Bố Đại Hòa thượng xây đê cứu dân, trên tảng đá chùa Di Lặc viên tịch thành chính quả

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio]

Em bé trên bông sen lớn

Bên bờ sông huyện Phụng Hóa, Chiết Giang, Trung Quốc có một thôn nhỏ. Hôm đó, một người dân trong thôn là Trương Trọng Thiên đang trồng trọt bên sông, bỗng nhiên anh ngẩng đầu lên và thấy một bông sen rất lớn từ mặt sông trôi đến. Nhìn kỹ anh thấy có một em bé trai nhỏ xíu trần trụi đang nằm trên bông sen. Thế là anh vội vàng dùng chiếc cuốc trong tay kéo bông sen vào bờ.

Anh cúi xuống bế em bé lên thì bông sen lập tức biến thành cỏ tía và bị nước sông cuốn trôi mất tích. Anh lại nhìn em bé trong lòng, bé đang nhìn anh cười tít. Anh Trương xúc động bế em bé chạy như bay về nhà.

Anh và vợ kết hôn đã lâu mà chưa có con, nên vừa về đến cổng, anh gọi lớn: “Mau ra xem này, chúng ta có con trai rồi”.

Vợ anh Trương - Đậu thị, nghe thấy tiếng chồng gọi lập tức chạy vội ra và đón lấy đứa trẻ rồi ngắm nghía: “A, đứa trẻ này đầu tròn tai to, quả là phúc tướng”.

Cô sung sướng ngắm nghía em bé một lúc lâu thì mới đột nhiên nhớ ra, liền hỏi chồng về lai lịch đứa trẻ. Khi nghe nói đứa bé từ trên sông trôi đến, cô lập tức cười rạng rỡ, bào chồng nhất định phải đến chùa hoàn nguyện, miệng không ngớt niệm: “Tạ ơn Quan Thế Âm Bồ Tát! Tạ ơn Quan Thế Âm Bồ Tát!”.

Sáng sớm hôm sau, hai vợ chồng anh Trương bế đứa bé đi một mạch đến Quan Âm Các ở chùa Nhạc Lâm đối diện với con sông, thành kính đốt nến thắp hương, 3 lạy 9 khấu đầu rồi nói rằng: “Lần trước chúng con đến cầu xin có con trai, hôm nay quả nhiên đã toại nguyện. Đệ tử muôn phần tạ ơn Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi”.

Khi trụ trì chùa Nhạc Lâm - Nhàn Khoáng Thiền sư đến trước mặt vợ chồng anh Trương, đứa bé đột nhiên quay đầu lại, không ngừng cười khanh khách với Thiền sư. Nhàn Khoáng Thiền sư cười và nói: “Xem ra cậu bé có duyên với ta, vậy hãy để ta đặt tên cho nó, tên là Khế Thử, Trương Khế Thử”.

Thiền sư là người có học vấn, cái tên do ông đặt nhất định là tốt, vợ chồng Trương Trọng Thiên vui mừng nhận cái tên này.

Nhưng thật thần kỳ, Đậu thị, người vốn đã nhiều năm không có mang, lại liên tục sinh ra một nam một nữ. Do vợ chồng Trương Trọng Thiên thành tín Phật, thường đến chùa Nhạc Lâm lễ bái, cậu bé Khế Thử cũng thường theo cha mẹ đi chùa Nhạc Lâm chơi, cậu ngó nghiêng ngắm nghía, còn thường xuyên gọi các tượng La Hán là huynh đệ. Tất cả những điều này đều được Thiền sư Nhàn Khoáng để mắt tới.

Cậu bé Khế Thử từ nhỏ đã không ăn đồ tanh, rất thích tham thiền, cậu còn thường đến chùa mượn kinh thư của Thiền sư Nhàn Khoáng. Cậu có trí nhớ rất tốt, chỉ một thời gian ngắn, cậu đã thuộc làu tất cả các kinh thư trong chùa Nhạc Lâm, Thiền sư Nhàn Khoáng vô cùng vui mừng.

