Ông là quân vương khai quốc, còn là nhà tiên tri, cao thủ thần toán, vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio - “Mã tiền khóa” của Gia Cát Lượng tổng cộng có 14 quẻ bói, nói về những đại sự của thiên hạ các đời sau như triều đại hưng vong, thay đổi. Nhưng phương pháp dự đoán trong “Mã tiền khóa” của Gia Cát Lượng là do người này khai sáng ra.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Gia Cát Lượng là một thừa tướng kiệt xuất nổi tiếng thiên cổ, ông còn là một cao thủ dự đoán hàng đầu. “Mã tiền khóa” mà ông lưu lại cho hậu thế được coi là 1 trong 10 đại dự ngôn của Trung Quốc cổ đại.

Tương truyền, Gia Cát Lượng trước mỗi lần xuất quân đều bói một quẻ trước chiến mã, để dự đoán cuộc chiến thắng hay bại, được hay mất. Sau này Gia Cát Lượng còn dự đoán những đại sự trong thiên hạ, rồi chép lại thành sách, đặt tên là “Mã tiền khóa”. Người sáng tạo ra phương pháp dự đoán mà Gia Cát Lượng sử dùng này chính là Chu Văn Vương Cơ Xương - ông tổ của văn hóa Nho gia.

Văn Vương bị giam cầm, và đã diễn giải Chu Dịch

Thương Trụ Vương nghe theo lời gièm pha, nên đã bắt giam Tây Bá Hầu Chu Văn Vương Cơ Xương giam ở Dữu Lý, tức Thang Âm, Hà Nam ngày nay. Hôm đó, Cơ Xương nhàn rỗi, ôm đàn giải sầu, bỗng nhiên nghe thấy tiếng ‘sát’ hiếm có trong tiếng đàn. Ông bất giác kinh sợ thất sắc, vội vàng lấy ra 3 đồng tiền, lắc trong tay và tung 6 lần để bói một quẻ. Cơ Xương xem quẻ tượng, không nén nổi nước mắt tuôn rơi.

Thì ra thông qua quẻ tượng, Chu Văn Vương đã dự đoán được con trai trưởng của ông là Bá Ấp Khảo đã bị Trụ Vương sát hại, rồi nấu canh đem cho ông. Sự việc sau đó chính xác như vậy.

Một người cha, nếu phải nuốt xương thịt của con trai mình thì khác nào bị vạn mũi tên xuyên tim, lòng như dao cắt.

Làm sao Chu Văn Vương dự đoán được?

Theo ghi chép của Tư Mã Thiên, “Văn Vương bị giam giữ và diễn giải Chu Dịch”.

Chu Văn Vương trong thời gian bị giam cầm ở Dữu Lý, đã tổ hợp lại Tiên thiên Bát quái của Phục Hy, suy diễn thành 64 quẻ, gọi là Hậu thiên Bát quái. Mỗi quẻ có 6 hào, tổng cộng 384 hào, trong đó hàm chứa sự kỳ diệu của sự vận hành hoạch độ chu thiên, đối ứng với huyền cơ biến hóa sinh diệt âm dương của vạn sự vạn vật, người đời sau gọi là Chu Dịch.

Hậu thiên Bát quái. (Wikipedia/ 3.0)

Chu Văn Vương còn phát minh ra phương pháp dùng đồng tiền để gieo quẻ, phương pháp này đơn giản dễ thực hiện, được lưu truyền rộng rãi các đời sau, được gọi là “Kim tiền quái”, hoặc “Kim tiền khóa”. Chữ “Khóa” ở đây có nghĩa là gieo quẻ, tức là người xem bói lắc và tung đồng tiền, dựa vào mặt chính hay mặt phụ của đồng tiền để có được âm hay dương. Gieo quẻ 6 lần ứng với 6 hào, hợp thành một quẻ để xem hung cát.

Chu Văn Vương là ông tổ của môn gieo quẻ đồng tiền, ông còn là một siêu cao thủ hàng đầu trong việc gieo quẻ đồng tiền.

Có tai họa nhưng không đến mức phải chết

Khi còn ở đất phong Tây Kỳ, một hôm Cơ Xương đang nghiên cứu Tiên thiên Bát quái của Phục Hy, bỗng nhiên có quân sĩ đến báo Trụ Vương sai sứ giả đem chiếu thư tới. Cơ Xương vội vàng tiếp kiến. Chiếu thư truyền lệnh Tây Bá Hầu Cơ Xương đến Triều Ca yết kiến Trụ Vương.

