Cùng xuất thân từ hòa thượng, Từ Hải và Lỗ Trí Thâm có kết cục hoàn toàn khác nhau

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoàn cảnh ban đầu của hai người Tử Hải và Lỗ Trí Thâm có những nét giống nhau, nhưng hai người lại có kết cục hoàn toàn khác nhau, đó là do sự lựa chọn trong đời này của một sinh mệnh tạo nên kết cục của nó lúc cuối đời và số phận của đời tiếp theo.

Từ Hải

Từ Hải là nhân vật được nhắc tới trong Truyện Kiều, trong lịch sử có ghi chép lại, ở ngoài đời thật sự có một Từ Hải như vậy, tuy nhiên Từ Hải này khác biệt rất nhiều so với nhân vật trong tác phẩm văn học.

Theo một số tư liệu lịch sử, thì Từ Hải quê ở huyện Hấp phủ Huy Châu. Xuất thân Từ Hải vốn là hòa thượng chùa Hổ Bào ở Hàng Châu, pháp danh Phổ Tịnh, còn gọi là Minh Sơn hòa thượng. Sau được người chú là Từ Bích Khê rủ bỏ chùa đi buôn bán làm ăn trên biển, gia nhập thương đoàn của Uông Trực, sau đó lấy danh kỹ Tần Hoài tên là Vương Thúy Kiều làm vợ.

Từ Hải trong chính sử được mô tả là một thủ lĩnh xuất quỷ nhập thần của một đám cướp biển miền duyên hải Giang Nam, từ ghi chép có thể nhận thấy Từ Hải rất giỏi võ, rất có thể được học võ từ lúc còn là hòa thượng, thời điểm đó môn phái Thiếu lâm tự cũng phổ biến. Từ Hải cùng với hai thủ lĩnh còn lại là Trần Đông và Ma Diệp tấn công cả quân triều đình, có thể đấu trực tiếp với tướng triều đình cũng phải là một thân võ nghệ cao cường.

Tổng đốc quân vụ chiết giang Hồ Tôn Hiến thấy không thể đánh được nhóm cướp biển, nên tìm cách ly gián, dùng kế phá vỡ mối liên kết giữa 3 thủ lĩnh Từ Hải, Trần Đông, Ma Diệp. Mặt khác lại cho đem rất nhiều đồ châu báu, đồ nữ trang quý cùng thư chiêu hàng đem đến nhà Từ Hải để tỏ thành ý, vì biết được Từ Hải rất hay nghe lời phu nhân Thúy Kiều của mình.

Ảnh minh họa: Miền công cộng

Sau khi đấu với quân triều đình, Từ Hải bị thương, lại nghe được nhiều thông tin trái chiều do Hồ Tôn Hiến lập mưu tung ra, cộng thêm Thúy Kiều khuyên nhủ, Từ Hải đã quyết định hàng phục triều đình. Từ Hải cho em trai là Từ Hồng đến làm con tin, đem dâng những vật quý của mình dùng như mão phi ngư, giáp tốt, kiếm báu... cho Hồ Tôn Hiến.

Hồ Tôn Hiến ra yêu cầu với Từ Hải dẹp giặc vùng sông Ngô Tùng để lập công. Từ Hải đem quân tấn công nhóm hải khấu ở vùng Chu Kính, giết hơn 30 tên để tỏ quyết tâm mình hàng phục triều đình. Sau đó Hồ Tôn Hiến lại yêu cầu Từ Hải bắt hai đồng đảng Trần Đông và Ma Diệp thì triều đình mới xét công đầu.

Từ Hải sau đó ra tay với Ma Diệp và Trần Đông, bắt hai thủ lĩnh này giao nộp cho Hồ Tôn Hiến, Hồ Tôn Hiến thực hiện quỷ kế thả Trần Đông và Ma Diệp ra, sau đó sắp xếp quân của Từ Hải ở phía đông, quân Ma Diệp Trần Đông ở phía tây, trong một đêm tối Trần Đông cùng Ma Diệp toàn lực vượt sang tấn công doanh trại của Từ Hải, đâm Từ Hải bị thương ở đùi.

Đúng như kịch bản đã vạch ra, chờ cho hai bên đánh nhau, Hồ Tôn Hiến làm ngư ông đắc lợi, ngầm sai Tổng binh Du Đại Du phục binh sẵn đột kích đánh giết, đốt thuyền. Sau đó cho quân triều đình vây kín xung quanh bên ngoài trận chiến của Từ Hải và Trần Đông, Ma Diệp. Đến lúc này Từ Hải mới biết mình bị lừa, thân thể đầy thương tích, nhìn đội quân cướp biển hơn vạn người giờ tan tác hết đều bắt đầu từ mình mà ra, phẫn uất Từ Hải nhảy xuống sông tự vẫn.

