“Tây Du mạn chú”: Hầu Vương xuất Đạo tâm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu: “Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên Địa tận giai tri”. Vì Hầu Vương đã động niệm tu Đạo nên cả trời đất đều hô ứng tác thành.

Nếu như nội dung “Tây Du Ký” sinh động như con rồng du ngoạn giữa tầng không, thì tiêu đề chương hồi và thơ ca trong sách lại khiến lòng người chấn động, giống như long mạch lặng lẽ ẩn mình trên đại địa. Trong khi câu chuyện có thể lý giải ở tầng diện nhân gian, thì hồi mục và thi ca vừa khớp lại đối ứng với cảnh giới cao tầng. “Tây Du Ký” là câu chuyện tu luyện, mỗi tâm niệm, mỗi hành động của nhân vật trong truyện đều chuyển động đồng bộ với các “bánh răng” trên thượng tầng. Các bánh răng thượng tầng lại diễn hóa ra những biến hóa trong không gian bên dưới một tầng.

Đương nhiên, các tiểu thuyết cổ điển như “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Thủy Hử”, “Phong Thần Diễn Nghĩa”, “Hồng Lâu Mộng”, “Tùy Đường Diễn Nghĩa”, v.v. đều có đặc trưng này, chỉ là không có liên kết chặt chẽ như ở “Tây Du Ký”.

Với những người có tu dưỡng trong văn hóa truyền thống, ý thức khái niệm của họ đều mang tính lập thể, phân tầng, khác hẳn với lối tư duy của con người hiện đại. Do đó người hiện đại không cách nào lý giải được góc nhìn của cổ nhân. Vũ trụ quan cổ đại mang tính lập thể và phân tầng, suy xét bất cứ vấn đề gì cũng là xét trên đa tầng diện. Chẳng phải “Kinh Dịch” và “Xuân Thu” cũng đều là lập thể đó sao? “Kinh Dịch” là lý luận về hệ thống đối ứng ba chiều, “Xuân Thu” chỉ ra hiện thực tương hỗ và tác động qua lại giữa Thiên, Địa, Nhân, còn “Thi Kinh” thì phản ánh mối liên hệ và sự vận động thường nhật trong cuộc sống. Từ góc độ này, tôi cho rằng “Tây Du Ký” rất đặc thù, hơn nữa tính đặc thù ấy lại được thể hiện vô cùng dễ hiểu, điều này khác hẳn với Tứ thư Ngũ kinh.

“Anh đào đỏ ửng ngon lành.
Mơ kia chín mọng vị thanh ngọt ngào.
Nhãn tươi, nước ngọt làm sao!
Vải thiều hạt nhỏ quả nào cũng thơm”.

Mỗi khi đọc đoạn thơ về yến tiệc tiễn biệt Hầu Vương, tôi vô cùng cảm thán trước các loại hoa trái phong phú trên núi Hoa Quả. Không đọc “Tây Du Ký” thực không biết nhân gian lại có nhiều của ngon vật lạ đến như vậy, hơn nữa màu sắc và hương vị của mỗi loại đều được miêu tả vô cùng tinh tế.

Mỹ Hầu Vương đã tận hưởng cuộc sống vô lo vô nghĩ hơn 300 năm, đột nhiên một ngày “lạc cực sinh bi”, ưu sầu đến mức nước mắt giàn giụa. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Trong truyện viết:

Hầu vương nói: “Ngày nay tuy không phải theo pháp luật của vua chúa, không sợ oai quyền của thú muông, nhưng một mai tuổi già sức yếu, lão Diêm vương vẫn ngấm ngầm quản lý. Một ngày kia chết đi, chẳng hóa uổng công sinh ở thế gian, không được hưởng mãi phúc trời ư?”

Lũ khỉ nghe nói như thế, con nào con nấy cúi đầu che mặt khóc thút thít, lo sợ về nỗi vô thường.

