Thư sinh nghèo thần cơ diệu toán, khai phá ra kỹ thuật máy tính cách đây 1000 năm 

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Một thư sinh nghèo thần cơ diệu toán, diễn giải Kinh Dịch, sáng tạo Mai Hoa Dịch Số, suy đoán lịch sử quá khứ suốt trên 3000 năm, được các nhà sử học hiện đại xác nhận chính xác. Ông còn là sư tổ của ngành Toán mệnh học, và đại sư Lý học, đặt nền tảng cho công nghệ máy tính hiện đại.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Lời căn dặn kỳ lạ của ông lão lúc lâm chung

Một ngày nọ vào thời Khánh Lịch Bắc Tống, có một ông lão qua đời ở trong nhà. Trước lúc lâm chung, ông không để lại tài sản, chỉ để lại một quyển sách, rồi nói với người nhà: “Ngày đó tháng đó năm đó, có một vị tú tài sẽ đến nhà chúng ta, mọi người hãy tặng cuốn sách này cho anh ta, sau đó có thể tổ chức hậu sự cho ta được rồi”.

Ông lão này quả thực là quá lạ lùng. Các bạn nghĩ xem, không ai quen biết người đến lấy sách, làm sao có thể khẳng định anh ta sẽ đến? Nếu người này không đến, chẳng lẽ tang sự không tổ chức được sao?

Cảm tạ trời đất! Đúng thời gian mà ông lão nói, quả thật có một thư sinh tìm đến cửa nhà. Xem ra, nếu ông lão không chắc chắn điều này, thì đã không căn dặn người nhà như vậy.

Người nhà vội mang sách đưa cho anh ta. Người kia đem mở sách ra xem một hồi lâu, rồi nói: “Ông cụ khi còn sống đã đem vàng, bạc chôn trong một cái hố phía tây bắc giường ngủ”.

Người nhà mau chóng đi tìm, quả thật tìm được.

Vị tú tài này chính là Thiệu Ung. còn ông lão kia, trong lịch sử không lưu lại họ tên ông.

Nếu nói ông ấy là một vị sư phụ của Thiệu Ung cũng không sai. Nhưng Thiệu Ung và lão tiên sinh kia bình sinh chưa hề biết nhau, làm sao có thể tìm được đường đến nhà lão tiên sinh chứ?

Vị tú tài này chính là Thiệu Ung. (Tranh: Winnie Wang)

Thiệu Ung - đại sư lý học và Mai Hoa Dịch Số

Lời tựa của cuốn “Mai Hoa Dịch Số” đã giải thích nguyên nhân của việc này. Thì ra, lúc đó Thiệu Ung đang ẩn cư ở rừng núi Tô Môn Sơn, suốt ngày vẽ vẽ vạch vạch trên tường nghiên cứu Bát quái, muốn hiểu thấu đáo “Số” trong “Dịch” lý.

Thiệu Ung từng viết một bài thơ về thiên nhiên tươi đẹp “Sơn thôn vịnh hoài””

Nhất khứ nhị tam lý,
Yên thôn tứ ngũ gia.
Đình đài lục thất tọa,
Bát cửu thập chi hoa.

Tạm dịch:

Một đi hai ba dặm,
Xóm nhỏ bốn năm nhà.
Đình đài sáu bảy cái,
Tám chín mười cành hoa

Thiệu Ung đồng thời dùng cả mười chữ số hệ thập phân một cách độc đáo, ông còn là bậc thầy toán học phát minh ra hệ nhị phân.

Hệ nhị phân được dùng trong máy vi tính ngày nay, chính là bắt nguồn từ thành quả nghiên cứu của Thiệu Ung. Chỉ có điều vào lúc đó, ông tính tới tính lui không có kết quả.

Một ngày nọ sau buổi trưa, Thiệu Ung mệt ngủ thiếp đi, không ngờ có một con chuột chạy náo loạn, làm ông tỉnh giấc. Thiệu Ung thuận tay cầm một cái gối sứ ném qua.

“Choang” một tiếng, con chuột chạy mất, gối sứ cũng vỡ, bên trong có một mảnh giấy rơi ra, trên đó viết: “Gối này bán cho hiền nhân Thiệu Ung, ngày đó giờ đó tháng đó năm đó, ném chuột vỡ gối”.

