Đệ tử của Đức Phật xuất thân từ tầng lớp nô lệ, tại sao lại khiến các hoàng tử bái lạy?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ưu Ba Ly là một thợ cắt tóc trong Hoàng cung Ca Tỳ La Vệ, và được các thành viên hoàng gia yêu mến vì có tay nghề tuyệt vời. Anh xuất thân từ tầng lớp nô lệ, nhưng sau này anh lại khiến các hoàng tử bái lạy, còn trở thành một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật.

Vào một ngày cách đây khoảng 2.500 năm, dưới ánh mặt trời thiêu đốt, một thanh niên khoảng 20 tuổi đang chạy trên con đường đất ở thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) của Ấn Độ cổ. Anh cảm thấy áp lực đè nặng lên đầu, nó khiến anh không thể thở được.

Đẩy cánh cửa của một ngôi nhà thấp ra, anh hét lên: "Mẹ ơi, con phải làm sao đây!".

Chàng trai trẻ đang hoảng hốt ấy là Ưu Ba Ly (hay Ưu Bà Ly, tiếng Phạn là Upāli), sau này chính là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và cũng là đệ tử duy nhất xuất thân từ đẳng cấp thấp kém - Thủ Đà La (Śūdra). Ở Ấn Độ cổ, tầng lớp Thủ Đà La chính là nô lệ.

Thời đó, Ưu Ba Ly là một thợ cắt tóc trong Hoàng cung Ca Tỳ La Vệ, và được các thành viên hoàng gia yêu mến vì có tay nghề tuyệt vời.

Rơi vào trạng thái thiền định khi đang cạo tóc cho Đức Phật

Hồi đó, khi lần đầu tiên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở về quê hương Ca Tỳ La Vệ sau khi khai ngộ, mọi người đã giới thiệu Ưu Ba Ly cắt tóc cho Ngài.

Nhưng khi Ưu Ba Ly nghe được chuyện tốt như vậy, anh lại sợ đến ngây người. Do sinh ra trong gia đình Thủ Đà La, từ nhỏ anh đã tự ti, trong lòng nghĩ: “Đức Phật là bậc Đại Giác giả, tóc của Ngài nhất định không giống người thường, lỡ làm gì xúc phạm đến Đức Phật thì sao”.

Thế là anh chạy về nhà tìm mẹ: “Mẹ ơi, trước Đức Phật, đến nhìn con còn không dám, làm sao con dám cắt tóc cho Ngài?”.

"Con trai đừng sợ, Đức Phật rất từ ​​bi. Ngài thường thuyết Pháp cho những người trong khổ nạn, Ngài sẽ không nhìn vào tiền tài địa vị của người khác, Ngài sẽ không bao giờ coi thường người Thủ Đà La".

Mẹ của Ưu Ba Ly nghĩ thầm nghĩ: Đứa trẻ này từ nhỏ đã cẩn thận dè dặt, không thể ngay lập tức làm nó can đảm lên được, ta đành phải đích thân đứng ra rồi! Bà nói với Ưu Ba Ly: "Ngày mai khi con đi cắt tóc cho Đức Phật, mẹ sẽ đưa con đi”.

Ngày hôm sau, người mẹ đưa Ưu Ba Ly đi bái kiến Phật Đà, rồi bảo anh cắt tóc cho Ngài. Ưu Ba Ly bắt tay vào làm, vô cùng cẩn thận và chú tâm.

Khi cắt được một lúc, mẹ của Ưu Ba Ly quỳ xuống hỏi Đức Phật: “Thưa Phật Đà, Ngài thấy tay nghề của Ưu Ba Ly thế nào ạ?”.

Nghe xong câu hỏi này, Phật Đà liền để ý tới Ưu Ba Ly một lát rồi nói: “Thân thể có vẻ hơi cong!”.

Xuất phát từ lòng cung kính với Đức Phật, nên Ưu Ba Ly vẫn luôn giữ ở tư thế khom người xuống, không dám đứng thẳng. Phật Đà vừa nói xong, anh liền thẳng lưng lên, tập trung tinh lực, lúc này anh đã tiến nhập vào công phu “sơ thiền”.

