Cục Điều tra Hình sự Đức: Có yếu tố 'nhà nước' đứng sau vụ phá hủy đường ống Nord Stream

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga tới châu Âu đã bất ngờ phát nổ vào tuần trước, đe dọa đến an ninh năng lượng Châu Âu. Cơ quan Điều tra Hình sự Liên bang Đức (BKA) kết luận rằng vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream là một 'hoạt động phá hoại có mục tiêu' và có thể có yếu tố 'nhà nước' đứng đằng sau.

Yếu tố 'Nhà nước' liên quan đến vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream

Tờ Der Spiegel của Đức ngày 5/10 đưa tin, Cơ quan Điều tra Hình sự Liên bang Đức (BKA) đã gửi một bức thư tới các đại diện trong ngành cảnh sát nước này, phân tích rằng xét về mức độ phức tạp của quá trình chuẩn bị và thực hiện hành vi nhằm phá hủy đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), rất có khả năng có hành động của các chủ thể "nhà nước" đứng sau, mặc dù chưa rõ ai là thủ phạm.

Ngày 26/9, hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên nối từ Đức đến Nga lần đầu tiên bị phát hiện rò rỉ. Cơ quan tình báo Đức nhận định rằng, đường ống đã bị hư hại do chất nổ có cường độ cao, căn cứ vào dữ liệu địa chấn của các nước châu Âu. Điều này sẽ khiến châu Âu phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng trước mùa đông đang cận kề.

Cơ quan Điều tra Hình sự Liên bang Đức (BKA) cũng cảnh báo rằng, sau đường ống Nord Stream, các tác nhân hậu trường có thể chuyển sang cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, chẳng hạn như khí đốt tự nhiên hoặc đường ống điện, tuabin gió, thiết bị đầu cuối LNG, v.v. Và cứ như vậy, "tần suất" và "số lượng" của các hành động phá hoại có thể sẽ tăng lên.

Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cũng cho biết vào ngày 5/10 rằng tất cả các thông tin có sẵn cho đến nay đều chỉ ra rằng "Dòng chảy phương Bắc" đã bị cố tình phá hoại, nhưng chính phủ Đức từ chối bình luận về việc liệu các chủ thể nhà nước có chịu trách nhiệm về vụ việc hay không.

Đức đang hợp tác với Đan Mạch và Thụy Điển để điều tra thủ phạm gây ra vụ phá hoại đường ống Nord Stream. Tư lệnh Hải quân Thụy Điển Ewa Skoog Haslum không tiết lộ tiến trình điều tra mà chỉ nói rằng, Thụy Điển đã cử một số tàu chiến đến vùng biển nơi xảy ra vụ rò rỉ để thu thập dữ liệu về chuyển động của tàu cùng các dữ liệu khác.

Nga khẳng định cần phải vào cuộc điều tra vụ 'khủng bố quốc tế'

Châu Âu đang điều tra nguyên nhân của hai vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream gần vùng biển của Thụy Điển và Đan Mạch. Nga nhanh chóng đổ lỗi cho phương Tây, cáo buộc Mỹ có thể thu lợi từ vụ này.

Thụy Điển đã thông báo phong tỏa khu vực rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ở biển Baltic để điều tra nghi vấn về hành vi phá hoại. Chính quyền Moscow hôm 5/10 cho biết Nga cũng nên tham gia vào cuộc điều tra.

Theo truyền thông Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết: "Thực sự cần phải tiến hành một cuộc điều tra. Đương nhiên, Nga cần phải vào cuộc".

Căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine tăng cao khi Thụy Điển phát hiện ra 4 vết rò rỉ trong đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream nối Nga và Đức vào tuần trước.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã triệu tập cuộc họp về vấn đề này vào ngày 30/9. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin phát biểu trước cuộc họp vào thời điểm đó rằng, "hầu hết đều coi đây là hành vi phá hoại và cần được điều tra" nhưng "chưa có quyết định nào được đưa ra" về một cuộc điều tra quốc tế.

Nga mở cuộc điều tra "khủng bố quốc tế" về vụ nổ đường ống Nord Stream vào ngày 28/9.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết một cuộc điều tra như vậy "đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều nước", nhưng ông nhấn mạnh đang có "sự thiếu liên kết nghiêm trọng và miễn cưỡng của nhiều nước trong việc phối hợp với Moscow".

Phản ứng từ các quốc gia nơi đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream phát nổ

Cơ quan Năng lượng Đan Mạch tuần trước cho biết hai vết rò rỉ đã được phát hiện tại đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 ở phía đông bắc đảo Bornholm của nước này. Một vụ nổ thứ hai, mạnh hơn vào đêm đó tương đương với một trận động đất 2,3 độ richter. Các trạm địa chấn ở Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan cũng ghi nhận các vụ nổ.

Vụ rò rỉ thứ ba và thứ tư được tìm thấy trong đường ống Nord Stream 2 ở vùng biển Thụy Điển ở phía đông nam của hòn đảo. Phía Đan Mạch nhận định rằng,"đây không phải là những vết nứt nhỏ mà là những lỗ hổng thực sự lớn".

Trung tâm địa chấn quốc gia của Thụy Điển đã phát hiện hai vụ nổ ở biển Baltic và cho biết, chấn động lan đến tận Phần Lan. Khí tự nhiên liên tục thoát ra ra khỏi lỗ rò rỉ trên bề mặt đường ống Nord Stream. Nhà chức trách Đan Mạch đã thiết lập vùng cấm bay xung quanh Bornholm với bán kính 8 km, đồng thời cấm máy bay bay ở độ cao dưới 1.000 m.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen gọi vụ tai nạn là "hành động phá hoại". Thủ tướng Ba Lan Morawiecki cho biết vụ việc "có thể đánh dấu bước tiếp theo trong việc leo thang tình hình ở chiến trường Ukraine".

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết chính phủ nước này coi những vụ rò rỉ là kết quả của “những hành động phá hoại có chủ ý” của những thủ phạm không rõ danh tính. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo và chuyên gia châu Âu cũng chỉ ra khả năng phá hoại trong bối cảnh bế tắc năng lượng với Nga do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Cục Điều tra Hình sự Đức: Có yếu tố 'nhà nước' đứng sau vụ phá hủy đường ống Nord Stream