Thiệu Ung kinh ngạc, lập tức chạy đến chỗ ông chủ bán gối hỏi thăm. Ông chủ nói: “Trước đây có một lão tiên sinh cầm một cuốn “Chu dịch”, ngồi ở đây nghỉ ngơi, cầm chiếc gối này lên xem. Có lẽ chính là miếng giấy ông ta để vào. Ông ta ở chỗ đó, chỗ đó”.

Thiệu Ung đi tìm, kết quả là không gặp được lão tiên sinh, nhưng tìm được cuốn sách mà lão tiên sinh để lại cho ông.

Lão tiên sinh này tuyệt đối không phải là nhân vật tầm thường, và Thiệu Ung, người mà ông lão lựa chọn để truyền thừa, đương nhiên cũng không phải là một nhân vật tầm thường.

Theo “Tống sử - Thiệu Ung truyện” có chép, khi Thiệu Ung (năm 1012 - năm 1077) sinh ra, quạ bay đầy trong sân nhà. Ở thời cổ đại, đây là dấu hiệu dự báo điềm lành.

Lúc 7 tuổi, Thiệu Ung đang chơi trong sân, phát hiện trong tổ kiến có cả bầu trời, mặt trời và mây đang bay. Thiệu Ung gọi mẹ đến xem, mẹ lại không nhìn thấy gì.

Thời thiếu niên Thiệu Ung muốn lập công danh, không sách nào không đọc. Mùa đông không đốt lò sưởi, mùa hè không dùng quạt, mấy năm cực nhọc đêm ngày học tập.

“Kế hoạch một năm bắt đầu vào mùa xuân, kế hoạch một ngày bắt đầu vào buổi sáng sớm, kế hoạch một đời bắt đầu từ sự cần cù” - Câu danh ngôn này chính là do ông nói. Sau này ông vân du bốn phương, làm được: “đọc ngàn cuốn sách, đi ngàn dặm đường”.

Sau mấy năm mới trở về, ông nói: “Đạo ở đây rồi”.

Trần Đoàn lão tổ cưỡi tiên hạc bay đi hơn 40 năm, Hà Đồ, Lạc Thư, Phục Hy Bát quái, Đồ hình 64 quẻ của ông được truyền cho truyền nhân đời thứ ba là Lý Chi Tài, lúc bấy giờ nhậm chức huyện lệnh Cộng Thành.

Khi đó, Lý Chi Tài đang tìm kiếm một truyền nhân có đạo đức cao thâm. Khi đến Bách Nguyên ở Tô Môn Sơn, ông đẩy một cách cửa gỗ, thấy một thanh niên đang cắm cúi đọc sách. Ông lập tức nhận ra, đây chính là truyền nhân Thiệu Ung mà ông cần tìm.

Thiệu Ung dựa vào sự thông minh tài trí, khắc khổ nghiên cứu, ngộ được nhiều điều huyền diệu, còn gặt hái được nhiều thành tựu mới, sáng tạo ra “Tiên thiên tượng số học”.

Trong cuốn “Quan vật ngoại thiên”, ông đã khái quát nguyên lý của Tiên thiên tượng số học rằng: “Tất cả tư tưởng đều có thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt. Có thể dùng ngôn ngữ biểu đạt thì có thể vẽ ra đồ hình. Có đồ hình rồi liền có thể biến thành số. Như vậy ngược lại mà nói: Số có thể biến thành đồ hình. Đồ hình lại có thể biến thành ngôn ngữ. Ngôn ngữ sẽ có thể biểu đạt tư tưởng ban đầu”.

Trong “Dịch truyện. Hệ từ thượng truyện” có viết: “Vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái diễn hóa ra vạn vật”.

Có thể thấy rằng vạn vật trong vũ trụ do Thái cực diễn hóa mà thành, tuân theo phép nhân đôi hay phép nhị phân, “1 chia thành 2”, “2 chia thành 4”, tiến hành diễn hóa mà sinh ra vạn vật.

