Trả lại sự thật cho lịch sử, chuyện về Pháp Hải thiền sư (P3): Trừ yêu diệt quái [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu không có Pháp Hải thiền sư, thì câu chuyện của Bạch Nương Tử và Hứa Tiên có thực là mối tình thiên cổ hay không? Nếu không có Pháp Hải, liệu Hứa Tiên sẽ có được hôn nhân viên mãn, hạnh phúc trọn đời? Và điều gì đã xảy ra với Hứa Tiên sau khi Pháp Hải trấn Bạch Xà dưới tháp Lôi Phong?

Xem: Trả lại sự thật cho lịch sử, chuyện về Pháp Hải thiền sư (P2): Tu luyện đắc Đạo

Phần 3: Trừ yêu diệt quái

Một ngày, Pháp Hải thiền sư nói với các đệ tử rằng ông muốn đến Hàng Châu một chuyến để giải quyết kỳ án năm xưa. Vốn là, thiền sư trong định biết rằng Bạch Xà không nghe lời khuyên giải của mình, vẫn ngày ngày hút não và máu tủy của người chết, dần dần tu xuất được hình người. Đêm đêm nó biến hóa mỹ nữ đi quyến rũ những nam tử đơn thân hoặc những thư sinh đọc sách một mình giữa đêm khuya.

Rất nhiều người đã bị xà tinh dùng mỹ sắc mê hoặc, sau đó bị hút tủy, trộm lấy khí tinh hoa, cuối cùng khi tinh huyết tiêu hao hết họ đều mất đi tính mệnh. Hôm nay con xà yêu lại đến Hàng Châu và dụ dỗ một nam tử trẻ tuổi tên là Hứa Tuyên (trong các tác phẩm đời sau, Hứa Tuyên bị đổi tên thành Hứa Tiên). Pháp Hải thiền sư nhìn thấy, liền quyết định đi trừ yêu cứu người.

Lại nói, Bạch Xà dù có chút tiểu năng tiểu thuật, có thể biến thành hình người, nhưng dẫu sao vẫn là oai ma tà đạo, không thể chống lại được dương khí, do đó nó chỉ có thể hành sự vào đêm. Bạch Xà đến gần Hàng Châu, nhìn thấy Hứa Tuyên ban ngày tới hiệu thuốc làm công, tối đến lại một mình trở về nơi ở, sống đơn thân không có gia đình. Nó thấy chàng Hứa Tuyên ấy dương khí đầy đủ, tinh huyết thịnh vượng nên rất vừa ý. Đến đêm, nó hóa thành mỹ nữ tới gõ cửa. Hứa Tuyên mở cửa nhìn thấy một cô gái có dung mạo xinh đẹp, trong tâm thấy kỳ lạ, bèn hỏi: “Nàng là ai, đến tìm ta có việc gì?”.

Bạch Xà thi lễ, đáp: “Thiếp là con gái nhà bên, tên gọi Tố Trinh. Vì ngưỡng mộ nhân phẩm tướng công, nên đặc biệt đến đây gặp gỡ. Thiếp tự tay đan chiếc chiếu nệm này, nguyện cùng chàng kết nghĩa phu thê”.

Hứa Tuyên chưa từng gặp tiểu thư nhà bên, nhưng vì rung động trước dung mạo xinh đẹp của nàng ta. (Ảnh: Tổng hợp)

Hứa Tuyên chưa từng gặp tiểu thư nhà bên, nhưng vì rung động trước dung mạo xinh đẹp của nàng ta, cậu vẫn mở cửa mời nàng vào nhà.

Từ đó, cô gái ấy ngày đi tối đến, đêm đêm giao hoan, lại dặn Hứa Tuyên rằng đừng tiết lộ chuyện này với ai. Cứ như thế liên tiếp nhiều ngày trôi qua, một buổi sáng sớm Hứa Tuyên đến hiệu thuốc làm công. Trên đường đi, cậu đột nhiên thấy trước mặt xuất hiện một vị thiền sư giống như từ trên trời giáng xuống, chỉ thấy ngài thân khoác cà sa, tay cầm thiền trượng, tóc bạc trắng, mặt hồng hào, hai mắt có thần khí, không nói mà phong độ uy nghiêm.

Vị thiền sư lập chưởng, nói: “Thí chủ, lão tăng xin hành lễ”.

