Cuộc đời ly kỳ của 2 đệ tử đệ nhất thần thông của Phật Thích Ca Mâu Ni

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mọi người biết trong các môn hạ của Phật Thích Ca Mâu Ni, có hai đệ tử đứng đầu về thần thông: Một người là Mục Kiền Liên - đứng đầu thần thông trong các tỳ kheo, và người kia là Liên Hoa Sắc - đứng đầu thần thông trong số các tỳ kheo ni. Hai người này đều có thể dễ dàng lên trời xuống đất,nhưng cũng không phải mọi thứ đều được như ý, hơn nữa cuối cùng họ đều bị đánh chết. Họ có những câu chuyện như thế nào? Hy vọng cuối cùng thoát khỏi biển khổ là gì? 

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp tại Ấn Độ, Ngài có 10 đại đệ tử, trong đó Mục Kiền Liên nổi danh là thần thông đệ nhất. Phật Thích Ca Mâu Ni thực sự có tồn tại, và những câu chuyện về thần thông của Mục Kiền Liên đều đã được ghi chép trong Kinh Phật. Vậy Mục Kiền Liên sở hữu những thần thông nào?

Câu chuyện về Mục Kiền Liên

Trong Kinh Phật nói rằng, tôn giả Mục Kiền Liên có 6 thần thông lớn: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông, lậu tận thông và như ý Thần túc thông. Ông không chỉ biết được tư tưởng của người khác, mà còn có thể di chuyển tức thời, lên trời xuống đất, không gì không thể. Nếu nói thần thông của Mục Kiền Liên lớn tới mức nào, thì có lẽ chỉ đứng sau Đức Phật. Trong các đệ tử của Phật, Mục Kiền Liên được xem là thần thông đệ nhất. Tương truyền, ông từng một chân đặt ở nhân gian, một chân kia đặt ở Phạn Thiên, làm rung chuyển núi Tu Di, khiến các tỳ kheo không khỏi thán phục. Tuy nhiên, một đệ tử của Phật với thần thông quảng đại như thế tại sao lại bị sát hại, bị ném đá đến chết.

Xuống địa ngục cứu mẹ

Từ nhỏ, Mục Kiền Liên vốn có tâm địa lương thiện, căn cơ rất tốt, nhất tâm khao khát tu hành. Có điều, khi đó Bà La Môn giáo đang thịnh hành ở Ấn Độ. Ban đầu, ông cùng cha tu hành trong Bà La Môn giáo. Nhưng khi tuổi ngày càng lớn, thời gian tu hành cũng ngày càng dài, Mục Kiền Liên phát hiện có rất nhiều khúc mắc trong phương diện tu hành, mà Bà La Môn giáo lại không có cách nào gỡ giải những ẩn đố cho ông. Trong tâm ông luôn mong tìm kiếm phương pháp tu hành có thể siêu thoát khỏi cái khổ của luân hồi.

Một hôm, người bạn Xá Lợi Phất đưa Mục Kiền Liên đi nghe Đức Phật giảng Pháp. Đối với Mục Kiền Liên, việc nghe Đức Phật giảng Pháp như là được quán đỉnh, ông đã bị Phật Pháp thâm sâu thuyết phục. Từ đó, ông quyết tâm từ bỏ Bà La Môn để quy y Phật Đà.

Mặc dù Mục Kiền Liên nhất tâm mong muốn tu hành, nhưng mẹ của ông lại một mực không tin vào nhân quả báo ứng, bà còn thề nguyện rằng, nếu thế gian thực sự có luân hồi báo ứng thì hãy để cho bà thổ huyết mà qua đời nội trong ba ngày. Thực sự là điều đó đã ứng nghiệm. Ngày thứ ba mẹ Mục Kiền Liên thổ huyết và qua đời. Xem ra con người không thể tuỳ tiện thề nguyền.

Mục Kiền Liên không biết vong linh của mẹ mình giờ đang ở đâu, ông bèn dùng như ý thần túc thông tìm tung tích của mẹ ở nơi nào trong khắp các tầng giới lục đạo của tam giới. Khi tới cõi Ngạ Quỷ, phóng tầm mắt, ông thấy trên không mặt trời chói gay gắt, ngàn dặm đất trắng không có một cọng cỏ. Người thác sinh vào cõi Ngạ Quỷ, ai cũng mang hình dạng cổ nhỏ, bụng to, tay chân khô như cành củi khô, họ dựa vào nhau và kêu rên vì đói.

