Hai tảng đá và bài học sâu sắc về đạo làm người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là con người, ai mà không muốn có được hạnh phúc, có được thành công, tuy nhiên để có được thành công, điều đánh đổi cũng cần tương xứng với nó.

Câu chuyện về hai tảng đá

Ngày xửa ngày xưa, đã cách đây rất lâu rồi, tại một vùng đất phương Đông, nơi người dân sinh sống lương thiện hiền hoà, được hưởng thụ ân huệ của trời đất, Thần Phật hiển linh trợ giúp con người, hướng dẫn canh tác, làm nhà, trị thuỷ... Để tỏ lòng thành kính, cảm tạ ân trên với những gì mình có được, người dân nơi đó đã cùng nhau dựng lên một ngôi đền Thần. Khi ngôi đền xây dựng xong, họ mời một người thợ điêu khắc đức cao vọng trọng, người cũng có đạo hạnh cao khiến có thể tương thông với vạn vật tới chế tác một pho tượng Phật để tỏ lòng thành kính.

Sau bao gian khó, dân làng đã tìm được một tảng đá với chất liệu quý có sắc màu đẹp đẽ phi thường. Tuy nhiên khi người thợ bắt tay vào điêu khắc, viên đá đã tỏ ra đau đớn khôn cùng, kêu la thảm thiết khiến cho người thợ kia không thể nào tĩnh tâm làm việc được. Cuối cùng người thợ điêu khắc này đành phải bỏ dở tảng đá đó đi mà tìm một tảng đá khác với chất liệu bình thường để thay thế .

Sau bao gian khó, dân làng đã tìm được một tảng đá với chất liệu quý có sắc màu đẹp đẽ phi thường.
Sau bao gian khó, dân làng đã tìm được một tảng đá với chất liệu quý có sắc màu đẹp đẽ phi thường. (Ảnh: Pixabay)

Khác với tảng đá quý kia, tảng bình thường này mặc dù phải chịu trăm ngàn vết đục vẫn cam tâm nhẫn chịu, không một lời oán thán, có những lúc nỗi đau tưởng chừng như không thể nhẫn chịu, tảng đá với chất liệu bình thường kia lại hướng tới Thần linh, cầu xin Thần linh ban cho sức mạnh để vượt qua, giúp người thợ điêu khắc kia có thể tĩnh tâm điêu khắc ra một pho tượng đẹp đẽ để dâng lên chư Thần.

Ngày tháng qua đi, cuối cùng bức tượng cũng được hoàn thành, tảng đá tầm thường kia nay đã có một diện mạo hoàn toàn khác biệt, trở thành một pho tượng uy nghiêm cao quý, được đặt tại vị trí trung tâm Phật đường, mọi người khắp nơi đều đổ về đó quỳ lạy dưới chân nó.

Về phía tảng đá có chất liệu quý báu nhưng lại không chịu được đau đớn kia, sau khi không thể điêu khắc được tượng Phật, người ta đem nó kê ở đường đi, hàng ngày phải chịu mưa nắng dãi dầm, quanh năm suốt tháng bị người xe chà đạp, sự đau đớn mà nó phải chịu so với khi bị đục đẽo cũng không hề ít đi chút nào, thậm chí còn nặng hơn vì ngày đêm không được nghỉ.

Quá bức xúc, nó bèn buông lời oán trách tảng đá tầm thường kia: "Tư chất của anh kém xa tôi, vậy mà được hưởng trọn vẹn sự tôn trọng sùng bái của người đời, còn tôi thì phải nằm đây để người ta giẫm đạp, chịu đựng gió sương mưa nắng, anh dựa vào đâu mà hơn tôi như vậy chứ?"

Tảng đá tầm thường kia nay đã là pho tượng Phật cao quý chỉ cười đáp: "Ai bảo anh ban đầu không chịu khó chịu khổ, mới chạm khắc có vài nhát đã kêu trời kêu đất lên!”.

"Ai bảo anh ban đầu không chịu khó chịu khổ, mới chạm khắc có vài nhát đã kêu trời kêu đất lên!”.
"Ai bảo anh ban đầu không chịu khó chịu khổ, mới chạm khắc có vài nhát đã kêu trời kêu đất lên!”. (Ảnh: Pixabay)

Kỳ thực trong cuộc sống thực tế của mỗi chúng ta cũng lại như vậy. Người muốn thành công, muốn được điều mà người khác không thể được, ắt cũng phải chịu cái gian khổ mà người khác không thể chịu, phải nhẫn cái mà người khác không thể nhẫn. Gian khó, trở ngại, vấp ngã đó là điều mà mỗi một người thành công đều phải trải qua. Kiên trì nỗ lực, thiện lương đối đãi mọi việc đó là điều mà chúng ta đều cần phải có.

Minh Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Hai tảng đá và bài học sâu sắc về đạo làm người