Cơ Xương triệu tập quần thần thương nghị đối sách, quần thần đều cho rằng Trụ Vương hôn quân bạo ngược, lần này đi ắt sẽ lành ít dữ nhiều, vẫn cứ không đi là hơn. Đúng lúc này, mẫu thân của Cơ Xương đến và nói: “Con trai chớ lo lắng. Đợi mẫu thân diễn giải Tiên thiên Bát quái của vua Phục Hy cho con, dự đoán hung cát, sau đó bàn luận vẫn chưa muộn”.

Cơ Xương vội vàng quỳ xuống nói: “Hôm nay thiên tử đưa chiếu đến, vừa rồi con đã diễn giải số tiên thiên trong lòng rồi, thấy bên trong có điềm chẳng lành, con sẽ bị tai họa 7 năm, nhưng không đến nỗi mất mạng. Những việc nội sự ngoại sự ở đây, đều phó thác các đại thần văn võ xử lý. Chính sự quốc gia thì giao phó cho thế tử Bá Ấp Khảo. Sáng mai con sẽ vào cung từ biệt mẫu thân rồi lên đường đi Triều Ca”.

Sau khi suy diễn Bát quái, Thái Khương, mẫu thân của Cơ Xương, nói: “Con trai nói rất đúng, tai họa không đến nỗi mất mạng, con hãy yên tâm đi đi”.

Do đó có thể thấy, thần toán của Chu Văn Vương có nguồn gốc sâu xa từ gia đình. Mẫu thân của ông tinh thông thuật này, bà cũng tính ra giống như con trai là, chuyến đi này có tai họa nhưng không đến nỗi bị chết, cuối cùng lại có thể tai họa tiêu tan phúc lành tìm đến. Kết quả đúng như họ đã dự đoán.

Chu Văn Vương trải qua tai họa bị giam cầm ở Dữu Lý 7 năm, cuối cùng đã xua tan nghi kỵ của Trụ Vương, được Trụ Vương tín nhiệm, đặt nền móng vững chắc cho sự quật khởi của nhà Tây Chu sau này.

Chu Văn Vương trải qua tai họa bị giam cầm ở Dữu Lý 7 năm. (Ảnh baidu)

Trụ Vương vận nước không dài

Sau khi Tây Bá Hầu Cơ Xương đến Triều Ca, Trụ Vương lệnh cho 2 gian thần là Phí Trọng và Vưu Hồn bày tiệc rượu để thăm dò khẩu khí của Cơ Xương. Rượu được 3 tuần, món ăn đã ăn ngũ vị, 2 tên giặc già thừa lúc ngà ngà say bẫy Văn Vương. Họ yêu cầu Chu Văn Vương diễn toán xem khí số của Thương Trụ Vương thế nào.

Đây rõ ràng là cái hố để lừa Văn Vương nhảy xuống. Nhưng Chu Văn Vương lại không biết, vẫn trịnh trọng gieo quẻ suy diễn Tiên thiên Bát quái, phát hiện ra khí số của Thương Trụ Vương không lâu nữa sẽ hết.

Có lẽ Văn Vương lúc đó cũng đã uống nhiều, đã quên rằng “Thiên cơ bất khả lộ”, nhất là không được tiết lộ cho tiểu nhân. Chu Văn Vương chính trực, lại đem lời thật nói hết ra: “Quẻ tượng này khí số ảm đạm, e rằng đại vương chỉ truyền đến đây là hết, không có kết cục tốt… Nhưng trong 28 năm, ngày Giáp Tý năm Giáp Ngọ là hết”.

Quả nhiên năm Giáp Ngọ 28 năm sau, con trai của Chu Văn Vương là Chu Võ Vương khởi binh phạt Trụ, trong trận chiến Mục Dã, nhất chiến định càn khôn, tấn công Triều Ca, triều Thương diệt vong. Ngày đó đúng là ngày Giáp Tý. Những chuyện này đều là những sự việc xảy ra về sau, đều nghiệm chứng những dự đoán chính xác của Chu Văn Vương.

Kẻ ác bị ác báo

Phí Trọng, Vưu Hồn đã có được những lời này của Chu Văn Vương thì trong tâm ngầm vui mừng, nhưng hai tên quỷ già này lại không nén nổi tò mò trong tâm, cũng muốn Chu Văn Vương xem giúp họ có quan vận hanh thông, tiền tài như nước hay không. Phí Trọng xun xoe cười và hỏi Văn Vương: “Chúng tôi bất tài, muốn xin hiền hầu tính xem giúp vận mệnh cả đời hai chúng thôi như thế nào?”

Chu Văn Vương vốn là hiền nhân quân tử, sẽ không lấy lòng mua vui, nhưng lúc này ông lại lập tức đồng ý và gieo quẻ. Vừa nhìn quẻ, trong tâm ông bỗng căng thẳng, ông trầm ngâm rất lâu rồi mới nói: “Quẻ này thật là lạ, trước nay chưa từng gặp”.