Trong đó có một người phụ nữ đầu bù tóc rối, da chảy xệ xuống, đôi mắt đỏ ngầu, khoé miệng khô nứt rỉ máu. Người phụ nữ đang nhìn ngó khắp nơi tìm thức ăn. Vô tình ánh mắt của Mục Kiền Liên và người phụ nữ gặp nhau. Vừa nhìn là ông đã nhận ra đây chính là mẹ mình, còn mẹ ông không nói lời nào mà nhào ngay xuống dưới chân ông, cố hết sức hét tới khản cổ: “Cho ta gì đó để ăn đi”.

Mục Kiền Liên
Mặc dù Mục Kiền Liên là "Thần thông đệ nhất" trong các đệ tử của Phật Đà cũng không cứu được mẹ mình. (Ảnh: Wikipedia)

Thấy tình cảnh của mẹ như vậy, Mục Kiền Liên lập tức dùng thân thông lấy đồ ăn đưa cho mẹ. Người mẹ trông như quỷ đói, nhìn thấy thức ăn, hai mắt rực sáng lên, hai tay vồ lấy và tuyệt vọng nhét thức ăn vào miệng. Nhưng cổ họng quá bé nên bà không nuốt nổi. Thật không dễ dàng gì, nhìn thấy bữa ăn no trước mắt, vậy mà không ngờ món ăn đến miệng liền biến thành than. Nó làm cho người mẹ la hét và lăn lộn, quằn quại trong đau đớn.

Mục Kiền Liên thực không nhẫn tâm, đã khẩn cầu Đức Phật cách để giải cứu mẹ mình. Đức Phật nói với Mục Kiền Liên rằng: “Vì tham tiền tài của người khác, trong tâm thường chứa đầy đố kỵ và căm hận, hơn nữa lại còn hay dùng lời cay độc phỉ báng người khác, không tin vào luân hồi báo ứng, nên giờ đây bà ấy phải hứng chịu kết cục nghiệp lực do bản thân bà ấy đã gây ra. Chỉ dựa vào lực lượng của mình con thì không cách nào giải cứu được sinh mệnh cõi Ngạ Quỷ, cần phải triệu tập các cao tăng đại đức siêu độ cho những ngạ quỷ này thì mới có cơ hội được chuyển sinh”.

Vậy là vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, Mục Kiền Liên cùng với các tăng nhân làm siêu độ cho ngạ quỷ trong địa ngục.

Tối hôm đó, Mục Kiền Liên nhìn thấy mẹ mình đến trước cửa nói với ông: “Tấm lòng hiếu thảo của con cùng với thiện tâm của các tăng nhân, cộng thêm sự gia trì từ bi của Đức Phật, cuối cùng ta đã siêu thoát cõi Ngạ Quỷ, có thể chuyển sinh rồi”.

Từ đó trở đi, ngày 15 tháng 7 trở thành ngày lễ Vu Lan, siêu độ cho người đã khuất. Còn danh tiếng đệ nhất thần thông của Mục Kiền Liên cũng từ đó nổi tiếng khắp thiên hạ.

Tuy nhiên, với hai câu chuyện dưới đây thì thần thông của Mục Kiền Liên lại không có tác dụng.

Thần thông không thắng được nghiệp lực

Phật Thích Ca Mâu Ni là tiếng Ấn Độ cổ, có ý nghĩa là Thánh giả của tộc Thích Ca. Từ “Phật” cũng là tiếng Phạn, dịch ra có nghĩa là người giác ngộ thông qua tu luyện.

Một hôm, thiên nhãn thông của Mục Kiền Kiên đột nhiên nhìn thấy gia tộc Thích Ca sắp bị quân đội của vua Lưu Ly tận diệt. Ông vội vã báo với Đức Phật việc này. Nhưng Đức Phật nói rằng Ngài không có năng lực giải cứu tộc người của mình. Mục Kiền Liên bèn bí mật dùng thần thông đưa vài chục người tộc Thích Ca vào trong bát khất thực của mình, rồi đưa tới một không gian khác để bảo vệ. Đợi sau khi tộc Thích Ca bị tàn sát, Mục Kiền Liên tới gặp Đức Phật và nói rằng ông đã bí mật bảo vệ người của tộc Thích Ca. Đức Phật thở dài nói: “Vậy con hãy mở bát ra xem”.

Mục Kiền Liên mở cái bát ra, thấy vài chục người tộc Thích Ca đã hoá thành máu từ lâu.