Cậu có trí nhớ rất tốt, chỉ một thời gian ngắn, cậu đã thuộc làu tất cả các kinh thư trong chùa Nhạc Lâm. (Tranh: Binh Minh - NTDVN)

Tháng ngày thấm thoắt thoi đưa, cậu bé Khế Thử đã trở thành một chàng trai rồi, dân làng xung quanh đều rất yêu thích cậu, những người tìm đến cha mẹ cậu để đặt vấn đề hôn nhân với cậu liên tiếp không ngừng. Sau khi trải qua hàng ngàn lựa chọn, Trương Trọng Thiên cuối cùng đã quyết định chọn cô gái hàng xóm có đủ phẩm đức và tài mạo cho con trai.

Khước từ hôn nhân để xuất gia

Khế Thử nghe được tin này liền lập tức đề nghị cha mẹ từ bỏ ý định thành hôn cho cậu và để cậu xuất gia. Vợ chồng Trương Trọng Thiên vốn thành kính tín Phật, nên không phản đối con trai quy y cửa Phật. Thế là họ xin xóa bỏ hôn ước, và đích thân đưa cậu đến chùa Nhạc Lâm cạo đầu xuất gia.

Thiền sư Nhàn Khoáng dẫn cả nhà họ Trương vào đại điện và cười lớn: “Thiện tai, thiện tai, bản tự thêm vị Sa di này thì nhất định hương hỏa hưng thịnh”.

Nói rồi, Thiền sư đích thân cạo đầu cho Khế Thử, khoác lên mình cậu bộ cà sa và đặt cho cậu Pháp hiệu Thích Khởi Thử. Sau khi xuất gia, Khế Thử càng khổ công nghiên cứu. Tuy anh đầy bồ kinh luân, nhưng chưa có tư cách giảng kinh thuyết đạo. Để chia sẻ niềm vui với mọi người trong Phật Pháp, anh không ngừng bôn tẩu giữa các nhà chùa, hy vọng tìm kiếm những cơ hội giao lưu, nhưng những vị trụ trì các chùa thấy anh còn quá trẻ, hơn nữa vẫn chỉ là một Tiểu sa di, nên hoàn toàn không để ý đến thỉnh cầu của anh.

Một ngày nọ, anh phát hiện ra một ngôi chùa Tuyết Đậu đằng sau thác nước từ vách đá cao ngàn trượng, xung quanh chùa du khách đi lại không ngớt nhưng khách hành hương lại chẳng có mấy người. Khế Thử cho rằng thời cơ đã đến, anh lập tức ngồi bên ngoài cổng chùa và gõ mõ, lớn tiếng niệm kinh.

Những du khách thấy một tiểu hòa thượng niệm kinh thì hiếu kỳ, chen nhau lại gần vây quanh anh. Nhân cơ hội này, Khế Thử giảng cho mọi người những điều tuyệt diệu của Tây phương Tịnh Thổ và Đâu Suất Đà Thiên. Học thức sâu sắc và tài ăn nói tuyệt diệu của anh khiến các du khách vui thích mặt mày hớn hở, rất nhiều người lập tức vào trong chùa thắp hương lễ Phật. Trong chớp mắt, một ngôi chùa ít khách hành hương, Phật điện vắng vẻ lạnh lẽo, lập tức khách hành hương đầy đại điện, hương hỏa không dứt.

Trụ trì chùa Tuyết Đậu là Thiền sư Thường Thông rất nhanh chóng sau đó phát hiện ra sự thay đổi này là kết quả của một tiểu hòa thượng ngồi ngoài cổng chùa giảng kinh thuyết đạo, thế là ông rất nhiệt tình mời Khế Thử vào trong chùa, dùng lễ tông sư đồng môn để tiếp đãi.

Thông qua đàm đạo, Thiền sư Thường Thông phát hiện ra hòa thượng Khế Thử có kiến thức vô cùng uyên bác, có Phật căn rất sâu, ông lập tức triệu tập tất cả hòa thượng trong chùa và các tín chúng dâng hương lễ Phật cùng tập trung ở Pháp đường, nghe Khế Thử giảng nhân duyên ba đời, diễn thuyết tám vạn bốn nghìn Pháp môn.