Hứa Tuyên cuống quýt vội vàng hành lễ đáp lại, lại nghe lão hòa thượng kia hỏi rằng: “Thí chủ, mặt thí chủ đầy hắc khí, yêu nghiệt quanh thân, cái chết cận kề, lẽ nào thí chủ không biết sao?”.

Hứa Tuyên nghe xong, trong tâm hoài nghi, lắc đầu lia lịa đáp: “Tôi và pháp sư vốn không quen biết, chẳng rõ lời này từ đâu ra?”.

Thiền sư nói: “Hứa Tuyên, gần đây có một cô gái dung mạo mỹ miều, tự xưng là con gái nhà bên, thí chủ và cô ta hai người đêm đêm giao hoan, có chuyện ấy hay không?”.

Lần này Hứa Tuyên thót tim thầm nghĩ: “Pháp sư vì sao biết tên gọi của ta? Và vì sao biết chuyện của ta với tiểu thư nhà bên ấy?”.

Sau đó Hứa Tuyên hành lễ đáp lại: “Bẩm pháp sư, xác thực có chuyện như vậy. Chẳng hay vì sao pháp sư lại biết tên gọi của tại hạ?”.

Pháp sư nói: “Thí chủ có biết cô ta vốn là con xà yêu ngàn năm đã thành tinh, đi khắp nơi hại người, chuyên môn dẫn dụ những nam tử trẻ tuổi, thu hút tinh hoa cơ thể người, đã hại chết rất nhiều rất nhiều nam tử. Hiện tại nó đã tìm đến thí chủ rồi, thí chủ không cảm giác thấy hay sao?”.

Hứa Tuyên nhìn lại bản thân mình mà không khỏi cảm thấy ớn lạnh: Chao ôi, nói không chừng đúng thật là như vậy, nếu không vì sao ta lại thần hồn vô lực, chỉ vài ngày trôi qua mà ta đã thân thể suy nhược, hai chân yếu ớt, hoa mắt chóng mặt đến như vậy? Nghĩ vậy, Hứa Tuyên vô cùng sợ hãi, bèn thi lễ với pháp sư và nói: “Quả thực như vậy, cầu xin pháp sư cứu tiểu tử một mạng!”.

Pháp sư nói: “Lần này bần tăng đến đây chính là muốn trừ con yêu nghiệt ấy. Vốn dĩ con xà yêu đáng bị Trời trừng trị, sét sẽ tiêu diệt nó. Nhưng lão nạp có tâm muốn thí chủ minh bạch, cho nên mới hạ sơn một chuyến này. Hôm nay thí chủ hãy xem lão nạp xử trị con yêu nghiệt ấy”.

Pháp Hải trừ yêu

Sau khi quay trở lại nhà của Hứa Tuyên, Pháp Hải thiền sư lẩm nhẩm niệm kinh rồi hét lên một tiếng lớn: “Bạch Xà tinh, mau mau hiện hình!”.

Hứa Tuyên chợt thấy trước sân một trận cuồng phong nổi lên, “soạt” một tiếng, giữa không trung rơi xuống một hình người bé nhỏ. Hứa Tuyên nhận ra đó chính là cô gái mà đêm đêm cùng chàng giao hoan. Lại thấy vị thiền sư nâng chiếc bát trong tay, ném vào không trung, chiếc bát ấy phóng ra ánh sáng chói lòa như một chiếc lồng, chụp lấy cô gái kia.

Thiền sư hét lên: “Nghiệt súc! Mau mau hiện nguyên hình!”.

Cô gái ấy lăn vài vòng trong lồng ánh sáng rồi hiện nguyên hình, hóa thành một con rắn trắng dài khoảng ba thước. Thiền sư lại nói: “Nghiệt súc, hãy thành thật khai ra ngươi đã hại người như thế nào?”.

Cô gái ấy lăn vài vòng trong lồng ánh sáng rồi hiện nguyên hình, hóa thành một con rắn trắng dài khoảng ba thước. (Ảnh: Tổng hợp)

Ban đầu Bạch Xà khăng khăng không chịu nhận tội, thiền sư liền dùng ngón tay vạch một vạch, giữa không trung xuất hiện một khung cửa sổ giống như màn hình. Trên màn hình từng cảnh từng cảnh hiện ra cho thấy cả quá trình từ lúc Bạch Xà đắc linh khí thành tinh, sau đó đến phần mộ hút máu và tủy người chết, hình ảnh sống động ngay trước mắt như một thước phim quay chậm.