Đức Phật kể cho Mục Kiền Liên về nhân quả bên trong chuyện này. Ở một kiếp nào đó, một thôn làng bị nạn đói, người dân không có gì để ăn, chỉ có cách chạy ra ao đầu làng bắt cá lên. Trong ao có một con cá đặc biệt to, khi vớt lên con cá sống giãy giụa, người dân bèn lấy cây gậy gỗ liên tục đánh vào đầu con cá cho đến khi nó chết. Khi đó, một cậu bé trai đi qua, thấy chơi vui, cũng bắt chước theo người lớn, lấy cây gậy nhỏ đánh nhẹ vào đầu con cá to ba cái. Kiếp này, những người dân làng đó chuyển sinh thành người tộc Thích Ca, con cá to kia chính là vua Lưu Ly. Những con cá trong ao xưa chính là quân đội mà vua Lưu Ly thống lĩnh ngày nay. Do đó, việc tộc Thích Ca bị vua Lưu Ly tiêu diệt cũng chính là nhân quả báo ứng. Cậu bé năm xưa chính là Thích Ca Mâu Ni. Vì Ngài không ăn thịt con cá nên không phải hoàn mệnh, nhưng vì đánh lên đầu con cá nên khi vua Lưu Ly tàn sát tộc Thích Ca, Đức Phật bị đau đầu ba ngày.

Đến lúc này, Mục Kiền Liên mới hiểu rằng cho dù là Đức Phật, nếu nợ nghiệp thì cũng phải hoàn trả.

Vạn sự không thoát khỏi nhân quả

Mục Kiền Liên thường dùng thần thông tuyên dương Phật Pháp, khiến ngày càng nhiều người tham gia vào tăng đoàn của Thích Ca Mâu Ni. Bà La Môn giáo từng là xu hướng chủ đạo của xã hội, hiện giờ đã trống rỗng, người tin theo ngày càng ít. Điều này khiến cho thủ lĩnh của Bà Là Môn giáo vô cùng ghen tức và nổi tâm muống diệt trừ Mục Kiền Liên, cho rằng chỉ như thế mới không có người tin và Phật Pháp thần thông.

Một hôm, Mục Kiền Liên đả toạ, khi nhập định, ông lại một lần nữa tới cõi Ngạ Quỷ. Trước mắt ông bỗng xuất hiện một người, đó chính là sư phụ trước kia của ông trong Bà La Môn giáo - Âu Tụng Tác Hiết. Không ngờ sau khi Âu Tụng Tác Hiết qua đời lại phải ở trong địa ngục chịu đựng những hình phạt thống khổ vô biên. Âu Tụng Tác Hiết thỉnh cầu Mục Kiền Liên quay trở về nhân gian, nói với các môn đồ của ông không cần cúng dường cho ông. Bởi vì mỗi ngày các đệ tử hành lễ cúng dường đều trở thành sự trừng phạt đối với ông, chúng biến thành sắt nóng chảy trong địa ngục đánh lên thân ông, vô cùng đau đớn. Bà La Môn giáo do bản thân truyền đã tới mạt pháp. Nếu như thực sự muốn siêu thoát khỏi luân hồi sinh tử, thì cần quy y Phật Thích Ca Mâu Ni.

Nhận được sự uỷ thác này, Mục Kiền Liên đã đích thân tới cuộc họp của Bà La Môn giáo, nói tường tận cho các tín đồ Bà La Môn giáo về những thống khổ mà Âu Tụng Tác Hiệt đang chịu đựng trong địa ngục. Các tín đồ Bà La rất phẫn nộ, cho rằng Mục Kiền Liên cố tình nhục mạ thượng sư của họ. Nhóm người này vốn đã muốn diệt trừ Mục Kiền Liên, lần này ông lại tự tìm tới, còn nói những lời bất kính. Những tín đồ Bà La liên tục nhặt đá ném tới tấp như mưa vào Mục Kiền Liên. Cuối cùng, ông bị chết thảm dưới trận mưa đá.