Ông lại sai người dựng một đài giảng kinh tạm ở bên ngoài cổng chùa để hòa thượng Khế Thử hướng về quần sơn thác nước, giảng kinh thuyết Pháp cho tín chúng thập phương. Khế Thử đề ra lý luận “Chỉ cần chí thành quy y thì có thể thành Phật”, được đông đảo tín chúng đón nhận.

Hòa thượng Khiết Thử yêu cầu đơn giản rằng “con người ai cũng có Phật tâm, ai cũng có thể làm được”. Thế là tín chúng của chùa Tuyết Đậu ngày càng tăng, hương hỏa ngày càng vượng.

Hòa thượng Khiết Thử thấy tốt liền dừng, chuẩn bị quay trở lại chùa Nhạc lâm tiếp tục tu hành.

Khi Khiết Thử phong trần trở về chùa Nhạc Lâm, thấy chiếc giường của mình bị một hòa thượng bị bệnh, vừa bẩn vừa hôi hám chiếm mất rồi.

Thì ra trong thời gian anh ở bên ngoài, thì có một hòa thượng bị bệnh đến, mọi người sắp xếp ông ta ở trong phòng của anh. Khiết Thử thấy vị hòa thượng này toàn thân mụn nhọt, và không ngừng chảy máu mủ. Anh vội vàng cúi xuống, nặn hết máu mủ vừa bẩn vừa hôi thối đó trên thân hòa thượng bệnh, sau đó dùng nước ấm lau rửa sạch sẽ toàn thân ông ta.

Khiết Thử mệt nhọc cả một ngày trời, còn hòa thượng bệnh thì ngủ ngáy khò khò. Nhìn hòa thượng bệnh đang ngủ say, anh cũng bất giác ngáp liên tục, ngồi dựa vào bức tường và chìm vào giấc ngủ. Anh mộng thấy mình bay lên khỏi mặt đất, vượt qua vô số non xanh nước biếc, đồng cỏ cánh đồng. Khi anh bay đến 9 tầng trời, thì tiến vào một thế giới khác. Các Thiên sứ đón anh vào đại điện, đưa anh đến trước bảo tọa sư tử trên cao và mời anh ngồi xuống.

Nhìn thấy tất cả cảnh tượng trước mắt, anh lập tức bừng tỉnh ngộ, thì ra đây là nội viện Di Lặc ở Đâu Suất Đà Thiên, và anh chính là Bồ Tát Di Lặc. Cuối cùng Khế Thử cũng đã biết bản lai diện mục của mình.

Thì ra đây là nội viện Di Lặc ở Đâu Suất Đà Thiên, và anh chính là Bồ Tát Di Lặc. (Tranh: Tây Phương cực lạc)

Đúng lúc anh đang vui mừng kinh ngạc thì thấy Pháp sư Hải Thông nghênh đón Đức Phật Thích Ca vào đại điện. Khế Thử liền rời bảo tọa sư tử quỳ xuống bái trước mặt Phật Thích Ca. Đức Phật cười và nói: “Hôm nay ta để con trở về Đâu Suất Đà Thiên là để con khôi phục ký ức. Từ hôm nay trở đi, con hãy dùng thân phận là Bồ Tát Di Lặc để phổ độ chúng sinh, giáo hóa thế nhân. Ta tặng con một chiếc túi vải (bố đại) thần kỳ, con hãy luôn đem nó bên mình, hoằng dương Phật Pháp cho thế nhân”.

Đức Phật nói xong liền lấy một chiếc túi vải màu xanh trao cho Khế Thử, sau đó ghé tai anh nói bí quyết sử dụng.

Sau khi Đức Phật rời đi, Khế Thử quay người vỗ vai Pháp sư Hải Thông và nói: “Giang Nam là một nơi rất đẹp, tôi phải lập tức trở về. Nơi này vẫn cần nhờ ngài giúp tôi cai quản nhé”.

Pháp sư Hải Thông liên tiếp gật đầu. Khế Thử rời Đâu Suất Đà Thiên phiêu phiêu ra khỏi giấc mộng.

Chiếc túi vải kỳ lạ

Khi anh mở mắt ra thấy hòa thượng bệnh đang đứng trước mặt và yêu cầu anh rằng: “Tôi rất muốn lên trên núi hít thở không khí trong lành, cậu cõng tôi đi nhé”.

