Bí ẩn về lăng mộ ngàn năm không thể phá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lăng Càn Lăng, nơi yên nghỉ của nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên, trải qua trên 1000 năm đến nay vẫn chưa được khám phá hết. Cùng với lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Lăng mộ Võ Tắc Thiên vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, với những khám phá khảo cổ có được cho đến nay, Càn Lăng đã tiết lộ nhiều bí mật lịch sử.

Bí ẩn về vòng tròn kỳ lạ

Một ngày vào năm 2006, ông Tần Kiến Minh đang làm việc tại Trung tâm Bảo vệ và Phục hồi Di tích Văn hóa Tây An, Trung Quốc. Khi đó, ông xem một bức ảnh về Càn Lăng - lăng mộ Võ Tắc Thiên, được chụp từ trên không vào năm 1984, bất ngờ phát hiện ra một vòng tròn mờ trong bức ảnh. Hình tròn này nằm ở phía đông nam của Càn Lăng, trung tâm của vòng tròn là một ngôi mộ tùy táng, một vòng tròn khổng lồ hoàn hảo như vậy chắc chắn không thể là mô hình được hình thành trong tự nhiên được. Tính toán theo tỷ lệ của bức ảnh, nó có đường kính 110 mét.

Trước đó ông Tần từng tới địa điểm này rồi, nhưng đó chỉ là một cánh đồng lúa mì rộng lớn. Vòng tròn kỳ lạ này sao có thể xuất hiện ở đó được? Hay là bức ảnh này có vấn đề? Chuyện này được báo cáo với cấp trên, và một cuộc điều tra sơ bộ đã được tiến hành. Sau khi đội của ông Tần đến nơi, thì họ chẳng thấy gì ngoài lúa mì.

Đội tiếp tục tìm kiếm theo phạm vi đường kính 110 mét của hình tròn trong bức ảnh, nhưng cũng không thể tìm thấy bất kỳ một dấu hiệu nào trên mặt đất, điều này thật kỳ lạ. Đội lại đi dò hỏi, dân làng nói rằng, họ đã canh tác cánh đồng lúa mì trong nhiều thập kỷ, và họ cũng chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ vòng tròn kỳ lạ nào.

Khi cuộc điều tra đang đi vào bế tắc thì đơn vị gọi điện, yêu cầu họ nhanh chóng quay trở về. Hóa ra, khi lật lại các tài liệu lịch sử, vòng tròn kỳ lạ không chỉ xuất hiện trong những bức ảnh của năm 1984, mà ngay cả trong những bức ảnh của năm 1968 và 2004 cũng có vòng tròn kỳ lạ này.

Khi đó, mọi người dường như không thể tin vào kết quả, tại sao bây giờ nó lại biến mất một cách thần bí, tại sao chỉ có thể nhìn thấy vòng tròn từ trên cao, mà không thể nhìn thấy trên mặt đất?

Trong những ảnh được chụp vào năm 1968, có đến hơn chục vòng tròn kỳ lạ lớn nhỏ khác nhau, tất cả đều phân bố tại khu vực tuỳ táng ở phía đông nam của Càn Lăng. Các chuyên gia tin rằng, nhất định có thứ gì đó bị chôn vùi bên dưới chúng. Vì vậy, nhóm khảo cổ đã tiến hành một cuộc điều tra.

A Tang Dynasty Empress Wu Zetian.JPG
Võ Tắc Thiên. (Miền công cộng)

Kết quả khảo cổ

Vài tuần sau, nhóm khảo cổ đưa ra kết luận sau như sau:

  1. Trung tâm của vòng tròn kỳ lạ là ngôi mộ của Lý Cẩn Hành - một vị tướng nhà Đường, ngôi mộ này đã bị đào trộm từ thời cổ đại, bây giờ chỉ còn lại một ụ đất.
  2. Sau khi đào sâu xuống, người ta phát hiện ra rằng bên dưới vòng tròn kỳ lạ còn có một rãnh cổ.
  3. Nguyên nhân hình thành vòng tròn kỳ lạ này có thể là do rãnh đào đã bị lấp lại bởi đất bùn, và lúa mì được trồng trên rãnh đào, dù không thể phân biệt được bằng mắt thường, nhưng khi nhìn từ trên không xuống sẽ thấy được toàn bộ vòng tròn.

Cả ba kết luận có vẻ đều rất khoa học, nhưng tại sao 17 ngôi mộ tùy táng khác xung quanh không có những vòng tròn giống như vậy?

Sau đó, họ tiếp tục điều tra ngôi mộ cổ ở trung tâm của vòng tròn kỳ lạ, quả nhiên, manh mối để giải đáp bí mật đã được tìm thấy từ chủ nhân của ngôi mộ - Lý Cẩn Hành.