Thiệu Ung dựa vào: số 1 tương ứng với hào dương (Dương nghi), số 0 tương ứng với hào âm (Âm nghi, hào âm), ông lại dùng thêm phép nhân đôi hoặc phép nhị phân. Thế là hoa thơm chim hót của giới tự nhiên, trăm trạng thái của con người trên thế gian, mỗi thời mỗi khắc biến hóa khác nhau, và đều có thể dùng quẻ tượng để biểu hiện, cũng có thể dùng hai số 0 và 1 để biểu hiện.

Mỗi số trong hệ thập phân đều có thể dùng hai chữ số này để biểu diễn. Vì vậy mà sinh ra phép nhị phân.

Lúc đó lão tiên sinh gửi sách trước khi lâm chung, đã tặng cho Thiệu Ung một cuốn sách giải nghĩa “Kinh Dịch”, có khẩu quyết và ví dụ thực tế. Thiệu Ung chiểu theo những điều này để tiến hành suy luận, vô cùng linh nghiệm. Điều này giúp Thiệu Ung như hổ thêm cánh. Dựa vào đó, Thiệu Ung viết ra cuốn “Mai hoa dịch số”, và trở thành tổ sư của xem bói toán mệnh, đã lưu lại rất nhiều câu chuyện truyền kỳ.

Thiệu Ung và Mai Hoa Dịch Số. (Ảnh: Epoch Times tổng hợp)

Có một ngày, ông đang thưởng thức hoa mai, thấy hai con chim sẻ đánh nhau trên cành mai, đánh nhau đến lộn nhào xuống đất.

Ông liền dựa vào giờ, ngày, tháng, năm lúc đó, và gieo một quẻ bói, biết rằng tối mai sẽ có một người con gái hái hoa hoảng sợ ngã lăn xuống đất, bị gãy xương đùi.

Tối ngày hôm sau, quả nhiên có người con gái ở gần đó vào vườn hái hoa. Người làm vườn cho là trộm, liền đuổi theo cô, dẫn đến cô gái ngã trên đất, bị thương ở đùi.

Vì vậy, sau này Thiệu Ung viết một cuốn sách xem bói, gọi là “Mai hoa dịch số”, còn gọi là “Quan mai số”. Từ đó, Thiệu Ung xem bói chuẩn như Thần, dù là trong dân gian hay trong sử sách, đều có rất nhiều ghi chép và lưu truyền.

Ví dụ, vào lúc chập tối giờ Dậu một ngày mùa đông (khoảng 6 giờ tối), Thiệu Ung đang ở bên bếp lò sưởi ấm, đột nhiên nghe có người gõ cửa, lúc đầu gõ 1 tiếng, sau đó liên tiếp gõ 5 tiếng. Người đến nói là muốn mượn đồ. Thế là Thiệu Ung vận dụng bói một quẻ, đoán rằng là hàng xóm đến mượn búa. Con trai của ông cũng gieo một quẻ, cho rằng là mượn cái cuốc. Mở cửa ra để hỏi. Người đến quả nhiên muốn mượn búa.

Một ngày nọ, Thiệu Ung tâm huyết dâng trào, tính một quẻ cho cái ghế ngồi, viết xuống mặt dưới ghế: “Ngày đó tháng đó năm đó, bị một vị Tiên khách ngồi hỏng”.

Rất lâu sau đó, một vị Đạo sĩ viếng thăm, vừa ngồi xuống, chiếc ghế liền kêu ‘rắc’ một cái rồi gãy. Đạo sĩ vội vàng đứng dậy xin lỗi. Thiệu Ung liền cho ông xem lời dự ngôn dưới mặt ghế, thời gian đúng là ngày hôm đó. Câu chuyện này được ghi chép trong chính sử.

Một ngày có 3 người rút thăm cùng một chữ, lại đoán ra 3 kết cục khác nhau

Còn những truyền thuyết trong dân gian lại càng nhiều hơn. Nghe nói rằng Thiệu Ung bày sạp bói toán, sắp đến giữa trưa, một lão nông tiện tay rút ra một chữ “khoái” (đũa). Thiệu Ung nói: “Hôm nay giữa trưa nhất định sẽ được ăn tiệc”.