Không chờ Khế Thử trả lời, hòa thượng bệnh đã chui vào cái túi vải xanh của anh. Khế Tử vừa nhìn liền nghĩ ngay: “Đây chẳng phải chiếc túi vải mà Đức Phật đã tặng cho ta ở trong mộng đó sao”.

Thế là anh cõng chiếc túi trên lưng rồi leo một mạch lên đỉnh núi. Khi anh hạ túi xuống và mở ra thì bên trong chẳng có thứ gì, chẳng thấy bóng dáng hòa thượng bệnh đâu cả.

Quay trở lại chùa Nhạc Lâm, Thiền sư Nhàn Khoáng nói với anh rằng: “Ở vùng duyên hải phía đông nam Phụng Hóa có chùa Thiên Hoa, đó là nơi thanh tu lý tưởng, con có thể đến đó xin trú ngụ, sư huynh của ta làm trụ trì ở đó”.

Thế là Thiền sư viết một phong thư giao cho Khế Thử đem đi. Khế Thử mặc bộ cà sa mới mà Thiền sư Nhàn Khoáng tặng, khoác chiếc túi vải xanh, hở ra cái bụng lớn, miệng cười hì hì hà hà, đến chùa Thiên Hoa.

Trụ trì nhận được thư của Thiền sư Nhàn Khoáng thì vui vẻ tiếp nhận Khế Thử. Do Khế Thử có tướng lạ và tính tình rất ôn hòa, lúc nào, nơi nào cũng cười vui vẻ, do đó mọi người rất thích trò chuyện với anh, đàm luận Phật Pháp, hoặc chơi đùa vui vẻ. Mọi người đều vui vẻ gọi anh là Hoan Hỉ Hòa thượng, Tiếu La Hán.

Không lâu sau, một nhóm binh sĩ thất trận đi qua, chúng hung dữ cướp đi tất cả lương thực trong chùa làm quân lương. Chúng tăng ngăn lại, bọn chúng tức giận phóng lửa thiêu hủy chùa Thiên Hoa, và đánh bị thương chúng tăng, sau đó chúng áp tải lương thực nghênh ngang ra đi.

Khế Thử lặng lẽ đi theo nhóm binh sĩ, đến khi họ đi vào một khu rừng, Khế Thử liền nấp vào bên gốc cây lớn và lấy chiếc túi vải, mở miệng túi ra. Chỉ thấy một trận cuồng phong nổi lên, tất cả lương thực mà bọn chúng cướp của nhà chùa đều bị cuốn vào trong chiếc túi vải. Nhóm binh sĩ trông thấy cảnh tượng này đều há mồm trợn mắt nhìn, cho rằng đã gặp phải yêu quái, ai nấy đều kinh sợ nhớn nhác tháo chạy thục mạng.

Khế Thử liền nấp vào bên gốc cây lớn và lấy chiếc túi vải, mở miệng túi ra. (Chụp video)

Khế Thử vác chiếc túi vải trở về chùa Thiên Hoa. Trước mặt tăng chúng, anh mở túi đổ lương thực ra. Tăng chúng vô cùng kinh ngạc, tới tấp chạy đến vây lấy Khế Thử tấm tắc ca ngợi. Từ đó cái tên Bố Đại Hòa Thượng đã lan truyền đi khắp nơi.

Chùa Thiên Hoa bị thiêu hủy, chúng tăng an thân thế nào đây?

Bố Đại Hòa Thượng lại cười hì hì và nói với trụ trì rằng: “Mọi người có thể đến chùa Nhạc Lâm ở, đất rừng và ruộng đất quy về chùa Nhạc Lâm, và hãy để lại để đệ tử cai quản. Hàng năm, đệ tử sẽ đem tiền lương giao cho chùa Nhạc Lâm, chẳng phải cũng tốt đó sao”.

Trụ trì đồng ý với ý kiến của ông. Các điền nông nghe tin Hoan Hỉ Hòa Thượng ở lại làm trang chủ thì tất cả đều vô cùng vui mừng. Mọi người cùng nhau dọn dẹp đống đổ nát, dựng lên một căn nhà 3 gian, phía trên cửa treo biển “Nhạc Lâm Trang”.

