Tư lệnh Mỹ: Xung đột Nga - Ukraine mới chỉ là khởi đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine không phải là cuộc xung đột tồi tệ nhất mà Mỹ phải đối mặt, Tư lệnh lực lượng hạt nhân Mỹ Charles A. Richard cảnh báo tại một sự kiện tuần này. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đang phát triển vũ khí hạt nhân nhanh hơn Mỹ, và đây sẽ là vấn đề mà Washington cần phải đối mặt trong tương lai gần.

Hôm thứ Tư (2/11), phát biểu tại hội nghị chuyên đề thường niên của Liên đoàn tàu ngầm hải quân năm 2022 tại bang Virginia, Đô đốc Richard cho biết cuộc khủng hoảng tại Ukraine mới chỉ là màn khởi động.

"Cuộc khủng hoảng Ukraine mà chúng ta đang gặp phải bây giờ chỉ là một màn khởi động. Trên thực tế, một cuộc khủng hoảng lớn đang đến và sẽ không quá lâu trước khi chúng ta bị thử thách theo cách mà chúng ta chưa từng gặp phải trong một thời gian dài”, đô đốc Richard nói.

Ông cho hay: “Chúng ta phải thực hiện một số thay đổi nhanh chóng và cơ bản đối với các vấn đề quốc phòng của đất nước". Ông Richard nói thêm, "Tôi xin nhấn mạnh rằng, những gì đang diễn ra trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đã minh họa một cách sống động về việc cưỡng bức hạt nhân thực sự trông như thế nào nếu chúng ta không tìm cách ngăn chặn việc này".

Cuộc chiến Nga - Ukraine bước sang giai đoạn 2, chiến tranh Ukraine không có lối thoát, khả năng xảy ra Thế chiến 3 gia tăng, quân đội Mỹ không thể ứng phó chiến tranh toàn cầu, liên minh Nga Iran Triều Tiên Trung Quốc
Pháo tự hành 2S1 Gvozdika của quân đội Ukraine khai hỏa vào chiến tuyến ở khu vực Donetsk, hôm 10/10/2022, trong bối cảnh các lực lượng Nga phóng ít nhất 75 tên lửa vào Kyiv (Ukraine) cùng ngày. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)

Ngày nay, các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc đang vượt mặt Mỹ, ông Richard nhấn mạnh.

“Khi đánh giá mức độ răn đe của chúng ta đối với Trung Quốc, có thể so sánh với việc con tàu đang chìm dần. Nó đang chìm rất chậm, nhưng vẫn đang chìm, và về cơ bản họ đang phát triển năng lực nhanh hơn chúng ta”, ông Richard nói.

Vị chỉ huy này gọi sự phát triển của chương trình vũ khí hạt nhân Trung Quốc là “vấn đề trong ngắn hạn”.

Ông Richard tiếp tục, "Bởi vì về cơ bản họ đang đưa các khả năng vào chiến trường nhanh hơn chúng ta có thể. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì cho dù kế hoạch chiến đấu của chúng ta tốt đến đâu, chỉ huy của chúng ta giỏi đến mức nào và quân đội của chúng ta thiện chiến ra sao thì vẫn là không đủ. Đây là vấn đề trong ngắn hạn".

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan hoạt động ở Biển Philippines vào ngày 30/5/2020. (Hình ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Theo đó, Mỹ hiện nay đang thống trị một một lĩnh vực duy nhất là hạm đội tàu ngầm. Ông Richard giải thích rằng "năng lực chiến đấu dưới đáy biển có lẽ vẫn là lợi thế bất đối xứng duy nhất mà Mỹ đang chiếm ưu thế so với đối thủ của mình".

Ông Richard tin rằng nếu quân đội Mỹ muốn giành lại lợi thế của mình trong các lĩnh vực khác, Washington sẽ cần phải học hỏi các bài học chiến đấu trong quá khứ, cũng như không ngừng học hỏi những điều mới mẻ. Ông nhấn mạnh rằng, Mỹ có thể học hỏi về tốc độ phát triển nhanh chóng của quân đội nước này trong những năm 1950.

Ông nói: “Chúng ta đã biết cách tăng tốc trong quá khứ, nhưng chúng ta đã đánh mất đi nghệ thuật này". Ông Richard từng cảnh báo về sự phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái, nói rằng “Chiến lược và khả năng hạt nhân của Trung Quốc đang phát triển ở mức báo động”.

Năm 2021, ông Richard nói rằng sự phát triển hạt nhân của Trung Quốc trong năm này là sự “đột phá chiến lược”.

“Chúng ta đang chứng kiến một sự đột phá chiến lược của Trung Quốc. Sự phát triển bùng nổ và hiện đại hoá các lực lượng truyền thống và hạt nhân chỉ có thể được mô tả là ngoạn mục, nhưng nói thẳng là từ đó vẫn chưa đủ để mô tả hết”, ông Richard nói trong một phát biểu năm 2021.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu đổ bộ Marado của Hàn Quốc trong một cuộc tập trận hải quân chung tại một địa điểm không được tiết lộ. (Ảnh: Getty Images)

Chính quyền ông Biden coi Trung Quốc là 'đối thủ' cạnh tranh toàn cầu chính của Mỹ. Trong chiến lược quốc phòng và quân sự của Mỹ công bố hồi tháng 10, Washington đã nhiều lần cảnh báo về việc Bắc Kinh đang phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và quân sự.

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nói rằng, Trung Quốc là “thách thức về nhịp độ” của Mỹ vì nước này là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định và ngày càng có khả năng thách thức Mỹ một cách có hệ thống trên bình diện quân sự, kinh tế, công nghệ và ngoại giao”.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Tư lệnh Mỹ: Xung đột Nga - Ukraine mới chỉ là khởi đầu