Lão nông về nhà liền thấy cháu trai đến mời ăn cơm, nói rằng: “Hôm nay là ngày lễ đại thọ 60 tuổi của cha cháu”.

Qua giờ trưa lại có một người đến, cũng rút được một chữ “khoái” (đũa). Thiệu Ung lại nói: “Ngày hôm nay ông nhất định sẽ bị ướt”.

Người này chạy ngay đến cửa nhà, cũng không thấy một giọt nước. Ông ta đang lẩm bẩm cho rằng Thiệu Ung nói xằng bậy, thì một chậu nước bẩn từ trong nhà hắt ra, hắt hết vào người ông ta.

Buổi chiều lại có một người đến rút được chữ “khoái” (đũa). Thiệu Ung nói: “Hôm nay ông sẽ có bị tai họa, bị bắt vào ngục”.

Người đó về nhà che mặt, ngủ một giấc, nghĩ rằng, ta hôm nay cửa lớn không đi, cửa sau không bước, thì tai họa bị bắt vào ngục có tìm đến cửa cũng không thể nào bị họa.

Không ngờ một lúc sau, anh ta bị hàng xóm mắng chửi mà tỉnh giấc. Thì ra con heo nhà ông ta giẫm nát vườn rau nhà họ. Kết quả hai nhà đánh nhau, ông ta lỡ tay đánh chết hàng xóm, bị bắt vào đại lao.

Ba người đều rút chữ “khoái”, vì sao kết quả lại khác nhau một trời một vực như vậy?

Bởi vì thời gian không giống nhau nên quẻ tượng cũng không giống nhau. Thiệu Ung là một bậc thầy về Dịch học, xem bói đã đạt đến cảnh giới đoán đúng như Thần. Nhưng ông nói: Số của thiên hạ có nguồn gốc từ Lý. Làm trái với Lý thì tiến vào Thuật. Thế nhân dùng Số để tiến vào Thuật, nên bị mất Lý”.

Ý nghĩa là: Những điều giảng trong “Kinh Dịch” là liên quan đến học vấn của Thiên Đạo. Số của thiên hạ xuất phát từ Thiên Đạo.Nếu làm trái Thiên Đạo sẽ tiến vào tiểu năng tiểu thuật hoặc kỹ thuật. Thế nhân dùng Số (toán học) vận dụng vào kỹ thuật hoặc tiểu năng tiểu thuật, so với nghiên cứu Thiên Đạo trong “Kinh dịch” là hoàn toàn trái ngược.

Tinh hoa của Kinh Dịch

Như vậy, khi nghiên cứu “Kinh dịch”, đối với Thiệu Ung thì tinh hoa chân chính là gì?

Cả đời của Thiệu Ung viết rất nhiều tác phẩm. Trong “Hoàng cực kinh thế”, ông lấy “Tượng số học” để suy đoán sự phát triển hưng suy, loạn lạc của lịch sử. Ông viết từ năm đầu thời vua Đường Nghiêu (2357 năm TCN), đến năm Hiển Đức thứ 6 của nhà Hậu Chu thời Ngũ Đại, tổng cộng 3316 năm, giống như là niên biểu của những việc lớn trong vũ trụ, được mô phỏng trong một câu nói của Chu Hi: “Trong học vấn của Khang Tiết, cốt tủy nằm ở “Hoàng cực kinh thế”, hoa cỏ chính là thơ”.

Ngày 9 tháng 11 năm 2000, công trình nghiên cứu lịch sử về giai đoạn thời gian Hạ, Thương, Chu tốn nhiều thời gian, công sức tiền bạc, chính thức công bố “Niên biểu Hạ Thương Chu”, ghi lại các mốc trong lịch sử Trung Quốc từ năm 841 TCN ngược về hơn 1200 năm trở về trước.

Còn niên biểu lịch sử mà Thiệu Ung suy đoán, so với công trình nghiên cứu này còn tính đến thời gian sớm hơn nữa, lại còn chi tiết hơn nữa.