Thế là Bố Đại Hòa Thượng ở lại với các điền nông cùng nhau vui vẻ cấy cày, và trong quá trình đó ngộ ra thiền lý:

Tay nắm mạ xanh cấy phúc điền
Cúi đầu liền thấy trời đáy nước
Lục căn thanh tịnh rồi thành đạo
Lui bước hóa ra là tiến lên

Nhờ Bố Đại Hòa Thượng và các điền nông nỗ lực, công việc của Nhạc Lâm Trang ngăn nắp đâu vào đó, tài sản của chùa Nhạc Lâm đã dư dả, Bố Đại Hòa Thượng càng vui vẻ thì càng béo ra. Thế là ông quyết định rời xa trang viên đi vân du thiên hạ, giáo hóa nhiều thế nhân hơn nữa.

Từ đó, khắp vùng Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, mọi người thường gặp một vị hòa thượng to béo với cái bụng lớn và gương mặt tươi cười, nói năng hài hước, vác gậy treo chiếc túi vải xanh trên đường phố. Vị hòa thượng này không ở nơi nào cố định, ngồi hoặc ngủ ở bất cứ nơi nào. Tuy nhiên, ông nằm trên tuyết mà y phục không ướt, mùa hè nóng nực hay mùa đông lạnh giá, ông vẫn chỉ khoác một bộ cà sa hở bụng ra. Hơn nữa, ông còn có thể tiên tri tương lai.

Mọi người đều cảm thấy tò mò về ông. Hễ thấy hôm nào ông mặc áo tơi đi trên phố thì chỉ một lúc sau là sẽ có mưa; còn nếu thấy ông đi guốc gỗ đứng trên cầu thì trời đang âm u chỉ một lát sau là nắng ráo. Đôi khi ông còn vô ý tiết lộ phúc họa cho thế nhân, không lần nào là không ứng nghiệm.

Một ngày nọ, có một bà lão bán trứng gà, do sơ ý đánh rơi giỏ trứng xuống đất. Bà lão nhìn những quả trứng vỡ lòng trắng lòng đỏ chảy hết ra thì đau lòng kêu khóc lớn. Bố Đại Hòa Thượng lập tức bước đến nhặt tất cả vỏ trứng cùng lòng trắng lòng đỏ đó bỏ vào túi vải của mình. Sau đó kéo bà lão, người vẫn còn đang nhìn ông tỏ vẻ khó hiểu, cùng nhau trở về nhà bà lão.

Mọi người đều cảm thấy kỳ lạ, bèn tấp nập đi theo sau. Đến trước cửa nhà bà lão, Bố Đại Hòa Thượng lập tức mở chiếc túi vải ra, chỉ thấy những tiếng kêu chiếp chiếp, một đàn gà con như những cục tơ tranh nhau từ trong túi nhảy ra ngoài. Bà lão thấy thế thì quá đỗi vui mừng. Mọi người từ kinh ngạc chuyển sang thanh tỉnh, vỗ tay reo hò ầm ĩ.

“Bà lão, hãy nuôi tốt đàn gà này nhé. Gà đẻ trứng, trứng nở thành gà con, vô cùng vô tận, tiền vào như nước” - Bố Đại Hòa Thượng nói xong, từ biệt bà lão và bước đi.

Thế là câu chuyện về chiếc túi vải thần kỳ của ông đã lan truyền khắp xa gần, mọi người tới tấp vây quanh Bố Đại Hòa Thượng. Những kỳ tích như cá chết sống lại, cơm thiu thành cơm mới, đồ vật hỏng trở thành hoàn hảo như cũ… Bố Đại Hòa Thượng đều hứa là làm được, dân chúng đều rất vui mừng.

Cứu giúp muôn dân

Tin tức này đến tai viên võ quan trấn thủ địa phương là Thủ Bị, ông ta lập tức dẫn theo 200 binh sĩ đến trước mặt Bố Đại Hòa Thượng và nói: “Bản tướng quân cần tăng binh lực để tranh đoạt thiên hạ, mong ngài hãy biến 200 binh sĩ này thành 10 vạn tinh binh, ta sẽ trọng thưởng”.

