Tử Cấm Thành có đường Âm Dương, hoàng đế và binh sĩ đều thấy điều linh dị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoàng đế Phổ Nghi từng tiết lộ một câu chuyện linh dị trong Tử Cấm Thành mà ông đích thân trải qua. Sau này hậu thế lại có người tận mắt nhìn thấy những hình ảnh nửa mơ nửa thực tại đó. Vậy câu chuyện kỳ bí ấy là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Thanh âm kỳ lạ

Năm 1916, giữa những ngày rối ren và đầy biến động của Trung Quốc, Viên Thế Khải lên ngôi xưng đế. Nhưng chỉ sau hơn ba tháng tại vị, Viên Thế Khải vấp phải sự phản đối kịch liệt của dân chúng khắp nơi, buộc ông phải tuyên bố từ bỏ đế hiệu. Vài tháng sau khi thoái vị, Viên Thế Khải lại đột ngột qua đời vì bạo bệnh.

Trong lúc ấy, thế lực quân phiệt vẫn âm thầm hoạt động trên khắp Trung Hoa đại lục, ai cũng tận lực đọ sức so tài hòng nắm quyền thống trị cả thiên hạ.

Phong ba bão tố khắc nghiệt là vậy, nhưng vẫn nhường lại cho Tử Cấm Thành những tháng ngày bình yên. Tuyên Thống đế Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng của triều Thanh lúc này chỉ mới vừa 10 tuổi. Năm 1916, cậu bé Phổ Nghi vẫn chỉ là đứa trẻ “thiếu niên không biết ưu sầu”, vẫn vô lo vô nghĩ, chẳng màng đến thế thời. Theo thỏa thuận ký kết giữa triều đình Mãn Thanh với Viên Thế Khải, sau khi thoái vị vào năm 1912, Phổ Nghi vẫn được bảo lưu tôn hiệu hoàng đế, hơn nữa mỗi năm còn được nhận bốn triệu lạng bạc từ Chính phủ Trung Hoa Dân quốc, và vẫn tiếp tục cư trú như một vị quân vương trong Tử Cấm Thành.

Tiểu hoàng đế Phổ Nghi trong Tử Cấm Thành (Ảnh: Wikipedia)

Vào một đêm hè, cậu bé Phổ Nghi nằm trên giường mãi không ngủ được, bỗng từ đâu vọng đến tiếng dế kêu. Phổ Nghi tâm huyết dâng trào, hứng thú khởi lên, bật nhảy ra khỏi giường rồi lao ra cửa, trước khi đi vẫn không quên kéo theo em trai mình là Phổ Kiệt - vốn được đưa vào hoàng cung để làm bạn học với tiểu hoàng đế.

Hai đứa trẻ tung tăng chạy ra khỏi tẩm điện, khiến các thái giám và cung nữ phải vội vàng cầm đèn lồng theo sau hộ giá. Phổ Nghi kéo Phổ Kiệt chạy vào ngự hoa viên tìm dế, hai đứa trẻ nô đùa vui vẻ, mặc cho cả thái giám và cung nữ phải đứng bên chờ đợi trong lặng lẽ, chỉ mong hai đứa trẻ sẽ sớm quay về phòng.

Phổ Nghi và Phổ Kiệt đùa nghịch một hồi rồi chạy đến núi Đôi Tú. Đôi Tú Sơn là hòn non bộ được xây dựng dưới thời Vạn Lịch Đế triều Minh. Ngọn núi cao chừng 10 m, gồm những hòn đá mang hình thù kỳ lạ lấy từ Thái Hồ, sau đó chồng xếp lên nhau mà thành. Dưới chân núi có một cái hang nhỏ, có thể đi sâu vào bên trong.

