Hai câu chuyện đầu thai ly kỳ ở Hoà Bình

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Tìm về bản Cọi, Lạc Sơn, Hòa Bình, hỏi người thì không ai là không nhớ những câu chuyện về hiện tượng đầu thai đã xảy ra cách đây 20 năm. Họ kể tường tận những người từng chứng kiến như vừa mới xảy ra cách đây vài ngày. 

Câu chuyện đầu thai của cậu bé Bình - Tiến

Anh Tân và chị Thuận đều là cán bộ công tác tại thị trấn Vụ Bản, anh chị kết hôn năm 1987. Nhưng mãi đến năm 1992 chị Thuận mới sinh được một cháu trai và đặt tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến. Tiến khỏe mạnh bụ bẫm và lớn lên trong sự vui mừng của bố mẹ. Nhưng trớ trêu thay, trong một lần Tiến ra sông chơi, đã chẳng may chết đuối, khi đó cậu mới 5 tuổi, đang là học sinh trường Mầm non Hoa Hồng ở thị trấn Vụ Bản. Sau đó chị Thuận cũng không sinh nở được nữa.

10 năm sau, vào ngày 6/10/2002, tại xóm Cọi ở gần thị trấn Vụ Bản, chị Bùi Thị Dự đã sinh một bé trai đáng yêu, đặt tên là Bùi Lạc Bình. Cậu bé vẫn lớn lên bình thường, nhưng đến năm 3 tuổi thì chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra. Bé Bình cứ nằng nặc nhận mình là Tiến, nhà ở thị trấn Vụ Bản; thậm chí cậu bé còn bắt mẹ đưa ra thị trấn và chỉ đúng nhà số 25, nhà của anh Tân chị Thuận. Khi câu chuyện của Bình lan truyền đến nhà chị Thuận, anh chị đã nhờ cô giáo Đông, dạy mầm non trong bản Cọi, dẫn anh chị đến nhà cháu Bình. Rất ngạc nhiên, khi cháu Bình vừa nhìn thấy anh chị, thì như đã quen thân từ lâu với anh Tân chị Thuận. Sau đó, được sự đồng ý của bố mẹ cháu Bình, anh chị đưa cháu Bình về thăm nhà mình. Trên đường về, để thử cậu bé, anh Tân dừng xe trước một ngôi nhà cao tầng bảo cháu, nhà bác đấy cháu vào đi. Bình lập tức bảo: “Đây không phải, nhà ở dưới kia cơ!”

Đi qua rất nhiều đường trong thị trấn, anh Tân không đi theo đường chính vì muốn thử cậu bé. Ngạc nhiên là Bình rất rành đường rõ lối cho đến ngôi nhà anh Tân thì mới thôi.

Vừa mở cửa nhà, Bình lập tức xuống xe và chạy tót vào trong và mở tủ bới đồ đạc. Chị Dự đi cùng đã định ngăn lại vì sợ vợ chồng anh Tân đánh giá con mình thiếu giáo dục, nhưng anh Tân đã ngăn chị lại, để mặc cho cháu Bình tìm kiếm. Anh Tân hỏi: “Cháu đang tìm gì?”

“Tìm cái máy bay và cần cẩu” - Nghe Bình nói anh Tân giật mình vì đây là hai món đồ chơi anh đã mua cho cháu Tiến trước đây. Đến lúc cháu qua đời anh mới mang vứt đi.

Anh nói với cháu Bình: “Bác cất đi rồi để lúc nào bác tìm lại cho cháu”.

Sau bữa cơm anh Tân bảo Bình ra xe để chở hai mẹ con về nhưng Bình bảo, nhà ở đây, không về đâu. Nói rồi Bình chạy vào nhà leo lên giường, đúng chiếc giường bé Tiến nằm ngày trước và nằm sấp xuống giường, ngủ luôn.