Vậy là nào là cây, nào là gậy, nào là đá,v.v.. tới tấp như mưa giáng lên thân của Mục Kiền Liên
Vậy là nào là cây, nào là gậy, nào là đá,v.v.. tới tấp như mưa giáng lên thân của Mục Kiền Liên. (Ảnh: Wikipedia)

Khi tin tức Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất bị ném đá đến chết truyền tới tăng đoàn, các tăng nhân xôn xao bàn tán, không thể hiểu được nguyên nhân. Vì vậy, Đức Phật đã giảng cho các đệ tử nghe về nhân quả của Mục Kiền Liên. Trong kiếp trước, Mục Kiền Liên từng đánh bắt tôm cá ở biển để mưu sinh, đã sát sinh vô số, món nợ này phải hoàn trả. Hơn nữa, có một kiếp, vợ của ông, vì ghét bỏ bố mẹ chồng mù loà, đã xúi bẩy gây mâu thuẫn giữa Mục Kiền Liên và cha mẹ. Cuối cùng đến một ngày, ông bị dã tâm khống chế, đã lên kế hoạch giết hại chính cha mẹ mình. Ông tự biên tự diễn, miệng hô lớn có kẻ trộm, một mặt lại chính mình làm kẻ trộm, đánh chết cha mẹ. Cha mẹ già mù loà đáng thương trước khi chết vẫn không quên bảo con trai và con dâu chạy đi. Họ không ngờ rằng kẻ hại họ lại chính là đứa con đẻ của mình. Những tội nghiệp này tích lại đều được hoàn trả sạch trong lần ông bị ném đá tới chết này.

Quả là “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri” (Con người chỉ cần khởi lên một niệm, thiên địa đều biết hết), thiện ác hữu báo, nhân quả không thiên vị.

Phật Thích ca Mâu Ni truyền Pháp đã từ 2.500 năm trước, ngày nay cũng đã tới thời kỳ mạt kiếp, mạt Pháp mà Ngài nói. Thời mạt Pháp này, chính Pháp thực sự có thể cho con người tu luyện đắc đạo biết tìm được ở đâu? Điều này còn phải dựa vào trí huệ của bản thân mỗi người.

Câu chuyện về Liên Hoa Sắc

Trong các đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, Mục Kiền Liên được mệnh danh là thần thông đệ nhất. Còn trong các nữ đệ tử của Ngài, có một người tên là Liên Hoa Sắc, cũng được tôn là ‘thần thông đệ nhất’. Câu chuyện của bà có thể nói là phức tạp ly kỳ.

Cuộc đời Liên Hoa Sắc

Theo ghi chép trong “Nhất thiết hữu bộ nại na”, khi Liên Hoa Sắc vừa ra đời, đều khiến người trong gia tộc kinh ngạc bởi vì cô quá đẹp, giống như đoá hoa sen xanh, mắt màu lục lam khác lạ và bất thường như chiếc lá sen, khiến người ta nhìn say mê, làn da mịn màng như cánh hoa sen mới nở, còn xuất hiện một ánh vàng rực rỡ, cơ thể có hương thơm tự nhiên, như mùi hương tinh khiết của hoa sen, khiến người ta dễ chịu. Vì vậy, cô được đặt tên là Liên Hoa Sắc. Cha cô là một quý ông nổi tiếng đến từ thành phố Chashira ở Ấn Độ, đáng tiếc là ông qua đời sớm.

Khi Liên Hoa Sắc tới tuổi gả chồng, cô xinh đẹp tuyệt trần. Người đàn ông nào nhìn thấy cô cũng đều bị khuynh đảo. Cô kết hôn với một thanh niên môn đăng hộ đối. Tuy nhiên, khi vừa mới mang thai và sinh một bé gái, cô bất ngờ phát hiện chồng ngoại tình, hơn nữa đối tượng lại chính là người mẹ đẻ goá phụ của cô. Liên Hoa Sắc cảm thấy như sét giáng xuống ngang tai. Xấu hổ và tức giận, cô quyết định rời bỏ nhà ra đi. Trên đường lưu lạc, cô gặp một thương nhân. Dung mạo khuynh nước khuynh thành của Liên Hoa Sắc và tính cách ôn nhu hiền thục của cô khiến thương nhân quyết định kết hôn với cô. Ông hết sức yêu thương cô, hôn nhân của họ trải qua êm đềm hơn 10 năm.

Sự việc bê bối này khiến Liên Hoa Sắc đau khổ tột cùng, không thể chịu đựng nổi (Hình NTDVN tổng hợp)

Cuối cùng, khi người chồng đi làm ăn ở bên ngoài, không chịu nổi sự cô đơn, đã gặp gỡ một cô gái trẻ trông rất giống Liên Hoa Sắc, và cưới cô làm vợ lẽ. Liên Hoa Sắc đối đãi với vợ lẽ của chồng như với con gái của mình. Sau này, cô phát hiện ra cô gái trẻ đó thực sự là con gái ruột của mình. Liên Hoa Sắc choáng váng, đau buồn thở dài vì sao số phận lại đùa cợt với cô như thế. Một lần nữa, cô lại rời bỏ gia đình, lạnh lẽo cô đơn đến một thành phố khác. Vì để mưu sinh, kiếm sống, cô dựa vào việc bán sắc, sống cuộc sống của một kỹ nữ cao cấp. Chẳng bao lâu, cô nổi tiếng khắp gần xa.