Bạch Xà nhìn thấy, không thể không nhận tội. Rằng nó chui vào hậu hoa viên của một nhà phú hộ nọ và quyến rũ thiếu gia công tử ra sao, hại công tử đến mức tinh tận huyết khô như thế nào. Mỗi khi Bạch Xà thuật lại một việc, trên màn hình lại hiển hiện trường cảnh lúc ấy vô cùng sống động. Cũng có lúc Bạch Xà tới một nhà kia, vừa định tiến nhập vào hậu hoa viên để dẫn dụ công tử nhà đó, thì bị thổ địa ngăn lại. Đó là một gia đình đại đức nên thổ địa không cho phép yêu nghiệt tiến vào hại người. Lại có lần Bạch Xà đi dẫn dụ một vị thư sinh nghèo nọ, nhưng chàng ta không động lòng, trong tâm đầy chính khí. Bạch Xà đã bị chính khí ấy ngăn lại, cuối cùng không thể động thủ được…

Hứa Tuyên đứng đó chứng kiến, toàn thân sững sờ choáng váng. Mãi cho đến cuối cùng, khi thấy cảnh hôm ấy bị xà tinh dụ dỗ, cậu vừa xấu hổ vừa ê chề, không dám ngước mắt lên nhìn thêm lần nữa.

Thiền sư mạnh mẽ nói: “Nghiệt súc, lần trước ở trên núi ta đã nói: ngươi tu hành ngàn năm nên mới tha tội chết cho, lại khuyên ngươi nên đi chính đạo. Vậy mà ngươi lại mặc sức làm càn, tự chọn cho mình con đường chết! Hôm nay ta không thể lại tha thứ cho ngươi được nữa”.

Sau đó, Pháp Hải thiền sư vận dụng thần thông, ép nhập thân xác Bạch Xà vào đáy Lôi Phong tháp, để người đời sau vĩnh viễn ghi nhớ bài học giáo huấn này. Trong chốc lát cuồng phong vần vũ, gió mưa nổi dậy trên mặt Tây Hồ. Pháp Hải thiền sư bèn đả nhập chủ nguyên thần của Bạch Xà vào địa ngục, để nó chịu đủ mọi khốc hình, bồi hoàn cho món nợ mạng trước kia. Đến lúc này gió mưa mới dừng hẳn, hết thảy đều khôi phục lại như cũ, giống như chưa từng phát sinh sự việc gì.

Lúc này chỉ còn lại Hứa Tuyên ngây người đứng thất thần ở đó, giống như vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng dài. Pháp Hải thiền sư đã trừ xong yêu nghiệt và chuẩn bị rời đi, trước khi đi ông căn dặn cậu rằng: “Phật Pháp vô biên, bần tăng có thể dùng sấm sét diệt trừ con nghiệt súc này. Hôm nay bần tăng đến đây là vì muốn thí chủ tỉnh ngộ, đồng thời cũng là để nhắc nhở thế nhân rằng không được bị yêu nghiệt mê hoặc. Người và yêu không thể tương thông, yêu quái chính là yêu quái, ma chính là ma, luôn muốn hại người. Tương lai còn dài, thí chủ nên tự thu xếp ổn thỏa cho mình”.

Lúc này Hứa Tuyên nắm lấy tay thiền sư, hai gối quỳ xuống và nói: “Pháp sư từ bi đã cứu tính mạng tiểu tử, chỉ cầu xin pháp sư cứu người thì cứu đến cùng. Hứa Tuyên nguyện theo ngài xuất gia tu hành, hy vọng sư phụ thành toàn cho, thu nhận đệ tử ngu dốt này. Ân đức của sư phụ, đệ tử sẽ không bao giờ quên!”.

Pháp sư bằng lòng ưng thuận, thu nhận Hứa Tuyên làm đồ đệ. Sau đó ông đã lưu lại cho thế nhân những lời này:

Phụng khuyến thế nhân hưu ái sắc, ái sắc chi nhân bị sắc mê
Tâm chính tự nhiên tà bất xâm, thân chính chẩm hữu ma lai khi?
Đa thiểu tai họa giai nhân sắc, mệnh táng ma thủ bị yêu thôn.