Một lúc sau, người mẹ lại hỏi, Đức Phật trả lời rằng: “Hiện giờ thân thể có vẻ như lại thẳng quá!”.

Ưu Ba Ly nhanh chóng đặt hết tinh lực lên đôi tay, nhất tâm nhất ý mà làm việc. Lúc này anh đã tiến nhập vào công phu “nhị thiền”.

Không lâu sau, mẹ của Ưu Ba Ly lại đặt câu hỏi, Phật Đà không nghĩ ngợi gì, ngay lập tức nói: “Hít vào mạnh quá!”.

Ưu Ba Ly nghe vậy, liền chú ý đến việc hít thở của bản thân. Đây là công phu ‘tam thiền’.

Cuối cùng, mẹ anh lại hỏi, và Đức Phật nói: “Thở ra mạnh quá!”.

Bỗng lúc này, Ưu Ba Ly rơi vào trạng thái vô niệm, không có bất kỳ suy nghĩ nào, quên luôn cả con dao cạo trong tay. Lúc này, anh đã ở công phu ‘tứ thiền’.

Phật Thích Ca nhanh chóng nói với các tỳ kheo ở bên cạnh: “Ai đó hãy tới lấy con dao cạo ra khỏi tay Ưu Ba Ly, hiện giờ cậu ta không có niệm tưởng, đã tiến vào ‘đệ tứ thiền’, một người khác hãy tới bên đỡ cậu ấy, đừng để cậu ấy ngã xuống đất”.

Lúc này, Ưu Ba Ly liền nổi danh trong nhóm tỳ kheo.

Bodh Gaya - Buddha Statue - Upali (9227722130).jpg
Tượng tôn giả Ưu Ba Ly ở Bihar, Ấn Độ. (Photo Dharma/Wikimedia Commons/CC BY 2.0)

Mình phải đi xuất gia

Sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở về quê hương giảng Pháp, 7 vị hoàng tử của gia tộc Thích Ca, bao gồm cả Bạt Đề, A Nan (sau này là Đa Văn đệ nhất), A Na Luật (sau này là Thiên Nhãn đệ nhất)…, đều muốn xuất gia theo Phật Đà. Trong số họ, có những người không được cha mẹ đồng ý, họ đã hẹn nhau cùng trốn đi.

Họ âm thầm đưa Ưu Ba Ly vào vườn cây trong cung, Ưu Ba Ly vừa cạo đầu cho các hoàng tử vừa khóc. A Na Luật hỏi: “Thấy chúng ta xuất gia, người nên vui mừng mới phải, sao lại khóc?”.

“Bẩm hoàng tử, xin ngài tha thứ cho kẻ tôi tớ vì sự thất lễ này, bởi vì hoàng tử Bạt Đề đối xử với tiểu nhân rất tốt, bây giờ các ngài đều cùng nhau cạo đầu xuất gia, sau này vân du tứ phương, e là đời này không thể gặp lại nữa. Nghĩ tới đây, tiểu nhân không cầm nổi nước mắt. Hy vọng hoàng tử đừng trách tội” - Ưu Ba Ly trả lời.

A Na Luật an ủi Ưu Ba Ly rồi quay ra nói với mọi người: “Các vị hoàng huynh, hoàng đệ, Ưu Ba Ly phục vụ chúng ta rất lâu rồi, cậu ta rất cần cù, trung thực, từ giờ chúng ta xuất gia, cũng nên nghĩ cho cuộc sống sau này của cậu ấy, những thứ chúng ta không cần dùng đến nữa, tặng hết cho cậu ta đi!”.

Mọi người vô cùng tán thành ý kiến của A Na Luật, họ liền cởi hết áo và châu báu trên người xuống đưa cho Ưu Ba Ly, rồi bảo cậu hãy trở về thành Ca Tỳ La Vệ. Sau đó, các hoàng tử đi tìm Phật Đà.

