Ukraine sắp cạn tên lửa phòng không, kịch bản thảm hoạ gì đang chờ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số tài liệu mật bị rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ đã báo động về khả năng Ukraine cạn kiệt các loại tên lửa dành cho hệ thống phòng không trên mặt đất. Khi cạn nguồn tên lửa S-300 và Buk, Ukraine đối mặt tình huống tồi tệ nhất là mất ô phòng không, cho phép không quân Nga hoạt động tự do hơn.

Theo tài liệu tình báo bị rò rỉ, Mỹ đánh giá "khả năng bảo vệ tiền tuyến của các hệ thống phòng không Ukraine sẽ suy giảm mạnh từ ngày 23/5". Kho dự trữ đạn cho tên lửa tầm trung Buk-M1 và tầm xa S-300, vốn chiếm 89% năng lực phòng thủ của Ukraine, được dự báo sẽ cạn kiệt vào tháng 4-5. Tình trạng tương tự cũng có thể xảy đến với hệ thống NASAMS được Mỹ cung cấp.

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng trong tình huống này, quân đội Ukraine sẽ đối mặt với "kịch bản thảm họa" khi đánh mất lưới phòng không vốn đã giúp họ kìm chân các loại chiến đấu cơ, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình Nga suốt nhiều tháng qua.

Khi hệ thống phòng không của Ukraine bị xói mòn, Nga có khả năng khắc phục tốt hơn những thách thức mà nước này đang phải đối mặt, chẳng hạn như sự sụt giảm nguồn cung vũ khí tầm xa. Các loại vũ khí này không chỉ có giá thành cao mà còn rất khó sản xuất do thiếu linh kiện và trang thiết bị sau khi phương Tây các biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây đối với Nga. Vì thế Moscow sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn bổ sung chúng vào kho dự trữ.

Nếu không quân Nga có nhiều cơ hội hành động hơn do hệ thống phòng không của đối phương suy yếu, họ có thể tăng cường sử dụng vũ khí tầm ngắn. Trong trường hợp dự đoán của Lầu Năm Góc về kho dự trữ tên lửa của Ukraine trở thành sự thật, toàn bộ bức tranh về cuộc chiến trên không sẽ thay đổi đáng kể.

Một người lính đứng trước các hệ thống tên lửa đất đối không PATRIOT trong một cuộc tập trận quân sự tại Sân bay Warsaw Babice, Ba Lan vào ngày 7 tháng 2 năm 2023. (Ảnh: JANEK SKARZYNSKI/AFP via Getty Images)

Khi xung đột bùng phát, Ukraine sở hữu khoảng 250 bệ phóng thuộc tổ hợp phòng không tầm xa S-300P/V và hơn 70 xe chiến đấu thuộc hệ thống phòng không tầm trung Buk-M1. Đây đều là những hệ thống có từ thời Liên Xô, nhưng đủ uy lực để tạo nên lưới phòng không đa tầng và mật độ hỏa lực dày đặc ngăn chặn không quân Nga.

Lưới phòng không đó của Ukraine đã khiến không quân Nga chịu nhiều thiệt hại trong giai đoạn đầu, đồng thời hạn chế đáng kể khả năng hoạt động của máy bay cánh bằng và trực thăng.

Để đối phó với tên lửa Buk-M1 và các loại tên lửa phòng không vác vai Ukraine, cường kích, trực thăng tấn công Nga thường phải bay sát mặt đất và ngóc mũi phóng rocket từ xa, giảm đáng kể độ chính xác so với phương thức bổ nhào công kích thông thường. Tiêm kích hiện đại như Su-35S, được trang bị cảm biến và vũ khí uy lực, cũng thường hoạt động ngoài không phận Ukraine và phóng tên lửa tầm xa nhằm vào chiến đấu cơ đối phương, nhằm đề phòng S-300.

Ngoài ra, từ khi chiến tranh bùng nổ, phương Tây đã chuyển giao rất nhiều hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine như hệ thống IRIS-T SLM của Đức, hệ thống Crotale NG của Pháp, hệ thống MIM-23 HAWK của Mỹ, Aspide 2000 của Tây Ban Nha và SkyGuard Aspide/Spada của Italy. Tuy vậy, việc tiếp các hệ thống phòng không khác nhau từ nhiều nguồn khác nhau đã khiến Ukraine gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, bảo trì.

Dù đã sở hữu nhiều hệ thống phòng không tiên tiến của phương Tây, nhưng Ukraine vẫn có tương đối ít máy bay chiến đấu. Nga vẫn áp đảo Ukraine về năng lực không quân, bao gồm cả số lượng lẫn mức độ hiện đại của khí tài. Tài liệu mật của Lầu Năm Góc cho thấy không quân Ukraine hiện còn 85 tiêm kích đủ khả năng chiến đấu, trong khi Nga đang huy động khoảng 485 chiến đấu cơ các loại cho chiến dịch.

