Trung Thu: Nguồn gốc, truyền thuyết và lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Tết Trung Thu còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng. Trẻ em rất mong đợi ngày này vì thường được người lớn tặng đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he...và được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thỏa thích. Tết Trung Thu khởi nguồn như thế nào. 

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Hằng Nga bôn nguyệt

Theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng có mười người con trai. Một ngày kia, họ đều biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Ngọc Hoàng lệnh cho các con quay về, nhưng họ không nghe, bèn cho vời Hậu Nghệ đến.

Hậu Nghệ, có tài bắn cung, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một người con trai của Ngọc Hoàng làm mặt trời. Ngọc Hoàng bực mình với giải pháp của Hậu Nghệ, nên đã trừng phạt bằng cách đày vợ chồng Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới để sống cuộc sống của con người.

Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ, nguy hiểm để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Sau đó Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu, được Tây Vương Mẫu cho một viên thuốc, nhưng dặn rằng mỗi người chỉ cần nửa viên để trở thành bất tử.

Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Hậu Nghệ dặn Hằng Nga không được mở chiếc hộp và sau đó rời khỏi nhà trong một khoảng thời gian. Hằng Nga tò mò mở chiếc hộp và nhìn thấy viên thuốc, đúng lúc Hậu Nghệ trở về. Sợ rằng Hậu Nghệ có thể nhìn thấy mình đang lục lọi chiếc hộp, nên vô tình Hằng Nga đã nuốt chửng viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời.

Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời. (Phạm vi công cộng)

Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi hạ xuống được Mặt Trăng. Đây được gọi là truyền thuyết Hằng Nga bôn nguyệt. Trên cung trăng, Hằng Nga kết bạn với một con thỏ ngọc đang chế thuốc trường sinh, cũng đang sống trên cung trăng.

Cứ mỗi năm một lần, vào ngày rằm tháng 8, Hậu Nghệ và Hằng Nga mới được đoàn tụ trong niềm hân hoan hạnh phúc. Chính vì vậy, mặt trăng luôn thật tròn và sáng vào ngày này để nói về niềm vui sum họp, đoàn viên của con người.

Đường Huyền Tông Tiên du cung Trăng

Chuyện kể rằng vua Đường Huyền Tông, còn gọi là Đường Minh Hoàng (713–741) trong lúc đi dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch, ngắm nhìn vầng trăng tròn và sáng trong, ông thầm ước được lên thăm cung trăng một lần cho biết. Khi đang thưởng thức cảnh đẹp vào giữa lúc tiết trời mát mẻ thì nhà vua gặp đạo sĩ La Công Viễn. La Công Viễn được mọi người mệnh danh là pháp sư Diệu Pháp Thiên, là người có phép Tiên. Ông đã tâu xin làm phép đưa vua lên cung trăng.

Lên đến cung trăng, vua Minh Hoàng được chúa Tiên tiếp rước, bày tiệc đãi cùng hàng trăm Tiên nữ xinh đẹp vừa múa vừa hát, khúc nhạc có tên là Nghê Thường Vũ Y. Vua Đường nhờ có khiếu thẩm âm nên vừa trầm trồ khen ngợi vừa lẩm nhẩm học thuộc lòng bài hát và điệu múa, mong đem về hoàng cung bày cho các cung nữ trình diễn. Vua lẩm bẩm: “Đây đúng là khúc này chỉ trên trời mới có, nhân gian có thể mấy lần nghe!”

Vua Huyền Tông hỏi vị đạo sĩ: “Trang phục các tiên nữ đang mặc gọi là gì?”

Vị đạo sĩ trả lời: “Đó là vũ nhung phục, điệu múa họ đang biểu diễn gọi là Nghê thường vũ y khúc”.

Nhà vua say sưa thưởng thức cảnh Tiên mà quên trời đã sáng. Pháp sư Diệu Pháp Thiên phải nhắc nhở, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn còn luyến tiếc.

không chỉ các cung điện và nhà cửa, mà còn tất cả các đồ vật nhỏ và đồ trang trí từ trong ra ngoài mà Chúa ban cho, đều tương ứng với phẩm chất của họ.
Hàng trăm Tiên nữ xinh đẹp vừa múa vừa hát, khúc nhạc có tên là Nghê Thường Vũ Y. (Ảnh: Shen Yun)

Sau khi trở về, ông sáng tác Khúc Nghê thường với kết cấu của một Đại khúc sử dụng cho cung đình. Ông cho nhạc công diễn tập nhạc khúc, lệnh ái phi Dương Ngọc Hoàn thiết kế phần vũ đạo. Kể từ đó, Khúc nghê thường chính thức ra đời và chuyên sử dụng trong các nghi thức quan trọng hoặc yến tiệc diễn ra tại cung đình.

