Luận đàm Tam Quốc (Kỳ 4): Lưu Bị, Tào Tháo lần đầu trình làng ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay ở hồi đầu tiên, La Quán Trung đã cho độc giả tiếp cận với những nhân vật chính của câu chuyện. Ba người chia thiên hạ thành thế chân vạc thì ngay ở hồi đầu đã xuất hiện hai người: Lưu Bị và Tào Tháo. Từ những dòng đầu tiên, câu chuyện đã có điều khác thường.

Lời tòa soạn: Tam Quốc diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết chương hồi huyền thoại của lịch sử văn học Á Đông. Người đọc Tam Quốc rất đa dạng, tâm thái nào cũng có: đọc để thưởng thức, đọc để học hỏi người xưa, đọc để giải trí hay đọc để “ấm vào thân”. Nhưng một tác phẩm kinh điển ắt là bên trong phải có nội hàm mênh mông, nhất thời một lát một chốc là không thể nào nắm hết được. Xưa nay cũng chưa từng nghe bậc danh sĩ nào tự vỗ ngực xưng rằng mình đã hiểu thấu được Tam Quốc. Người ta khám phá Tam Quốc chẳng khác nào những kẻ leo núi, kẻ mạnh dạn thì leo cao hơn, kẻ bồn chồn thì chỉ leo một chút rồi tụt xuống, nào ai đã từng đứng trên đỉnh cao mà thấu triệt được toàn bộ cái lý thâm sâu của câu chuyện? Thế nên, chút cố gắng của chúng tôi hòng giải mã Tam Quốc cũng từa tựa như kẻ leo núi kia vậy, không dám cố quá, leo được chừng nào xin hầu độc giả chừng ấy mà thôi.

***

kỳ trước, ta đã bàn về tài năng nhìn người thấu triệt của Lưu Bị - yếu tố giúp ông trở thành một trong 3 minh quân chia thế chân vạc thời Tam Quốc. Tuy nhiên không phải đến lúc thất thủ Nhai Đình, gạt lệ chém Mã Tốc, người ta mới thấy được tài năng đó. Nó đã sớm khởi phát từ những hồi đầu tiên của "Tam Quốc diễn nghĩa". Và kỳ lạ thay, ngay từ những dòng đầu tiên, bằng những cách khác nhau, La Quán Trung đã mô tả cả Lưu Bị lẫn Tào Tháo - những nhân vật sẽ làm nên chuyện lớn sau này. Đương nhiên, đó là thủ pháp tuyệt vời của La tiên sinh. Nhưng ngay đầu truyện mà đã được chiêm ngưỡng mặt anh hùng tựa thì chẳng khác nào như "khai môn kiến sơn", không lòng vòng, kể lể con cà con kê. Độc giả đọc Tam Quốc không ngừng thấy thích thú là bởi vậy. Bây giờ, chúng ta thử giở ngược lại những hồi đầu tiên của truyện Tam Quốc và thưởng thức từ từ...

"Tam Quốc diễn nghĩa" mở đầu bằng một bài từ rất cảm khái:

"Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thị phi thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không

Non xanh nguyên vẻ cũ
Bao độ ánh chiều hồng
Bạn đầu bạc dãi dầu trên bãi
Đã quen nhìn gió mát trăng trong

Một vò rượu nếp vui gặp gỡ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng".

Câu chuyện chưa kể mà đọc bài từ xong người ta chừng như thấy được hết kết cục của nó ("Sừng sững cơ đồ bỗng tay không"). Hơn thế lại còn nói: Xưa nay bao chuyện trên đời chỉ như cuộc nói cười suông tan trong chén rượu nồng. Bài từ có khí chất siêu trần, thoát tục, dường như hoàn toàn tương phản hẳn với không khí hừng hực lửa chiến tranh, binh chinh thiên hạ của câu chuyện. Đó là một sự lạ.

Ngay đầu câu chuyện, La Quán Trung đã đưa ra một dự cảm chẳng lành, dự cảm về một thời đại loạn lạc, nói rằng: "Thế lớn trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan. Như cuối đời nhà Chu, bảy nước tranh giành xâu xé nhau rồi sau lại hợp về nhà Tần. Đến khi nhà Tần mất, thì Hán Sở tranh hùng rồi sau thiên hạ lại hợp về tay nhà Hán".

Đó chẳng phải có ý nói rằng nhà Hán kéo dài gần 400 năm cũng sắp đến lúc phải tan sao?

Bản đồ hoạt động của quân khởi nghĩa Khăn Vàng (Ảnh: Wikimedia).

Mà thiên hạ Đại Hán khi ấy quả là loạn lạc thật. Hoàng đế tin dùng hoạn quan, ngoại thích, cầm cố kẻ sĩ, thiên tai nhân hoạ nổ ra liên tiếp. Đỉnh điểm nhất là cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân (Khăn Vàng) của 3 anh em Trương Giác, Trương Lương và Trương Bảo. Cuộc nổi dậy này chính là một đòn đau giáng mạnh vào triều Hán đang trên đà suy yếu.