Sau đó, cô hạ sinh một bé trai. Vì không thuận tiện nuôi con, cô để cậu bé ở cửa đông trong thành. Viên quan trong coi cổng thành phía đông thấy cậu bé liền đem về nuôi. Một thời gian sau, cô lại sinh một bé gái, rồi mang cô bé đặt ở cổng thành phía tây. Bé gái được viên quan trông coi thành phía tây bế về nuôi dưỡng. Hai viên quan này là bạn của nhau, họ đã cho hai đứa trẻ đính hôn từ bé.

Hơn mười năm trôi qua, Liên Hoa Sắc vẫn rất xinh đẹp. Cô kết hôn với một chàng thanh niên trẻ tuổi. Cô vốn cho rằng đã tìm được bến đỗ cuối cùng. Tuy nhiên, không ngờ, cuộc hôn nhân thứ ba này lại càng tàn nhẫn hơn nữa khi phát hiện ra người chồng này lại chính là cậu con trai ruột của cô. Sau này, chàng trai đó lấy cô gái đã đính ước từ nhỏ làm vợ hai. Vậy là, Liên Hoa Sắc chung chồng với hai người con gái ruột. Khi vô tình biết được tất cả những mối quan hệ hỗn loạn này, cô sững sờ, trước mắt tối sầm lại, ngã xuống đất ngất xỉu. Cô thực sự muốn biết kiếp trước bản thân đã tạo ra ác nghiệp gì mà bi kịch loạn luân liên tục xảy ra với cô.

Cuộc gặp gỡ với Mục Kiền Liên

Liên Hoa Sắc cảm nhận sâu sắc tội nghiệt nặng nề, không nói nên lời, cô lại bỏ nhà ra đi, một mình tới thành Vương Xá. Vì để sinh sống, cô quay lại công việc cũ. Dung nhan cô vẫn xinh đẹp như xưa, thậm chí còn được yêu thích hơn nữa. Một người đàn ông muốn đi cùng cô, sẽ phải trả tới 500 lượng vàng một lần. Ngoại trừ các chức sắc và doanh nhân giàu có, rất ít người có thể mời được cô.

Một hôm, trong thành có 500 người đàn ông cùng nhau gom đủ 500 lượng vàng để có thể mời được Liên Hoa Sắc. Bọn họ tập hợp tại một hoa viên lớn, chơi đùa vui vẻ. Lúc đó tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông nên biết được thiện căn của Liên Hoa Sắc sắp chín muồi, có thể tiếp nhận giáo hoá. Ông tới và đi dạo dưới tán cây trong vườn. Trong 500 người đàn ông, có một cậu thiếu niên thấy Mục Kiền Liên đi tới đi lui bên cạnh, cảm thấy thú vị, nên bèn nghịch ngợm nghĩ cách trêu chọc tôn giả. Cậu ta hỏi Liên Hoa Sắc: “Cô có thấy vị tôn giả kia không, nghe nói ông ấy có đại thần thông, giới hành thanh tịnh, tham dục không thể làm ô nhiễm thân tâm ông ấy. Không biết cô có bản sự khiến ông ấy yêu cô không?”

Liên Hoa Sắc nói: “Việc này có khó gì!”.

Từ trước, cô chưa từng gặp người đàn ông nào mà không quỳ xuống chân cô. Đám đông không tin, nói: “Thánh giả kiên cố, cô không cách nào làm dao động”.

Liên Hoa Sắc khoan thai đi tới, trông rất quyến rũ. Cô tự tin bước tới trước mặt tôn giả, rồi mỉm cười nói với Mục Kiền Liên: “Tôn giả, ngài vội đi đâu đó?”.

Mục Kiền Liên dừng chân, nhìn một cái đã thấu ý đồ trong tâm cô. Ông uy nghiêm nói: “Cô gái đáng thương, ta đã biết mục đích của cô. Cô mê vào mỹ sắc hư huyễn, thân thể đã rất bẩn. Mỹ sắc chỉ cho cô cơ hội tạo tội, giống con voi già lún trong bùn, càng ngày càng lún sâu”.