Anh em Phổ Nghi và Phổ Kiệt lần theo tiếng dế tìm đến trước hang. Đúng lúc hai đứa trẻ đưa tay ra định bắt lấy con dế ở cửa hang thì một luồng âm thanh kỳ quái vang lên. Âm thanh ấy nghe như tiếng chiến mã phi nước đại, theo sau là tiếng quân binh xông pha vào trận mạc. Phổ Nghi tưởng rằng thái giám chuẩn bị sẵn máy hát để khiến mình bất ngờ, cậu liền kéo em trai chạy vào trong tìm chiếc máy hát này. Nhưng trong hang hoàn toàn trống rỗng, hai đứa trẻ đã tìm khắp một vòng mà chẳng thấy được gì. Hai anh em lại lắng tai nghe, lần này không chỉ có hiệu lệnh của người Mông Cổ mà còn có tiếng ngựa hý và tiếng kèn lệnh của quân đội.

Phổ Nghi và Phổ Kiệt nhìn nhau ngơ ngác, trong lòng đã có phần sợ hãi. Cậu nhanh chóng kéo em trai ra khỏi hang, nhưng vừa ra đến cửa, hai đứa trẻ lại tò mò dừng lại. Âm thanh lần này đã thay đổi! Đó là tiếng diễn tập của binh lính trên thao trường: Một vị tướng ra hiệu lệnh bằng tiếng Mãn Châu, binh sĩ theo hiệu lệnh diễn tập, tiếng bước chân rầm rập giống như trong cuộc thao luyện quân sự vậy. Phổ Nghi sợ đến mức hai chân mềm nhũn, phải mất một lúc mới định thần lại được. Sau khi trở về tẩm cung, cậu lại trằn trọc cả đêm không sao chợp mắt được.

Vì sao Phổ Nghi lại sợ hãi đến vậy? Mặc dù tiểu hoàng đế bị ép phải thoái vị vào năm 6 tuổi, nhưng cậu vẫn luôn tuân theo lịch trình học tập khắt khe của hoàng cung. Chế độ giáo dục dành cho các vương tôn công tử thời nhà Thanh có sự tham gia của các học giả kiệt xuất trong nước, như Lương Đỉnh Phân, Chu Ích Phiên, v.v. Họ đều là những tên tuổi đầu ngành, được coi như Thái Sơn Bắc Đẩu trong giới học thuật. Dưới sự dẫn dắt của các thầy dạy, Phổ Nghi không chỉ thuộc làu các điển tịch văn hóa cổ đại mà còn tinh thông tiếng Hán, tiếng Mãn Châu, và tiếng Mông Cổ. Sau này để theo kịp dòng chảy thời đại, cậu còn học các môn khác như tiếng Anh, toán học, vật lý, v.v.

Nền giáo dục Phổ Nghi nhận được là “dưỡng chính”, tức là phải nghiêm khắc tuân theo các luân lý Nho gia, bồi dưỡng đức hạnh làm một vị quân vương. Do đó, thầy dạy chưa từng kể cho cậu về những chuyện ma quỷ dị thường trong dân gian. Trong hoàng cung đôi khi vẫn có các lễ nghi và pháp sự liên quan đến tôn giáo, nhưng các thầy không để tiểu hoàng đế phải đặt tâm vào phương diện này. Thêm vào đó, Phổ Nghi sớm được tiếp thu nền giáo dục khoa học hiện đại, vì thế vào năm 1916 khi đã tròn 10 tuổi, cậu hoàn toàn không tin chuyện quỷ Thần. Bởi vậy, khi đột nhiên nghe thấy âm thanh quái lạ trong hang cậu đã chấn động mạnh mẽ, đến mức cả đêm không sao ngủ ngon được.

Hôm sau Phổ Nghi lại lấy hết can đảm dẫn em trai và thái giám đến núi Đôi Tú, nhưng mọi thứ đều hoàn toàn yên ắng như không có gì xảy ra. Sau này khi Phổ Nghi bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành, ông không bao giờ còn nghe thấy âm thanh kỳ lạ ấy nữa. Trong cuốn tự truyện “Nửa đời trước của tôi”, Phổ Nghi đã hồi ức lại cuộc kỳ ngộ này. Ông kể rằng, từ khoảnh khắc ấy bản thân ông đã dốc lòng kính sợ quỷ Thần. Các tổ phụ Thanh triều dựa vào cung tên và chiến mã mà định thiên hạ, rất có thể âm thanh mà ông nghe thấy ở Đôi Tú Sơn chính là từ một vị tổ phụ đang huấn luyện binh sĩ ở thế giới bên kia, và bản ghi âm về cuộc tập trận ấy đã xuyên việt thời không truyền đến hiện tại.

