rực rỡ hào quang.

Bốn người này vận dụng binh pháp thao lược và thuật tung hoành biện luận mà Quỷ Cốc Tử truyền thụ, làm quan tướng các nước. Tất cả những thành công này đều là nhờ Quỷ Cốc Tử ngôn truyền thân giáo.

Thời thế thiên hạ

Cái gọi là thời của thiên hạ, chính là xu hướng vận động của đại thế của thiên hạ. Cái gọi là thế của thiên hạ, chính là các đạo lực thúc đẩy đại thế của thiên hạ.

Nếu ví thiên hạ với biển, thì hướng gió là thời, dòng thủy lưu do gió mà động thì gọi là thế. Năm bắt được thời thế tức là làm chủ dòng chảy. Thời thế thiên hạ ảo diệu khôn lường, quỷ Thần khó đoán, ngàn vạn biến hóa trong chớp mắt. Thánh nhân biết thời thế, tùy thời mà dụng thế, do đó thế gian thịnh trị. Kẻ gian tặc nghịch thời sinh thế, do đó làm loạn thế gian.

Đoán thiên hạ

Đoán tình hình chính là đánh giá cái tâm của người khác. Nếu là đoán người, thì phải xem xét lời nói, quan sát nét mặt, nghe tiếng nói, xem hành động của người ta, sau đó suy đoán ra hướng đi của cái tâm của họ.

Nếu đoán thiên hạ, thì cần nhìn thấu tình hình quốc gia, xem xét họ có nguồn tài lực không, người dân nhiều hay ít, địa hình hiểm trở hay không, sức mạnh quân sự mạnh hay yếu, vua tôi hiền hay ngu, thiên thời họa hay phúc, lòng dân quy về hay chống lại, sau đó suy đoán ra quốc vận là thịnh hay suy, là hưng hay vong.

Nếu đoán thiên hạ, thì cần nhìn thấu tình hình quốc gia, xem xét họ có nguồn tài lực không, người dân nhiều hay ít, địa hình hiểm trở hay không... (Ảnh: Pixabay)

Mưu kế định sau mới hành động

Chơi cờ không thể thiếu quân cờ, mỗi bên có trong tay 180 quân cờ vây. Quân cờ để trong hộp cờ thì vĩnh viễn là cờ chết, chỉ đặt vào trong cuộc cờ thì mới sinh động, thì mới thành thế cuộc biến hóa khôn lường.

Nếu một quân cờ lạc nước, nhẹ thì mất đất tổn binh, nặng thì thất bại toàn cuộc. Thế nên, bất kỳ nước đi nào cũng ắt phải mưu định rồi mới hành động.

Cơ tâm và Đạo tâm

Cơ tâm là thuật, nếu không có Đạo tâm chế ngự thì thuật càng cao, hành động càng sai lệch, cuối cùng, không chỉ khó thành bậc đại khí, mà e rằng muốn giữ mạng cũng khó làm nổi.

Trên đời có bao nhiêu người chìm đắm về điều này, họa giáng xuống mình, vạ lây người khác.

Bốn cảnh giới ngộ Đạo

Ngộ Đạo có 4 tầng cảnh giới, đầu tiên là Nghe Đạo, tiếp theo là Biết Đạo, tiếp nữa là Thấy Đạo, và cuối cùng là Đắc Đạo.

Trọng Ni (Khổng Tử), người nước Lỗ thời Xuân Thu nghe Đạo, nhưng không biết tại sao lại như vậy, thế là ông không quản cực khổ, đến Lạc Dương vấn Đạo bậc tiên Thánh Lão Đam (Lão Tử).

Bậc tiên Thánh luận về Đạo 3 ngày, Trọng Ni nhờ đó biết Đạo, đại ngộ đạo lý nhân thế, sau đó kiến lập nên tư tưởng Nho gia.

Thuật và Đạo

Bất kể học vấn nào cũng phân chia giữa Thuật và Đạo. Về học vấn binh pháp mà nói, thuật dụng binh là nhằm mục đích chiến thắng, còn Đạo dụng binh là mục đích nhằm không có tranh giành tranh đấu.