Liên Hoa Sắc nói: “Tôn giả, tôi được nghe nói rằng, Ngài là đệ tử đệ nhất thần thông của Đức Phật. Nhưng tôi không tin rằng Ngài không bị mỹ sắc đánh bại. Tôi biết mình là một người tội nghiệp nặng nề, cũng muốn hướng thiện. Bất lực và quá nản lòng với mọi thứ trên đời, tôi là một người không thể cứu độ được. Tôi có một quá khứ tồi tệ, tương lai nhất định sẽ bị nhân quả đáng sợ quấn quanh”. Nói rồi, nước mắt cô lăn dài.

Mục Kiền Liên an ủi Liên Hoa Sắc và nói: “Cô không nên buồn, càng không nên nản lòng, thất vọng. Dù quá khứ tội nghiệp trầm trọng thế nào, miễn là sẵn sàng ăn năn, không có gì là không thể thay đổi”.

Lời nói của Mục Kiền Liên khiến trong tâm Liên Hoa Sắc sáng lên hi vọng và cô kể tất cả những chuyện trong quá khứ của mình cho Mục Kiền Liên.

Mục Kiền Liên không hề có suy nghĩ coi thường cô, mà ngược lại khi đó ông đã nhìn thấy cái tâm rất chân thành và tốt đẹp của cô, bèn an ủi cô: “Liên Hoa Sắc, thân thế của cô quả thực là một đoạn nhân duyên đáng sợ, nhưng đừng đau lòng như thế. Thực ra, đời người chính là nghiệp lực luân báo. Nhưng có thể hành động theo những lời dạy của Đức Phật, thì nghiệp lực luân báo sẽ có lúc kết thúc. Giờ cô hãy cùng ta đi gặp Đức Phật”.

Liên Hoa Sắc rất vui mừng, quay trở lại chỗ đám đông, trả lại toàn bộ số tiền đã thu, và còn xin lỗi bọn họ. Sau khi mọi người biết chuyện, không ai trách cứ cô, mà họ còn cảm thấy hạnh phúc, cùng đi tới khấu bái tôn giả.

Thần thông đệ nhất

Mục Kiền Liên đưa Liên Hoa Sắc tới trước Đức Phật. Đức Phật hài lòng và viết một bức thư thông báo cho các tì kheo ni dẫn dắt cô xuất gia. Với dung mạo xinh đẹp và danh tiếng của Liên Hoa Sắc, một mình đi đường sẽ có nguy hiểm, nên Ngài dặn cử một nhóm người đi hộ tống. Đây là vinh dự lớn đối với Liên Hoa Sắc sau khi cô tín Phật.

Thế là Tôn giả Mục Kiền Liên dẫn Liên Hoa Sắc đến gặp Thế tôn Thích Ca khi đó đang ở Tịnh xá Trúc Lâm ở thành Vương Xá.
Thế là Tôn giả Mục Kiền Liên dẫn Liên Hoa Sắc đến gặp Thế tôn Thích Ca khi đó đang ở Tịnh xá Trúc Lâm ở thành Vương Xá. (Wikipedia)

Sau khi xuất gia, cô rất tinh tấn, học tập Phật Pháp và thực hành bằng thái độ thành kính nhất, khẩn thiết nhất, trở thành một nhà tu hành nghiêm cẩn giữ gìn giới luật. Không lâu sau, cô chứng đắc quả A La Hán và sở hữu rất nhiều thần thông. Đức Phật khen ngợi cô trước mọi người là đệ nhất thần thông trong các tỳ kheo ni. Nếu trong tăng đoàn xảy ra việc hiếp đáp, Liên Hoa Sắc thường sẽ dùng sức mạnh thần thông để giải quyết. Ví dụ, có một tỳ kheo ni là Diệu Hiền, không có thần thông, bị đại thần của vua giam cầm để dành riêng cho vua. Ngày hôm sau, Liên Hoa Sắc dùng thần thông bay vào cung vua, giúp Diệu Hiền thể hiện thần thông, cùng nhau bay trở về.

Các tăng nhân cảm thấy rất tò mò về những gì Liên Hoa Sắc đã trải qua, nên họ hỏi Đức Phật vì sao Liên Hoa Sắc lại có số phận ly kỳ đến vậy, hơn nữa sau khi xuất gia lại chứng đắc quả A La Hán, thần thông đệ nhất.