Tạm dịch:

Khuyên răn người đời đừng háo sắc, những người háo sắc bị sắc mê.
Tâm chính tự nhiên tà không nhiễu, thân ngay há có ác lại tìm?
Bao nhiêu tai họa vì nữ sắc, ma kia lấy mệnh quỷ gặm xương.

Sau đó Hứa Tuyên đến Kim Sơn tự xuống tóc làm tăng, tu hành nhiều năm, sau khi viên tịch tọa hóa mà đi.

Lời kết

Cảnh Pháp Hải trừ yêu, thập phương thế giới trong vũ trụ đều chăm chú dõi xem. Hai sư đồ Vô Tri đạo nhân và Trầm Hương vân du tứ hải, khi đi ngang qua đây, họ cũng được xem một màn mãn nhãn.

Vô Tri đạo nhân vuốt chòm râu dài thở dài một tiếng, nói với đệ tử Trầm Hương: “Ôi, thật đáng tiếc, đến người đời sau, thời Phật Pháp mạt thế, nhân tâm ma biến, nhân loại đạo đức bại hoại, không còn tín Thần, ngược lại phản Thần bài xích Thần. Lúc ấy, Pháp Hải sẽ bị ô danh, xà yêu ngược lại lại trở thành người tốt. Ôi, lúc ấy con người cũng đã nguy hiểm rồi!”.

Nói đến đây, hẳn quý độc giả cũng đã rõ: Thiền sư Pháp Hải chân thực trong lịch sử là một bậc cao tăng đắc Đạo, Pháp lực cao cường, hàng ma trừ yêu, vì dân trừ hại, là bậc cao nhân bảo vệ bách tính.

Nhưng điều đáng tiếc là, nhân loại đạo đức bại hoại, dẫn đến người và yêu ma điên đảo, thị phi lẫn lộn. Người tốt biến thành kẻ xấu, yêu ma đảo thành đối tượng được tôn sùng. Đến đầu thời nhà Thanh, trong hý khúc “Lôi Phong tháp truyền kỳ”, Bạch Xà tinh bắt đầu được miêu tả thành nhân vật chính diện, Hứa Tuyên đổi tên thành Hứa Tiên, còn Pháp Hải ngược lại bị mô tả thành nhân vật phản diện, thành kẻ phá hoại hôn nhân của Bạch Xà và Hứa Tuyên. Trong hý khúc còn xuất hiện các tình tiết hoàn toàn hư cấu như “trộm cỏ tiên”, “dâng nước ngập tràn Kim Sơn tự”, v.v.

Về sau này lại có những tác phẩm với hàm ý chê bai phỉ báng Pháp Hải, như “Nghĩa yêu truyện”, và “Bạch Xà bảo quyển”, làm cho thiện ác bất phân, thị phi điên đảo. Đến thời cận đại, Lỗ Tấn lại trào phúng châm biếm Pháp Hải cao tăng. Trong “Luận Lôi Phong tháp đích đảo điệu”, Lỗ Tấn viết: “Thử đến vùng núi vùng biển Ngô Việt, lắng nghe dân ý. Hết thảy những kẻ điền phu, bậc lão niên quê mùa, các bà nuôi tằm, dân miền thảo dã… ngoại trừ đầu não có chút vấn đề, thì có người không vì Bạch Nương Nương mà bất bình, lại chẳng trách Pháp Hải quá lắm điều sao?”. Hình tượng Pháp Hải đã bị người đời sau hữu ý hoặc vô ý bóp méo hoàn toàn rồi.

Ai cũng ao ước được tận hưởng ái tình lãng mạn, đó là nguyện vọng chính đáng của mỗi người. Nhưng cho dù say đắm đến đâu thì cũng không nên để bản thân bị mê hoặc vì sắc, điên đảo vì tình, đừng để yêu ma có cơ hội dùng mỹ sắc dẫn dụ hại người. Câu chuyện Pháp Hải trừ yêu nhắc nhở chúng ta rằng: Người và yêu ma là không thể lẫn lộn, thị phi không thể đảo điên, nếu không người cuối cùng bị hại vẫn là bản thân mình…

Minh Hạnh
Theo Đông Phương và Tuyết Lỵ - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Trả lại sự thật cho lịch sử, chuyện về Pháp Hải thiền sư (P3): Trừ yêu diệt quái [Radio]