Bố Đại Hòa Thượng bước lên trước thi lễ và nói: “Chiếc túi vải này của tôi chỉ biến vật được thôi, không biến binh sĩ được, mong thí chủ lượng thứ”.

Thủ Bị nổi giận sai binh sĩ cướp chiếc túi vải rồi đốt trước mặt mọi người.

Nhưng ông ta không thể ngờ rằng, cho dù đốt đi đốt lại bao nhiêu lần thì chiếc túi vải vẫn hoàn hảo như cũ.

Thủ Bị nổi giận vô cùng lớn tiếng quát: “Không đốt được cái túi vải thì ta đốt hòa thượng”.

Nói rồi, hắn lệnh cho binh sĩ trói gô Bố Đại Hòa Thượng lại chuẩn bị đem về doanh trại tra khảo để giải tỏa nỗi tức giận.

Trên đường áp giải, Bố Đại Hòa Thượng cười hì hì, nói với Thủ Bị rằng: “Ngài có muốn biến những binh sĩ này không, tôi có thể đáp ứng”.

Thủ Bị mừng lắm, lập tức xuống ngựa đích thân cởi trói cho ông. Bố Đại Hòa Thượng làm bộ vừa niệm chú vừa mở túi ra, chỉ thấy một trận gió lốc nổi lên, 200 binh sĩ đột nhiên biến mất không còn vết tích, tất cả đều bị hút vào trong chiếc túi vải rồi.

Tiếp theo, Bố Đại Hòa Thượng lại lẩm nhẩm niệm chú và lại mở túi ra, một trận cuồng phong gào thét, và một đám người cuốn ra ngoài.

Thủ Bị mở to mắt nhìn, những người từ trong túi vải vọt ra không phải là 10 vạn tinh binh mà là 200 anh nông dân. Những nông dân này sau khi đứng vững liền quỳ xuống bái lạy Bố Đại Hòa Thượng và nói: “Tạ ơn Bồ Tát chỉ bảo. Chúng tôi nguyện từ bỏ vũ khí trở về làm ruộng”.

Hòa thượng vẫy vẫy tay, cười và nói với mọi người rằng: “Hãy đi đi, hãy về nhà làm ruộng”.

Thủ Bị thấy vậy liền rút kiếm đâm hòa thượng. Bố Đại Hòa Thượng ung dung niệm chú, Thủ Bị còn chưa lao đến trước mặt ông thì đã bị hút vào trong chiếc túi vải rồi. Bố Đại Hòa Thượng nhấc túi, vỗ vỗ vào Thủ Bị - kẻ vẫn đang vùng vẫy ở bên trong túi, rồi lớn tiếng cười và nói: “Chỉ cần ông nguyện ý buông bũ khí, trở về nhà làm ruộng thì tôi sẽ thả ông ra”.

Thủ Bị không biết làm thế nào, đành phải đồng ý. Bố Đại Hòa Thượng thả Bủ Bị ra, thì đã thấy Thủ Bị trong trang phục của một anh nông dân rồi. Hòa thượng nói với anh ta rằng: “Buông bỏ đao xuống thì có thể tu thành Phật. Thành tâm sám hối, tội lỗi cũ tiêu tan”.

Thủ Bị bỗng giác ngộ, lập tức quỳ xuống bái. Bố Đại Hòa Thượng vui cười hà hà bước đi.

Thủ Bị bỗng giác ngộ, lập tức quỳ xuống bái. (Chụp video)

Do chiến tranh liên miên, người dân bỏ nhà cửa lưu lạc, cả vùng Giang Nam đầy những nạn dân lánh nạn binh đao. Bố Đại Hòa Thượng nhìn thấy điều này thì cảm thấy rất đau lòng, ông biết vấn đề quan trọng cấp bách nhất là nghĩ cách để những nạn dân được ăn no bụng. Thế là ông dẫn mọi người đến bên bờ biển, rồi ném chiếc túi vải xuống biển. Chỉ thấy nước biển cuồn cuộn, những thực vật màu xanh bay lên khỏi mặt biển và chui vào túi vải của Hòa thượng.

