Thế giới tốt đẹp của người quân tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người quân tử là cố định chăng? Kẻ tiểu nhân là cố định chăng? Quân tử, tiểu nhân cũng chỉ là việc trong một niệm mà thôi. Một niệm tranh lợi, tự tư thì có thể nói là quân tử được chăng? Còn một niệm lợi cho người khác, người trước mình sau thì có thể gọi là tiểu nhân được chăng?...

Thế giới tốt đẹp của người quân tử

Khổng Tử nói: "Người quân tử hòa hợp mà không hòa đồng, tiểu nhân hòa đồng mà không hòa hợp".

Nguyên văn: Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa - Luận ngữ - Tử Lộ thiên

Khổng Tử nói cách ứng xử của người quân tử và kẻ tiểu nhân với mọi người có chỗ khác nhau. Người quân tử kết giao với người quân tử, bất kể là về tính cách, ý kiến, cách làm có những chỗ khác nhau, nhưng truy cầu về đạo nghĩa thì đều giống nhau, do đó họ sẽ hòa hợp, hài hòa với nhau. Khi giao tiếp với mọi người thì người quân tử cầu nghĩa mà để lợi cho người khác, người dân đều ngưỡng mộ nghĩa mà hướng đến lợi ích. Người quân tử và mọi người (dân thường) ngược nhau mà lại vừa vặn tương hợp, ai nấy đắc được cái mình mong muốn. Do đó người quân tử với người khác đều là hòa hợp, hài hòa.

Kẻ tiểu nhân vui thích đắc lợi. Tiểu nhân kết giao với tiểu nhân, mục đích giống nhau là cầu lợi, nhưng lợi ích thì hữu hạn. Người cầu nghĩa thì chuộng nhường nhịn, người cầu lợi thì chuộng tranh giành. Hai tiểu nhân tranh lợi thì sao có thể hòa hợp, hài hòa được? Một nhóm tiểu nhân ở với nhau thì ắt sẽ vì lợi mà tụ hội, cũng ắt sẽ vì lợi mà tranh giành, do đó không thể nào hòa hợp được, thế nên sẽ phân tán.

Người quân tử là cố định chăng? Kẻ tiểu nhân là cố định chăng? Người xưa có cách nhìn của người xưa. Chúng ta là người ngày nay, có cách nhìn ngày nay. Quân tử, tiểu nhân cũng chỉ là việc trong một niệm mà thôi. Một niệm tranh lợi, tự tư thì có thể nói là quân tử được không? Còn một niệm lợi cho người khác, người trước mình sau thì có thể gọi là tiểu nhân được không?

Con người với con người, với tự nhiên, với vạn vật đều hài hòa, hòa thuận, nhưng lại do khác nhau mà trở nên phong phú đa dạng. Đó chẳng phải là thái bình thịnh thế mà người người đều mong mỏi hay sao?

đồng lúa
Con người với con người, với tự nhiên, với vạn vật đều hài hòa, hòa thuận. (Ảnh minh hoạ)

Cái xấu xa của tiểu nhân kết bè đảng mưu tư lợi

Khổng Tử nói: "Người quân tử đoàn kết chứ không câu kết, kẻ tiểu nhân câu kết chứ không đoàn kết"

Nguyên văn: Quân tử chu nhi bất tị, tiểu nhân tị nhi bất chu - "Luận ngữ - Vi chính thiên"

Khổng Tử nhìn từ sự kết hợp khác nhau nói ra sự khác nhau giữa quân tử và tiểu nhân. Tiểu nhân kết hợp với nhau vì cùng lợi ích, khi lợi ích mất thì ắt sẽ tan. Người quân tử kết hợp với nhau vì nghĩa, khi không có lợi ích thì càng thể hiện ra sự kết hợp bền chắc.

Thời cổ đại có câu chuyện Lâm Hồi bỏ ngọc. Khi gặp hoạn nạn, Lâm Hồi vứt bỏ ngọc bích trị giá ngàn vàng, cõng con nhỏ chạy nạn. Có người không hiểu hỏi nguyên nhân. Lâm Hồi nói: "Con cái là cốt nhục sinh ra, sự kết hợp của cha con là kết hợp của nghĩa, xuất phát từ thiên tính, lúc càng quẫn bách thì càng thân thiết. Còn tôi và ngọc là sự kết hợp của lợi, lúc nguy nan thì tất nhiên là vứt bỏ.