Đáng tiếc, khi cuốn tự truyện xuất bản lần đầu tiên vào năm 1960, đoạn ghi chép này bị Bộ Tuyên truyền coi là mê tín phong kiến nên đã lược bỏ toàn bộ.

Cựu hoàng đế Phổ Nghi (Ảnh: Wikipedia)

Cung nữ Thanh triều

Nhưng không chỉ riêng Phổ Nghi mà rất nhiều nhân sĩ khác cũng từng trải nghiệm câu chuyện kỳ quái trong Tử Cấm Thành.

Năm 1966 khi Tử Cấm Thành đã bị đổi tên thành Cố Cung, vì để ngăn chặn Hồng vệ binh xông vào đập phá và cướp bóc, cảnh vệ Bắc Kinh đã phái một liên đội đặc biệt gồm những binh sĩ trẻ mới 17, 18 tuổi vào canh gác trong Tử Cấm Thành. Một ngày nọ vào giờ ăn trưa, viên nhóm trưởng kể với đội trưởng rằng anh đã đóng trong cung điện hoang vu này lâu rồi, và gần như đêm nào cũng gặp ác mộng. Trong mộng anh thường đi qua một con đường nhỏ, ở đó xuất hiện cô gái nhìn không rõ nét mặt, mặc trang phục cung nữ thời nhà Thanh, tay đung đưa một miếng ngọc bội hướng về phía mình.

Đội trưởng nghe xong ngây người choáng váng, đôi đũa cầm trên tay cũng rơi “bộp” xuống bàn. Vì sao vậy? Thì ra đội trưởng cũng liên tiếp mơ thấy giấc mộng như thế trong nhiều đêm liền.

Câu chuyện càng lúc càng thêm ly kỳ. Toàn liên đội có khoảng 100 quân số, hơn một nửa trong số họ đều mơ cùng một giấc mộng về vị cung nữ cầm miếng ngọc bội triều Thanh. Các binh sĩ hay tin đều vô cùng sợ hãi, họ nhốn nháo xin được điều chuyển ra khỏi nơi đồn trú, buộc liên đội trưởng bất đắc dĩ phải báo cáo lên cấp trên. Kể từ đó, các tiểu đội canh gác Tử Cấm Thành đều được hoán đổi định kỳ, hơn nữa họ cũng không còn đồn trú trong nội điện mà toàn bộ chuyển ra ngoài Ngọ môn.

Câu chuyện bóng ma Tử Cấm Thành nhanh chóng lan truyền, trở thành truyền thuyết thịnh hành một thời ở Bắc Kinh. Theo đó người ta đã đưa ra quy định bắt buộc, đó là du khách không được phép ở lại Cố Cung sau 6 giờ tối.

Con đường Âm Dương

Chớp mắt đã 30 năm trôi qua, đến năm 1998, Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Nhật Bản tiến hành quay bộ phim tài liệu “Báu vật Cố Cung” tại Bắc Kinh và Đài Loan nhằm quảng bá văn hóa Trung Hoa. Các đơn vị hữu quan đều nhiệt tình phối hợp. Bộ phim tài liệu không chỉ quay cảnh kho báu trong Cố Cung Đài Loan mà còn cho thấy các văn vật cổ của Cố Cung Bắc Kinh. Đến những thước phim cuối cùng, đoàn làm phim quyết định quay chụp một số cảnh quan kiến trúc trong Tử Cấm Thành. Phòng văn vật Trung Quốc tích cực hỗ trợ, ra lệnh dừng tiếp nhận du khách vào ngày quay phim, bởi vậy trong Cố Cung chỉ còn lại đoàn phim Nhật Bản và một số nhân viên công tác người Trung Quốc.