Nói rồi Bình chạy vào nhà leo lên giường, đúng chiếc giường bé Tiến nằm ngày trước và nằm sấp xuống giường, ngủ luôn. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Nhìn cái dáng Bình nằm y như Tiến năm xưa vợ chồng anh Tân lặng người. Trước sự tha thiết của Bình, đêm hôm đó chị Dự đã miễn cưỡng cho con ở lại với gia đình anh Tân. Biết chuyện, đêm hôm đó, hàng xóm láng giềng kéo đến chật kín nhà. Ai cũng thử Bình bằng những câu hỏi để xem Bình kể lại chuyện ngày xưa có chính xác không. Và tất cả đều ngỡ ngàng, vì Bình nhận ra những người quen, và biết hết những chuyện xưa đó. Đêm đầu tiên Bình ở với anh Tân chị Thuận, anh chị đã hỏi cháu rất nhiều chuyện. Hỏi chuyện: “Con chết thế nào, tại sao lại về trong xóm Cọi?”

Bình bảo: “Con cũng đã quay về nhà, nhưng đến cái cống đầu ngõ, có một người to lớn cứ chặn con lại rồi đuổi đi nên không vào được nhà”.

Cũng đêm đó, anh Tân giả vờ gọi lớn Tiến ơi, lập tức ở trong nhà Bình dạ và còn hỏi lại bố gọi gì con. Chỉ vào chị Thuận hỏi đây có phải là mẹ con không, cháu cũng trả lời phải. Sau khi đưa Bình về xóm Cọi, anh Tân luôn nhớ đến cháu Bình. Ba ngày hôm sau, anh Tân lại vào xóm Cọi thăm cháu. Vừa thấy anh Tân, Bình đã nhảy tót vào lòng anh như người thân thiết từ lâu lắm. Mặc cho bố mẹ, bà nội vẫn đang ngồi bên cạnh. Điều ngạc nhiên là chính bà Thỉn, bà nội cháu bé, nói với anh Tân: “Từ ngày thằng Bình bắt đầu bi bô tập nói, tôi đã biết nó không phải người Mường, mà là người Kinh. Nó nói tiếng Kinh rành rọt, điều mà chưa một đứa bé người Mường nào giống thế”.

Chính Bình cũng đã có lần nói với mẹ: “Con là người Kinh, con không phải người Mường. Mẹ không đưa con về con sẽ chết”.

Bà Thỉn đưa Bình đi học, cháu khóc và nói: “Cháu không học trường này đâu, cháu học trường gần nhà cháu cơ, trường ở ngoài thị trấn”.

Một thời gian sau đó Bình liên tục đòi bố mẹ “đưa về nhà con”, và dọa “không đưa về con sẽ chết”. Một lần Bình ốm nặng, anh Hoan chị Dự đã rất lo lắng, sợ điều thằng bé nói sẽ linh, nó sẽ chết thật. Dù được mỗi mình cháu, nhưng không còn cách nào khác, anh chị đã đồng ý cho Bình về ở hẳn với nhà anh Tân, chị Thuận.

Từ ngày về với “nhà của con”, Bình chơi vui vẻ, và không còn bệnh tình gì nữa. Kể từ ngày về ở với bố Tân mẹ Thuận, Bình cũng được đổi thành tên Tiến và mang họ Nguyễn Phú Quyết Tiến. Họ tên trùng với cháu Tiến con anh Tân đã chết đuối cách thời điểm đó hơn 10 năm. Đến nay, cháu đã lớn và đang học phổ thông, cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Anh Tân không muốn sự việc trở nên phức tạp và được thêu dệt thêm. Tuy nhiên câu chuyện của cậu bé Bình - Tiến này khắp vùng ai cũng biết.

Từ ngày về với “nhà của con”, Bình chơi vui vẻ, và không còn bệnh tình gì nữa. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Câu chuyện luân hồi của cậu bé Dược

Một trường hợp “đầu thai” khác là trong nhà anh Hà Văn Tuốt và chị Hà Thị Tuỗn, xảy ra cách đây đã hơn 30 năm. Anh chị đã gần 50 tuổi, có cậu con duy nhất là Hà Văn Dược.

Mẹ đẻ của Dược cho biết, vợ chồng chị lấy nhau từ năm 1990, một năm sau đó thì sinh con trai. Năm lên 3 tuổi, khi đang chơi với các bạn ngoài sân, thấy một người thu mua sắn là anh trai của một người trong làng đi qua, Dược nói với các mọi người: “Đấy là bác của em đấy”.

Chị Tuỗn nói: “Nghe bọn bạn nó nói lại, nhưng vợ chồng tôi nghĩ là trẻ con nói nhảm nên cũng không để ý đến”.