Đúng vậy, đó mãi là câu hỏi muôn thuở của nhân gian: Chúng ta từ đâu đến, và sẽ đi về đâu? Phàm là sinh linh thì đều có những trăn trở về sinh mệnh như thế.

Lịch sử nhân loại được ghi nhớ thông qua những câu chuyện lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sinh mệnh lâu dài trường cửu, dùng phương thức câu chuyện lịch sử để tiến nhập vào nhân thể, tiếp tục truyền thừa đến các thời đại sau. Đời người tuy ngắn ngủi nhưng sinh mệnh lại vì thế mà được kéo dài. Bất kỳ sinh linh nào cũng vậy, trong sâu thẳm tâm hồn sẽ luôn trăn trở về nguồn gốc và tương lai của bản thân, cũng như về khởi đầu và kết thúc của vũ trụ.

Quay lại với câu chuyện của Thạch Hầu, một con vượn lưng thẳng thấy vậy liền nói rằng cần phải tìm Thần Tiên mới có thể tránh khỏi họa luân hồi, bất sinh bất diệt, thọ ngang cùng trời đất núi sông. Hầu Vương nghe xong đã không hề do dự buông bỏ mọi phúc phận, quyết chí tìm Tiên học Đạo, dẫu gian nguy hiểm trở cũng không sờn: “Ngày mai ta sẽ từ giã các ngươi xuống núi, đi khắp góc biển chân trời, quyết tâm tìm cho được ba đấng ấy, học lấy phép sống mãi không già, để tránh nạn Diêm vương”.

Chỉ một câu nói tự đáy lòng đã cho thấy Hầu Vương vô cùng xuất sắc. Một niệm tu Đạo của Hầu Vương đã kinh thiên động địa: “Ôi, câu nói đó thúc giục vượt qua lưới luân hồi, làm thành Tề Thiên Đại Thánh!”.

Con vượn lưng thẳng thông minh duệ trí, sớm đã biết con đường thoát khỏi cái khổ luân hồi, vậy vì sao lại không có lòng tu Đạo? Cả bầy khỉ đều thông minh ưu tú, vừa nghe lời con vượn già liền “vỗ tay tán thưởng”, nhưng vì sao không con khỉ nào động tâm tu Đạo?

Lại nói, Thạch Hầu sở dĩ xưng vương là vì có công phát hiện động Thủy Liêm, tìm được nơi cho bầy khỉ an thân lập mệnh. Người vì chúng sinh an thân lập mệnh thì chính là vua. Chính vì sự kiện này mà bầy khỉ tôn Thạch Hầu làm vua suốt 300 năm. Hơn nữa, trong nhiều năm sau khi Hầu Vương đi khỏi, lũ khỉ vẫn không bầu chọn ai làm tân vương thay thế. Đến khi Thạch Hầu trở thành Tề Thiên Đại Thánh và bị đè dưới núi Ngũ Hành suốt 500 năm, cũng như sau này sang Tây Thiên thỉnh kinh, suốt mấy trăm năm đằng đẵng ấy chúng vẫn không tìm một vị tân vương. Vì sao lại như vậy?

Theo tôi thấy, những sinh linh sống ở Hoa Quả Sơn đều là sinh mệnh có căn cơ, so với các cao nhân dật sĩ ở nhân gian thì bầy khỉ kia sống thoát tục hơn và cao nhã hơn nhiều. Thế nhưng, phong thái cao quý không phải là lý do để bầy khỉ lập ra vị vương mới. Khái niệm về “vương” xưa nay rất khác, rất khác nhau!

Một niệm tu Đạo của Mỹ Hầu Vương đã làm kinh thiên động địa. Vì ý niệm này mà thiên thời địa lợi đều thay đổi. Thay đổi như thế nào? Chúng ta hãy từng bước bàn luận.