Ưu Ba Ly cầm châu báu trên tay nhưng trong lòng lại nghĩ: “Mình cứ thế này trở về, nhỡ đâu quốc vương và các vương công đại thần trách tội mình vì việc các hoàng tử xuất gia rồi giết mình thì sao! Các hoàng tử tôn quý đều có thể xả bỏ vinh hoa phú quý nơi thế gian, kẻ hạ tiện như mình thì còn gì phải lưu luyến? Mình cũng phải đi tìm Phật Đà để xuất gia mới được”.

Ưu Ba Ly hạ quyết tâm, không hề do dự, anh treo hết đồ quý báu lên cây để ai muốn lấy thì lấy, rồi chạy đi tìm Đức Phật xin được xuất gia.

Đi được một lúc, Ưu Ba Ly lại nghĩ tới xuất thân của mình, anh ngồi xuống bên đường rồi bật khóc. Trong lòng nghĩ: “Mình làm gì có tư cách mà xuất gia, họ đều là hoàng tử, mình lại là một nô lệ”.

Đột nhiên, Ưu Ba Ly nghe thấy tiếng nói bên cạnh: “Sao thí chủ lại khóc lóc thảm thương như vậy?”. Anh ngước lên nhìn, hóa ra là một vị Tôn giả.

Một bước lên mây

Vị tôn giả ấy chính là Xá Lợi Phất – đệ tử Trí Huệ đệ nhất của Đức Phật. Tôn giả vẫn nhớ người thợ cạo tóc này, người mà khi đang cạo tóc cho Phật Đà lại có thể tiến nhập vào trạng thái thiền định.

Sau khi hỏi rõ đầu đuôi, Tôn giả Xá Lợi Phất liền đưa Ưu Ba Ly đi gặp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật vô cùng vui mừng và cho Ưu Ba Ly xuống tóc, cho thọ Cụ túc giới làm tỳ kheo, và còn khen ngợi:

“Con rất có thiện căn, ta biết, trong tương lai con nhất định sẽ hoằng dương chính Pháp của ta. Trước khi con đến, nhóm hoàng tử Bạt Đề đã tới rồi, ta để họ trải qua tu hành 7 ngày để họ quên đi thân phận hoàng tử của mình, rồi mới cho phép họ xuất gia tu hành”.

Sau 7 ngày, Bạt Đề và các hoàng tử khác đến gặp mọi người, họ rất kinh ngạc khi nhìn thấy Ưu Ba Ly đã ngồi trong nhóm tỳ kheo, không biết nên chào hỏi thế nào mới phải phép.

Đức Phật nói với dáng vẻ uy nghiêm: “Các vị còn chần chừ gì vậy? Việc đầu tiên khi xuất gia tu hành chính là phải bỏ xuống tâm cao ngạo. Ưu Ba Ly đã thọ giới trước, các vị nên đảnh lễ với vị ấy mới phải”.

Các hoàng tử đều đảnh lễ với Ưu Ba Ly, nhưng Ưu Ba Ly chưa từng nhận được sự cung kính như vậy nên cũng không biết phải xử sự thế nào.

Phật Đà nói với Ưu Ba Ly: “Con nên dùng thân phận sư huynh để đối đãi với họ”.

Có nằm mơ Ưu Ba Ly cũng không ngờ rằng, có ngày lại được làm sư huynh của các hoàng tử, như thể một bước lên mây, anh cảm động tới mức liên tục đảnh lễ trước Phật Đà.

Những thành tựu sau này của Ưu Ba Ly đã không cô phụ ân đức của Phật Đà khi cho phép anh xuất gia. Vậy đó là những thành tựu gì?

Đời trước của Phật Đà và Ưu Ba Ly

Mùa hè năm đó, vì tinh tấn tu hành nên Ưu Ba Ly đã khai ngộ, trở thành đệ tử Thượng thủ trong tăng đoàn. Rất nhiều người cảm thấy kỳ lạ và kinh ngạc, một người xuất thân thấp kém sao lại có được căn cơ tốt như vậy?

Do đó, Đức Phật đã giảng cho họ câu chuyện trong một đời trước kia của Ưu Ba Ly.

