Tần Thủy Hoàng nhìn thấy người khổng lồ? Bí ẩn ẩn giấu bên trong lăng mộ hoàng gia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bức tượng đất nung khổng lồ này cao hơn nhiều so với chiều cao trung bình của người Tần, và việc tạo ra nó có thể liên quan đến truyền thuyết về những người siêu khổng lồ thời tiền Tần.

Chiến binh đất nung khổng lồ

Khi Bảo tàng Lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng bắt đầu cuộc khai quật khảo cổ quy mô lớn lần thứ ba, hơn 310 văn vật đã được khai quật trong ba năm. Một trong số đó là bức tượng đất nung khổng lồ cao 2,5 mét, khiến nó trở thành một người siêu khổng lồ. Bức tượng đất nung khổng lồ này cao hơn nhiều so với chiều cao trung bình của người Tần, và việc tạo ra nó có thể liên quan đến truyền thuyết về những người siêu khổng lồ thời tiền Tần.

Tượng đất nung người khổng lồ. (Ảnh qua NTD)

Theo các cuộc khai quật khảo cổ, người Tần thường cao 1,7 mét, các chiến binh và ngựa bằng đất nung thường được tạo hình theo tỷ lệ 1: 1 so với người thật. Tượng chiến binh khổng lồ cao 2,5 mét, cao hơn 0,12 mét so với người cao nhất thế giới là Hỉ Thuận người Nội Mông (cao 2,36 mét). Nó có thể được gọi là người siêu khổng lồ. Sự xuất hiện của nó được cho là có liên quan đến truyền thuyết về người siêu khổng lồ thời tiền Tần.

Người đàn ông cao nhất thế giới kết hôn
Người đàn ông cao nhất thế giới Bào Hỉ Thuận (cao 2.36 mét) và vợ mới cưới (cao 1,68 mét), năm 2007. (Ảnh Getty)

Người khổng lồ được ghi chép trong các thư tịch cổ

Sách "Quốc ngữ - Lỗ ngữ" có ghi lại rằng vào thời Xuân Thu, nước Ngô và nước Việt có chiến tranh, vua Ngô Phù Sai đã đánh bại Câu Tiễn, nên có câu chuyện nếm mật nằm gai. Phù Sai sai người đào mộ tổ tiên của Câu Tiễn, và khai quật được xương của một người khổng lồ, xương to đến mức một chiến xa mới có thể chở được. Vua Ngô rất tò mò và nhờ Khổng Tử giám định nó.

Khổng Tử cho rằng đây là di cốt Phòng Phong thị - người khổng lồ huyền thoại. Ngày xưa vua Vũ mở đại hội chư Thần ở núi Cối Kê, Phòng Phong đến trễ, và vua Vũ đã giết ông ta.

Phòng Phong thị (Ảnh qua NTD)

Ý nghĩa câu chuyện là vua Vũ triệu tập chư hầu khắp nơi trong thiên hại đến để tiến hành đánh giá cuối năm ở núi Cối Kê, Chiết Giang, các chư hầu khác đều tham gia đúng giờ, nhưng Phòng Phong lại đến muộn. Hạ Vũ cho rằng Phòng Phong đang cố tình coi thường mình, nên quyết định đêm ông ta ra ngoài và chặt đầu.

Khi Phòng Phong bị đưa ra pháp trường, đao phủ bị choáng váng, vì Phòng Phong có thân hình cao 3 trượng 3 thước (khoảng 5,6 mét), đao phủ không thể nào chạm tới đầu ông ta được.

Mọi người hỗn loạn, Đại Vũ ra lệnh cho thuộc hạ dựng một đài gỗ cao 3 trượng (khoảng 5 mét). Đao phủ đứng trên đài gỗ cao, sau đó mới có thể xử tử Phòng Phong được.

Sau khi Phòng Phong bị xử tử, một khúc xương của ông ta cũng đã lấp đầy một chiếc xe. Ông ta thực sự là một người siêu khổng lồ.

Thần thoại Phòng Phong là một trong bốn Thần thoại lớn của thời kỳ đồ đá mới. Phòng Phong thị là người sáng lập ra Vương quốc Phòng Phong cổ đại, còn được gọi là Uông Mang thị, hoặc Uông Võng thị, và là tổ tiên của họ Uông trong thiên hạ.

Sách "Lộ sử - Quốc danh kỷ" chú dẫn “Ngô Hưng ký” có ghi chép rằng: "Phía Tây Ngô Hưng có núi Phong, là nước Phòng Phong cổ đại. Dưới núi có bến Phong, ngày nay ở vị trí 18 dặm về phía đông của Vũ Khang (tức huyện Thanh Đức, Chiết Giang ngày nay). Thời kỳ Thiên Bảo đổi tên thành núi Phòng Phong, núi Ngu cách đó 200 bước về phía đông".