Bộ đĩa “Thư phòng hoàng kim” do Đại học Thanh Hoa phát hành “Niên biểu Trung Quốc qua các đời”, và “Niên biểu các đời đế vương ở Trung Quốc”, dường như hoàn toàn giống với niên biểu mà Thiệu Ung suy đoán.

Thiệu Ung dùng “Hoàng Cực kinh thế” ghi chép lại những việc quá khứ do ông suy đoán, dùng “Mai hoa thi” ghi chép những việc tương lai mà ông biết trước, thậm chí còn giải thích vấn đề con người từ đâu đến, cuối cùng sẽ đi về đâu. Đây có lẽ là di sản có ý nghĩa nhất mà ông lưu lại cho người đời sau, đặc biệt là con người ngày nay.

Thiệu Ung từ sau năm 38 tuổi, dọn đến sống ở thành Lạc Dương. Ở đó ông đốn củi, dạy học.

Thời gian trôi qua, Tể tướng Phú Bật, Tư Mã Quang, Lý học đại sư Trần Hạo, Trình Di v.v.. những học sĩ nổi tiếng đều là khách quý đến nhà ông.

Trình Hạo khi vừa gặp Thiệu Ung, hai người trò chuyện cả ngày. Khi trở về khen ngợi: “Học vấn của Nghiêu Phu (tên tự của Thiệu Ung) chính là nội Thánh ngoại vương”.

Trình Hạo, bậc Đại Nho, đại sư lý học thời Bắc Tống. (Miền công cộng)

Thiệu Ung trong quá trình học “Kinh dịch”, thể ngộ được con người lập thân xử thế, ngôn hành cử chỉ, đều cần phải tuân theo “Thiên Đạo” đạt được “Nội Thánh”.

Trong “Tống sử” viết: “Cùng với tuổi đời càng tăng, phẩm đức của ông ngày càng cao quý. Ông sống với người khác hiền hòa bình dị, nói cười vui vẻ, không phân biệt cao thấp, quý tiện, đều chân thành như nhau, không hiển thị bản thân, cũng không đề phòng người khác. Ông thích nói về sở trường của người khác, không nói khuyết điểm của người khác, được hỏi thì trả lời, nhưng chưa từng thuyết giáo”.

Tư Mã Quang xem Thiệu Ung như huynh trưởng. Hai người dựa vào phẩm đức thuần khiết, cao thượng ảnh hưởng đến quê nhà. Trong một thời gian, thành Lạc Dương xuất hiện lớp lớp nhân tài, phẩm chất trung hậu, nổi tiếng trong thiên hạ.

Thiệu Ung sống thanh bần đạo hạnh, ông từng hai lần được đề cử làm quan, ông đều nói bản thân mắc bệnh để từ chối.

Ông gọi ngôi nhà tranh của mình là “An Lạc Oa”. Sau đó hơn 20 người bạn cùng chung tiền, mua cho ông căn nhà, cũng gọi là “An Lạc Oa”. Ông ở đó trồng trọt lấy quả, sống một cuộc sống tự cấp tự túc, tự gọi là “An Lạc tiên sinh”.

Cho dù ở “An Lạc Oa” nào, ông cũng đều trải qua cuộc sống vô cùng mãn nguyện.

Trong bài thơ “An Lạc Oa ca”, ông viết:

Nhà tranh nửa gian vẫn tiêu dao
Đường núi gập ghềnh ít khách vào
Ngắm nhìn vô danh hoa và cỏ
Nghe tiếng chim hót rộn cành cao

Hoa xuân nở buổi sớm
Ve hè kêu đầu cành
Lá vàng lao xao mùa thu tới
Tuyết trắng phấp phới đông lại về.

Than đời người dễ mau già
Chi bằng dựng nhà An Lạc Oa
Cầm kỳ thi họa
Ngư độc canh tiều
Buồn ra sông câu cá
Nhàn đến gõ cầm ca
Uống một chén trà
Vui tươi khoái trá
Ta đã đẩy đổ núi sầu

Vào mùa đông và mùa hạ ông không ra khỏi nhà, mùa xuân thu mới đi xe ngựa nhỏ đi thăm bạn bè, muốn đi đâu thì đi đó. Nghe tiếng xe ngựa của ông, trong nhà người già, trẻ con đều nhảy lên reo hò: “Tiên sinh của nhà chúng ta đến rồi”

Ông thường dừng lại nhà này vài ngày, nhà kia vài ngày, hơn một tháng mới trở về nhà. Có hơn 20 nhà chuẩn bị cho ông một nơi gọi là “Hành Oa”, giống như “An Lạc Oa”.