Hầu hết các sách sử đời Minh đều chép sơ lược về cái chết của Từ Hải và cũng không ghi cụ thể Từ Hải chết do bị giết hay tự tử, còn trong chính sử chỉ chép 7 chữ "Hải quẫn thậm, toại trầm hà tử" (Hải đường cùng, bèn nhảy xuống sông chết). Đến đầu đời Thanh, tác phẩm "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân đã "tiểu thuyết hóa" cái chết của Từ Hải với sự hiện diện của Thúy Kiều.

Như vậy, Từ Hải ngoài đời ban đầu chỉ là người đi buôn trên biển, nhưng nhờ giỏi võ nghệ mà được chiêu nạp làm thủ lĩnh của cướp biển, có quân trong tay giống như hổ mọc thêm cánh, võ nghệ được phát huy. Tuy nhiên Từ Hải vẫn chỉ là một võ phu, không nhận biết được quỷ kế của Hồ Tôn Hiến, đến phút cuối cùng nhận ra đã quá muộn.

Lỗ Trí Thâm

Lỗ Trí Thâm tên thật là Lỗ Đạt, vốn làm chức Đề hạt ở Đông Kinh, được mô tả là người lực lưỡng, mặt tròn tai lớn, mũi thẳng mồm vuông, 2 bên mép có một hàng râu xoăn xoăn, mình cao 8 thước, xăm hoa, vai rộng đầy ôm, cách ăn mặc ra dáng một tay quan võ. Một hôm nghe được câu chuyện cha con Kim Thúy Liên bị Trấn Quan Tây Trịnh Đồ ép hại, Lỗ Trí Thâm nổi cơn thịnh nộ, liền đưa cho hai cha con Thúy Liên ít tiền đi đường và hứa mình sẽ xử lý giúp chuyện này.

Lỗ Trí Thâm tìm đến cửa hàng với mục đích “dạy Trịnh Đồ một bài học”. Nhưng trong quá trình xung đột, lỡ mạnh tay giết chết Trấn Quan Tây Trịnh Đồ nên Lỗ Trí Thâm bị truy nã, phải cắt tóc đi tu trên núi Ngũ Đài sơn, làm môn đệ của trưởng lão Trí Chân, biệt hiệu là Hoa Hòa thượng.

Lỗ Trí Thâm – Wikipedia tiếng Việt
Ảnh: Wikipedia

Ông có sức khỏe cường tráng, nhổ bật gốc dương liễu ở trước chùa Trấn Quốc. Lâm Xung thấy thế rất mến, 2 người kết làm bạn. Lỗ Trí Thâm làm nhiều ơn nghĩa đối với Lâm Xung. Sau này ông cùng Thanh Diện Thú-Dương Chí, Thao Đao Quỷ-Tào Chính cướp chùa Bảo Châu trên núi Nhị Long Sơn, chiêu nạp hảo hán. Về sau tất cả cùng lên Lương Sơn Bạc. Sau khi bắt sống Phương Lạp, ông và Võ Tòng muốn ở luôn tại chùa Lục Hòa để tu.

Một tối 2 người đang ngủ say thì Lỗ Trí Thâm nghe thấy tiếng sóng triều tín trên sông Tiền Đường, tưởng là quân địch liền chạy ra, gặp các sư, được giải thích cho về sóng triều tín, ông mới nhớ lại 4 câu thơ mà sư phụ ông-trưởng lão Trí Chân đã nói cho ông :

Phùng Hạ nhi cầm
Ngộ Lạp nhi chấp
Thính triều nhi viên
Kiến tín nhi tịch

Dịch nghĩa:

Gặp Hạ thì bắt
Gặp Lạp thì trói
Nghe tiếng triều tín
đến lúc viên tịch

Ngẫm lại thì ông đã bắt sống tướng Hạ Hầu Thành của Phương Lạp. Sau đó, ông đã bắt trói Phương Lạp. Quả nhiên ứng nghiệm với bài thơ, bây giờ lại nghe được tiếng sóng triều tín liền cười nói: “Nếu như chết được gọi là viên tịch, sái gia đêm nay ắt phải viên tịch rồi”. Thế là Lỗ Trí Thâm bèn tắm gội thay đồ, đốt một lò hương, rồi viết ra lĩnh ngộ của mình:

Bình sinh chẳng tu thiện quả
Chỉ thích giết người phóng hỏa.
Chợt tỉnh tháo tung dây thừng vàng
Tới đây giật phăng chiếc khóa ngọc.
Tiền đường nghe sóng triều vang dội
Mới tỉnh ra rằng ta là ta.

Sau đó ông xếp bằng đả tọa, rồi viên tịch niết bàn ngay tối hôm đó. Lỗ Trí Thâm một đời xông pha giang hồ, nay mọi duyên nợ cũng đã kết xong, bỗng chốc giác ngộ, tìm thấy con người thật sự của mình, là một sinh mệnh tốt đẹp thuộc về trời, cuối cùng trở về nơi chân chính thuộc về mình.