Theo “Binh pháp Tôn Tử”, chiến thắng lớn nhất chính là chinh phục quân đội nước khác mà không cần chiến đấu, không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Thế nên, người giỏi dụng binh thì không hiếu chiến, Đạo dụng binh ở chỗ không chiến tranh mà có thể khuất phục được quân đội người ta, hóa can qua thành ngọc lụa, là dùng 4 lạng chế ngự ngàn cân.

Thế nào là giỏi nói

Người giỏi nói, khi nói thì miệng như thác nước chảy, viện dẫn vận dụng rộng, có thể khiến người ta nghĩ đến những điều không muốn nghĩ, làm những việc không muốn làm. Còn khi không nói, thì thần định như núi, thế như mũi tên trên cây cung đã kéo căng, có thể khiến người ta tâm thần bất an, như rơi vào giữa đám mây mù 5 dặm.

Thế này gọi là không nói mà như đã nói, vô thanh thắng hữu thanh.

Quan sát thiên hạ

Quan sát thiên hạ cũng giống như quan sát núi từ xa, cũng không thể chỉ dựa vào cặp mắt, còn phải dùng trực giác và dùng tâm.

Quan sát núi xa, không nhất thiết phải leo lên núi, quan sát vực sâu, không nhất thiết phải xuống vực. Trái lại, nếu thực sự leo lên núi, thì ắt sẽ không quan sát được núi, xuống vực cũng ắt không quan sát được vực.

Cũng giống như chui vào trong rừng, chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Nếu muốn thấy được rừng, chỉ có thể đứng ở nơi cao tuyệt đỉnh mà nhìn xuống, phóng tầm mắt ngắm trông, dùng trực giác xem, lại dụng tâm xem.

Tam Đạo Thiên - Thánh - Nhân

Thiên Đạo là Đạo của tự nhiên, cũng là lý sinh khắc biến hóa của vũ trụ. Thánh Đạo là Đạo của nhân thế, cũng là cái lý an bang định quốc, thiên hạ đại đồng. Nhân Đạo là Đạo của nhân sinh, cũng là cái lý an cư lạc nghiệp, đối nhân xử thế.

Thế nào gọi là đoán ý

Cái gọi là đoán ý, chính là đón sở thích của họ, dẫn dụ tâm tình họ. Ví như đối phương là người liêm khiết thì dùng điều cương nghị chính trực nói, người này ắt sẽ vui thích. Vui thích thì ắt sẽ bộc lộ tình cảm. Nếu đối phương là kẻ tham lam, thì dùng tài vật kết giao, người này ắt sẽ vui thích. Vui thích thì ắt sẽ bộc lộ tình cảm. Nếu đối phương là kẻ háo sắc, nếu dùng mỹ sắc dụ dỗ, thì người này ắt sẽ vui thích. Vui thích thì ắt sẽ bộc lộ tình cảm.

Người giỏi đoán ý, giống như câu cá vực sâu, chỉ cần dùng mồi thích đánh thì cá ắt sẽ cắn câu.

Đạo thuật đóng mở

Đạo thuật đóng mở đều có căn cứ, cần tuân theo. Nếu đoán định đã xong, đã đánh giá lợi hại, thì có thể quyết định sẽ nói như thế nào. Thông thường mà nói, sẽ tùy theo người thế nào mà quyết định nói như thế nấy. Ví dụ nói với người trí tuệ, thì phải dựa vào hiểu biết rộng. Nếu nói với người hiểu biết rộng thì phải dựa vào biện luận sắc bén. Nếu nói với người giỏi biện luận thì phải dựa vào điều cốt yếu. Nếu nói với người cao quý thì phải dựa vào thế. Nếu nói với người giàu có thì phải dựa vào sự cao thượng. Nếu nói với người nghèo thì phải dựa vào lợi ích. Nếu nói với người hèn kém thì phải dựa vào khiêm tốn. Nếu nói với người dũng cảm thì phải dựa vào sự can đảm.

Trị sửa nhân tâm

Thiên hạ không thịnh trị là do nhân tâm không trị sửa. Nhân tâm không trị sửa là do dục vọng tham niệm hoành hành. Muốn trị sửa thiên hạ, thì đầu tiên cần phải trị sửa nhân tâm. Muốn trị sửa nhân tâm thì đầu tiên cần phải trị sửa những loạn tượng.

Thiên hạ không thịnh trị là do nhân tâm không trị sửa. Nhân tâm không trị sửa là do dục vọng tham niệm hoành hành. (Ảnh: Pixabay)

Cân bằng thế thiên hạ

Cái gọi là hợp tung, chính là giữ sự cân bằng lực lượng. Người Tần nếu không có sức mạnh thì hợp tung không thành.

Người Tần chỉ có giữ thế lực, giữ sự lớn mạnh, thì Tam Tấn mới có cảm nhận sự nguy cơ, thì mới vui lòng theo kế hợp tung. Tam Tấn chỉ có hợp tung thì mới khiến người Tần e dè, mới nỗ lực làm cho mình tự cường lớn mạnh hơn. Người Tần càng mạnh thì Tam Tấn càng hợp lại với nhau. Tam Tấn càng hợp lại với nhau thì người Tần càng mạnh, thiên hạ vì thế mà giữ được cân bằng.

Quyết đoán

Mọi việc trong thiên hạ đều nhờ lựa chọn, và cũng do lựa chọn mà thành. Sự kỳ diệu của nhân sinh là ở chỗ đó. Vạn sự vạn vật liên quan đến quyết đoán thì chỉ có 2 loại, một loại là việc dễ quyết, và một loại là việc không dễ quyết.

Việc dễ quyết chính là việc có thể đoán được trước mắt, các việc trong thiên hạ, đa phần đều là loại này.

Việc dễ quyết có thể chia thành 5 loại: thứ nhất là việc đáng làm; thứ hai là việc cao thượng, tốt đẹp; thứ ba là việc không tốn sức là có thể thành công; thứ tư là việc tuy tốn sức nhưng không thể không làm; thứ năm là việc đón lành tránh hung.

Việc không dễ quyết thì, nếu cả hai cách có hại thì chọn cái nhẹ, tức hại ít hơn, nếu cả hai cách có lợi thì chọn cái nặng, tức lợi nhiều hơn.

Vọng niệm

Trên đời này, chỉ có 2 loại người tâm không có vọng niệm, thứ nhất là người chết, và thứ hai là Thần nhân. Người phàm trần đều không phải 2 loại người này, ắt đều có vọng niệm, thế thì sao phải khống chế nó?

Trên đời này, chỉ có 2 loại người tâm không có vọng niệm, thứ nhất là người chết, và thứ hai là Thần nhân. (Ảnh: DKNTV)

Kiếm Đạo

Luận về kiếm Đạo, thiên hạ chỉ có 3 loại kiếm.

Thánh kiếm, còn gọi là kiếm Thiên Đạo, lấy Đạo làm sống kiếm, lấy đức làm lưỡi kiếm, lấy âm dương làm khí, lấy ngũ hành làm cán, trên có thể cắt đứt ánh sáng trời, dưới có thể cắt đứt mạch đất.

Hiền kiếm, còn gọi là kiếm quân tử, lấy muôn dân làm sống kiếm, lấy hiền thần làm lưỡi kiếm, trên ứng với Thiên Đạo, dưới thuận theo địa lý, giữa hòa với ý dân.

Tục kiếm, còn gọi là kiếm người, lấy thép tinh làm lưỡi kiếm, lấy hợp kim làm sống kiếm, lấy lạnh làm khí, trên có thể chém đầu, dưới có thể chặt chân, giữa có thể phá phủ tạng.

Thiên hạ phân hợp

Thiên hạ phân hợp, có 2 loại, thứ nhất là danh phân thực hợp, và thứ hai là danh hợp thực phân.

Chu Vũ Vương phân phong, là thuộc về danh phân thực hợp.

Năm thứ nhất nhà Tây Chu, đại thế trong thiên hạ là Chu thiên tử uy phục tứ phương. Chu Công chế lễ, chư hầu đều tuân theo vương mệnh, lễ nhạc có trật tự, nhờ đó nhà Tây Chu 400 năm thịnh trị.

Nhưng sau khi Chu Bình Vương dời đô về phía Đông, thì tình thế có những biến hóa, nhà Chu suy yếu, còn các chư hầu lớn mạnh, đại thế trong thiên hạ bắt đầu chuyển sang danh hợp thực phân, cuối cùng trở thành thế cuộc đại loạn như ngày nay.