Từ thời rất xa xưa, có hai người là bạn của nhau, họ đều rất nghèo khó nhưng cả đời luôn hành thiện tích đức, về sau trong luân hồi chuyển thế đắc được thiện báo. Một người được làm quốc vương, tên là Phạn Đức, còn người kia được sinh ra trong một gia đình Bà La Môn giàu có, tên là Ưu Bà Già.

Ưu Bà Già lấy một người vợ trẻ trung xinh đẹp, hai người luôn bên nhau không rời. Nhưng một ngày, vợ của Ưu Bà Già nhìn thấy ông thân thiết với một người phụ nữ khác thì khóc lóc ầm ĩ, cả ngày không thèm nói chuyện với ông.

Ưu Bà Già lòng như lửa đốt, rầu rĩ sầu muộn. Xuân đi hạ đến, tới một ngày, dường như tâm tình người vợ đã dịu đi một chút, cô nói với chồng: “Chàng đi ra phố mua một ít hoa tươi đi, trang trí cho căn phòng của chúng ta một chút”.

Ưu Bà Già vui mừng ra mặt, chạy bay ra ngoài như một chú chim non. Sau khi mua được hoa tươi, trong lòng tràn đầy sức sống, ông vừa đi bộ về vừa hát tình ca, suýt chút thì khiêu vũ ngay trên phố.

Đúng lúc đó, quốc vương Phạn Đức đang đứng trên thành lầu của hoàng cung xem ngắm phong cảnh. Trong lòng ông thắc mắc, trời nóng nực thế này mà vẫn có thể vừa đi vừa ca hát vui vẻ như vậy, quả là một người sống vô tư.

Trong lúc cao hứng, quốc vương sai người gọi Ưu Bà Già lên lầu gặp. Hai người lần đầu gặp nhau mà như đã thân quen từ lâu, đàm luận vô cùng vui vẻ. Từ đó, Ưu Bà Già được quốc vương Phạn Đức trọng dụng, trở thành cánh tay đắc lực bên cạnh đức vua, quyền thế ngày càng lớn.

Về sau, thậm chí có một số bách tính chỉ biết đến Ưu Bà Già, mà không biết quốc vương Phạn Đức. Ưu Bà Già bắt đầu cảm thấy không bằng lòng, sinh tâm muốn soán ngôi vị.

Thế nhưng ông lại là người rất có thiện căn. Một hôm, Ưu Bà Già bỗng nhiên tỉnh ngộ, cảm thấy vô cùng sâu sắc rằng địa vị, danh tiếng và tham quyền là những thứ thật đáng sợ. Ông tìm đến quốc vương Phạn Đức, dù hổ thẹn nhưng ông vẫn thật thà nói hết những ý niệm xấu của bản thân với đức vua.

“Lòng thần tràn ngập tham vọng quyền lực, thậm chí còn nghĩ tới việc sẽ ám sát ngài khi ngài ngủ trưa” - Ưu Bà Già nói.

“Sao thế được, khanh đừng nói đùa như vậy” - quốc vương nói.

“Thần thực sự đã có suy nghĩ ấy, giờ đây thần muốn sám hối với đức vua”.

“Bạn của ta, con người sống trên đời, ai mà chưa từng phạm lỗi? Nhưng người dám thành thực như khanh thì quả là quá ít. Hãy quên chuyện này đi, chúng ta vẫn như trước kia”.

Nhưng khi này Ưu Bà Già lại muốn từ bỏ hết thảy quyền bính trong tay và xuất gia sám hối. Vua Phạn Đức khuyên giải hết lời, nhưng thấy Ưu Bà Già đã hạ quyết tâm thì không khỏi tán thán: “Vì sám hối ác niệm mà xuất gia tu hành, quả là đáng khen ngợi, ta chúc khanh sớm ngày tu thành chính quả”.

Khi đó, trong hoàng cung có một người thợ cắt tóc tên là Hằng Già Ba La. Sau khi nghe được cuộc đối thoại trên, ông cảm thấy vui mừng thay Ưu Bà Già và cũng đi theo xuất gia.

Ưu Bà Già và Hằng Già Ba La tu hành không lâu thì đều chứng đắc thần thông, trở thành Thánh giả.