Lỗ Trí Thâm là trang nam tử hảo hán đội trời đạp đất, đằng sau vẻ bề ngoài lỗ mãng ngang ngạnh lại là một trái tim tràn đầy từ bi thuần thiện. Không kể vinh nhục được mất, không từ bỏ một cơ hội cứu giúp người, đâu đâu cũng đều vì sự tốt đẹp cho người khác, trước sau không nghĩ gì về bản thân mình. Những chuyện chịu thiệt về mình ông đều đã chấp nhận, còn những chuyện chiếm lợi riêng cho mình ông lại chẳng tha thiết chút nào.

Một đời Lỗ Trí Thâm là chặng đường tu tâm và kiên định với bản chất thiện lương chân thật của mình. Từ một Hoa hòa thượng rượu thịt không giữ thanh quy giới luật đến một anh hùng hào hiệp nghĩa khí, cuối cùng quay trở lại làm hòa thượng thanh tu và trở thành một người giác ngộ. Nhận ra bản chất thật sự trong con người mình là chân thành thiện lương, đó cũng là đặc tính của sinh mệnh trong vũ trụ. Chỉ có ai nhận ra bản tính tiên thiên của mình và tu tâm để hành xử theo đặc tính ấy mới có thể phi thăng về trời, trở về thiên quốc.

Xuất phát giống nhau, kết cục khác nhau

Cùng là hòa thượng ở chùa rồi hoàn tục, khi ra khỏi chùa cả hai người Từ Hải và Lỗ Trí Thâm đều có một thân võ nghệ cao cường.

Cùng có dính mắc với nữ nhân, Lỗ Trí Thâm vì cứu cha con Kim Thúy Liên mà lỡ tay phạm tội giết người phải lên chùa đi tu; còn Từ Hải từ chùa ra thấy Thúy Kiều xinh đẹp tài hoa mà lấy về làm vợ.

Đều là nam tử hán, cả hai cùng bước vào giang hồ. Từ Hải chọn làm cướp biển vì mục tiêu lấy được nhiều của cải, trở nên giàu có. Lỗ Trí Thâm không coi trọng được mất, vinh nhục, chỉ trọng nghĩa khí khinh danh lợi, làm anh hùng hào hiệp.

Cùng quy hàng triều đình, để tỏ thành ý Từ Hải quay lại phản bội hai thủ lĩnh từng là huynh đệ của mình là Trần Đông và Ma Diệp. Còn Lỗ Trí Thâm vì nghĩa huynh đệ mà tham gia trận chiến với Phương Lạp.

Kết cục, Từ Hải phải tự vẫn, xong thủ cấp vẫn bị cắt về treo ở kinh thành. Còn Lỗ Trí Thâm sau trận chiến kết thúc, ở lại chùa Lục Hòa thanh tu, nhận ra bản chất thật trong con người mình, từ đó ngộ đạo mở đầu cho một cuộc sống mới tốt đẹp ở tương lai.

Hoàn cảnh giống nhau nhưng hai người lại có kết cục hoàn toàn khác nhau, đó là sự lựa chọn của một sinh mệnh trong cuộc đời này tạo thành số mệnh của họ cho đời tiếp theo. Từ Hải chọn đi theo con đường vinh hoa phú quý, hưởng thụ cuộc sống nơi nhân gian; từ việc đi buôn, làm cướp biển, lấy Thúy Kiều cho đến quy hàng triều đinh đều vì mục tiêu đó. Lỗ Trí Thâm chọn sống thật với con người mình, quý người thiện lương, ghét phường gian ác; bắt đầu từ việc bảo vệ cha con Thúy Liên, đi tu không giữ giới luật, kết bạn với Lâm Xung, tham gia Lương Sơn Bạc, cho đến lúc quay trở lại chùa thanh tu, lúc này mới là thật sự muốn tu, mới bất ngờ “tỉnh ra rằng ta là ta”.

Trong dòng chảy của xã hội, dù phức tạp nhường nào đến cuối cùng cũng chỉ rẽ ra hai hướng: Một là vướng vào vòng danh lợi tình, chúng như những sợi xích quấn chặt và lôi con người xuống “bể khổ”. Hai là sống với con người thật của mình, “nhân chi sơ tính bản thiện” dù trải qua một chặng đường mưa gió, nhưng vẫn giữ nguyên ý định cho đến lúc cuối thì có thể thật sự nhận ra bản tính tiên thiên của mình, cuối cùng ngộ đạo viên mãn.

Vân Hải

Tham khảo nguồn: vi.wikipedia.org



BÀI CHỌN LỌC

Cùng xuất thân từ hòa thượng, Từ Hải và Lỗ Trí Thâm có kết cục hoàn toàn khác nhau