Thân thế Lý Cẩn Hành

Lý Cẩn Hành là một người dân tộc thiểu số Siberia, được gọi là Mạt Hạt vào thời nhà Đường. Cha của ông là một thủ lĩnh của tộc Mạt Hạt, sau này thuộc về nhà Đường và được ban quốc hiệu là Lý. Lý Cẩn Hành đã lập nên những chiến công xuất chúng vào thời nhà Đường. Từ vị trí tùy táng cho thấy, ông hẳn là người quan trọng đối với hoàng thất.

Lăng mộ càng gần thần đạo ở giữa thì càng thân cận với hoàng thất, như vậy, Lý Cẩn Hành thân cận hoàng thất hơn so với Hoàng tử Chương Hoài và Công chúa Vĩnh Thái, vốn là con trai và cháu gái của Võ Tắc Thiên. Bởi vì Lý Cẩn Hành là người Mạt Hạt, nên có lẽ ông tin vào tôn giáo Shaman nguyên thủy, vốn sùng bái mặt trời, bởi vì một ngôi mộ mặt trời tương tự cũng từng được tìm thấy trong khu di chỉ Lâu Lan ở Lop Nur.

Phải chăng từng có một nhóm chiến binh Mạt Hạt rất thân cận bên cạnh Võ Tắc Thiên? Đây có thể là sự thật về “Vạn quốc lai triều" (nghĩa là vạn nước đến chầu), thể hiện sự cường thịnh của nhà Đường. Đường Thái Tông ngoài việc là hoàng đế của Trung nguyên, ông còn được tôn là Thiên Khả Hãn của vùng thảo nguyên. Vậy thì đến thời đại Võ Tắc Thiên, vị Nữ hoàng này cũng là một nhà lãnh đạo quốc tế chăng?

Đà điểu

Khi tiến vào thần đạo Càn Lăng, trên đường đi sẽ thấy một đôi tượng đá kỳ lạ mang hình của hai con đà điểu. Điều này có vẻ là không hợp lý, vì đà điểu là một loài vật của châu Phi, người thời Đường đã từng nhìn thấy đà điểu sao?

Có một năm, vương quốc Tochari ở Tây Vực dâng lên một con chim lớn, cao 1,7 mét, chân giống lạc đà, mỗi ngày có thể chạy 150km và nó được gọi là đà điểu. Có vẻ như số đà điểu được cống nạp hàng năm không phải là ít.

Tượng đá đà điểu ở Càn Lăng. (Wikipedia)

Sách “Tân Đường thư” có ghi chép: “Năm Vĩnh Huy thứ nhất, (Tây Vực) dâng chim lớn, màu đen, chân giống lạc đà, có cánh nhưng chạy, ngày chạy 300 dặm, có thể mổ sắt, tục gọi là đà điểu”

Vậy khi xưa thực sự có một tuyến đường vận chuyển thực phẩm tươi sống từ châu Phi đến Trường An chăng? Nếu tuyến đường vận chuyển này từng tồn tại, thì chúng ta có thể giải đáp được một bí ẩn khác, đó là câu chuyện về một số nô lệ xứ Côn Lôn được ghi chép trong "Đường Truyền Kỳ", nói rằng họ có làn da đen, tóc xoăn và vô cùng khỏe khoắn. Theo lý mà nói, có lẽ họ là những người châu Phi.

Ông Trọng

Khi tiếp tục đi về phía trước của Càn Lăng, còn có 10 cặp người đá, đó là Ông Trọng, mà người Việt Nam hay gọi là Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng. Trong "Hoài Nam Tử" đã từng kể rằng sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, ông muốn chế tạo 12 người vàng, và phải tìm ra một người mẫu khổng lồ chân thực mới có thể đúc ra người vàng. Cuối cùng đã tìm thấy một viên võ quan khổng lồ gọi là ông Trọng, cao 4 mét và có sức mạnh vô song.

Tượng đá Ông Trọng ở Càn Lăng. (Wikipedia)

Vào thời nhà Đường, Võ Tắc Thiên cũng cho chạm khắc 10 cặp Ông Trọng, đặt trước lăng mộ của bà. Người Việt Nam cũng lan truyền cái tên Lý Ông Trọng. Các chuyên gia suy luận rằng điều này có thể là vào thời đại Võ Tắc Thiên, trong đội cận vệ Hoàng thất đã thực sự có một đội quân đến từ Giao Chỉ, chính là Việt Nam ngày nay. Người Việt cũng nói rằng Tử Cấm Thành do người Việt Nam thiết kế, trên thực tế. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng có bài giới thiệu “Người Thăng Long xây dựng thành Bắc Kinh”. Những tài liệu này cho thấy, tổng công trình sư xây dựng Tử Cấm Thành (giai đoạn sau) chính là Nguyễn An (sinh năm 1381), người Hà Đông, bị quân Minh bắt sang Trung Quốc vào thời đó, cùng hàng nghìn tù binh người Việt khác.