Chuyện lạ xảy ra tới khi đi học mẫu giáo, mỗi lần bố mẹ đưa Dược đi học qua nhà một người tên Vì Văn Xiêm, thì cậu bé đều nhắc đi nhắc lại: “Nhà của con đây này”.

Thấy con nói liên thiên, cha mẹ đẻ thậm chí còn có lần phát con đến đỏ mông, nhưng sau đó cậu bé bỗng lăn ra ốm, và ngày ngày đều đòi bố mẹ đưa ra “nhà bố Xiêm”.

Anh chị đành bế con đến “nhà bố Xiêm", và kỳ lạ thay, mọi bệnh tình của cậu bé đều biến mất. Cậu bé không chỉ biết hết mọi người trong gia đình ông Xiêm, mà còn nói rõ mình chết từ lúc mới được 5 tháng tuổi, và bố mẹ chưa kịp đặt tên con.

Vợ chồng ông Xiêm vô cùng sửng sốt khi nghe những lời Dược nói. Sau đó, ông Xiêm cũng làm lễ xin được nhận bé Dược làm con nuôi. Bà Xiêm, người mẹ “kiếp trước” của Dược cũng khăng khăng: “Nó chính là đứa con đầu đã chết của tôi”.

Theo lời bà kể, vợ chồng ông bà sinh con đầu vào năm 1982, được 5 tháng thì cháu bị bệnh vàng da, dù đã đi bệnh viện, nhờ nhiều thầy lang chữa trị, nhưng cháu không qua khỏi. Thật bất ngờ là cháu lại đầu thai vào làm con gia đình nhà hàng xóm.

Với linh cảm của người mẹ, bà nhận thấy Dược cũng giống như hai đứa con đẻ của mình. Hoàn cảnh của gia đình anh Tuốt cũng ít người, nên gia đình ông Xiêm chỉ nhận Dược làm con nuôi, khi nào nhà có công việc thì Dược sang phụ.

Lý giải chuyện luân hồi chuyển thế

Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới còn có vô vàn những câu chuyện luân hồi chuyển sinh, nhớ về tiền kiếp. Luân hồi và chuyển sinh vốn là những khái niệm hết sức quen thuộc trong văn hóa truyền thống, nhưng ảnh hưởng của thuyết vô Thần hiện đại, khiến nhiều người bắt đầu hoài nghi về thuyết đó. Trên thực tế, những câu chuyện về tái sinh vẫn tồn tại bất chấp việc chúng ta có tin hay không.

Phật gia có thuyết “lục đạo luân hồi” (6 nẻo luân hồi), giảng rằng sau khi chết đi linh hồn con người sẽ tiếp tục tiến nhập vào vòng quay vô cùng vô tận của sinh mệnh, tùy theo nghiệp lực nhiều hay ít, tức làm việc thiện - ác nhiều hay ít, mà đầu thai vào một trong lục đạo, bào gồm: Thiên nhân, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Cùng được đầu thai làm người, tùy đức và nghiệp đời trước nhiều hay ít mà đời này vinh hoa phú quý, hay nghèo hèn khốn khổ.

Trong Đạo gia cũng có tích về một phụ nữ thời cổ đại họ Mạnh, không rõ tên, người ta gọi bà là Mạnh Bà. Sau bà vào núi tu luyện, đắc Đạo thành Tiên, được Ngọc Hoàng Thượng Đế bổ nhiệm cư trú ở Đài Quên lãng, Cầu thứ 6, Điện thứ 10 dưới Âm phủ. Những linh hồn trước khi đầu thai đều phải qua đây uống canh Mạnh Bà, và quên đi tất cả các kiếp trước để đầu thai thành kiếp sống ở đời sau để trả nợ nghiệp đời trước.

Nhưng cũng có những người mang theo ký ức tiền kiếp mà chuyển sinh, luân hồi. Khi mới sinh họ đã nhớ được toàn bộ sự việc xảy ra trong kiếp trước của mình. Vì nhân duyên chưa dứt, rất có thể ở kiếp này họ lại được đoàn tụ với người thân của mình.

Lam Sơn
(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Hai câu chuyện đầu thai ly kỳ ở Hoà Bình