Tại sao người xưa lại nói 'tử do miệng, bệnh do chân'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ kinh nghiệm đúc kết của bản thân, người xưa đã dạy chúng ta rằng, điều đơn giản nhất nhưng khó khăn nhất mà con người phải làm nếu muốn khỏe mạnh là phải cẩn thận cái miệng của bạn, di chuyển cái chân của bạn, đừng ham muốn sự thoải mái, đây là điểm cốt lõi của việc giữ gìn sức khỏe.

Tục ngữ có câu: “Tử do miệng, bệnh do chân”, tại sao người xưa lại nói như vậy?

Tử do miệng

“Tử do miệng” - chỉ vỏn vẹn ba từ đơn giản nhưng nó truyền tải rất nhiều sự khôn ngoan trong cuộc sống.

  1. Bỏ bữa sáng

Trước đây người ta thường “sáng ăn no, trưa ăn no, tối nhẹ nhàng”, nhưng hiện nay nhiều người lại làm ngược lại. Buổi sáng lười biếng, buổi trưa phải làm việc ăn vội vàng qua loa và sau khi tan sở vào ban đêm ăn uống quá nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra đủ các loại bệnh tật.

Bỏ bữa sáng không chỉ gây ra khó tập trung, suy nghĩ chậm hơn mà còn ảnh hưởng đến việc tiết axit dạ dày và bài tiết mật, từ đó gây ra viêm dạ dày, sỏi mật và các bệnh về hệ tiêu hóa khác. Một nghiên cứu của Đại học Erlangen ở Đức cho thấy, những người không chú ý đến bữa sáng có tuổi thọ trung bình ngắn hơn 2,5 năm so với những người quen ăn sáng.

  1. Ăn uống không từ tốn

Ngày nay, áp lực trong công việc và cuộc sống trong xã hội rất lớn nên con người thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ, dễ ăn uống ngấu nghiến. Nhưng điều này thực sự rất có hại cho sức khỏe của bạn.

Nếu ăn ngấu nghiến sẽ không thể nhai chậm, dễ làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây viêm mãn tính. Ngoài ra, nếu ăn quá nhanh thì các khối thức ăn có kích thước lớn sẽ gây ra các phản ứng tiêu cực cho cơ thể, dễ tạo ra sự kích thích cơ học mạnh lên thực quản, lâu ngày dễ gây ung thư.

  1. Uống ít nước

70% cơ thể con người được cấu thành từ nước, 90% thành phần trong máu có nguồn gốc từ nước, vì vậy, ở một mức độ nhất định, “chất lượng nước quyết định chất lượng máu, chất lượng máu quyết định thể chất cơ thể”.

Một số người thường sử dụng đồ uống thay nước để bổ sung nước, nhưng phương pháp này rất không tốt. Bởi mối nguy hiểm lớn nhất trong đồ uống đến từ “đường”! Càng uống nhiều đồ uống có đường thì nguy cơ tử vong sớm càng cao.

  1. Hút thuốc và uống rượu

Từ lâu người ta đã biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Một số lượng lớn nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hút thuốc có thể gây ra nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư vòm họng, ung thư đường tiêu hóa và ung thư phổi.

Uống rượu cũng vậy! Uống rượu rất có hại cho cơ thể, dù chỉ uống một chút cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Chưa kể có khoảng 3,3 triệu người trên toàn thế giới chết vì lạm dụng rượu mỗi năm.

Tóm lại, vừa hút thuốc vừa uống rượu rất không tốt cho sức khỏe, bạn nên uống có chừng mực và hút thuốc có chừng mực, tuy nhiên, vì sức khỏe của chính mình, việc bỏ hẳn hút thuốc và uống rượu sẽ tốt hơn rất nhiều.

  1. Không tu dưỡng đạo đức chân chính

Ngoài thói quen ăn uống cụ thể, tác giả cho rằng hiện nay nhiều người có đạo đức thấp kém, nói năng thiếu suy nghĩ, thích làm tổn thương người khác bằng những lời nhận xét mỉa mai sắc bén hoặc thường hứa hẹn mà không thực hiện lời hứa. Lâu dần rất dễ mang lại tai họa cho chính mình.

Bệnh do chân

Nhiều người luôn quen với việc lấy công việc bận rộn và thiếu thời gian làm lý do để trốn tránh các môn thể thao khác nhau. Nhưng có một trong những cách tập thể dục đơn giản và dễ dàng nhất mà mọi người đều có thể thực hiện, đó chính là đi bộ.

Theo nghiên cứu, đi bộ có thể giúp dẻo dai nhiều cơ quan như xương, khớp, cơ, dây chằng của khắp cơ thể, không chỉ có tác dụng tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, kéo giãn cơ và xương mà còn giúp khớp linh hoạt bền bỉ hơn.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến nghị người bình thường nên đạt 4.000 bước hoạt động mỗi ngày. Tất nhiên, thể trạng của mỗi người là khác nhau nhưng bạn vẫn nên cố gắng tập luyện đều đặn, điều độ và không nên tập luyện quá sức. Ví dụ, một số người đi bộ hàng chục nghìn bước mỗi ngày, thì đó lại là một gánh nặng cho cơ thể, kết quả của việc tập thể dục quá mức là sẽ gây áp lực lớn ảnh hưởng xấu lên đầu gối.

Người xưa đã nói với chúng ta từ kinh nghiệm của chính họ là con người muốn được khỏe mạnh thì cách đơn giản nhất nhưng cũng khó làm nhất là: cẩn thận cái miệng của bạn, di chuyển chân của bạn, đừng thèm muốn sự thoải mái, đây là điểm cốt lõi của việc giữ gìn sức khỏe.

Theo Triệu Lương Hiên - Aboluowang

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao người xưa lại nói 'tử do miệng, bệnh do chân'?