61 tượng người đá

Đi đến cuối thần đạo sẽ thấy được 61 bức tượng người đá không đầu. Tại sao chúng không có đầu. Vậy thì những chiếc đầu đá này đang ở đâu?

Năm 1971, hai nông dân Thiểm Tây đã đào được chiếc đầu đá ở khu đất ruộng dưới chân núi của Càn Lăng. Kết quả nó khớp với 1 thân tượng, và cho thấy đây có vẻ là người Tây Vực. Vài tuần sau đó, người dân khác lại đào được một đầu người đá có 13 bím tóc, là kiểu tóc của người dân tộc Đột Quyết. Danh tính của các tượng người đá đã được giải mã

Tại sao phía tây có 32 bức tượng và ở phía đông lại chỉ có 29 bức, phải chăng còn thiếu 3 bức? Sau này, các chuyên gia đã đào được 3 bức tượng đá chưa hoàn thành và bị phá hủy từ khu đất dưới chân núi.

Thời gian xây dựng Càn Lăng rất lâu, có lẽ trong thời gian này, 3 vị thủ lĩnh ngoại bang này đã phản bội nhà Đường, hoặc đã phạm tội và bị Võ hậu trừng phạt. Có vẻ như thông qua 64 bức tượng đá quan tướng này, Võ Tắc Thiên muốn nói về sự ân sủng và quyền lực của nhà Đường to lớn đến mức nào, ảnh hưởng của nhà Đường đã bao trùm khu vực lớn, khiến cho tất cả các nước chư hầu đều đến chầu Thiên triều nhà Đường (Vạn quốc lai triều).

Tượng đá 61 phiên thần ở Càn Lăng. (Wikipedia)

Phong thuỷ của Càn Lăng

Thì ra Càn Lăng là một khu lăng mộ khổng lồ do 3 đỉnh núi tạo thành, nhìn tổng thể giống như một người phụ nữ đang nằm ngửa trên mặt đất, một đỉnh là đầu, hai đỉnh còn lại giống như hai bầu ngực.

Tương truyền, Thái sử lệnh Lý Thuần Phong là người đầu tiên phát hiện ra vùng phong thủy bảo địa này, nên ông muốn dâng thư chọn vùng này cho Hoàng thượng dùng vào việc xây lăng mộ. Còn Trung Thư lệnh Viên Thiên Cang nói rằng ngọn núi Lương Sơn là tốt, nhưng phía trước còn có hai ngọn núi giống bầu ngực, quá giống phụ nữ, như vậy thì nữ chủ sẽ thịnh hơn, điều này không có lợi cho Hoàng đế.

Thực ra, từ khi Võ Tắc Thiên còn là một đứa trẻ, Viên Thiên Cang đã toán mệnh đoán ra được việc Võ Tắc Thiên lên ngôi Nữ vương, đây là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, phía sau lưng Lương Sơn không có điểm tựa, mà chỉ là một vách đá dốc đứng, đây là một thế phong thuỷ không nơi nương tựa, dù là nữ chủ thịnh hơn, nhưng cũng không thể kế tiếp lâu dài được.

Phong thủy Càn Lăng. (Chụp video)

Công trình siêu chống trộm

Cho đến nay, Càn Lăng chưa từng bị trộm, bởi vì Võ Tắc Thiên đã thiết kế toàn bộ Lương Sơn như một công trình siêu chống trộm. Xưa kia Tần Thủy Hoàng đào một cái hố sâu, sau đó lấp đất rồi chất thành một ngọn núi. Nhưng Càn Lăng của Võ Tắc Thiên là một ngọn núi đá, ngôi mộ được tạo ra bằng cách đào sâu vào ngọn núi, sau đó dùng một tảng đá lớn bịt kín lối vào mộ, thời cổ đại không có thuốc nổ, trừ khi tìm được lối vào của mộ đạo, sau đó phá giải các cơ quan của mộ đạo, bằng không thì phải san bằng được toàn bộ ngọn núi đá, nhưng điều này là không thể.

Vì vậy, sau hơn nghìn năm tìm kiếm, rất nhiều kẻ trộm mộ vẫn không tìm được đường vào. Ví dụ, vào cuối thời nhà Đường, Hoàng Sào đem theo 40 vạn quân đến đào núi để tìm lối vào Càn Lăng, nhưng bị thất bại. Sau đó, kẻ chuyên trộm mộ là Ôn Thao, hắn đã đào được lăng mộ của 18 vị Hoàng đế nhà Đường, nhưng hắn lại không đào được Càn Lăng. Sau này, đến thời Trung Hoa Dân Quốc đã có thuốc nổ, Tôn Liên Trọng cũng từng cho nổ tung Lương Sơn, nhưng ông ta cũng không thể tìm thấy mộ đạo của Càn Lăng.