Có thể thấy, quê hương của Phòng Phong nằm ở khu vực ven biển của Giang Tô và Chiết Giang ngày nay. Khu vực này thường xuyên xảy ra thiên tai bão tố, và Phòng Phong đã có đóng góp xuất sắc trong việc chống bão.

Theo truyền thuyết, thị tộc Phòng Phong không lớn, nhưng ảnh hưởng của Phòng Phong rất lớn. Bản thân Phòng Phong có thân hình to lớn, có sức mạnh. Cộng Công đập gãy núi Bất Chu - cột trụ sông Thiên Hà, khiến mảnh đất Thần châu thành đại dương bao la. Phòng Phong cao lớn, dùng tay lấy bùn đất từ trên trời lấp đầy các chỗ trũng, bùn đất biến thành núi, ép lũ chảy vào biển. Vì vậy người ta gọi ông là Phòng Phong thị. Phòng Phong thần dũng như thế, nên người Việt trong lịch sử coi Phòng Phong là thủ lĩnh của họ, và rất tôn thờ ông, như được thể hiện trong sách "Thuật dị ký - Quyển thượng”: “Phong tục người Việt là thờ Thần Phòng Phong, chơi nhạc Phòng Phong cổ xưa, chặt tre dài ba thước, thổi như tiếng hú, ba người xõa tóc nhảy múa.”

Khổng Tử còn xác nhận thêm rằng Phòng Phong thị được gọi là Uông Võng vào thời nhà Hạ và nhà Thương, gọi là Trường Trạch ở thời Tây Chu, và gọi là Đại Nhân ở thời đại của ông.

Từ góc nhìn này, Phòng Phong không phải là một người, mà là một quốc gia, đặc điểm nổi bật của quốc gia này là tầm vóc cao lớn.

Từ Uông Võng, Trường Trạch đến Đại Nhân, tình huống có thể sẽ như thế này, Phòng Phong bị giết, con dân của Phòng Phong không thể có chỗ đứng ở phía nam nên bắt đầu di cư về phía bắc. Khoảng thời kỳ đầu nhà Chu, một nhóm trong số họ đã di chuyển sang phía tây đến Lâm Phần và Trường Trị ở Sơn Tây, và một nhóm đã di chuyển sang phía đông, đến khu vực Địch Trường ở biên giới Sơn Đông này. Thế là thời Tiên Tần, miền Bắc Trung Quốc xuất hiện tộc người Trường Trạch.

Trường Trạch là một trong những dân tộc thiểu số ở Trung Quốc cổ đại, họ từng trực thuộc dưới quyền của Xích Địch, và tổ hợp thành Vương quốc Bắc Địch, nên còn được gọi là Trường Địch. Bắc Địch cùng với Nam Man, Đông Di và Tây Nhung đã trở thành một trong bốn dân tộc thiểu số lớn xung quanh vùng Trung Nguyên.

Hậu duệ của tộc Phòng Phong, người Trường Địch sau này di cư lên phía bắc, đã thừa hưởng gen của tổ tiên, và đều cao lớn và vạm vỡ. Họ cao lớn như thế nào?

"Tả truyện" và "Cốc Lương truyện chú" có ghi lại rằng, vào năm Chu Tương Vương thứ 24 (năm 628 trước Công nguyên), Bắc Địch bị chia cắt do nội chiến. Xích Địch có năm anh em là Kiều Như, Phần Như, Vinh Như, Giản Như, và Duyên Như. Vào năm Văn Công thứ 11, Kiều Như, Vinh Như và Phần Như đến Trung Quốc để gây rối. Một số người đã dùng gạch ném để đuổi họ đi, nhưng họ không hề hấn gì.

Thúc Tôn Đắc Thần, Thần tiễn của nước Lỗ, đã bắn chết Kiều Như. Kiều Như cao 3 trượng (khoảng 5 mét), ngã xuống, thân thể nằm ngang trên 9 mẫu đất (khoảng 1600 mét vuông). Thúc Tôn Đắc Thần đã chặt thủ cấp báo công lĩnh thưởng, đặt thủ cấp lên xe, lông mày của người chết cao hơn tay vịn của xe.

Kiều Như cao hơn 3 trượng, thì đó không phải là số đo ước tính trực quan mà là số đo thực tế. Vào thời tiền Tần, 1 thước tương đương với 16,9 cm ngày nay, vì vậy chiều cao của Kiều Như phải là 5 mét.

Độ cao này thậm chí còn cao hơn những gì Khổng Tử nói, đã khẳng định kết luận rằng thời Khổng Tử còn sống là có những hoạt động của người khổng lồ.