Bố Đại Hòa Thượng thu lại chiếc túi vải. Ông chia số thực vật đó cho người dân và nói: “Đây là rong biển, là món ăn ngon hiếm có trong nhân gian. Mọi người đem về ăn tạm cho đỡ đói lòng”.

Mọi người nấu chín, ăn thấy có vị rất ngon. Thế là các nạn dân kết thành từng nhóm từng nhóm, ngày ngày tập trung ở bên bờ biển, tới tấp vớt rong biển làm thức ăn hàng ngày. Thế là nạn đói đã tạm thời được giải quyết.

Nhìn thấy sự hài lòng của mọi người, Bố Đại Hòa Thượng trong lòng vui mừng.

Để tự bảo vệ, Ngô Việt Vương Tiền Mâu đang chuẩn bị xây thành ở Hàng Châu. Bố Đại Hòa Thượng biết tin lập tức đi gặp Tiền Mâu và nói: “Thủy triều lớn sông Tiền Đường hàng năm đều ngập lụt, ruộng đồng nhà cửa 2 bên sông đều bị nước lũ phá hủy. Để tránh thủy triều xâm hại, mọi người đều muốn rời bỏ quê hương. Nếu người người đều bỏ đi thì Vương gia còn muốn giữ một tòa thành trống vắng không có người cư trú không? Do đó xây thành không bằng xây đê, làm việc tốt cho bách tính hai bờ và con cháu đời sau. Hơn nữa, việc này càng có lợi cho vương quốc Ngô Việt”.

Bố Đại Hòa Thượng nghiêm trang nói hùng hồn, Tiền Mâu trầm tư suy nghĩ, cảm thấy rất có lý, thế là tiếp nhận kiến nghị của Bố Đại Hòa Thượng. Ông lập tức bỏ tiền lương ra, điều động quân đội phối hợp với người dân hai bên sông Tiền Đường xây dựng công trình trị thủy sông Tiền Đường chưa từng có trong lịch sử. Ngô Việt Vương đích thân đôn đốc, sĩ khí dân công dâng cao.

Tuy nhiên cần phải vận chuyển từ mỏ khai thác đá cách đó mấy chục dặm, vận chuyển những viên đá xanh đến bờ sông. Đây là công việc tốn rất nhiều công sức và thời gian. Ngô Việt Vương đã rất đau đầu về việc này.

Bố Đại Hòa Thượng biết chuyện liền đến mỏ khai thác đá, rồi mở chiếc túi vải ra, chỉ thấy đá xanh khắp núi tranh nhau bay vào túi của ông. Những thợ khai thác đá chưa bao giờ thấy cảnh tượng như thế, tất cả há miệng tròn mắt ra nhìn. Bố Đại Hòa Thượng thấy những công nhân này như ngây như dại thì bất giác cười ha ha, sau đó vác cái túi đầy đá chạy như bay về phía sông Tiền Đường.

Trên công trường bên sông Tiền Đường, mọi người thấy Bố Đại Hòa Thượng dùng chiếc túi vải xanh đổ những viên đá xanh ra, tới tấp rơi ra không ngừng, thì cảm thấy rất kỳ lạ, tất cả bất giác vỗ tay hoan hô vang dội, sĩ khí hăng hái, thời gian thi công rút ngắn rất nhiều. Người dân Hàng Châu truyền tụng nhau ca tụng con đê được xây bằng đá kiên cố này. Nó không những chống lại được những cơn thủy triều lớn của sông Tiền Đường, mà còn cứu giúp người dân 2 bên sông, nhờ đó mùa màng bội thu quanh năm, khiến ngày càng nhiều người dân các nơi di cư đến cư trú.

Từ đó, Hàng Châu trở thành khu vực giàu có nhất toàn quốc, cơ nghiệp của Ngô Việt Vương cũng nhờ đó mà càng ổn định. Ngô Việt Vương Tiền Mâu rất muốn lưu giữ Bố Đại Hòa Thượng, nhưng Hòa thượng vẫn kiên quyết ra đi, và nói với vua rằng: “Vương gia chỉ cần dừng việc can qua, một lòng hướng thiện, tôi bảo đảm vương quốc Ngô Việt của ngài rằng, con cháu 3 đời hưng thịnh trăm năm”.

