Vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan phơi bày lỗ hổng phòng không của NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 15/11, một tên lửa đã 'bay lạc' sang biên giới Ba Lan, một quốc gia thành viên của NATO. Điều này đã phơi bày lỗ hổng phòng không của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Giới chuyên gia nhận định rằng, liên minh quân sự này sẽ phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện lá chắn phòng không ở sườn đông sau nhiều thập kỹ bị lãng quên.

Ba Lan đã tăng cường khả năng phòng không từ rất lâu trước khi một tên lửa hạ cánh xuống làng Przewodow ở biên giới đông nam nước này hôm 15/11. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, liên minh quân sự NATO sẽ phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện "lá chắn phòng không" ở sườn đông, nhất là sau nhiều thập kỹ bị lãng quên kể từ Chiến Tranh lạnh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 16/11 cho biết, tên lửa tấn công Ba Lan có thể được phóng từ hệ thống phòng không của Ukraine chứ không phải do Nga. Ông Stoltenberg cho rằng, tên lửa có thể đã được khai hỏa để đánh chặn tên lửa hành trình Nga, nhưng trượt mục tiêu và rơi xuống Ba Lan.

Mặc dù đây là sự cố kỹ thuật có thể xảy ra trong mọi cuộc xung đột quân sự, nhưng vụ việc nhấn mạnh NATO cần gấp rút lấp các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của mình, vì những tình huống hy hữu như thế này cũng có thể dẫn đến sự leo thang căng thẳng và nguy hiểm.

Một chuyên gia phòng không từ một quốc gia NATO giấu tên nói với tờ Reuters rằng: “Sự cố xảy ra chỉ là vấn đề thời gian. Đó cũng có thể là một tên lửa Nga bay lạc hướng, do lỗi kỹ thuật hoặc con người".

Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh, nhiều đồng minh NATO đã giảm số lượng đơn vị phòng không để phản ánh rằng, từ giờ trở đi, họ sẽ chỉ phải đối phó với mối đe dọa tên lửa hạn chế đến từ các quốc gia như Iran.

Nhận thức này đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine. Lúc này, các đồng minh NATO đã gấp rút tìm cách tích lũy kho dự trữ đạn dược và khắc phục tình trạng thiếu hụt hệ thống phòng không.

Đức - quốc gia tiền tuyến của NATO - từng sở hữu 36 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot trong Chiến tranh Lạnh. Đến nay, nước này vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của các đồng minh NATO. Hiện nay, Đức chỉ vận hành 12 hệ thống Patriot, trong đó hai tổ hợp đang triển khai ở Slovakia.

"Họ từng có vành đai phòng không thực sự. Đây là điều mọi người nghĩ đến khi đề cập lưới phòng thủ sườn đông NATO. Nhưng hiện nay, chúng ta cách xa với viễn cảnh như vậy", chuyên gia giấu tên cho hay.

Nhận thấy sự cần thiết phải thu hẹp về khoảng cách năng lực của hệ thống phòng không, hơn một chục đồng minh NATO do Đức dẫn đầu vào tháng 10 đã khởi động sáng kiến ​​mua sắm chung các hệ thống phòng không tầm xa như Patriot của Mỹ và Arrow 3 của Israel, cùng tổ hợp tên lửa tầm ngắn IRIS-T của Đức.

Sáng kiến ​​này được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang hứng chịu các cuộc tấn công dữ dội của Nga và kêu gọi phương Tây bổ sung các đơn vị phòng không hiện đại. Nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine có khả năng khiến nhiều nước NATO phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí tài trầm trọng.

Trong nhiều năm qua, Ba Lan cùng với ba quốc gia vùng Baltic đã củng cố năng lực phòng không ở biên giới phía đông của NATO. Tuy nhiên, họ vẫn dựa vào các hệ thống từ thời Liên Xô như tên lửa phòng không OSA và Kub.

Ông Marek Swierczynski, một nhà phân tích quốc phòng của tổ chức tư vấn Ba Lan Polityka Insight cho biết: “Trong thập kỷ tới, Ba Lan cần sở hữu một hệ thống phòng không cực kỳ hiện đại trên quy mô lớn".

Tuy nhiên, việc triển khai các hệ thống này còn chậm chạp và những hệ thống mới cũng phải mất nhiều năm để đạt được khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện.

Ông Swierczynski cho biết, trong những tháng gần đây, Mỹ đã bổ sung cho Ba Lan nhiều hệ thống phòng không. Tuy nhiên, các hệ thống này (chẳng hạn như Patriot đóng ở Rzeszow) vẫn không đáp ứng được nhu cầu theo dõi từng lỗ hổng để bảo vệ sườn phía đông của NATO.

Thậm chí, cho dù trang bị nhiều hệ thống phòng không hơn cũng không thể đảm bảo đánh chặn một tên lửa đi lạc khác giống như tên lửa hôm 15/11.

"Đây là một nghịch lý: cho dù quý vị có đổ tiền vào một hệ thống phòng không như vậy, thì vẫn rất khó để chế tạo được một lá chắn phòng thủ có khả năng đánh chặn 100%. Vì vậy luôn có khả năng xảy ra những tình huống như sự cố ngày 15/11", Swierczynski nói.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan phơi bày lỗ hổng phòng không của NATO