Hai người Phí, Vưu nghe vậy thì cười ha hả, trong lòng thầm nghĩ, hai chúng ta được Trụ Vương rất sủng ái, phú quý vô biên, có gì là lạ đâu. Thế là họ hỏi: “Hai chúng tôi bất tài, quẻ số có gì kỳ lạ?”

Văn Vương trả lời: “Con người sống chết đều có định số, hoặc trọng bệnh, hoặc trăm bệnh, hoặc chịu ngũ hình, hoặc tai họa thủy hỏa, ngoặc ngã, đều là những sự việc thường thấy quen thuộc rồi. Nhưng hai vị đại phu lại chết rất kỳ quái”.

Hai người Phí, Vưu cười và hỏi: “Rốt cuộc là gì, rốt cuộc chết như thế nào?”

Văn Vương cũng cười và trả lời: “Không biết vì sao, hai vị đại phu toàn thân là băng tuyết, bị chết cóng trong băng, đứt khí mà chết”.

Phí Trọng, Vưu Hồn nghe nói mình bị băng tuyết lạnh mà chết, thì đều cảm thấy là chuyện trời ơi, quá vô lý, hoàn toàn không để tâm.

Sau này, hai người Phí Trọng, Vưu Hồn theo đại tướng quân Lỗ Hùng chinh phạt Tây Kỳ, bị Khương Tử Nha làm thuật băng tuyết đổ xuống Tây Kỳ, khiến họ bị đóng băng trong tuyết, đã ứng nghiệm với quẻ tượng của Chu Văn Vương.

Thái miếu Triều Ca bị hỏa thiêu

Hai kẻ tiểu nhân Phí Trọng, Vưu Hồn báo cáo với Trụ Vương, nói Văn Vương biết thuật toán quái xem bói, nhưng dường như cũng có những cái tính không chuẩn. Hai người lại bày trò cho Trụ Vương, để Trụ Vương ngày mai trực tiếp thử Văn Vương, nếu tính toán không chuẩn thì sẽ dùng tội khi quân mà giết ông ta.

Trụ Vương. (Tranh zhengjian)

Hôm sau, Trụ Vương triệu kiến Chu Văn Vương, và nói: “Quả nhân nghe nói Tây Bá Hầu giỏi toán quái, khanh hãy tính cho quả nhân xem, trong 1, 2 ngày tới trong thành Triều Ca có xảy ra chuyện gì?”

Văn Vương đâu dám từ chối, trong tâm lặng lẽ suy diễn ra được một quẻ, bèn bẩm báo với Trụ Vương: “Ngày mai vào giờ Ngọ, Thái miếu bị cháy”.

Trụ Vương nghe vậy thì thất kinh: “Cái gì? Thái miếu cháy? Khanh nguyền rủa quả nhân ư?”

Trụ Vương trong lòng rất không vui, thầm nghĩ, ngày mai Thái miếu nếu không bị cháy, ắt sẽ trảm Văn Vương vì tội khi quân.

Để đảm bảo chắc chắn không có người cố ý phóng hỏa, Trụ Vương lập tức sai người giam Văn Vương vào nhà ngục, không được tự do hành động. Trụ Vương còn lệnh không được đốt lửa thắp hương trong Thái miếu trong 2 ngày. Những nhà quan, dân xung quanh Thái miếu cũng không được nổi lửa nấu cơm trong 2 ngày. Ông ta nghĩ, mình cũng không thắp lửa nữa, xem rốt cuộc Thái miếu có lửa ở đâu mà cháy được.

Sáng sớm hôm sau, Trụ Vương dẫn quần thần cùng ngồi trong cung điện chờ đợi giờ Ngọ đế. Thời gian từng phút từng giây qua đi. Cuối cùng cũng chờ đến mặt trời giữa đỉnh đầu, tiếng chuông báo giờ vang lên. Viên quan âm dương lớn tiếng bẩm báo: “Bẩm đại vương, bây giờ đã đến giờ Ngọ rồi”.

Trụ Vương và bá quan nhìn xem, cũng không thấy Thái miếu bốc lửa. Trụ Vương đang định ra lệnh: “Tây Bá Hầu to gan, dám đùa giỡn quân vương, phạm tội khi quân, giờ Ngọ 3 khắc khai đao xử trảm”, thì nghe thấy giữa trời có tiếng sét lớn.

Quả đúng là tiếng sét giữa trời quang, non sông chấn động. Trụ Vương bất giác kinh sợ. Lúc này, viên quan âm dương vội vàng chạy đến bẩm báo: “Bẩm đại vương, Thái miếu bị cháy rồi”.