Sau này quả nhiên ứng nghiệm như vậy.

Hiện lộ chân tướng

Ngày mồng 3 tháng 3 năm 916, Bố Đại Hòa Thượng không muốn tiếp tục đi vân du nữa, thế là một mình ông trở lại Phụng Hóa, trở về quê hương - nơi ông đã từ biệt rất nhiều năm rồi. Ông lững thững đi bộ vào suối nước nóng ở bên suối Trường Đinh, gột rửa hết những cáu bẩn của cõi hồng trần. Đêm hôm đó, ông đến chùa Nhạc Lâm - nơi ông xuất gia, đến hành lang phía đông chùa, ngồi kiết già trên tảng đá lớn, nét mặt tươi cười rồi viên tịch.

Sáng sớm hôm sau, tăng nhân chùa Nhạc Lâm phát hiện ra Bố Đại Hòa Thượng đã viên tịch trên tảng đá lớn, chiếc túi thần kỳ của ông cũng biến mất, ông chỉ để lại một bài kệ viết trên lụa rằng:

Di Lặc chân Di Lặc
Phân thân trăm ngàn ức
Luôn ở với người đời
Người đời không hay biết

Chúng tăng xem xong bừng tỉnh ngộ, thì ra Bố Đại Hòa Thượng chính là Bồ Tát Di Lặc. Sau khi an táng nhục thân Bố Đại Hòa Thượng, họ thay bức tượng Di Lặc ở đại điện bằng bức tượng với hình dạng của Bố Đại Hòa Thượng để mọi người lễ bái. Từ đó, chùa Nhạc Lâm trở thành Đạo trường Di Lặc.

Tăng chúng chùa Nhạc Lâm muốn di dời mộ của Bố Đại Hòa Thượng, thì phát hiện ra trong quan trống rỗng. Tăng chúng lập tức minh bạch, liền quỳ xuống lễ bái, rồi ngẩng mặt lên trời đồng thanh hô lớn: “Cung tiễn Di Lặc Bồ Tát trở về Đâu Suất Đà Thiên”.

Năm 1098, Hoàng đế Triết Tông triều Tống ban chiếu phong Bố Đại Hòa Thượng là Định Ứng Đại Sư, thanh danh Bố Đại Hòa Thượng vang xa, hình tượng ung dung độ lượng, mặt tươi cười của Ngài cũng từ đó lan ra nhiều nước trên thế giới như các nước Đông Nam Á, Triều Tiên, Nhật Bản…

Bố Đại Hòa Thượng và trẻ em. (Tranh Nhật Bản - wikipedia)

Sau này, tin tức lan đến Gia Châu, Tứ Xuyên (tức thành phố Lạc Sơn ngày nay), những thiện nam tín nữ địa phương đã cung thỉnh tượng Bố Đại Hòa Thượng vào chùa Ô Vưu trên núi Lăng Vân. Từ đó Bố Đại Hòa Thượng và Di Lặc cổ Phật cùng ở một nơi, được vạn dân lễ bái. Sau này Bồ Tát Di Lặc lại lần nữa giáng sinh thế gian, đến dưới gốc cây Long Hoa dốc tâm tu luyện thành Phật. Tương truyền, đến thời mạt thế mạt Pháp, Đức Phật Di Lặc lại một lần nữa giáng sinh cõi nhân gian để độ nhân, cứu độ những người thiện lương vượt qua kiếp nạn, và bước vào một tương lai vô cùng tốt đẹp, mọi người đều hạnh phúc. Vậy Đức Phật Di Lặc đã giáng hạ cõi nhân gian chưa, Ngài có giống hình dáng Bố Đại Hòa Thượng năm xưa, hay là dưới một hình tượng khác? Làm thế nào để chúng ta có thể nhận ra và tiếp nhận sự giáo hóa của Ngài?

Theo Donghuakuaiche
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bố Đại Hòa thượng xây đê cứu dân, trên tảng đá chùa Di Lặc viên tịch thành chính quả