Trả lại vợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người ta thường nói “giúp người chính là giúp mình”, ý nghĩa là khi mình giúp người ta, người ta sẽ ghi nhớ việc tốt của mình, rồi khi mình gặp khó khăn, người ta sẽ giúp đỡ mình. Nhưng ý nghĩ không chỉ có vậy, khi mình làm một việc nghĩa hiệp, thì những người xung quanh chứng kiến cũng cảm kích, và họ sẽ giúp đỡ khi mình gặp khó khăn. Đây cũng là quy luật thiện có thiện báo.

Trong những năm Thuận Trị thời nhà Thanh, quân Thanh nhập quan và tiến về phía nam đến tận thành Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, người dân vô cùng khổ sở, rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh ly tán.

Trong thành Kim Hoa có một thanh niên tên là Bảo Vụ Sinh cùng vợ đi lánh nạn nhưng trong quá trình này hai người đã lạc mất nhau. Bảo Vụ Sinh may mắn thoát chết nhờ nằm lẫn trong đống thi thể, nhưng vợ của anh lại bị quân Thanh bắt đi. Để tìm vợ, Bảo Vụ Sinh đuổi theo đến huyện Hoa Đình, nhưng vẫn không tìm được. Lúc này bản thân Bảo Vụ Sinh cũng đã kiệt sức, đành ngồi buồn bã thở dài trước cửa một quán trọ. Chủ quán trọ bắt gặp, thấy anh tướng mạo anh tuấn nhưng khuôn mặt lại vô cùng buồn phiền ủ rũ, có vẻ rất đáng thương, liền bắt chuyện với anh.

Bảo Vụ Sinh mang tất cả những chuyện không may mà mình đã gặp phải và câu chuyện đi tìm vợ của anh kể cho chủ quán. Chủ quán cũng thở dài, hỏi rằng: “Anh có biết chữ không?”.

Bảo Vụ Sinh trả lời: “Tôi biết”.

Chủ quán lại hỏi: “Anh biết tính toán không?”.

Anh ta trả lời: “Tôi cũng có thể tính toán được”.

Chủ quán liền nói tiếp: “Vậy anh cứ tạm thời ở lại quán trọ này, làm việc cho tôi, như vậy cũng có thể có cơm để ăn. Đến khi có thời gian rảnh, anh có thể tiếp tục tìm kiếm vợ của anh. Anh thấy sao?”.

Bảo Vụ Sinh nghe xong, nghĩ rằng cách này cũng phù hợp nên liền đồng ý, trả lời rằng: “Nếu được như vậy thì xin cảm ơn ông”.

Trong khi làm việc ở quán trọ, Bảo Vụ Sinh rất siêng năng cần cù. Việc làm ăn của quán trọ cũng càng ngày càng tốt hơn, lợi nhuận thu được cũng càng ngày càng nhiều. Chủ quán rất mến Bảo Vụ Sinh, dự tính rằng sẽ gả con gái của mình cho anh nhưng vẫn chưa mở lời.

Một ngày nọ, khi trời vừa sáng, có vị khách nọ ăn uống rất nhanh, sau khi vội trả tiền rồi nhanh chóng rời đi. Thế nhưng, khi đến dọn dẹp, Bảo Vụ Sinh phát hiện vị khách kia đã bỏ quên một túi đồ trên bàn. Anh mở ra xem thì thấy trong đó có 50 lượng bạc trắng, liền nhanh chóng gói lại, giao cho chủ quán, đợi người kia quay lại tìm.

Đến buổi trưa, quả nhiên người khách kia đã quay lại, mồ hôi nhễ nhại, hơi thở gấp gáp, vừa vào quán trọ đã tìm kiếm khắp nơi. Bảo Vụ Sinh đến gần, hỏi: “Xin hỏi ông đang tìm thứ gì?”.

Vị khách trả lời: “Tôi đang tìm một túi bạc”.

Bảo Vụ Sinh hỏi tiếp: “Xin hỏi, trong đó có bao nhiêu tiền?”.

Vị khách hàng trả lời: “50 lượng bạc”.

Bảo Vụ Sinh lại hỏi: “Ông đem theo nhiều bạc như vậy để làm gì?”.

Người kia lo lắng nói: “Tôi tích góp cả đời mới được 50 lượng, định mang số tiền này đến doanh trại của quân Thanh để mua một người vợ, nhưng hôm nay lại vô ý đánh mất số bạc này. Đó là số tiền tích góp cả đời của tôi”.

Bảo Vụ Sinh nói: “Xin ông đừng lo lắng. Tôi đã nhặt được số bạc kia, để tôi trả lại cho ông”.

Nói xong, Bảo Vụ Sinh vào trong, mang ra túi đồ. Người khách kiểm tra, thấy số tiền vẫn còn nguyên, không thiếu đồng nào nên liên tục cảm ơn, sau đó vui vẻ mang bạc đi. Mấy ngày sau, người khách bỏ quên bạc kia vui mừng mang đến hai tấm thiệp mời, nói với Bảo Vụ Sinh rằng: “Nhờ anh trả lại số bạc nên tôi mới có thể hoàn thành tâm nguyện này. Tôi đã chọn được ngày kết hôn. Mối nhân duyên này của tôi có thể nói là do anh tặng cho tôi. Vì thế, đến ngày kết hôn, anh và chủ quán nhất định phải đến uống rượu mừng”.