Vào ngày quay phim chụp ảnh, công việc tiến triển vô cùng thuận lợi. Rất nhanh sắp đến 5 giờ chiều, cũng là giờ Cố Cung chuẩn bị đóng cửa. Các nhân viên Trung Quốc bèn khuyên đoàn làm phim nên thu dọn đồ đạc, hôm sau lại tiếp tục quay phim. Nhưng đoàn phim Nhật Bản nói rằng chỉ cần một giờ nữa là toàn bộ công việc sẽ hoàn thành, ngày mai không cần trở lại nữa. Nhân viên Trung Quốc nghĩ: Chỉ thêm một tiếng nữa thôi mà, chắc sẽ không xảy ra vấn đề gì đâu, vậy nên họ liền đáp ứng.

Vị trí đường Âm Dương trong Tử Cấm Thành (Ảnh chụp màn hình video)

Trong lúc mải chuyện trò, đoàn phim bất giác đã đến Đông Đồng Tử. Đây là đường thông đạo chạy theo hướng Bắc - Nam ở phía đông Tử Cấm Thành. Vừa đến đây, các nhân viên Trung Quốc liền bắt đầu run rẩy. Đường Đông Đồng Tử còn có một tên gọi khác là Âm Dương đạo, bởi vì ở đây có một hiện tượng rất đặc biệt: Vào giữa trưa khi ánh nắng chói chang, hai bên đường chia thành một mảng sáng một mảng tối. Điều tương tự cũng xảy ra vào những đêm khi trăng tròn sáng tỏ, vì thế mới có tên gọi đường Âm Dương.

Âm Dương đạo trong Tử Cấm Thành (Ảnh chụp màn hình video)

Kỳ thực đằng sau cái tên Âm Dương đạo còn có một nguyên nhân khác. Tương truyền, thi thể của các thái giám và cung nữ đã chết đều được khiêng đi mai táng theo con đường này, do đó Âm Dương còn ám chỉ hai bờ sinh tử. Ban đầu, các binh lính trong khu đồn trú sống ở hai bên đường Âm Dương, vốn là nơi ở tập thể của các cung nữ và thái giám ngày xưa. Hình ảnh nữ nhân cầm ngọc bội mà họ mộng thấy cũng xuất hiện trên con đường Âm Dương này.

Mặc dù vậy, đoàn phim Nhật Bản cho rằng Âm Dương đạo gợi lên cảm giác vô cùng u thâm trầm mặc của chốn cung đình, vậy nên họ rất hào hứng dựng máy móc và thiết bị để tiến hành quay phim chụp ảnh trên con đường này. Các nhân viên Trung Quốc tá hỏa cố ngăn cản thêm lần nữa, họ chỉ mong sao đoàn phim sớm hoàn thành công việc rồi nhanh chóng ra về.

Nhưng khi đoàn làm phim vừa mở máy thì bầu trời liền biến đổi. Vốn là ngày trong xanh nắng ấm, nay đột nhên lại xuất hiện mây đen dày đặc. Một tiếng sấm vang lên rồi mưa giông trút xuống xối xả. Các nhân viên công tác luống cuống chân tay, vội vàng che chắn thiết bị và chạy đến trú mưa bên dưới mái hiên gần đường thông đạo. Sau cơn mưa như trút nước ấy, bầu trời âm u tối tăm, đoàn làm phim liền tận dụng chút ánh sáng thưa thớt cuối ngày để quay vài phân cảnh cuối cùng. Các nhiếp ảnh gia mở máy quay phim, kết quả khiến tất cả mọi người sững sờ: Chỉ thấy phía trước một hàng người trông như những cung nữ nhà Thanh lần lượt bước ra từ một mặt tường Âm Dương đạo, đi đến bức tường đối diện thì biến mất không còn dấu vết.