Theo mô tả của La Quán Trung thì: "Nhân dân bốn phương đội khăn vàng, đi theo Trương Giác có tới bốn năm mươi vạn người. Thế giặc dữ dội, quan quân thua chạy như vịt". Quân Khăn Vàng vốn chỉ là nông dân, chưa qua luyện tập, chỉ vì một lúc căm phẫn mà cầm gươm giáo, cuốc thuổng nổi dậy. Vậy mà quan quân triều đình không thể trấn áp nổi, thua chạy hoài. Như thế đủ biết Hán triều đã mạt vận ra sao.

Trước tình cảnh trứng treo đầu gậy ấy, đại tướng quân Hà Tiến tâu vua xin cho các trấn tự tuyển mộ quân binh để chống giặc. Thoạt nghe thì hợp lý nhưng chính nước đi sai lầm này đã khởi đầu cho một thời đại loạn lạc. Về danh nghĩa, chỉ hoàng đế mới có quyền tuyển mộ tráng binh. Các quan lại thứ sử châu mục ngay cả chỉ là nghĩ đến cũng đều không được phép. Làm trái quy tắc ấy thì chính là tội phản nghịch, khi quân.

Một khi đã cho phép hào mục địa phương chiêu mộ binh lính thì việc chư hầu nổi dậy cát cứ là chuyện đương nhiên. Mỗi người hùng cứ một phương, chiếm cứ thành trì, làm vương làm tướng, chiêu binh mãi mã, xâu xé đất đai thiên hạ. Đó là một cảnh tượng cực kỳ hỗn loạn thường gặp ở cuối mỗi vương triều nhưng cũng là cơ hội tuyệt vời để các anh hùng xuất hiện.

Ba người Lưu, Quan, Trương thuở hàn vi đều không có gì nổi bật. Lưu Bị chỉ là anh bán giày cỏ, Trương Phi chỉ là tay đồ tể mổ heo còn Quan Vũ bất quá cũng chỉ là kẻ giang hồ, vì phạm tội sát nhân mà lưu lạc bốn phương. Mỗi người một quê quán, hoàn cảnh nhưng gặp nhau ở một chữ: Nghĩa. Cả ba đều có ý ứng mộ vào quân lính triều đình, đều ôm chí khuông phò Hán thất, dẹp yên thiên hạ.

Thời thanh niên, trẻ tráng, khí thế hừng hực, chí lớn như muốn ôm cả trời đất, ba người họ mau chóng tìm thấy những điều tâm đắc ở nhau, khác gì cá gặp nước, hạn mong mưa, dốc một lòng vì đại nghĩa. Trương Phi thậm chí còn khẳng khái bán toàn bộ gia sản để lấy tiền chiêu mộ binh mã. Thực là buổi đầu gặp gỡ thống khoái không sao kể xiết!

Kết nghĩa vườn đào là một tích truyện nổi tiếng lịch sử. Cả truyện Tam Quốc là xoay quanh một chữ "Nghĩa" mà 3 anh em Lưu, Quan, Trương chính là đặt định nội hàm cho chữ ấy. Hãy xem họ thề thốt cùng nhau ra sao:

"Chúng tôi là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, dẫu rằng khác họ, song đã kết làm anh em, thì phải cùng lòng hợp sức, cứu khốn phù nguy, trên báo đền nợ nước, dưới yên định muôn dân. Chúng tôi không cần sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, chỉ muốn chết cùng năm, cùng ngày, cùng tháng. Hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng này. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết".

Lưu, Quan, Trương kết nghĩa vườn đào (Ảnh ghép minh hoạ).

Câu thề này thực đã làm kinh điển cho biết bao nhiêu lời thề hẹn huynh đệ trong thiên hạ. Mãi đến sau này, khi xem các phim chưởng võ hiệp, ta vẫn còn thấy đâu đó những lời ấy văng vẳng bên tai khi những hiệp khách ăn thề cùng nhau nuôi chí lớn.

Ở đây có một điểm độc đáo thú vị. Đó là con số 3. Bạn hãy để ý: 3 anh em họ Trương thủ lĩnh khởi nghĩa Khăn Vàng, Trương Giác lại được "Nam hoa lão tiên" trao cho 3 cuốn sách "Thái Bình yêu thuật", 3 anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa đào viên sau này thiên hạ cũng là chia ba thế chân vạc.

Có thể nói cái cục diện "Chia ba" của Tam Quốc như là thiên ý, đã được an bài từ trước, anh hùng hào kiệt chính là diễn viên còn mảnh đất Trung Nguyên kia chính là một sân khấu lớn vậy.