Sau này Huyền Tông ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng vào ngày rằm tháng tám, để kỷ niệm chuyến du ngoạn kỳ diệu của mình. Từ đó tục Tết Trung Thu biến thành thú vui chơi, và sau này được lan rộng ra dân gian và ra các nước Đông Á và Đông Nam Á.

Đắc tội với Hằng Nga, Đường Huyền Tông gặp họa đao binh

Câu chuyện Huyền Tông tiên du cung trăng hiện được coi là truyền thuyết, là chuyện vui. Tuy nhiên, một cao nhân tu Đạo thông qua công năng của mình mà nhìn thấy được căn nguyên.

Tương truyền Hoàng đế Đường Huyền Tông hay thường gọi là Đường Minh Hoàng vốn dĩ là người rất kính trọng Bát Tiên. Bát Tiên biết được hết sức vui lòng nên đã dẫn ông lên cung Quảng Hàn (tức cung trăng) vui chơi một chuyến.

Ngờ đâu lên cung Quảng Hàn gặp được Hằng Nga, Đường Minh Hoàng nảy ý sinh tình, hạ bút làm thơ, đây vốn là việc bất kính với Thần Tiên. Do trước đó Hằng Nga có uống mấy chung tiên tửu, đầu óc mơ màng, sự tình không tỏ, đến khi tỉnh rượu đọc được bài thơ có ý xúc phạm mình liền tức giận đi bẩm báo với Ngọc Hoàng Đại Đế.

Ngọc Hoàng Đại Đế thấy Đường Minh Hoàng tuy là một hoàng đế nhưng dù sao cũng chỉ là một phàm nhân tại cõi trần gian, lại cả gan xúc phạm Thần Tiên, bèn phái Thanh Long giáng trần, đầu thai làm An Lộc Sơn tiêu diệt nhà Đường, lập ra một triều đại mới.

Tranh màu "Huyền Tông du ngoạn cung trăng" ở Di Hòa Viên. (Wikipedia CC BY SA 3.0)

Lại nói, Tuần Thiên Ngự Sử – Thái Bạch Kim Tinh, khi đi ngang qua bầu trời Đại Đường, nhìn xuống dưới thấy cảnh đao binh loạn lạc, chướng khí mịt mù, trăm họ rơi vào cảnh đói khổ lầm than liền trở về bẩm báo với Ngọc Hoàng Đại Đế.

Ngọc Hoàng Đại Đế nghe xong mới nói lại đầu đuôi sự việc cho Thái Bạch Kim Tinh nghe. Thái Bạch Kim Tinh nghe vậy bẩm báo: “Ngọc Đế bớt giận, Đường Minh Hoàng làm thơ chọc giận Thần Tiên, đó là việc không đúng. Ngài vì việc nhỏ này mà sai người đi tiêu diệt nhà Đường, phải chăng nó lại thành việc lớn? Hơn nữa nhà Đường được thiên định tồn tại 400 năm, nay mới có gần 200 năm, vẫn còn 200 năm nữa kiếp số mới tận”.

Ngọc Hoàng Đại Đế nghe xong cũng cảm thấy Thái Bạch Kim Tinh có lý nên nói: “Ta đã hạ ngự chỉ, Thanh Long cũng đã hạ phàm, bây giờ có thu hồi cũng đã muộn rồi”.

Thái Bạch Kim Tinh đáp: “Ngự chỉ của Ngọc Đế đã hạ, không thể thu hồi, nhưng thần có một kế lưỡng toàn kỳ mỹ, không biết ý Ngọc Đế thế nào?”.

Ngọc Hoàng Đại Đế nghe vậy mới nói: “Khanh gia cứ nói”.

Thái Bạch Kim Tinh bẩm: “Hãy lệnh cho Hằng Nga hạ phàm, chuyển sinh thành Dương Quý Phi, trước hết để cô ấy theo Đường vương. Bây giờ không phải Thanh Long đã hạ thế rồi sao? Vậy hãy để cho Thanh Long và Hằng Nga tạm thời náo loạn triều cương Đại Đường, để Đại Đường dần dần suy vong, như vậy là đã trừng phạt được hành vi dám vô lễ với Thần Tiên của Đường Minh Hoàng. Đồng thời Ngài hãy sai Bạch Hổ Tinh hạ phàm để trợ giúp Đại Đường, khiến Đại Đường không phải diệt vong quá sớm, há không phải lưỡng toàn kỳ mỹ hay sao?”.