Bảo Vụ Sinh khách sáo, không dám nhận. Nhưng chủ quán lại vui vẻ nói: “Chén rượu mừng này nhất định phải uống rồi, nhưng có điều gần đây tôi không hơi bận, nên có lẽ để Bảo Vụ Sinh đi một mình là được rồi”.

Thế rồi theo ngày trên thiệp mời, Bảo Vụ Sinh đến tham gia hôn lễ.

Bảo Vụ Sinh đến tham gia hôn lễ. (Tranh minh họa: DKN)

Nhà của người mất bạc kia là một gia đình rất lương thiện. Bởi vì trong nhà có người kết hôn nên cả gia đình đều vô cùng phấn khởi. Ai cũng bận rộn chuẩn bị, vô cùng náo nhiệt. Tân nương sẽ đi thuyền đến, vì vậy mọi người đều ra bờ sông để đón. Bảo Vụ Sinh cũng đến bờ sông. Một lúc sau, có một chiếc thuyền tiến lại gần bờ, trên thuyền chính là một vị tân nương mà mọi người đang chờ. Những người trên bờ vui vẻ reo hò: “Tân nương đến rồi, tân nương đến rồi! Mọi người hãy mau đến xem. Tân nương rất xinh đẹp”.

Theo tiếng reo hò, Bảo Vụ Sinh cũng nhìn về phía tân nương, nhưng vừa nhìn thấy, anh liền sững sờ. Tân nương chẳng phải là người vợ mà mình đang tìm sao? Ở trên thuyền, tân nương nhìn nhìn lên bờ, cũng ngay lập tức nhận ra chồng của mình. Thế là hai người đều không cầm được nước mắt mà bật khóc. Bảo Vụ Sinh ở trên bờ khóc lóc, người vợ trên thuyền cũng khóc theo.

Chẳng mấy chốc thuyền đã cập bờ, đến lúc phải đưa tân nương lên bờ, nhưng tân nương đã khóc đến mức không đứng dậy nổi. Tân lang hỏi nàng có chuyện gì, nàng trả lời rằng: “Khi nãy tôi vừa thấy một người giống hệt người chồng trước đây của tôi. Vì vậy tôi thấy rất buồn, không biết phải làm thế nào”.

Sau đó, nàng mô tả dáng người và cách ăn mặc của Bảo Vụ Sinh. Tân lang nhận ra người được nàng tả giống hệt như là người ân nhân đã trả lại cho mình, bèn vội vàng lên bờ tìm. Lúc này tân lang thấy Bảo Vụ Sinh đang nằm khóc vật vã trên bãi cỏ bên bờ sông, không đứng dậy nổi. Tân lang hỏi anh ta có chuyện gì nhưng anh ta không dám nói. Tân lang gặng hỏi mãi, Bảo Vụ Sinh mới nói: “Lúc nãy, tôi mới thấy một người…”

Nói đến đây lại khóc to lên. Lúc này tân lang cũng hiểu ra mọi chuyện, chân thành nói với Bảo Vụ Sinh rằng: “Tôi đã biết tân nương của tôi chính là vợ của anh. Lúc anh nhặt được số bạc kia, thì số tiền đó đã là của anh rồi. Anh đưa số bạc này để tôi mua lại vợ của anh. Đó chính là ông trời muốn tôi làm một việc tốt. Anh đừng khóc nữa. Tôi muốn cảm tạ ân đức của anh nên sẽ trả lại vợ cho anh để báo đáp”.

Lúc này, Bảo Vụ Sinh cảm thấy vô cùng khó xử. Anh đã tìm thấy vợ của mình, đương nhiên là muốn được đoàn tụ với vợ. Thế nhưng anh cũng nghĩ: “Tân nương này là do người ta tốn đến 50 lượng bạc để mua về. Đó là số tiền tích góp cả đời của anh ta, hôm nay nhà người ta ai cũng vui mừng tổ chức hôn lễ. Không được, mình không thể làm việc có lỗi với anh ta được”.

Bảo Vụ Sinh cảm thấy làm thế nào cũng khó xử, phân vân biết giải quyết thế nào. Lúc này, tân lang đã cho mời người chủ quán đến làm. Biết chuyện, người chủ vội vã chạy đến. Sau khi hỏi rõ sự việc, chủ quán đã tán thưởng phẩm chất cao thượng của cả hai người, vui vẻ nói rằng: “Trả lại bạc là việc nghĩa, mà việc trả lại vợ cũng là việc cao thượng không kém. Người chuẩn bị lấy vợ nhưng lại mất vợ cũng không thể được. Như vậy đi, tôi có một đứa con gái, cũng đã đến tuổi lấy chồng, nên tôi sẽ gả cho tân lang. Hãy để tân nương và Bảo Vụ Sinh được đoàn tụ”.

Thế là hôn lễ của tân lang vẫn được diễn ra như đã định. Phẩm chất cao thượng của hai người đã tạo nên hai hỉ sự như vậy. Những con người cao thượng sẽ luôn gặp được may mắn như vậy.

(Nguồn: "Sơn Hải Kinh tùng thư")

Theo Tĩnh Liên - Zhengjian

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trả lại vợ