Lưu Bị, Tào Tháo lần đầu trình làng

Như trên đã nói, ngay ở hồi đầu tiên, 2 trong số 3 nhân vật chia ba thiên hạ đã xuất hiện và được giới thiệu tỉ mỉ. Hãy xem La Quán Trung mô tả họ ra sao. Lưu Bị vốn người Trác quận, là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, là người:

"Không thích đọc sách mấy, tính ôn hoà, ít nói, mừng giận không hề lộ ra mặt, vốn có chí lớn, chỉ thích kết giao với những tay hào kiệt trong thiên hạ. Kể dáng người thì mình cao bảy thước rưỡi, hai tai chảy xuống gần vai, hai tay buông khỏi đầu gối, mắt trông thấy được tai, mặt đẹp như ngọc, môi đỏ như son".

Chỉ mấy dòng ấy đã nói lên khá đầy đủ về con người Lưu Bị. Đó là mẫu người trầm tĩnh, nhân hậu, có chí lớn, nghĩa khí, cũng là một kỳ nhân, tướng mạo phi phàm, có khí chất đế vương (tai dài, tay dài, mặt đẹp, môi son). Không thấy mô tả nào về võ công của Lưu Bị nhưng chắc cũng chỉ thuộc dạng tầm thường, bất quá chỉ biết múa kiếm, phi ngựa.

Thế mà chỉ mới giáp mặt lần đầu, cả Trương Phi và Quan Vũ anh hùng cái thế đã phải kính nể mấy phần, nguyện đứng dưới trướng làm thân khuyển mã. Ấy gọi là người quân tử thu phục lòng người bằng đức độ, nghĩa khí vậy.

Vậy còn Tào Tháo? Người ấy xuất hiện rất bất thần, khác hẳn Lưu Bị. Lúc ấy, hai tướng Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn dùng kế hoả công phá quân Khăn Vàng. Quân giặc tháo chạy, Trương Lương, Trương Bảo dẫn tàn quân cướp đường mà chạy thì gặp ngay Tào Tháo mang quân mã ra chặn đánh.

Tào Tháo "mình cao bảy thước, mắt nhỏ râu dài", vốn dòng danh môn thế phiệt, đương chức kỵ đô uý. Xuất thân của người này không hề tầm thường, là con của Tào Tung quan Đại tư nông trong triều.

Tào Tháo vốn họ Hạ Hầu, sau đổi sang họ Tào, theo họ của Tào Đằng (ông nội nuôi). Tào Đằng vốn là một hoạn quan có thế lực trong triều nên việc Tào Tháo thăng tiến nhanh cũng là dễ hiểu.

Có một điểm đặc biệt trong văn phong "Tam Quốc diễn nghĩa" là khi một nhân vật anh hùng xuất hiện, bất kể diễn biến câu chuyện đang ra sao, La Quán Trung cũng dừng ngay mạch truyện lại để say sưa kể về người đó.

Ở hồi này, Lưu Bị và Tào Tháo đều được miêu tả như thế. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, La Quán Trung đã kể mấy câu chuyện về họ Tào. Kể rằng, khi còn trẻ, Tháo chỉ thích chơi bời, săn bắn, lại có cơ trí, ứng biến. Người chú thấy Tào Tháo ham chơi, lêu lổng liền mách cha Tháo là Tào Tung. Một hôm, Tháo giả trúng gió lăn ra đất, người chú sợ hãi chạy đến báo cho Tào Tung.

Khi Tung tìm đến lại thấy Tháo vẫn nói cười bình thường. Tháo nói mình không có bệnh tật gì, chẳng qua chú ghét mình nên bịa đặt ra như vậy. Từ đó khi người chú đến mách tội, Tào Tung không tin lời nữa.

Kể rằng, Tháo đến gặp Hứa Thiệu nhờ xem tướng. Hứa Thiệu chỉ nói: "Anh là năng thần của đời trị và gian hùng của thời loạn". Lại kể rằng, khi làm đô uý ở Lạc Dương, Tháo treo roi ngũ sắc ở cửa có ý răn đe nhưng kẻ làm loạn kỷ cương, ai phạm lỗi cũng không lượng tình, không chút nể nang. Ngay cả chú của quan Trung thị Kiển Thạc (vốn là một hoạn quan khét tiếng trong triều) vác dao đi đêm cũng bị Tào Tháo nọc ra đánh.

So với Lưu Bị, Tào Tháo rõ ràng có xuất phát điểm tốt hơn. Lưu Bị chỉ là anh bán giày cỏ, kết nghĩa cùng Quan, Trương, mộ được vài trăm tráng binh. Trong khi đó Tào Tháo đã làm đủ chức quan, kinh nghiệm đầy mình, thống lĩnh 5 nghìn kỵ mã đánh dẹp quân Khăn Vàng.

Vừa có quyền, có thế, lại có binh mã trong tay, chẳng có gì lạ khi con đường hoạn lộ sau này của Tào Tháo cứ thế thăng tiến, ngược hẳn với Lưu Bị vẫn còn lắm nỗi gian nan, tròng trành. Ấy thế mà sau này, Lưu - Tào hai nhà lại có thể cùng nhau chia thiên hạ, thực là một bất ngờ lớn nữa cho độc giả câu chuyện vậy.

Viên Minh

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Luận đàm Tam Quốc (Kỳ 4): Lưu Bị, Tào Tháo lần đầu trình làng ra sao?