Ngọc Hoàng Đại Đế nghe xong vô cùng vui mừng giáng chỉ. Nhưng sau khi Ngọc Hoàng Đại Đế giáng chỉ, Bạch Hổ lại không chịu vâng lời. Nguyên nhân bởi trước đây Bạch Hổ đã hai lần hạ phàm, lần thứ nhất chuyển sinh thành La Thành, chỉ sống được 23 tuổi, lần thứ hai chuyển sinh thành Tiết Lễ cũng vậy, chỉ sống được 23 tuổi thì qua đời.

Lần này Ngọc Hoàng Đại Đế lại phái Bạch Hổ hạ phàm, dù nói thế nào Bạch Hổ cũng không nghe. Thái Bạch Kim Tinh thấy vậy mới trước mặt Ngọc Hoàng Đại Đế bảo đảm với Bạch Hổ rằng sẽ để cho ông sống đến cuối đời. Như vậy Bạch Hổ mới chịu hạ phàm, chuyển sinh thành Quách Tử Nghi.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kiện An Sử chi loạn, Đường Huyền Tông phải bỏ chạy khỏi kinh thành đến đất Thục, và dưới sức ép của binh lính, ông ban cho Dương Quý Phi cái chết. Sau đó Quách Tử Nghi đánh bại An Lộc Sơn, đón Huyền Tông trở lại kinh thành. Quách Tử Nghi sống đến năm 78 tuổi rồi không bệnh mà qua đời.

Lý Bạch vốn là ông Tiên bị đi đày, người ta gọi là Trích Tiên. (Tranh Winnie Wang)

Ngay thời Đường Huyền Tông, Lý Bạch cũng nhìn ra được một phần chuyện này, vì Lý Bạch vốn là ông Tiên bị đi đày, người ta gọi là Trích Tiên. Một lần Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi dưới ánh trăng thưởng ngoạn hoa mẫu đơn ở Trầm Hương đình. Đường Huyền Tông nhân lúc cao hứng truyền Lý Bạch làm thơ. Nhưng lúc đó, Lý Bạch đang cùng các bạn rượu thả sức uống say. Đến Trầm Hương đình, nửa say nửa tỉnh, Lý Bạch vung bút viết liền 3 bài từ “Thanh bình điệu”.

Thanh bình điệu - Kỳ 1

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng

Dịch thơ (bản dịch của Ngô Tất Tố):

Thoáng bóng mây hoa nhớ bóng hồng
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong
Ví chăng non Ngọc không nhìn thấy
Dưới nguyệt Dao Đài thử ngóng trông

Núi Ngọc Sơn, đài Dao Đài, đều là những địa danh Thần Tiên nơi Tây Vương Mẫu cư trú. Hai câu thơ này cho thấy, Lý Bạch nhớ được kiếp trước của ông là Tiên và kiếp trước của Dương Quý Phi là Hằng Nga, từng cùng tham dự tiệc bàn đào của Tây Vương Mẫu.

Tết Trung Thu từ góc nhìn lịch sử

Về nguồn gốc Tết Trung Thu, có người dẫn các thư tịch cổ và cho rằng Trung Thu bắt nguồn từ Trung Hoa. Tuy nhiên lại có người cho là từ người Việt cổ, họ dẫn chứng hình ảnh Trung Thu trên trống đồng Ngọc Lũ.

Từ tư liệu lịch sử, thì Trung Thu vốn bắt nguồn từ lễ tế trăng của người Bách Việt thời thượng cổ, vào tiết Thu Phân. Đến thời nhà Hạ (Trung Quốc), lễ tế trăng được chuyển sang ngày rằm tháng Tám (Hạ lịch, tức âm lịch). Dần dần, lễ tế trăng được mở rộng thành ngắm trăng, và các hoạt động đón trăng, ngắm trăng.

Đến thời nhà Hán, cùng với việc chiếm được Bách Việt, Tết Trung Thu bắt đầu được lan sang vùng đất phương Bắc, và đến triều Đường thì trở thành phong tục dân gian phổ biến khắp Trung Quốc, và dần lan sang các nước Á Đông khác.

Trung Hòa
(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Trung Thu: Nguồn gốc, truyền thuyết và lịch sử