FBI cùng Big Tech kiểm duyệt người dùng trước bầu cử Mỹ 2020, theo lời khai của đặc vụ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã họp hàng tuần với các công ty mạng xã hội lớn để hợp tác kiểm duyệt các bài đăng, theo lời khai của một đặc vụ FBI cho thấy.

FBI đã thiết lập một sở chỉ huy trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, và thiết lập một hệ thống trên toàn quốc nhằm gửi các bài đăng liên quan đến bầu cử tới các mạng xã hội, để các mạng xã hội này có thể gỡ bỏ chúng, theo lời khai trước tòa gần đây của một đặc vụ FBI.

Tin tức về "thông tin sai lệch", chủ yếu về thời gian, địa điểm, hoặc cách thức bầu cử được các văn phòng sở tại và trụ sở chính của của FBI cung cấp, theo lời khai của Elvis Chan — đặc vụ phụ trách Bộ phận Mạng tại Phân khu San Francisco của FBI. Các bài đăng này sau đó được chuyển đến sở chỉ huy của văn phòng FBI San Francisco, được thiết lập vài ngày trước cuộc bầu cử và hoạt động đến hết đêm bầu cử.

Các bài đăng sẽ tiếp tục được gửi đến các hãng công nghệ lớn (Big Tech), theo đặc vụ Chan — chỉ huy ca ban ngày của sở chỉ huy — cho biết.

"Theo tôi nhớ, chúng tôi đã nhận được một số phản hồi từ các công ty mạng xã hội. Tôi nhớ trong một số trường hợp, họ sẽ cho biết rằng họ đã gỡ bỏ các bài đăng. Trong những trường hợp khác, họ sẽ nói rằng cái này không vi phạm điều khoản dịch vụ của họ", đặc vụ Chan nói. "Trong một số trường hợp khi chúng tôi chia sẻ thông tin, họ sẽ phản hồi với chúng tôi rằng họ đã gỡ chúng xuống. Tôi sẽ không nói đó là tỷ lệ thành công 100%. Nếu tôi phải mô tả nó, tôi sẽ nói nó như là một tỷ lệ thành công 50%. Nhưng đó chỉ là từ những gì tôi nhớ mà thôi".

"Tỷ lệ thành công" được đặc vụ Chan định nghĩa là, mạng xã hội đã thực hiện một số hành động vì một bài đăng được xác định là vi phạm điều khoản dịch vụ của họ.

Đặc vụ Chan đã cung khai vào ngày 29/11/2022. Đây là một phần của vụ kiện cáo buộc chính phủ Mỹ thông đồng với các hãng công nghệ lớn kiểm duyệt người dùng. Bản ghi của lời khai đã được công khai vào ngày 6/12/2022 theo giờ địa phương.

Các quan chức FBI San Francisco đã bị cáo buộc đóng vai trò là mắt xích cuối cùng trong đường dây thông đồng này, vì nhiều hãng công nghệ lớn có trụ sở tại khu vực San Francisco.

Quá trình

FBI khuyến khích người dân báo cáo những gì họ cho là "thông tin sai lệch" về bầu cử. Các thông tin được gửi đến sẽ được xem xét bởi phân tích viên do FBI thuê. Nếu các nguồn tin được coi là phù hợp với các tiêu chí nhất định, chúng sẽ được chuyển lên các quan chức cấp cao hơn và cuối cùng là văn phòng San Francisco.

"Vào lúc nó đến tay chúng tôi, thì đã có cái mà tôi sẽ gọi là con dấu phê duyệt của trụ sở FBI", đặc vụ Chan nói.

Đặc vụ Chan cho hay, nếu một bài đăng trên mạng xã hội nói rằng bỏ phiếu qua thư là không đáng tin cậy, nó sẽ được xem xét nhưng có lẽ sẽ bị loại bỏ vì "mơ hồ" và sẽ không được chuyển đến San Francisco.

Một ví dụ về loại bài đăng được chuyển tiếp đến các công ty mạng xã hội là những tuyên bố sai lệch về thời gian cử tri có thể bỏ phiếu, theo đặc vụ Chan cho biết.

FBI đã sử dụng hai ứng dụng để liên lạc với các công ty mạng xã hội, là ứng dụng gửi tệp an toàn Teleporter của FBI và ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal.

"Nói chung, Signal là một ứng dụng tự xóa [tin nhắn]. Nhưng dựa trên hướng dẫn từ trụ sở FBI, chúng tôi phải tắt chức năng đó vì chúng tôi cần lưu tất cả thông tin đó. Vì vậy, chúng tôi đã làm thế", đặc vụ Chan nhớ lại khi nói về cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. "Chúng tôi đã chụp ảnh màn hình tất cả thông tin trên kênh Signal. Chúng tôi đã ghi nó vào đĩa DVD, và sau đó chúng tôi đã lưu nó làm bằng chứng".

