Tài chính eo hẹp, phụ huynh Trung Quốc cho con ngừng học các lớp năng khiếu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tiếp tục suy thoái, các gia đình có hầu bao eo hẹp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng cho con tham gia các chương trình đào tạo tài năng ngoại khóa. Do số lượng học viên giảm mạnh, những lớp học năng khiếu này cũng bị ảnh hưởng nặng nề và đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Trong hai năm qua, số lượng các cơ sở đào tạo năng khiếu ở Trung Quốc đã giảm đáng kể. Nguyên nhân chính đằng sau đó là các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc, bao gồm cuộc khủng hoảng bất động sản, thị trường chứng khoán sụt giảm, và căng thẳng thương mại trong mối quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc và các nước phương Tây. Những vấn đề này đã khiến nhiều hộ gia đình ở Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và giảm thu nhập.

Reuters mới đây đã đăng tải một bài viết tiết lộ thực trạng trên, đồng thời phỏng vấn một số phụ huynh và nhân viên của các cơ sở đào tạo năng khiếu.

Phóng viên Reuters đã phỏng vấn một phụ huynh tên Zhang Zhaolin từng làm việc cho một công ty Internet Trung Quốc và có thu nhập tương đối cao. Nhưng vào tháng 8 năm ngoái, công ty này đã sa thải hàng chục nhân viên do làm ăn khó khăn và bà Zhang Zhaolin cũng là một trong số đó. Vì vẫn phải trả khoản thế chấp mua nhà hàng tháng là 30.000 nhân dân tệ (khoảng 103 triệu VND) nên bà Zhang đã phải cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, bao gồm cả việc cho con trai nghỉ lớp học bóng đá mà cháu yêu thích.

Bà Zhang Zhaolin, 41 tuổi, cho hay bà từng tham gia vào lĩnh vực livestream (phát trực tiếp) trên mạng và có được một số tiền tiết kiệm, nhưng sau khi mất việc, bà không tự tin rằng mình có thể nhanh chóng tìm được một công việc khác với mức lương tương tự. Bà Zhang thậm chí còn không có niềm tin rằng sẽ tìm được một công việc mới với mức lương phổ thông.

Reuters cũng đã phỏng vấn một giáo viên piano tên là Liu Hongyu, người đã điều hành các lớp học âm nhạc ở Bắc Kinh được 6 năm. Năm 2018, khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn tương đối tốt, lớp đào tạo của cô Liu Hongyu đã tuyển nhận 70 học viên và thuê 2 giáo viên toàn thời gian, 2 giáo viên bán thời gian.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số học viên học piano ở trung tâm của cô Liu đã giảm mạnh và vẫn đang tiếp tục giảm, con số còn lại hiện tại chỉ bằng một nửa so với trước kia. Cô Liu đã phải cho 2 giáo viên toàn thời gian nghỉ việc và chuyển trung tâm đến một địa điểm nhỏ hơn, rẻ hơn. Thậm chí, cô còn phải chấp nhận việc phụ huynh trả học phí theo từng buổi học, thay vì cả khóa như trước.

Cô Liu Hongyu cho biết: “Điều tôi lo lắng là, liệu 30 học viên hiện tại của chúng tôi có tiếp tục tham gia các lớp học sau khi hoàn thành các khóa học mà họ đã đóng tiền hay không”.

Bài báo trên nêu rõ, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc đã tác động nặng nề đến các lớp đào tạo năng khiếu và câu lạc bộ ngoại khóa như bóng đá, bơi lội, piano, khiêu vũ… và khiến nhiều cơ sở phải đóng cửa.

Bài viết này cũng đề cập đến cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với ngành giáo dục và đào tạo tư nhân hồi năm 2021. Mặc dù các hoạt động ngoại khóa như âm nhạc, khiêu vũ, thể thao… không trực tiếp bị “ăn gậy” trong cơn bão đó nhưng vẫn bị chính sách mới gây hại một cách gián tiếp.

Do một lượng lớn các trường dạy kèm ngoại khóa bị đóng cửa, các trường học chính quy tại nhiều nơi ở Trung Quốc đã lùi thời gian tan học của học sinh lại và cho các em ở lại trường để làm bài tập về nhà. Trước đây, vì phần lớn các bậc cha mẹ ở Trung Quốc không có thời gian chăm sóc con sau giờ học nên có không ít gia đình đã lựa chọn cho con đi học thêm hoặc tham gia các lớp học sở thích, năng khiếu sau khi tan học ở trường. Sau khi giờ tan học của học sinh bị lùi xuống 5h30 chiều, các lớp đào tạo năng khiếu này đương nhiên cũng bị hủy bỏ.

The NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tài chính eo hẹp, phụ huynh Trung Quốc cho con ngừng học các lớp năng khiếu