Đài Loan quan ngại về 'chiến tranh tâm lý' sau khi bà Pelosi rời đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phát ngôn viên Nội các Đài Loan Lo Ping-cheng hôm thứ Tư (03/8) cho biết, sắp tới hòn đảo sẽ trở thành mục tiêu của 'chiến tranh tâm lý' với Trung Quốc sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Đồng thời ông khẳng định, Đài Loan sẽ cam kết tăng cường an ninh hơn nữa chống lại những gián đoạn có thể xảy ra.

Trung Quốc đã thể hiện sự phẫn nộ trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc về mình bằng một loạt động thái: triển khai hoạt động quân sự ở các vùng biển xung quanh, triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh ngay trong đêm và ngừng nhập khẩu một số nông sản từ Đài Loan.

Bà Pelosi đã đến Đài Loan vào ngày 02/8 và rời đi vào ngày 03/8 sau khi cam kết đoàn kết với hòn đảo và ca ngợi nền dân chủ tại đây.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) (giữa bên trái), chụp ảnh sau khi nhận được Huân chương Khanh Vân - Huân chương vinh dự dân sự cao nhất của Đài Loan, từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa bên phải) tại Văn phòng tổng thống, Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 03/8/2022. (Ảnh: Chien Chih-Hung/Văn phòng Tổng thống/Getty Images)

Phát ngôn viên Nội các Đài Loan Lo Ping-cheng nói trong một cuộc họp báo với giới truyền thông rằng, nhà chức trách đã tăng cường an ninh tại các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các nhà máy điện và sân bay, đồng thời tăng cường mức độ cảnh báo về an ninh mạng trong các văn phòng chính phủ.

Ông Lo nói Đài Loan dự kiến sẽ trở thành mục tiêu trong những ngày tới của “chiến tranh tâm lý” (psychological warfare) gia tăng, được mô tả là các chiến dịch gây ảnh hưởng bao gồm xuyên tạc thông tin để làm lệch hướng dư luận.

“Chúng ta đang chứng kiến chiến tranh tâm lý mạnh mẽ hơn bao giờ hết và dự kiến tình hình sẽ leo thang trong những ngày tới”, phát ngôn viên Lo nói.

Các quan chức Đài Loan đã nhiều lần cảnh báo về một chiến dịch của Trung Quốc nhằm làm suy yếu sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ phương án sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình, điều mà họ cho là vấn đề lớn nhất trong quan hệ với Hoa Kỳ. Đài Loan bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và tuyên bố sẽ tự vệ.

Ông Lo kêu gọi báo chí Đài Loan không làm “công cụ tuyên truyền” cho Bắc Kinh, và nói rằng họ nên cẩn thận khi trích dẫn thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Ngay sau khi bà Pelosi đến Đài Loan vào tối 02/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin chiến đấu cơ Su-35 của Trung Quốc đang băng qua eo biển Đài Loan, khu vực nhạy cảm ngăn cách hòn đảo với Trung Quốc. Ngay sau đó, quân đội Đài Loan tuyên bố thông tin này là sai sự thật.

Bộ trưởng về Kỹ thuật số Audrey Tang cho biết các cuộc tấn công mạng vào các cơ quan thuộc chính phủ Đài Loan hôm 02/8 đã vượt 15.000 gigabit, cao gấp 23 lần so với kỷ lục hàng ngày trước đó.

Một số trang web của chính phủ Đài Loan, trong đó gồm cả văn phòng tổng thống đã bị tấn công mạng từ nước ngoài. Theo các nhà chức trách, một số cuộc tấn công mạng đến từ phía Trung Quốc và Nga.

Các quan chức Đài Loan cho hay, các cuộc tập trận theo kế hoạch của quân đội Trung Quốc, bắt đầu từ trưa thứ Năm (04/8) đến trưa ngày Chủ nhật (07/8), sẽ ảnh hưởng đến tất cả 18 đường bay quốc tế gần thủ đô Đài Bắc.

Tuy nhiên, họ cho biết tác động của cuộc tập trận sẽ hạn chế đôi chút vì thời gian di chuyển của máy bay tăng thêm khi phải bay các tuyến bay thay thế.

Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi bao trùm cuộc họp ASEAN

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á ngày 03/8 tìm cách xoa dịu cơn bão ngoại giao về Đài Loan tại cuộc họp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan khiến Trung Quốc phẫn nộ.

Chuyến thăm đầy kịch tính của bà Pelosi đến thủ đô Đài Bắc của Đài Loan, bất chấp đe dọa trả đũa của Bắc Kinh, dường như bao phủ cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Phnom Penh, vốn dự kiến sẽ bàn cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Myanmar.

Thay vào đó, sự chú ý sẽ tập trung vào Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, cả hai đều đang bay tới thủ đô Campuchia để tham dự các cuộc đàm phán an ninh khu vực với khối 10 nước thành viên vào ngày 04/8 và 05/8.

Ông Antony Blinken, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Sảnh Olive ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/2/2015. (Ảnh Getty Images)

Phát ngôn viên ASEAN và là Thứ trưởng Ngoại giao Campuchia Kung Phoak tuyên bố cuộc họp lần này sẽ tìm cách xoa dịu tình hình căng thẳng giữa hai cường quốc.

Ông nói với các phóng viên rằng các Ngoại trưởng sẽ cố gắng tìm cách để ASEAN có thể giúp "xoa dịu tình hình ở Đài Loan, không dẫn đến xung đột và không làm leo thang sức nóng chính trị giữa tất cả các bên liên quan".

Lam Giang

Theo Taiwannews



BÀI CHỌN LỌC

Đài Loan quan ngại về 'chiến tranh tâm lý' sau khi bà Pelosi rời đi