Trong cuộc sống hiện thực, chúng ta thấy có rất nhiều nhóm cướp và nhóm lợi ích tham ô, hối lộ, sau khi vụ án bị phát giác thì thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi lẫn nhau, đủ trò kệch cỡm, tìm không ra một tý "hào khí" nào, cũng không còn câu "có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu" như lúc đắc ý nữa.

Liên tưởng đến những bức hình chụp ảnh nước kết tinh (Sách Bí mật của nước của tiến sỹ Masaru Emoto), những kết tinh của tinh thể nước hình lục lăng rất đẹp liên quan đến những chữ như "Thiện lương", "Thiên sứ", "Chúc phúc"... quả khiến người xem cảm động. Nếu như trong xã hội ai ai cũng coi trọng đạo đức, làm người quân tử, thì bất kể kết hợp với nhau như thế nào cũng đều là sự hài hòa tốt đẹp.

Nỗi lo của người quân tử

Khổng Tử nói: "Đức mà không tu, học mà không giảng, nghe việc nghĩa mà không theo, bất thiện mà không thay đổi thì đó là nỗi lo của ta".

Nguyên văn: Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng đồ, bất thiện bất năng cải, thi ngô ưu dã - "Luận ngữ - Thuật nhi thiên".

Từ 4 nỗi lo của Khổng Tử, chúng ta có thể nhìn ra Khổng Tử vô cùng coi trọng sự thống nhất giữa tri thức, hiểu biết và hành động, thực hành, tức là biết thì phải làm được. Đức hạnh, học vấn, đạo lý tốt đẹp, và khuyết điểm, sai lầm của mình, không phải bản thân chúng ta không biết, mà thường là biết rồi thôi, biết để đấy. Như thế biết mà không làm, hoặc không làm được thì có khác gì không biết đâu?

Người quân tử và kẻ tiểu nhân
Người quân tử. (Ảnh: Secretchina)

Khổng Tử sở dĩ trở thành Thánh nhân phải chăng vì nỗi lo của ông cũng khác biệt người thường? Nó sâu sắc và đầy viễn kiến. Người bình thường bận rộn với chuyện thế tục, có biết đạo lý hay không, có biết bản thân còn khiếm khuyết hay không, hoặc là không muốn biết, hoặc không thể biết, hoặc biết mà cũng chẳng bận tâm, thậm chí còn dương dương tự đắc cho rằng "mình hiểu biết". Còn Thánh nhân thì nhấn mạnh thực sự "chân chính" làm được "tu, giảng, đồ, cải" (tu dưỡng, giảng thuật, tuân theo, thay đổi). Người có thể kiên trì bền bỉ như thế này thì nhất định sẽ thành công.

Không mất người cũng không lỡ lời

Khổng Tử nói: "Có thể nói với người ta mà không nói thì mất người. Không thể nói với người ta mà lại nói là lỡ lời. Người trí tuệ không mất người, cũng không lỡ lời"

Nguyên văn: Khả dữ ngôn nhi bất dữ chi ngôn, thất nhân. Bất khả dữ ngôn nhi dĩ chi ngôn, thất ngôn. Trí giả bất thất nhân, diệc bất thất ngôn - "Luận ngữ - thiên Vệ Linh Công".

Là thầy cô, cha mẹ, người bề trên, cấp trên thì đều có trách nhiệm giáo dục. Khổng Tử cho mọi người thấy cách làm người trí tuệ, đó là người khéo giáo dục người khác. Khi đáng nói thì nhất định phải nói, không được bỏ lỡ cơ hội giáo dục tốt nhất. Lỡ lời có thể có hai loại: Nói sớm quá, hoặc nói cao quá, và nói muộn quá, hoặc nói thấp quá. Ví dụ đối với trẻ ở mầm non mà dạy tri thức tiểu học, học sinh trung học mà lại phổ cập giáo trình đại học thì đó chính là "lỡ lời". Trái lại, về việc giáo dục đạo đức và hình thành thói quen tốt, khi trẻ còn bé nên giảng giải thì không nói, đến khi học đại học rồi, đã hình thành thói quen rồi muốn thay đổi thì rất khó, đó chính là "mất người".

Trung Hòa
Tác giả: Đồng Hân - zhengjian.org



BÀI CHỌN LỌC

Thế giới tốt đẹp của người quân tử