Triiển khai không quân trên lãnh thổ rộng lớn sẽ giúp máy bay Nga thực hiện hoạt động chế áp và tiêu diệt phòng không đối phương (SEAD/DEAD) hiệu quả hơn, nhờ khả năng tiếp cận mục tiêu từ nhiều hướng để phóng tên lửa diệt radar hoặc bom dẫn đường, thay vì phải hoạt động theo một số tuyến nhất định và có nguy cơ bị đón lõng.

Với các cuộc không kích thông thường, Nga có thể sử dụng nhiều vũ khí giá rẻ hơn, thay vì phải trông cậy vào tên lửa dẫn đường tầm xa như Kh-101, Kh-555 và Kh-59.

Trong suốt những tháng mùa đông, chiến thuật "mưa hỏa lực" của Nga đã khiến phòng không Ukraine sụt giảm nguồn lực dự trữ vì phải liên tục đánh chặn tên lửa, máy bay không người lái tập kích ồ ạt.

Thêm vào đó, Không quân Ukraine nói rằng, Nga đang liên tục cải tiến các quả bom thường, biến chúng thành bom thông minh có khả năng dẫn đường và tấn công chính xác. Số lượng lớn kết hợp với giá thành rẻ đang biến bom thông minh Nga thành mối đe dọa mới với Ukraine, khiến Kyiv tiếp tục gia tăng gánh nặng phòng không.

Truyền thông Ukraine cho biết không quân Nga đang sử dụng bom thông thường gắn Mô-đun Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK), tương tự bom dẫn đường JDAM-ER của Mỹ, gây ra mối đe dọa không nhỏ với các đơn vị Ukraine.

Ưu thế không quân cho phép máy bay Nga thả bom dẫn đường gắn bộ kit UMPK từ độ cao lớn, giúp nó đạt tầm bay tối đa khoảng 50 km, ngoài tầm bắn của phần lớn hệ thống phòng không Ukraine. Chiến đấu cơ Nga có thể nhắm đến nhiều mục tiêu hơn khi lưới phòng không Ukraine bị suy giảm.

Tên lửa phòng không S-300 và Buk-M1 đã và đang đóng vai trò then chốt trong chiến sự tại Ukraine, nhưng Kyiv cũng như các đồng minh phương Tây chưa có phương án bù đắp. Tài liệu về năng lực phòng không của Ukraine đánh giá hệ thống do phương Tây gửi đến có số lượng hạn chế, đôi khi không phù hợp và không thể bắt kịp Nga về số lượng.

Theo ông Serhii Drozdov, phi công kỳ cựu và cũng là cựu tư lệnh của lực lượng Không quân Ukraine: "Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, việc kiểm soát bầu trời đã luôn là yếu tố then chốt quyết định thành bại của các cuộc xung đột quốc tế".

Kiểm soát được bầu trời, quân đội của một quốc gia có thể dễ dàng tiến hành yểm trợ cho các hoạt động tác chiến của bộ binh dưới mặt đất cũng như tấn công phá hủy các mục tiêu quân sự của đối phương.

Bên cạnh đó, việc làm chủ không phận cũng cho phép các máy bay trinh sát và do thám vốn không được trang bị vũ khí hạng nặng có thể thoải mái hoạt động mà không cần đến sự bảo vệ của các tiêm kích đánh chặn. Điều này sẽ giúp các nhiệm vụ do thám và dự báo tình hình lực lượng cũng như các hoạt động chuyển quân bất thường của đối phương được tiến hành thường xuyên và dễ dàng hơn.

Không chỉ vậy, mạng lưới hậu cần và tiếp viện của một quân đội cũng sẽ trở nên cực kỳ mong manh trước các trận tập kích đường không của đối phương nếu không được bảo vệ bởi các máy bay chiến đấu hoặc một mạng lưới phòng không đủ mạnh.

Tuy nhiên, sau hơn một năm chiến sự, Nga - Ukraine vẫn đang bất phân thắng bại trong kiểm soát vùng trời. Giới phân tích nhận định rằng, việc áp đảo phòng không đối phương (SEAD) là không dễ dàng. Các hệ thống phòng thủ Ukraine là yếu tố khiến Nga không thể đẩy dàn máy bay rơi vào kịch bản rủi ro bị bắn rơi. Vì vậy, nếu Ukraine cạn tên lửa phòng không, đây sẽ là diễn biến có lợi cho Nga.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Ukraine sắp cạn tên lửa phòng không, kịch bản thảm hoạ gì đang chờ?