Cả đoàn phim đều khiếp đảm, lúng túng thu dọn đồ đạc rồi ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi Cố Cung. Từ đó truyền thuyết về bóng ma Tử Cấm Thành đã trở thành câu chuyện nhà nhà đều biết, hơn nữa còn xuất hiện nhiều phiên bản khác nhau lan truyền rộng rãi trên Internet.

Trên các diễn đàn có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người đưa ra giả thuyết rằng đây chỉ là truyện ma do báo lá cải biên tạo, mà tình tiết sớm nhất bắt nguồn từ một cuốn tiểu thuyết về bóng ma trong Cung Vương phủ. Cũng có người cho rằng đây chỉ là ảo giác chứ hoàn toàn không tồn tại. Đương nhiên, vẫn có không ít người tin rằng bóng ma trong Tử Cấm Thành là có thật.

Vậy rốt cuộc bóng ma ấy là câu chuyện do giới văn nghệ biên tạo ra, hay đơn giản chỉ là ảo giác?

Dưới góc nhìn khoa học

Tiến sĩ Gregory L. Little (Ed.D) là tác giả của những bộ sách tâm linh bán chạy tại nước Mỹ, ông từng khẳng định rằng hiện tượng hồn ma không phải lời đồn thổi. Ông đã có rất nhiều năm nghiên cứu các hiện tượng siêu nhiên và phát hiện rằng u linh xác thực có tồn tại.

Trong những năm 1980, Gregory L. Little là bác sĩ chuyên khoa tại thành phố Memphis, bang Tennessee, Hoa Kỳ. Ông mở phòng khám riêng, trong đó có một nghiệp vụ là hỗ trợ trung tâm cai nghiện ở nhà tù địa phương. Hàng tuần nhà giam lại đưa các phạm nhân nghiện ma túy đến điều trị trong phòng khám của bác sĩ Little.

Tiến sĩ Little đã nghe rất nhiều phạm nhân nghiện ma túy miêu tả rằng, họ thường thấy các loại ảo giác xung quanh mình. Có người bị quái vật truy đuổi, lại có người thấy con quái vật mặt xanh nanh vàng đến giết họ. Cho dù lúc ấy cơn nghiện có phát tác hay không họ đều thấy các loại hiện tượng này. Ban đầu, Little lý giải theo tâm thần học truyền thống, ông cho rằng hệ thần kinh của người bệnh bị chất độc phá hoại nên mới sinh ra các loại ảo giác. Nhưng khi kiểm tra não của bệnh nhân, ông lại không phát hiện bất cứ tổn thương nào về mặt vật lý. Sau thời gian dài chứng kiến vẻ mặt kinh hoàng tột độ của những người nghiện ma túy, ông bắt đầu đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc đó chỉ là ảo giác, hay là thật sự có thứ gì đó đang tác động đến họ?

Tiến sĩ Little vốn không tin vào những chuyện ma quỷ, vì sao ông lại có suy nghĩ như vậy?

Để giải thích điều này cần phải nhắc đến một bộ thiết bị đặc biệt trong phòng khám. Lúc ấy, thiết bị tiên tiến nhất cho việc trị liệu bệnh tâm thần là máy điện vị Graham Potentializer. Cỗ máy trông giống như một chiếc giường, có thể phát ra các loại tần số sóng điện từ để điều trị tâm thần cho người bệnh.

Máy điện vị Graham Potentializer (ảnh: digitalarchive.tpl.ca)

Khi bệnh nhân nằm lên máy điện vị, chiếc giường sẽ nhẹ nhàng đung đưa qua lại. Cho dù lúc đầu bệnh nhân có bất an hay bấn loạn thế nào, thì chỉ cần nằm lên chiếc giường này họ sẽ dần dần bình tĩnh lại, có người còn cảm thấy dễ chịu đến mức ngủ thiếp đi. Little tự hỏi: Nếu tất cả ảo giác đều là do bản thân tưởng tượng ra, vậy vì sao hễ nằm lên máy điện vị họ lại không còn sợ hãi nữa? Theo lý mà nói thì bản thân người bệnh không thể khống chế được các loại huyễn tưởng xuất hiện trong đầu, đáng lẽ họ phải tiếp tục gặp ảo giác mới đúng! Chẳng lẽ sóng điện từ do máy điện vị phát ra lại có khả năng ngăn cách hoặc cắt đứt thứ gì đó hay sao?