Đến năm 1958, có vài người dân trong lúc cho nổ mìn để khai thác đá ở Lương Sơn, vô ý làm nổ tung mấy phiến đá, khi đoàn khảo cổ tới đào, họ kinh ngạc phát hiện ra tảng đá lấp lối vào Càn Lăng, chỉ cần phá vỡ được những dải đá này, thì có thể tiến vào lăng mộ.

Sau đó, có hơn 2.500 tảng đá khổng lồ đã được di dời, mỗi tảng đá nặng khoảng 3 tấn đều được liên kết với nhau bằng móc nối bằng sắt tinh chế, tức là sắt nóng chảy được rót vào giữa các khe đá. Ngày nay, các móc nối bằng sắt này vẫn được trưng bày tại các viện bảo tàng của Trung Quốc. Chúng liên kết các tảng đá thành một khối và xếp chồng lên nhau, gồm 39 lớp, từ đó tạo thành một khối đá bịt cửa khổng lồ nặng hơn 8.000 tấn ở lối vào của Càn Lăng.

Năm 1960, đội khảo cổ đã đào đến chỗ bức tường phía sau khối đá khổng lồ, nhưng cuối cùng chính quyền Trung Quốc đã không chấp thuận yêu cầu phá mở bức tường để tiến vào Càn Lăng. Khối đá nặng 8.000 tấn lại được vùi lấp như trạng thái ban đầu.

Kho báu 700 tấn

Khi đến Lương Sơn, người ta thường nghe kể về một truyền thuyết - đó là có một kho báu nặng 700 tấn được chôn bên dưới ngọn núi Lương Sơn. Con số này nghe có vẻ hơi phóng đại, vậy nó được tính toán như thế nào?

Khi điều tra Càn Lăng, các chuyên gia đã phát hiện ra một đống đá vụn phía bên cạnh lối vào lăng mộ. Về mặt lý thuyết, càng nhiều đá vụn được đục ra thì không gian của mộ thất trên núi sẽ càng lớn. Sau khi tiến hành đo đạc, các chuyên gia ước tính thể tích của đống đá vụn này ít nhất là 4.500 mét khối, không gian của toàn bộ ngôi mộ vào khoảng 5.500 mét khối, nếu ⅛ không gian mộ thất được dùng để chất các đồ vật tùy táng, thì thể tích của chúng sẽ vào khoảng 700 mét khối, dựa theo tỷ lệ 1 mét khối/1 tấn, thì cho đến nay vẫn còn khoảng 700 tấn bảo vật trong một thất vẫn chưa bị đánh cắp.

Đến nay, mọi người vẫn chưa biết được rốt cuộc thì cung điện bên dưới Lương Sơn rộng lớn thế nào và nó được bố trí ra sao, bởi vì, một thất nằm ở độ sâu hàng chục mét, nên không có chiếc radar nào có thể xuyên qua, thăm dò bên trong.

Điều thứ hai là, từ triều đại nhà Đường cho đến nay, có tổng cộng 1036 trận động đất đã xảy ra ở gần khu vực Tây An. Trận lớn nhất ở Thiểm Tây năm 1556, tâm chấn chỉ cách Càn Lăng 100km và cường độ là từ 8-11 độ richter. Thú vị là Càn Lăng vẫn đứng vững, chỉ có 61 tượng đá đặt phía trước Càn Lăng khá nhỏ và yếu, nên rất có thể chúng đã bị phá hỏng phần đầu, lăn xuống chân núi và bị chôn vùi bên dưới cánh đồng.

Đến chiều tà, cả khu Càn Lăng nhìn giống như một vị nữ hoàng đang nằm lặng lẽ trong ánh hoàng hôn. Thực ra chúng ta vẫn chưa biết tên thật của Vị nữ hoàng nằm trong Càn Lăng. Trong các tài liệu, cái tên Võ Chiếu là do bà tự sáng tạo ra. Còn cái tên Tắc Thiên là tên do hậu nhân đặt cho bà, Tắc Thiên Đại thánh Hoàng hậu.

Sỡ dĩ hậu nhân đặt tên cho bà là “Tắc Thiên” là bởi vì bà là một Nữ hoàng không chỉ thống trị Đại Đường mà còn thống trị cả thiên hạ. Khi đến huyện Càn, du khách còn có thể nghe được một câu chuyện bí mật, đó là tên thật của Võ Tắc Thiên là Võ Hoa Cô. Suy cho cùng, một người phụ nữ, từ hơn 1300 năm về trước, từ Hoa Cô trở thành Tắc Thiên, nếu như không có sự an bài của số mệnh thì đó quả không phải là việc người thường có thể làm nổi.

Theo Ngẫm Radio

Phương Lam



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn về lăng mộ ngàn năm không thể phá