Thiệu Ung qua đời vào mùa hè năm 1077, thọ 66 tuổi. Ông cả đời sống ở thời kỳ hòa bình triều Bắc Tống, nhưng cũng vì con cháu sắp gặp loạn lạc mà an bài.

Trong “Thiệu thị văn kiến lục” có chép: “Thiệu Ung từng nói với con trai trưởng Thiệu Bá Ôn rằng: ‘Thế đạo sắp loạn, Tứ Xuyên là nơi an toàn, có thể tránh ở đó’. Sau đó, Thiệu Bá Ôn mang theo người nhà lẩn tránh ở đó. Quả nhiên tránh được cuộc tàn sát của người Kim”.

Từ hệ nhị phân đến máy tính

Hệ nhị phân mà Thiệu Ung phát minh, ở thời đại của ông, rất ít người có thể hiểu được. Nhưng Trình Hạo hiểu được, có lần Trình Hạo nói với Thiệu Ung: “Thuật số của Nghiêu Phu chỉ là phép nhân đôi”.

Thiệu Ung vỗ vỗ Trình Hạo nói: “Đại ca, huynh thật thông minh”.

Thiệu Ung dùng phép tính hệ nhị phân, đem 64 quẻ trong “Phục Hy tiên thiên lục thập tứ quái phương nguyên đồ” xếp lại thứ tự mới, thể hiện được mô hình quy luật diễn hóa của cơ số nhị phân 0 và 1.

Bức hình đó bởi vì đặt ở trang đầu trong cuốn “Chu dịch bản nghĩa” của Chu Hi mà được lưu truyền khắp thế giới.

Đầu năm 1701, được mệnh danh là Aristotle của thế kỷ thứ 17, một người Đức là Leibniz, xin trình bày tại Hiệp hội Hoàng gia Paris một bản luận văn “Lý luận mới về khoa học chữ số” về hệ nhị phân, nhưng bị từ chối một cách lịch sự, bởi vì Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học lúc đó là DeFontenelle cho rằng hệ nhị phân không có tác dụng gì.

Leibniz không mất hy vọng, lại gửi bản thảo đến “Kỷ yếu Viện Khoa học Hoàng gia”. Cuối cùng, tài liệu liên quan đến hệ nhị phân đầu tiên của phương Tây được công bố vào năm 1703, tiêu đề là “Giải thích thuật toán trong hệ nhị phân - về việc chỉ dùng con số 0 và 1, ý nghĩa và tác dụng của những con số Phục Hy

Gottfried Wilhelm von Leibniz, người khám phá ra hệ thống số nhị phân, nền tảng của công nghệ máy tính hiện đại. (Miền công cộng)

Có thể thấy Leibniz lấy ý tưởng từ “Phục Hy tiên thiên lục thập tứ quái đồ” do Thiệu Ung biên soạn lại, mới hiểu quy luật thật sự của hệ nhị phân. 200 năm sau, mọi người đều biết, nếu không có hệ nhị phân sẽ không có máy tính kỹ thuật số ngày nay.

Máy vi tính là đại biểu cho kỹ thuật hiện đại, mang đến cho con người tiện ích mà quá khứ khó mà tưởng tưởng được, nhưng cũng mang lại những vấn đề không thể tưởng tượng được.

Trong mắt của Thiệu Ung, có lẽ đây chỉ là “Số” trong Thiên Đạo, vận dụng kỹ thuật vào những việc cụ thể mà thôi. Như vậy thứ mà có thể cứu con người trong loạn thế là tiểu năng tiểu thuật và kỹ thuật, hay còn có Đại Đạo khác nữa?

Đức Nhân
Theo Vườn văn sử



BÀI CHỌN LỌC

Thư sinh nghèo thần cơ diệu toán, khai phá ra kỹ thuật máy tính cách đây 1000 năm