Một hôm, quốc vương Phạn Đức vào rừng sâu để cúng dường Ưu Bà Già. Sau khi đảnh lễ, vua nghĩ, không thể nhận định Thánh giả bằng xuất thân trước kia của họ, thế rồi vua cũng đảnh lễ với Hằng Già Ba La.

Hằng Già Ba La tuy xuất thân thấp kém, nhưng nhờ tu hành Phật Pháp, cuối cùng lại khiến quốc vương phải quỳ bái trước ông.

Giảng đến đây, Đức Phật trịnh trọng nói với các tỳ kheo: “Ưu Bà Già khi đó chính là ta, còn người thợ cắt tóc Hằng Già Ba La chính là Ưu Ba Ly của hiện tại”.

Hóa ra, Phật Đà vĩ đại vào đời trước cũng từng có lúc chấp mê vào quyền bính, cũng từng sinh ra ý niệm giết người. Có thể thấy, làm người không thể không phạm lỗi, biết lỗi mà sửa, ấy mới là cái thiện không gì sánh bằng.

Còn căn cơ đời này của Ưu Ba Ly cũng là do đời trước tu hành mà đặt định ra.

Ưu Ba Ly đã chứng đắc quả vị La Hán nên trở thành tỳ kheo Thượng thủ được tôn kính trong tăng đoàn. Tuy vậy, một lần, có một tỳ kheo ni lại mắng thẳng vào mặt ông: “Ông chuyên thích làm mấy việc gây sóng gây gió, khiến cuộc sống của chúng tôi có thêm không ít khó khăn và khổ não!”.

Rốt cuộc là chuyện gì? Tại sao Tôn giả Ưu Ba Ly lại bị mắng như vậy?

Chùa Nam Tông, Bình Tân, tháng 12 năm 2021 (Đại thánh tăng Upali, Ưu-Bà-Li) (1).jpg
Tượng tôn giả Ưu Ba Ly tại chùa Nam Tông ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. (Phương Huy/Wikimedia Commons/CC BY-SA 4.0)

Trì giới đệ nhất

Hóa ra là do trong cuộc sống hàng ngày, Tôn giả Ưu Ba Ly vô cùng chú trọng mọi lễ nghi, từ việc đi, đứng, nằm, ngồi… Những giới luật mà Phật Đà đặt ra, ông đều nghiêm túc tuân thủ, trước nay chưa từng phạm bất kỳ giới luật nào. Không lâu sau, ông được mọi người nhất trí đề cử là Tôn giả Trì giới đệ nhất.

Ông thường hay thỉnh cầu Phật Đà giảng Pháp về giới luật, đó cũng chính là những điều mà người xuất gia tu hành phải tuân theo. Đức Phật cũng bảo Ưu Ba Ly đi nhắc nhở, tu sửa những tỳ kheo không giữ quy tắc, không chú tâm vào trì giới. Vậy nên, Ưu Ba Ly mới nhận được không ít lời oán trách, thậm chí là nhục mạ.

Khi Tôn giả Ưu Ba Ly cùng một số tỳ kheo trì giới nghiêm chỉnh tới các nơi hoằng dương giới luật, một số tỳ kheo khác nghe tin họ đến liền bảo nhau: “Sau khi ông ta đến, nhất định sẽ giáo huấn chúng ta nên làm gì, không nên làm gì. Vậy thì khi ông ta tới, chúng ta đóng cửa lại, không để ý tới ông ta, hoặc chúng ta có thể bỏ đi nơi khác”.

Gặp phải sự việc như vậy, Ưu Ba Ly luôn nhẫn nhục chịu đựng, không để trong tâm.

Sau khi Đức Phật biết chuyện, Ngài rất không hài lòng, cho người gọi các tỳ kheo và tỳ kheo ni vô lễ kia đến, rồi khiêm khắc trách mắng: “Giới là tôn sư của các vị, Giới còn thì Pháp còn. Các vị không cung kính các tỳ kheo trì giới, điều đó chứng minh rằng các vị có ý đồ làm trái Pháp. Người trì giới giống như một ngọn đèn sáng. Người có phẩm hạnh đoan chính, thân tâm thanh tịnh thì tự khắc sẽ thích nơi sáng sủa. Những người làm điều xấu điều dở mới không thích ở ngoài ánh sáng, thích ở trong bóng tối!”.