Chuyện tiền kiếp của Liên Hoa Sắc

Vậy là Đức Phật giảng cho các tăng nhân chuyện tiền kiếp của Liên Hoa Sắc. Xa xưa, có một thương nhân mang hàng hoá tới nơi xa buôn bán, vài năm vẫn chưa quay về. Người vợ trẻ của ông chỉ biết ngày ngày đơn độc phòng không. Gần nhà lại có một kỹ viện, cô gái trẻ cả ngày nhìn thấy trai gái chưng diện ra ra vào vào, cô lại càng cảm thấy cô đơn không chịu nổi. Hôm đó, cô gái trẻ hỏi người phụ nữ già hàng xóm rằng, có cách nào có thể cầu được ước thấy, tâm ý được thoả mãn. Lúc này, có một vị Thánh giả tiến tới xin ăn. Người phụ nữ già liền khuyên cô gái mang đồ ăn tới và cúng dường bằng hoa sen xanh. Người phụ nữ trẻ làm theo. Vị thánh giả này coi trọng thân giáo nên sau khi nhận đồ cúng dường, ông không thuyết pháp mà thể hiện hàng loạt các biến hoá thần thông để cô gái trẻ khởi tâm kính ngưỡng sâu sắc đối với Phật Pháp.

Vị Thánh giả hỏi cô gái trẻ: “Cô có tâm nguyện gì?”.

Cô lập tức quỳ phục xuống đất và cầu xin, cô cho rằng vì dung mạo của mình không xinh đẹp nên bị chồng bỏ rơi, vì vậy nguyện vọng của cô là kiếp sau sẽ giống như bông hoa sen xanh, có đầy đủ hương sắc, yêu kiều rung động lòng người, muốn gì được nấy, không thiếu đàn ông; và cô cũng muốn giống như vị Thánh giả, có thần thông quảng đại, còn được gặp Đức Phật, đích thân đảm nhận việc cúng dường.

Ngoài ra ở một đời nào đó trong kiếp trước, cô còn thường làm bà mối, thậm chí còn khiến cho cha, mẹ, anh, em, chị, em các gia đình xảy ra việc loạn luân.

Tới đây, Đức Thích Ca Thế Tôn còn nói cho mọi người rõ rằng đây chính là những nguyện cầu, việc làm, hành vi của Liên Hoa Sắc trong đời trước, đều đã được đắc quả báo trong đời này.

Thi triển thần thông, hoá thành Chuyển Luân Thánh Vương

Liên Hoa Sắc khiêm tốn, nhân ái. Cô đã từng chia đồ ăn đi hoá duyên với các tăng nhân khác, còn bản thân thì ba ngày không ăn, gần như chết đói.

Nói về thần thông của Liên Hoa Sắc, Đức Phật không muốn cô sử dụng nó tùy tiện. Một lần, Đức Phật tới Thiên cung giảng Pháp, các đệ tử ở nhân gian ai ai cũng mong nhớ tới Ngài. Sau khi Đức Phật hạ xuống, ngay lập tức hàng ngàn đệ tử bao quanh Ngài. Liên Hoa Sắc thấy đám đông, không thể tiến đến gần trước mặt Đức Phật. Cô chợt nảy ra ý dùng thần thông, biến hình thành Chuyển Luân Thánh Vương, mang đầy đủ nghi trượng, đội mũ trắng trên đầu, vi diệu trang nghiêm, khiến mọi người sinh lòng kính ngưỡng vô cùng, mau chóng nhường đường cho cô, để cô thấy được Đức Phật.

Khi cô lễ bái Đức Phật, cô lại biến trở về hình ảnh chân thực của Liên Hoa Sắc. Tuy nhiên, dạy bảo của Đức Phật coi trọng vào thủ giới tu hành. Vào lúc không thực sự cần thiết, tuyệt không thể dễ dàng thi triển thần thông. Còn Liên Hoa Sắc, mặc dù cô nhìn thấy Đức Phật, nhưng đã bị Đức Phật quở trách tại chỗ vì sử dụng thần thông. Thực ra, dù công dụng của thần thông lớn nhưng không thể thắng nổi nghiệp lực.

Mục Kiền Liên dù là thần thông đệ nhất trong các tỳ kheo, nhưng cuối cùng bị những người ngoại đạo đánh chết. Liên Hoa Sắc là thần thông đệ nhất trong các tỳ kheo ni, cũng bị chết dưới tay của Đề Bà Đạt Đa. Lúc đó, có lẽ Liên Hoa Sắc đã rất già, còn Đề Bà Đạt Đa đã tự tâm sinh ma, công khai chống lại Đức Phật. Khi đó, Phật Thích Ca Mâu Ni đang ở Trúc Lâm Tịnh Xá trong thành Vương Xá.