Ai cũng không thể ngờ rằng, ông Trời lại phóng hỏa đốt cháy Thái miếu trong thành Triều Ca. Sự cảnh cáo của Thượng Thiên như thế này nhưng cũng không khiến Trụ Vương đang đi trên con đường hắc đạo quay đầu trở lại.

Nhẫn nhục ăn canh thịt

Trụ Vương đích thân nhìn thấy sự thần cơ diệu toán của Chu Văn Vương, cảm thấy Văn Vương quả là bậc chư hầu hiền đức có tài năng, trong lòng lại càng lo lắng một ngày nào đó, Tây Bá Hầu sẽ đoạt giang sơn của mình. Thế là Trụ Vương dự tính kiếm cớ giết Văn Vương.

Lúc này, hai kẻ tiểu nhân Phí Trọng, Vưu Hồn quan sát thấy sát khí của Trụ Vương, vội vàng tiến đến bày tỏ lòng trung thành: “Bẩm đại vương, lúc này chưa thể giết Tây Bá Hầu được. Giết đi sẽ để lại tiếng xấu là đại vương hãm hại người hiền. Chi bằng giam lỏng ông ta trong thành Dữu Lý, lấy danh nghĩa để ông ta trị lý Dữu Lý, thực tế là cầm tù, khiến ông ta không thể trở về đất phong Tây Kỳ, không thể làm mưa làm gió được. Đây chẳng phải là kế vẹn toàn đó sao?”.

Trụ Vương nghe xong thì lòng như mở cờ, liên tiếp gật đầu, rồi lập tức sai Chu Vương đến Dữu Lý.

Thời gian thấm thoắt, thoáng chốc đã 7 năm trôi qua, Văn Vương đã trị sửa thành Dữu Lý nề nếp đâu ra đó, bách tính an cư lạc nghiệp, có thể nói là trên đường không nhặt của rơi, đêm ngủ không đóng cửa, đâu đâu cũng là cảnh tượng thái bình thịnh thế.

Chu Văn Vương. (Miền công cộng)

Trong năm đó, con trai cả của Chu Văn Vương là Bá Ấp Khảo ngày ngày đều khổ tâm nhớ đến phụ thân. Một ngày nọ, cuối cùng không nén nổi, Bá Ấp Khảo bất chấp hiểm nguy, đến Triều Ca tìm phụ thân. Đáng tiếc là Bá Ấp Khảo không những không tìm được phụ thân mà còn bị Đát Kỷ hãm hại chết.

Để thử Văn Vương, Trụ Vương còn lấy thịt của Bá Ấp Khảo làm thành món canh thịt rồi sai người đem tặng Chu Văn Vương. Nếu Chu Văn Vương không ăn bát canh thịt này, thì có nghĩa Văn Vương quả thực có tài thần cơ diệu toán, có thể tính toán ra được là thịt của con trai, thế thì thừa cơ giết chết Văn Vương, nhổ cỏ tận gốc, để trừ hậu hoạn.

Đây chính là cảnh tượng đã nói ở phần mở đầu. Văn Vương nuốt nước mắt, nhẫn nhục ăn bát canh thịt này.

Lẽ nào Chu Văn Vương tham sống sợ chết? Không phải, giống như sau này Hàn Tín chịu nhục chui háng, Tần Quỳnh bán ngựa, vẽ bánh cho đỡ đói, đó đều là sự thể hiện của tâm đại nhẫn trong cảnh khốn cùng bất lực.

Trụ Vương sao có thể hiểu được điều này, không nén nổi phá lên cười ha hả: “Thánh nhân không ăn thịt con! Tây Bá Hầu này chẳng qua chỉ là thế này mà thôi, làm gì có tài thần cơ diệu toán, chẳng qua là phép che mắt của những kẻ phàm phu tục tử mà thôi”.

Thế là Trụ Vương thả Chu Văn Vương ra, còn gia phong cho ông là Hiền lương Trung hiếu Bách công chi trưởng, kiểm soát các lộ chư hầu, chuyên trách chinh phạt. Ngoài ra còn mỗi tháng tăng lộc cho Văn Vương thêm 1000 thạch gạo, ban cho chiếc rìu vàng cờ mao trắng, trấn giữ Tây Kỳ.

Văn Vương đại nạn nhẫn chịu qua, sau đó những hảo sự liên tiếp nối nhau đến. Chu Văn Vương trở về Tây Kỳ, giống như mãnh hổ về rừng, thương long nhập hải. Văn Vương gặp bậc kỳ tài Khương Tử Nha bên bờ sông Vị Thủy, và bái Khương Tử Nha là Thượng Phụ, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp hưng Chu diệt Thương.

Theo Vườn văn sử

Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông là quân vương khai quốc, còn là nhà tiên tri, cao thủ thần toán, vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay