Raphael - Thiên sứ của Urbino - Họa sĩ nổi tiếng vẽ tranh Đức Mẹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Raphael" trong tiếng Ý, có nghĩa là Thiên Thần. Đúng như tên gọi,  Raphael Sanzio mang theo sứ mệnh của Thiên đường và trong thời gian ngắn ngủi trên thế gian, ông đã để lại những kiệt tác kinh điển.

Raphael (tên bằng tiếng Ý là Raffaello Sanzio hay Raffaello Santi) là một họa sĩ và kiến ​​trúc sư sinh năm 1483 tại thị trấn Urbino, tỉnh Marche, vùng đông bắc nước Ý.

Cha của Raphael là một họa sĩ cung đình. Từ khi còn nhỏ, Raphael được cha hướng dẫn kỹ năng hội họa. Sau khi cha qua đời, Raphael tiếp tục học vẽ với Perugino và trở thành họa sĩ vào năm 1500 khi mới 17 tuổi.

Quá trình phát triển và thành tựu nghệ thuật

Năm 1504, chàng trai Raphael 21 tuổi đã vẽ nên tác phẩm “Hôn lễ của Đức Mẹ đồng trinh", thể hiện khả năng hội họa về bố cục, sự cân bằng và miêu tả bối cảnh vượt trội so người thầy Perugino của mình. Đặc biệt là hình ảnh Đức Mẹ và Thánh Giuse được miêu tả trong tranh có khí chất tao nhã, khiến bức tranh trở thành một kiệt tác nghệ thuật hiếm có.

Năm 1504, Raphael 21 tuổi đã tạo ra bức tranh “Hôn lễ của Đức Mẹ đồng trinh" (Ảnh thuộc miền công cộng)

Cùng năm đó, Michelangelo đã hoàn thành kiệt tác “Tượng David”; kiệt tác “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci cũng được hoàn thành vào thời gian này.

Với tài năng nghệ thuật và sự chăm chỉ của mình, chàng trai trẻ Raphael đã đến Florence, trung tâm nghệ thuật của Ý. Raphael trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng như Michelangelo và Leonardo da Vinci, được các thế hệ sau ca ngợi là "Ba bậc thầy của nghệ thuật thời Phục hưng".

Nghệ thuật được tạo ra để ca ngợi Thiên Chúa đã tạo ra con người chứ không phải là nơi trút bỏ cảm xúc của nhân loại. Phần lớn các nghệ sĩ vĩ đại trong lịch sử và những kiệt tác được truyền từ đời này sang đời khác đều mô tả, ca ngợi sự vĩ đại và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người.

Bức tranh “Đức Mẹ trên đồng cỏ” của Raphael (Ảnh thuộc miền công cộng)

Trong số những bức tranh của Raphael, nổi tiếng nhất là loạt tranh về Đức Mẹ của ông: “Đức Mẹ Ansidei”, “Đức Mẹ trên đồng cỏ”, “Đức Mẹ Foligno”, "Đức Mẹ ngồi ghế", “Đức Mẹ Alba”, “Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng”, v.v. đều là những tác phẩm hoàn mỹ của ông. Trong số đó, kiệt tác "Đức Mẹ Sistine" vẫn nổi tiếng hơn cả.

Hình ảnh Đức Mẹ Maria thể hiện trong tranh của Raphael rất dịu dàng, xinh đẹp và thiêng liêng. Các chuyên gia cho rằng tranh về Đức Mẹ của Raphael có đủ nét đẹp của phụ nữ nhưng trên đời không thể có người phụ nữ nào sánh được. Đó là sự sáng tạo hoàn hảo của Raphael, kết hợp thần tính bên trong và những đặc điểm bên ngoài khi Đức Mẹ đến thế gian.

Bức tranh "Đức Mẹ Sistine" của Raphael, được vẽ trong giai đoạn 1513-1514, được lưu giữ tại bảo tàng nghệ thuật Dresden ở Đức (Ảnh thuộc miền công cộng)

Bức tranh "Đức Mẹ Sistine" có bố cục tam giác gồm Đức Mẹ, các vị Thánh và các Thiên Thần nhỏ rất trang nghiêm và cân đối. Đức Mẹ bế Chúa Giêsu ở giữa bức tranh với khuôn mặt xinh đẹp và hiền từ, cùng thần thái thanh tú và trang nhã, tư thế trang nghiêm. Ở phía dưới bức tranh có hai Thiên thần nhỏ với khuôn mặt ngây thơ đang nhìn Đức Mẹ và Chúa Giêsu từ không trung bay xuống...

Trong loạt tranh về Đức Mẹ, Raphael đã dành lòng tôn kính đẹp đẽ và thiêng liêng nhất mà con người có thể hiểu và diễn tả được đối với Đức Mẹ Maria.

Raphael có vẻ ngoài mảnh khảnh, khí chất hiền lành và lịch lãm. (Chân dung tự họa - Ảnh thuộc miền công cộng)

Raphael có vẻ ngoài mảnh khảnh, khí chất hiền lành và tao nhã. Ông đối xử với mọi người cũng dễ chịu như những bức tranh của ông. Giáo hoàng Julius II đương thời và sau này là giáo hoàng Leo X đều rất yêu mến Raphael.

Năm 1509, giáo hoàng Julius II mời chàng thanh niên Raphael 25 tuổi vẽ tranh tường cho Vatican. Sau khi Raphael qua đời, những căn phòng do ông thiết kế, sơn vẽ và được các học trò của ông trang trí được người đời sau gọi là "phòng Raphael". Trong đó, nổi tiếng nhất là những bức tranh tường trong "Phòng Chữ ký”".

"Phòng chữ ký" từng là thư viện của giáo hoàng Julius II. Raphael quyết định thiết kế những bức bích họa trang trí trong căn phòng này dựa trên bốn chủ đề chính: Thần học, triết học, luật học và thơ ca. Bốn bức tường của căn phòng được trang trí bằng bốn bức tranh: "Cuộc tranh luận về Bí Tích Thánh Thể" của chủ đề Thần học, "Trường học Athens" của triết học, "Đỉnh Parnassus" của thơ ca và "Tam đức" của luật học. Sự kết hợp giữa văn hóa Kitô giáo và văn hóa Hy Lạp, La Mã cổ đại như thế này cho thấy đặc điểm của văn hóa thời kỳ Phục hưng.

Bức tranh “Trường học Athens” được xem là bức tranh tường nổi bật nhất của Raphael. Bức tranh quy tụ nhiều triết gia, nhà hiền triết từ cổ đại đến hiện đại. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Mỗi bức tranh ở đây đều là một kiệt tác nghệ thuật có một không hai, trong đó “Trường học Athens” được mệnh danh là bức bích họa nổi bật nhất của Raphael. Trong bức tranh hội tụ nhiều triết gia và nhà hiền triết từ thời cổ đại đến hiện đại. Hai bên hội trường là Apollo, vị Thần về văn học và nghệ thuật, và Athena, nữ Thần trí tuệ, ở giữa là Plato và Aristotle. Xuất hiện trong tranh còn có Pythagoras và Susie, Grates, Alexander, Euclid, v.v. Raphael còn ẩn mình trong tranh, bày tỏ mong muốn được bước vào nơi linh thiêng, nơi nhân loại hội tụ này, đồng thời được ở bên những nhà hiền triết mà ông ngưỡng mộ.

Những lời cuối cùng của Raphael - "Sự biến hình"

Có người từng nhận xét, cuộc sống êm đềm khiến tranh của Raphael thể hiện được vẻ đẹp và sự tươi sáng, ông không bao giờ thể hiện sự xung đột giữa lý trí và cảm xúc hay mâu thuẫn giữa thể xác và tâm hồn mà chỉ biểu hiện ra sự hài hòa.

Tác giả cho rằng đó là sự phân tích có phần phiến diện về các tác phẩm của Raphael.

Ngay cả những cảnh chiến đấu như bức "Thánh George và ác long" cũng thể hiện bầu không khí yên tĩnh và tươi sáng dưới ngòi bút của ông (Ảnh thuộc miền công cộng)

Đúng là các tác phẩm của Raphael, cả về đường nét lẫn màu sắc, luôn đẹp và tươi sáng, ngay cả những cảnh chiến đấu như "Thánh George và ác long" cũng thể hiện bầu không khí điềm tĩnh và tươi sáng. Đây là nét đặc trưng trong nghệ thuật của Raphael, không phải ông không quan sát được nỗi khốn cùng, tuyệt vọng của con người. Raphael không lấy đau khổ của con người làm chủ đề mà dùng tranh của mình để cho thế giới thấy được cách thoát khỏi đau khổ.

Trước khi qua đời do sốt cao vào năm 37 tuổi, bức tranh "Sự biến hình", tác phẩm cuối cùng của ông, được đặt ở cuối giường để ông có thể nhìn thấy bức tranh. Nội dung bức tranh "Chúa hiển hiện" là sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô với các môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu mặc áo trắng, được bao phủ trong hào quang rực rỡ, có Ê-li và Môi-se ở bên trái và bên phải, Các môn đồ trên đỉnh núi có người thành kính quỳ xuống, có người tỏ ra sợ hãi.

Phía dưới bức tranh mô tả những xáo trộn và đau khổ trên thế giới: gái mại dâm, người bại liệt, người bệnh động kinh... Một số người chỉ vào Chúa Giêsu và nói cho người khác biết; một số người ngước nhìn Chúa Giêsu với ánh mắt mong đời; một số người lại đứng chết lặng... Về cách thể hiện ánh sáng, bóng tối của thế giới được soi sáng bởi ánh sáng của Chúa Giêsu. Mọi người đều được tắm trong ánh sáng thánh thiện, cho thấy Thiên Chúa cứu độ con người không hề phân biệt.

Raphael dùng bức tranh "Chúa hiển hiện" để giúp mọi người thấy rằng vị Thánh cứu nhân loại khỏi nước và lửa đã đến thế gian. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Raphael dùng phép biến hình để cho mọi người thấy vị Thánh cứu nhân loại khỏi nước và lửa đã đến thế gian. Ngước nhìn Chúa, đi theo Chúa và tin vào Chúa là hy vọng duy nhất để nhân loại thoát khỏi đau khổ.

"Raphael" trong tiếng Ý, có nghĩa là Thiên Thần. Đúng như tên gọi, Raphael Sanzio mang theo sứ mệnh của Thiên đường và trong thời gian ngắn ngủi trên thế gian, ông đã để lại những kiệt tác kinh điển. Sức hấp dẫn nghệ thuật của Raphael không chỉ làm say đắm những người cùng thời mà ảnh hưởng nghệ thuật của ông vẫn được tiếp tục cho đến tận ngày nay. Vẻ đẹp nghệ thuật trong phong cách của Raphael đã trở thành chuẩn mực cho chủ nghĩa cổ điển hàn lâm ở các thế hệ sau, đồng thời đó cũng là hình mẫu mà các thế hệ sau khó lòng sánh kịp.

Văn Vũ - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Raphael - Thiên sứ của Urbino - Họa sĩ nổi tiếng vẽ tranh Đức Mẹ