"Thành phố bị thiêu" có nền văn minh 5000 năm: Mắt giả đầu tiên trên thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một di tích văn minh 5.000 năm tuổi được phát hiện ở miền Đông Iran có tên là Shahr-e Sukhteh (Thành phố bị thiêu). Quy mô thành phố tương đối hoàn chỉnh và có nhiều phát hiện đáng kinh ngạc. Con mắt giả đầu tiên trên thế giới được tìm thấy ở đây. Vào tháng 6/2014, di tích này đã trở thành một thành viên của Di sản Thế giới.

Thành phố bị thiêu: Shahr-e Sukhteh

Một tàn tích cổ đại được phát hiện ở tỉnh Sistan và Baluchistan miền Đông Iran, gần biên giới Afghanistan. Đây là một thành phố của con người thời kỳ đồ đồng: Shahr-e Sukhteh, có nghĩa là "thành phố bị đốt cháy".

Khu di tích nằm gần hồ Hamun ở cuối lưu vực sông Helmand. Tòa thành gồm có 5 khu lớn là, trung tâm thành phố, khu công nghiệp, khu dân cư, nghĩa trang và tượng đài. Nghĩa trang của Shahr-e Sukhteh có diện tích 25ha, tại đây tìm thấy hơn 25.000 đến 40.000 ngôi mộ cổ.

Theo kết quả khảo cổ, nền văn minh tòa thành có lịch sử 5.000 năm, được xây dựng vào khoảng năm 3200 TCN. Theo nghiên cứu về các di tích, đã phát hiện ra quy mô thành phố dần được mở rộng theo thời gian, giai đoạn đầu là 10 đến 20 ha, từ năm 3200 đến năm 2800 TCN; giai đoạn hai là 45 ha, từ năm 2800 đến 2500 TCN; giai đoạn thứ ba có diện tích 100 ha, từ 2500 đến 2300 TCN, diện tích được lưu lại cho đến hiện nay là 275 ha. Các nhà khảo cổ phát hiện, vào năm 1800 TCN, trước khi bị bỏ hoang, thành phố đã bị cháy 3 lần, do đó có tên là thành phố bị thiêu.

Cổng vào của "Thành phố bị thiêu". (Nguồn: wikipedia/ CC BY SA 4.0)

Phát hiện khảo cổ

Đầu năm 1900, nhà khảo cổ người Anh Marc Aurel Stein đã phát hiện ra tàn tích Shahr-e Sukhteh. Maurizio Tosi đã dẫn đầu một nhóm khảo cổ Ý, Châu Phi và Phương Đông, khai quật ở đây từ năm 1967. Cho đến năm 1978 cơ quan Du lịch và Di sản Văn hóa Iran đã tổ chức đoàn khảo cổ và tiếp nhận công việc khảo cổ của họ, và những kết quả khảo cổ mới tiếp tục được phát hiện.

Các nhà khảo cổ cho rằng, nền văn minh Helmand ở miền Tây Afghanistan vào thế kỷ thứ 3 TCN có liên quan đến Shahr-e Sukhteh. Nền văn minh Helmand và văn minh lưu vực sông Ấn ở cùng thời kỳ từ năm 2500 đến năm 1900 TCN, là thời kỳ thịnh vượng nhất, đồng thời đối ứng với Shahr-e Sukhteh ở giai đoạn niên đại thứ 3, thứ 4.

Những tàn tích nhà trong thành có cầu thang, hệ thống cấp nước và thoát nước thải, các công trình kỹ thuật và kỹ thuật chế tạo rất hưng thịnh, đáng ngạc nhiên là những ghi chép về phẫu thuật não.

Ngoài những phát hiện được mô tả như trên, trên đồ gốm khai quật được phát hiện thấy hoa văn mô tả một số đồ án phân giải động tác. Được coi là trường hợp đầu tiên trên thế giới về khái niệm hoạt hình.

Vào tháng 12/2006, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hài cốt người phụ nữ cao 182 cm ở một ngôi mộ, cao hơn nhiều so với những phụ nữ cùng thời, ước chừng sống vào năm 2900 đến 2800 TCN. Một con mắt giả được tìm thấy ở vị trí mắt trái hài cốt người phụ nữ. Các nhà khảo cổ học cho rằng đây là con mắt giả có sớm nhất trên thế giới. Mắt giả có hình bán cầu, đường kính hơn 2,5 cm, trọng lượng rất nhẹ, có chứa nhựa đường, bề mặt phủ một lớp vàng mỏng, có khắc một vòng tròn trung tâm đại diện cho mống mắt và các sợi vàng tựa ánh sáng mặt trời, sợi vàng được giữ cố định qua hai lỗ nhỏ. Con mắt giả này đã được người phụ nữ sử dụng trong suốt cuộc đời của mình.

Thuần Chân
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

"Thành phố bị thiêu" có nền văn minh 5000 năm: Mắt giả đầu tiên trên thế giới