Dưới sự ủng hộ của Phật Đà, Ưu Ba Ly trở thành người có quyền uy nhất trên phương diện giới luật, và thường xuyên được Đức Phật giao cho việc xử lý các tranh chấp, bất hòa trong tăng đoàn. Dần dần, ông có được thanh danh cao quý.

Dĩ giới vi sư - Lấy giới luật làm thầy

Khi Đức Phật niết bàn, Ưu Ba Ly đã khoảng hơn 70 tuổi. Trước khi Ngài nhập diệt, Tôn giả A Nan thay mặt các tỳ kheo đặt bốn câu hỏi cho Phật Đà, trong đó có câu: “Phật nhập niết bàn, lấy ai làm thầy?”.

Trong “Kinh Di Giáo” có ghi chép, khi ấy Đức Phật dạy rằng: “Sau khi ta rời đi, các con nên tôn trọng giới luật, giống như trong đêm đen gặp được ánh sáng, giống như người bần cùng gặp được kho báu. Giới luật là người thầy vĩ đại của các con, cũng như thể ta đang tại thế mà dạy bảo các con”.

Về sau, lời dạy này được hậu thế khái quát trong bốn chữ: Dĩ giới vi sư.

Trong “Kinh Niết Bàn” viết, Đức Phật nói: “Nếu không giữ giới luật, thì đó là gia quyến của ma, không phải đệ tử của ta”.

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế, Ngài đã không lưu lại kinh thư, chỉ lưu lại giới luật, Ngài dạy các đệ tử rằng “dĩ giới vi sư” ắt có thể đắc chứng quả vị. Từ đó có thể thấy, giới luật trong Phật giáo quan trọng đến nhường nào.

Có một lần, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng cho rất nhiều đệ tử rằng: “Các con đều biết, ở đây từ lâu đã lưu truyền một truyền thuyết, đó là Chuyển Luân Thánh Vương sẽ tới nhân gian để độ nhân. Năng lực của Chuyển Luân Thánh Vương vô cùng to lớn … Tới lúc đó, rất nhiều người trong các con sẽ đắc được Đại Pháp vạn pháp quy nhất ấy! Tới lúc đó, các con sẽ biết được bản thân may mắn nhường nào”.

Vì việc này, Đức Phật Thích Ca đã an bài để Tôn giả Đại Ca Diếp đợi hơn 2.000 năm trong núi Kê Túc.

Trong việc chế định và tuân thủ giới luật, Ưu Ba Ly đã phát huy được được tác dụng vô cùng to lớn. Giới luật mà Tôn giả Ưu Ba Ly từng giữ gìn, duy trì và tuân thủ, ngày nay đã bị rất nhiều người xuất gia trên danh nghĩa coi là vô hình. Ngày nay có bao nhiêu người xuất gia trong Phật giáo có thể thực sự tuân thủ những giới luật mà Phật Đà để lại? Liệu có ai có thể thực sự tu đắc chính quả? Liệu có phải vì vậy mà Chuyển Luân Thánh Vương mới phải tới nhân gian độ nhân, như lời Đức Phật dạy?

Vạn pháp quy nhất là chỉ điều gì? Có lẽ là nói, Chuyển Luân Thánh Vương sẽ vào thời mạt Pháp mạt kiếp, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo mà cứu độ những người còn giữ thiện niệm trên thế gian, và đưa họ tới vùng đất tươi đẹp trước nay chưa từng có. Khi đó, các đệ tử của Phật Đà có lẽ cũng sẽ chuyển sinh làm đệ tử của Chuyển Luân Thánh Vương.

Vậy câu hỏi đặt ra là, giờ đây, vị Phật tương lai tới cứu độ chúng sinh – Chuyển Luân Thánh Vương – Ngài đã tới hay chưa?

Theo Vườn văn sử

Nam Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đệ tử của Đức Phật xuất thân từ tầng lớp nô lệ, tại sao lại khiến các hoàng tử bái lạy?