Tầng của mỗi phòng đường trong Tịnh Xá đều xếp đầy tấm ngồi cho mọi người dùng. Để giữ cho tấm ngồi không bị bẩn, Đức Phật quy định ai không rửa chân thì không thể đi vào trong. Đề Bà Đạt Đa lại cố ý không rửa chân mà đi vào, làm bẩn những tấm ngồi. Đúng lúc đó Liên Hoa Sắc nhìn thấy, đã bước tới khuyên bảo ông ta rằng: “Thế Tôn đã chế định giới rõ ràng, không rửa chân thì không thể bước vào, vì sao Đại đức biết rõ mà vẫn cố ý phạm?”.

Đề Bà Đạt Đa vừa hổ thẹn, lại càng thêm tức giận, hét lên: “Ở đâu ra cái kẻ thối tha như ngươi mà có đủ tư cách để dạy bảo ta! Lẽ nào giới luật ngươi biết có thể thắng nổi ta?” Dứt lời, Đề Bà Đạt Đa vung một cú đấm trúng vào đầu Liên Hoa Sắc.

Trong các hoàng tử thuộc dòng họ Thích Ca, sức mạnh của Đức Phật là lớn nhất, sau đó tới A Nan, thứ ba là Đề Bà Đạt Đa. Đầu của Liên Hoa Sắc không thể chịu nổi cú đấm mạnh của Đề Bà Đạt Đa, nên đã chết ngay tại chỗ. Khi Đề Bà Đạt Đa chết, ông ta đã phạm phải ba trong năm tội nghiệp lớn, nên bị đọa xuống địa ngục A Tì.

Còn sự ra đi của Liên Hoa Sắc cũng giống như Mục Kiền Liên, đã hoàn trả nghiệp lực rất lớn. Hơn nữa, theo lời của Phật Thích Ca Mâu Ni, các đệ tử của Ngài còn có cơ duyên được nghe Chuyển Luân Thánh Vương giảng Pháp vào thời kỳ mạt Pháp.

Tiên tri của Phật Thích Ca: Phật hoa Ưu Đàm nở

Năm đó khi Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn dắt các đệ tử tu hành, đã có đệ tử hỏi Ngài rằng, liệu có thể giống như thế nhân tu hành trong thế tục. Đức Phật trả lời: “Vậy cần đợi tới ngày Chuyển Luân Vương hạ thế. Năng lực của vị Chuyển Luân Thánh Vương này vô cùng quảng đại, tới lúc đó các con đừng bỏ lỡ cơ duyên vạn cổ”.

Một bức ảnh phóng to của hoa Ưu Đàm. (The Epoch Times)
Một bức ảnh phóng to của hoa Ưu Đàm. (The Epoch Times)

Còn có một lần, sau khi các đệ tử nghe Phật Thích Ca Mâu Ni giảng pháp, Liên Hoa Sắc cung kính hỏi: “Thế Tôn, Ngài nói rằng tương lai có Chuyển Luân Thánh Vương hạ thế truyền Pháp, tới lúc đó mọi người làm thế nào để biết được?”.

Phật Thích Ca Mâu Ni khai thị: “Lúc đó có một loài hoa tên là Ưu Đàm Bà La sẽ khai nở ở khắp nơi, nhắc nhở mọi người Chuyển Luân Thánh Vương đã tới thế gian truyền Pháp, độ nhân”.

Đức Phật giải thích: “Loài hoa này không phải là hoa của nhân gian, giống như điềm lành của Chuyển Luân Thánh Vương, cành hoa mảnh như giọt mưa, hoa nở ra rất nhỏ. Dù nó trông như yếu đuối nhưng lại có thể nở ở nhưng nơi vốn như không thể nở. Loài hoa này ở nhân gian mỗi 3.000 năm mới nở một lần. Các con hãy tích luỹ thiện căn công đức, ta cũng sẽ bảo hộ các con cho tới ngày các con gặp được Thánh Vương. Nếu các con có thể được Chuyển Luân Thánh Vương độ hoá, ta cũng vui mừng thay”.

Vào lúc đó, các đệ tử phát hiện trên bầu trời xuất hiện áng cầu vồng màu sắc tuyệt đẹp, ở xa có có rất nhiều đám mây màu sắc, rồng vàng phượng ngọc giữa mây trời lúc ẩn lúc hiện bay mua dập dìu. Đây là điềm lành báo trước về ngày thần thánh này cuối cùng sẽ tới.

Theo Wenshidaguanyuan

Minh Thanh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đời ly kỳ của 2 đệ tử đệ nhất thần thông của Phật Thích Ca Mâu Ni