Xem thời xét thế

Một người muốn nắm bắt tốt vận mệnh của mình, thì nhất định phải làm được “xem thời xét thế”, xem thời của thiên hạ, xét thế của thiên hạ.

Một người muốn nắm bắt tốt vận mệnh của mình, thì nhất định phải làm được “xem thời xét thế”, xem thời của thiên hạ, xét thế của thiên hạ. (Ảnh: Pixabay)

Cái gọi là thời của thiên hạ, chính là xu hướng vận động của đại thế thiên hạ. Cái gọi là thế của thiên hạ, chính là các loại Đạo lực của đại thế thiên hạ.

Nắm bắt được thời thế thì chính là làm chủ dòng chảy. Thời thế thiên hạ ảo diệu khôn lường, quỷ Thần khó đoán, ngàn vạn biến hóa trong chớp mắt. Thánh nhân biết thời thế, tùy thời mà dụng thế, do đó thế gian thịnh trị. Kẻ gian tặc nghịch thời sinh thế, do đó làm loạn thế gian.

Thuật đóng mở

Thuật đóng mở (bãi hạp), mở tức là nói, đóng tức là im lặng không nói. Thuật đóng mở chính là thuật mở miệng ngậm miệng, là học vấn luyện tập tài ăn nói, biết đóng biết mở, rất là hiếm có.

Khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ phải biết lúc nào cần mở miệng, lúc nào cần ngậm miệng. Lúc cần mở miệng thì mở miệng như thế nào, lúc cần ngậm miệng thì ngậm miệng như thế nào. Người ta vẫn thường nói: Phúc theo miệng mà vào, họa theo miệng mà ra, chính là nói về đạo lý này.

Tâm tình và Đạo tâm

Tâm tình và Đạo tâm thực ra không xung đột lẫn nhau. Đạo tồn tại ở bên trong vạn vật, tự khắc cũng tồn tại trong cái tình của thế tục. Thiên địa có âm dương, cầm thú có trống mái, thế nhân có nam nữ.

Âm dương tương hợp, trống mái tương phối, nam nữ tương hợp, đó là lẽ thường của Đạo. Tâm tình tức là Đạo tâm, Đạo tâm cũng là tâm tình. Sinh tình và tu Đạo, cả hai việc đều không trở ngại lẫn nhau, Không ngộ tâm tình thì khó mà hiểu đạo lý. Duyên đến thì tình đến, duyên dừng thì tình dừng. Tình đến thì tâm đến, tình dừng thì tâm dừng.

Phàm nhân đều có tâm chướng

Người ta thường nói, người không có người hoàn thiện. Câu này là nói rằng, phàm nhân đều có tâm chướng, hoặc biểu hiện là như thế này, hoặc biểu hiện là như thế kia.

Không coi ai ra gì, tự khoe khoang khoác lác, không muốn tìm hiểu sâu, thích cao xa viển vông, tranh đấu ghen tức, tự cho mình thông minh, những loại như thế này đều là tâm chướng do tự phụ. Hành vi kỳ quái, lầm lì ít nói, cũng không hòa đồng, loại tâm chướng này đều là do không tự tin. Cái gốc của tu Đạo chính là ở trừ bỏ tâm chướng.

Giác ngộ người khác

Trừ bỏ tâm chướng ở chỗ tự giác ngộ, giác ngộ đến cực đỉnh ở chỗ giác ngộ người khác. Tự giác ngộ không dễ, giác ngộ người khác càng khó khăn hơn.

Cũng có nghĩa là, các chướng ngại khác thì dễ trừ bỏ, nhưng tâm chướng thì rất khó trừ. Người không tự tin, người khác sao có thể khiến họ tự tin được? Người không tự tin cần phải ngộ Đạo, tu tâm. Người tự phụ cũng cần phải ngộ Đạo, tu tâm.

Núi không cần cao, có Tiên ắt nổi danh. Nước không cần sâu, có rồng ắt linh thiêng. Đọc sách không cần nhiều, mà cần tinh, cần lĩnh ngộ, như vậy mới có thể tu Đạo được.

Trung Hòa
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Quỷ Cốc Tử: Dùng Đạo thuyết giảng binh pháp