Quá trình đó không được thực hiện cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 vừa qua vì Signal đã không được sử dụng. FBI đã cho rằng sẽ không có nhiều thông tin để chuyển đến các hãng công nghệ lớn trong cuộc bầu cử này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) vẫy tay chào, cùng con trai Hunter Biden, sau khi tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Công giáo Holy Spirit ở Đảo Johns, Nam Carolina, 13/08/2022. (Nicholas Kamm / AFP, qua Getty Images)

Hunter Biden

Đặc vụ Chan đã được Meta, công ty mẹ của Facebook, chỉ ra là một quan chức FBI có liên quan đến việc kiểm duyệt bài báo đầu tiên về chiếc máy tính xách tay của Hunter Biden. Hunter Biden là con trai của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Vào tháng 10/2022, một thẩm phán Mỹ đã ra lệnh cho đặc vụ Chan và những người khác cung khai nhằm cung cấp thông tin cho việc xem xét đề nghị ban hành lệnh cấm sơ bộ đối với chính phủ. Lệnh này sẽ cấm các quan chức chính quyền Tổng thống Biden khuyến khích hoặc gây áp lực lên các công ty để kiểm duyệt người dùng.

Thẩm phán cho biết,đặc vụ Chan "được xác định là Đặc vụ FBI mà đã liên lạc với Facebook để ngăn chặn câu chuyện về chiếc máy tính xách tay của Hunter Biden", thêm rằng, "Nếu anh ta đã làm điều này, thì Tòa cuối cùng thấy rằng có lý do để tin anh ta cũng đã can thiệp theo những cách khác".

Yoel Roth, một cựu quản lý cấp cao của Twitter — nơi cũng đã kiểm duyệt câu chuyện — cho hay, FBI đã cảnh báo Twitter về "một hoạt động hack và rò rỉ liên quan đến Hunter Biden" trước cuộc bầu cử năm 2020. Lãnh đạo Facebook cũng từng nói rằng, FBI đã cảnh báo về hoạt động "can thiệp từ nước ngoài".

Đặc vụ Chan thừa nhận đã thường xuyên gặp gỡ quản lý các hãng công nghệ lớn rong những tháng trước cuộc bầu cử, và hỏi xem họ xử lý các tài liệu bị hack như thế nào. Đặc vụ Chan cho biết mình không nhớ liệu Hunter Biden có được nhắc đến hay không trước khi tờ New York Post đưa tin đầu tiên về chiếc máy tính xách tay. Sau đó, một nhân viên của Facebook đã hỏi FBI về vụ việc Hunter Biden và FBI đã từ chối bình luận, theo ông Chan nhớ lại.

Nội bộ FBI đã thảo luận các giải pháp trong trường hợp tài liệu bị hack xuất hiện mà các công ty công nghệ không có hành động gì, theo đặc vụ Chan cho hay. Một giải pháp tiềm năng là dùng lệnh thu giữ tài liệu để loại bỏ nó. Một giải pháp khác là "yêu cầu công ty gỡ bỏ thông tin một cách đồng thuận ngay cả khi thông tin đó không vi phạm điều khoản dịch vụ của họ"

Theo đặc vụ Chan, cả hai lựa chọn trên đều đã không được sử dụng cho câu chuyện về Hunter Biden.

"In sâu [vào tâm trí] các cảnh báo sai"

Jenin Younes — luật sư của một số nguyên đơn trong vụ kiện — chia sẻ với tờ Epoch Times rằng FBI "in sâu [vào tâm trí] các cảnh báo sai khiến Twitter có cơ sở để xử lý câu chuyện".

Việc lấy lời khai đã đóng góp một số bằng chứng vững chắc giúp củng cố tình huống làm cơ sở cho lệnh cấm, luật sư Younes nói thêm.

FBI đã nói với các hãng tin trong tuần này rằng: "FBI thường xuyên phối hợp với các tổ chức thuộc khu vực tư nhân để cung cấp thông tin cụ thể về các hoạt động lật đổ, không khai báo, che đậy, hoặc phạm tội của những kẻ xấu nước ngoài đã được xác định. Việc này không dựa trên nội dung của bất kỳ thông điệp hay câu chuyện cụ thể nào".

Nhưng luật sư Younes cho rằng điều đó không đúng.

"Chúng ta biết điều đó là không đúng, bởi vì nếu thế thì tại sao họ lại hoạt động để đảm bảo rằng câu chuyện bị dập tắt, khi thực sự không có bằng chứng nào cho thấy đây là sản phẩm của một vụ hack của Nga", bà nói. "Đối với tôi, trông gần như rõ ràng rằng đó là một thủ đoạn chính trị".

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

FBI cùng Big Tech kiểm duyệt người dùng trước bầu cử Mỹ 2020, theo lời khai của đặc vụ