Nghĩ vậy, Tiến sĩ Little liền tiến hành một thực nghiệm, đó là dùng máy điện vị để nghiệm chứng xem rốt cuộc u linh có tồn tại hay không. Ông mời một vị tư tế người Anh-điêng tên là “Bạch Ưng” (White Eagle) đến phòng khám của mình. Bạch Ưng là một thầy tu ở thành phố Cheyenne, và được mọi người trong thị tộc tôn kính, ông nổi tiếng vì có khả năng đối thoại với các linh thể và vong linh đã khuất. Little không tiết lộ với Bạch Ưng rằng ông đang làm thực nghiệm, mà chỉ nói là muốn mời ngài đến thăm bệnh nhân của tôi. Sau khi đưa bệnh nhân nằm lên chiếc giường của máy điện vị, Little liền mời Bạch Ưng đến phòng giám sát. Phòng giám sát ngăn cách với phòng bệnh bằng chiếc kính một chiều, bệnh nhân không thể nhìn thấy tình huống bên ngoài, nhưng bác sĩ và y tá lại có thể nhìn xuyên qua kính một chiều mà thấy được tình huống trong phòng trị liệu.

Bạch Ưng vừa nhìn người bệnh nằm trên máy điện vị liền thốt lên một tiếng “Ôi chà!”. Thì ra xung quanh có những người tí hon màu xanh da trời đang đi qua đi lại gần thân thể người bệnh.

Little ra hiệu cho y tá bật máy. Cỗ máy vừa được bật lên, Bạch Ưng liền kinh ngạc nhìn chằm chằm vào bệnh nhân rồi nói: “Người tí hon bỏ chạy rồi”.

Little lại hỏi: “Họ chạy đi đâu?”.

Bạch Ưng cho biết họ đã chạy xuyên qua các bức tường xung quanh. Lúc này, người bệnh nằm trên cỗ máy cũng bình yên chìm vào giấc ngủ. Sau quá trình trị liệu, người bệnh có được một giấc ngủ ngon lành, họ bước ra khỏi giường với thần thái tươi tỉnh, vẻ mặt không còn mệt mỏi não nề như trước nữa. Sau đó, bệnh nhân lại được đưa lên xe dưới sự giám sát của cảnh sát trại giam.

Bạch Ưng đã tận mắt chứng kiến tất cả những điều này. Vào khoảnh khắc người bệnh ngồi lên xe cảnh sát, ông thấy đám người tí hon vừa mới biến mất lúc trước nay lại chui ra khỏi tường và vây quanh xe cảnh sát. Soạt một cái, chúng liền chui vào ghế sau của xe rồi lại biến mất không thấy nữa.

Bạch Ưng ở lại một tuần trong phòng khám của Tiến sĩ Little, ông được tận mắt nhìn thấy những tình huống tương tự của phạm nhân nghiện ma túy. Ông cho biết, trước khi nằm trên máy điện vị, xung quanh thân thể bệnh nhân đều có các loại linh thể khác nhau bám theo, có cái là người tí hon, có cái là sinh vật kỳ hình dị dạng. Sau khi máy khởi động, có một bộ phận linh thể sợ hãi bỏ chạy, nhưng cũng có một bộ phận không sợ, vẫn tiếp tục ở lại. Với những bệnh nhân tạm thời thoát khỏi đám linh thể kia, sau khi quá trình trị liệu kết thúc họ đều thể hiện ra vẻ mặt rạng rỡ. Nhưng đáng tiếc là cho dù linh thể đã bỏ chạy, chỉ cần việc điều trị kết thúc là chúng lại quay trở lại, tiếp tục chực chờ bên thân người bệnh.