Vào thời Tần Thủy Hoàng, vẫn còn hoạt động của người Địch, chẳng hạn, “Sử ký sách dẫn” có ghi: Vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 26 (221 TCN), “người ta nhìn thấy người cao lớn ở Lâm Thao, nên đã dùng binh khí đúc thành tượng người khổng lồ đó".

Sách "Chính nghĩa" trích dẫn "Hán thư - Ngũ hành chí” rằng: “Vào năm thứ 26, có người cao 5 trượng (8,4 mét), chân đi giày 6 thước (1 mét), mặc trang phục Di Địch. Người ta nhìn thấy 12 người khổng lồ này ở Lâm Thao, nên đã dùng vũ khí và đúc thành những bức tượng người khổng lồ đó".

Có nghĩa là vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 26, người ta trông thấy 12 người khổng lồ ở Lâm Thao, tỉnh Cam Túc. Những người khổng lồ này cao 5 trượng (8,4 mét), bàn chân dài 6 thước (1 mét), và đều mặc trang phục dân tộc thiểu số. Họ cao 5 trượng và bàn chân dài 6 thước, cao hơn Kiều Như 3,2 mét. So với họ, thì người khổng lồ hiện nay là Hỉ Thuận chỉ giống trẻ em đứng bên người lớn mà thôi. Vào thời điểm đó đã có một cuộc tranh luận lớn về việc liệu sự xuất hiện đột ngột của người có vẻ ngoài kỳ lạ này là điềm lành hay thảm họa.

Nhiều người cho rằng đây không phải là điềm lành, và báo hiệu nhà Tần sẽ sớm bị diệt vong. Để duy trì sự ổn định xã hội, Tần Thủy Hoàng đã thu thập tất cả binh khí trong thiên hạ, đúc thành 12 tượng kim loại, và đặt chúng bên ngoài Cổng Tư Mã của Cung Hàm Dương. 12 bức tượng bằng kim loại này tượng trưng cho 12 người khổng lồ được nhìn thấy ở Lâm Thao.

Sách "Tam phụ hoàng đồ hiệu chú" trích dẫn "Tam phố cựu sự" rằng: "Đúc những người Địch bằng kim loại và dựng trước Điện A Phòng".

Vào thời Tần Thủy Hoàng có một đại lực sĩ tên là Nguyễn Ông Trọng (cũng gọi là Lý Ông Trọng), tương truyền ông cao 1 trượng 3 thước (khoảng 3 mét) và dũng cảm phi thường. Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho Ông Trọng làm tướng trấn giữ Lâm Thao, khiến người Hung Nô kinh sợ. Sau khi Ông Trọng qua đời, Tần Thủy Hoàng đã đặt tên cho 12 tượng kim loại này là Ông Trọng. Khi người Hung Nô đến Hàm Dương, từ xa nhìn thấy những bức tượng kim loại này, họ tưởng đó là Nguyễn Ông Trọng thật, nên không dám đến gần. Vì vậy người đời sau gọi các tượng người khổng lồ đứng trước các cung điện, đền chùa, lăng mộ là Ông Trọng.

Tượng Ông Trọng ở Minh Hiếu Lăng. (Wikipedia/ DAVID ZANE/ SA-2.0)

Vì vậy, trong “Sách dẫn” của Tư Mã Trinh có nói: “Mỗi bức tượng nặng một nghìn thạch (37 tấn), ngồi cao 2 trượng (4,6 mét), tên là Ông Trọng”.

Mỗi bức tượng trong số 12 bức tượng đồng này nặng một nghìn thạch. Một thạch thời nhà Tần tương đương với khoảng 37,5 kg ngày nay. Dựa trên tính toán này, 12 tượng đồng nặng 450 tấn. Vì người nhà Tần có thể đúc được 12 tượng khổng lồ xuất hiện ở Lâm Thao, đặt đứng trên mặt đất, nên việc làm tượng gốm khổng lồ rồi chôn dưới lòng đất là hoàn toàn có thể, đây có thể là sự thật đằng sau tượng người khổng lồ trong lăng mộ Tần Thạch Hoàng.

Trong lịch sử thật sự có chủng tộc cao lớn như vậy sao? Năm 2001, các nhà khảo cổ Mỹ và Peru đã phát hiện ra 3 ngôi mộ cổ, chứa số lượng lớn hiện vật bí ẩn, trong một kim tự tháp khổng lồ ở bờ biển phía bắc Peru, trong đó chứa bộ xương của 3 "người khổng lồ", tất cả đều có thân hình cao hơn 2,8 mét.

Khám phá khảo cổ này chứng minh rằng, đã tồn tại những chủng người cực kỳ cao trong lịch sử loài người.

Lý Vân - NTD
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tần Thủy Hoàng nhìn thấy người khổng lồ? Bí ẩn ẩn giấu bên trong lăng mộ hoàng gia