Bầy khỉ dùng cây thông khô đóng bè, lấy tre làm sào chống, tạo ra chiếc bè con đưa Hầu Vương lênh đênh biển cả. Thạch Hầu từ lúc sinh ra cho đến hơn 300 năm sau đó vẫn chưa rời khỏi Hoa Quả Sơn nửa bước, nay lại có dũng khí vượt biển cả mênh mông để đến nơi mà nó chưa từng biết, đến những đại lục xa xôi mà trước giờ nó chưa từng đặt chân. Đổi lại, nếu điều ấy xảy ra với bạn và tôi, xem ra chỉ cần nghĩ đến thôi cũng sẽ rùng mình ớn lạnh.

Một người không có kinh nghiệm hàng hải, không biết quy luật gió mưa, không thông thạo hải lưu, anh ta sao có thể tùy tiện khởi hành? Một chiếc bè con và cây sào nhỏ chỉ cần gặp vài con sóng dữ đã vỡ tan tành rồi. Hầu Vương ra biển cũng không thể mang quá nhiều hoa quả, nói không chừng chỉ hai ba ngày đã cạn kiệt lương thực, hơn nữa trên biển không hề có nước ngọt. Nếu đổi lại là bạn, bạn có sẵn sàng mạo hiểm như thế hay không?

Cảm động trước ý chí mãnh liệt của Hầu Vương nên Ông Trời cũng nguyện ý gia ân, cho chiếc bè con liên tục nhiều ngày thuận chiều gió, đẩy chiếc bè đến Nam Thiệm Bộ Châu một cách an toàn. Nhưng vì Nam Thiệm Bộ Châu không phải là nơi có cao nhân trú ẩn, Hầu Vương không thể tìm được Đạo môn, cứ như thế một mình vân du chịu khổ tám, chín năm ròng.

Hình tượng Tôn Ngộ Không cùng Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Tĩnh hoà thượng trong "Tây Du Ký" (Ảnh: Shen Yun Performing Arts)
Hình tượng Tôn Ngộ Không cùng Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Tĩnh hoà thượng trong "Tây Du Ký" (Ảnh: Shen Yun Performing Arts)

Trong truyện viết:

“Đúng lúc thời vận của Hầu vương đến, nên từ lúc cưỡi bè ra đi, luôn luôn có gió đông nam thổi mạnh, đưa bè tới bờ tây bắc là địa giới của Nam Thiệm Bộ Châu”.

“Hầu vương tìm học đạo tiên, không biết ở đâu cả. Ở Nam Thiệm Bộ Châu, sục sạo thành lớn, thấm thoắt đã tám, chín năm. Rồi một hôm đi đến Tây Dương đại hải, nghĩ bụng ngoài biển nhất định có Thần Tiên. Bèn tự mình đóng bè, vượt qua Tây Hải, thẳng tới địa phận Tây Ngưu Hạ Châu”.

Một ngày, Hầu Vương đột nhiên gãi đầu suy nghĩ, linh cảm rằng cần phải đến nơi khác tìm Thần Tiên. Hầu Vương lại lênh đênh trôi dạt trên biển lớn, chiếc bè nương theo chiều gió đến Tây Ngưu Hạ Châu. Bạn xem, lần này Ông Trời lại khéo léo an bài, hữu ý đưa Hầu Vương đến Tây Ngưu Hạ Châu. Nếu không nhờ Trời tác hợp và thời thời khắc khắc bảo hộ, thì có lẽ Hầu Vương đã bị sóng to gió lớn vùi dập, làm mồi cho cá mập, hoặc giả may mắn thì trôi dạt đến Bắc Câu Lư Châu, hoặc là lềnh bềnh trên biển đi về phương nam...

“Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên Địa tận giai tri”. Hầu Vương động một niệm tu Đạo, cả trời đất đều hô ứng tác thành. Vì đó là chính niệm nên thiên địa đồng giúp sức. Đây cũng chính là khái niệm “Thiên nhân hợp nhất” quán xuyến khắp trên dưới trong văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Theo Na Uy Long Vương - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

“Tây Du mạn chú”: Hầu Vương xuất Đạo tâm