Từ kết quả thực nghiệm Tiến sĩ Little rút ra kết luận rằng: Các u linh xác thực tồn tại trong thế giới này chúng ta. Vật chất có thể thông qua giác quan khiến chúng ta cảm giác được năng lượng rung động. Điều ấy cũng tương tự như những gì Albert Einstein từng nói: “Vật chất và năng lượng là hai trạng thái hoàn toàn khác xa nhau trong cùng một vật thể”.

Câu nói này nghe có vẻ trừu tượng, nhưng có thể hiểu đại khái là: Năng lượng và vật thể mà con mắt của chúng ta nhìn thấy đều là thứ tồn tại vật chất. Ví dụ như tinh cầu là vật chất, các tia vũ trụ cũng là vật chất; bàn ghế của chúng ta là vật chất, ánh sáng nhìn thấy được là vật chất, các sóng điện từ mà chúng ta không nhìn thấy được cũng là vật chất. Sóng điện từ có mặt khắp nơi trong thế giới chúng ta, không đâu không tồn tại, từ sóng điện vô tuyến tần số thấp cho đến tia phóng xạ gamma tần số cao. Ánh sáng mà con người nhìn thấy được chỉ là một dải rất hẹp trong quang phổ, ngoài đó ra còn có vùng tia hồng ngoại và vùng tia cực tím mà mắt người không nhìn thấy được. Cũng chính là nói, trong thế giới sóng điện từ rộng lớn thì những thứ mà mắt người có thể nhìn thấy được chỉ là một chút xíu cực kỳ nhỏ, cực kỳ nhỏ mà thôi.

Tiến sĩ Little cho rằng, một số linh thể như quỷ hồn hay u linh mà chúng ta vẫn thường gọi chính là bộ phận trong quang phổ sóng điện từ mà mắt người không nhìn thấy được. Còn những nhân sĩ có công năng đặc dị giống như Bạch Ưng lại có thể nhìn thấy một bộ phận quang phổ sóng mà mắt thường không thấy được. Vì thế, họ có thể thấy được các loại u linh và quỷ hồn mà người bình thường chúng ta không cách nào cảm nhận được.

Tiến sĩ Little cho rằng, thân thể người nghiện ma túy phát ra một trường vật chất đặc thù hấp dẫn các loại linh thể nhỏ bé ấy, những u linh này khiến người nghiện sinh ra ảo giác. Khi bệnh nhân ngồi lên máy điện vị, sóng điện từ mà máy điện vị phát ra có khả năng tác động đến những u linh bé nhỏ này, khiến chúng tạm thời rời đi. Nhưng hễ bệnh nhân ra khỏi cửa, chúng lại bám vào thân thể.

Nói xa hơn nữa, những nơi như lâu đài, điện các, cung điện và nhà cổ thường gắn liền với các truyền thuyết về hồn ma. Vì sao những nơi này lại xảy ra các hiện tượng kỳ lạ ấy? Hãy mở rộng tâm trí và để tư tưởng bay bổng hơn, có lẽ bạn sẽ nhận ra những nơi này đã lắng đọng quá nhiều ký ức. Bản thân lực chú ý cũng là một loại năng lượng, có thể tương thông với thế giới bên kia. Trong khi ấy, những âm hồn đã khuất lại luôn lưu luyến nơi họ từng thân thuộc, vong hồn cứ nấn ná tại đó mãi không muốn rời đi. Ở một phương diện khác, lâu đài và nhà cổ trải qua lịch sử lâu dài đã trở nên hư hoại. Người ta vẫn thường nói là “âm khí quá nặng, dương khí không đủ”, từ đó xóa nhòa sự cách biệt giữa thời không, khiến tín tức từ thế giới bên kia dễ dàng thẩm thấu và hiển lộ trong không gian này của chúng ta.

Quý độc giả thân mến, bạn có tin vào sự tồn tại của không gian khác và những năng lượng siêu nhiên hay không? Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn trong phần bình luận bên dưới.

Theo Wen Zhao Studio
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tử Cấm Thành có đường Âm Dương, hoàng đế và binh sĩ đều thấy điều linh dị