Truyền thuyết giếng rượu – câu chuyện cảnh tỉnh về lòng tham

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vị Đạo nhân lấy ra Tiên dược biến giếng nước thành giếng rượu để cảm tạ chủ quán. Chủ quán nhờ đó phát lộc phát tài, trở thành đại phú hào trong vùng. Nhưng sau đó, chỉ vì nổi tham tâm mà hết thảy phúc phận bỗng tan biến thành mây.  

“Hồng Lâu Mộng” hồi thứ nhất kể rằng, một ngày trong tâm trạng chán nản, Chân Sĩ Ẩn chống gậy ra phố chơi cho khuây khỏa. Bỗng ông thấy có một vị Đạo nhân rất thần bí, đôi chân khập khiễng đang tiến về phía mình.

Vị đạo nhân vừa tập tễnh đi vừa hát:

Người đời đều cho Thần Tiên hay,
Mà chuyện công danh lại vẫn say!
Xưa nay tướng soái nơi nào nhỉ,
Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!

Người đời đều cho Thần Tiên hay.
Những hám vàng bạc lòng không khuây!
Suốt ngày những mong chứa cho đầy,
Đến lúc đầy rồi nhắm mắt ngay!

Người đời đều cho Thần Tiên hay!
Nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây!
Lúc sống ái ân kể suốt ngày,
Lúc chết liền bỏ theo người ngay!

Người đời đều cho Thần Tiên hay!
Muốn đông con cháu lòng không khuây!
Xưa nay cha mẹ thực khờ thay,
Con hiền cháu thảo ai thấy đây!

Trên đây là bài thơ trứ danh “Hảo liễu ca”. Lời thơ giản dị, ngôn từ thẳng thắn bộc trực, qua đó gửi gắm những đạo lý nhân sinh. Ca rằng, những vị tướng lĩnh lừng lẫy trong lịch sử, cả một đời cầu công danh quyền thế, nhưng đến cuối cùng thì còn lại gì đây? Chỉ còn lại một nấm mồ hoang cỏ mọc đầy! Thế nhân suốt đời lao lực bôn ba, đua chen giành giật, đến cuối cùng vì tiền mà mất mạng, vì tài mà mệnh vong, tiền bạc đầy nhà nhưng lại chẳng mang theo được thứ gì. Nam nhi say mê mỹ sắc, đắm đuối vì vợ đẹp con khôn, nhưng chết đi rồi thì cô vợ xinh đẹp kia lại phũ phàng bỏ đi theo kẻ khác. Cha mẹ bạc đầu hết lòng hy sinh vì con cháu, nhưng hãy nhìn khắp cõi thế gian, hỏi có bao nhiêu người con hiếu dưỡng phụ mẫu đến cuối đời?

Suy cho cùng, nhân sinh tại thế, tham lam quá nhiều mà làm chi, so đo quá nhiều mà làm gì? Công danh lợi lộc rốt cuộc vẫn chỉ là vật ngoại thân, cho dù đắc được bao nhiêu thì khi hết mệnh lìa đời, hết thảy những thứ mà ta khổ nhọc truy cầu đều không mang theo được.

Chân Sĩ Ẩn rất có huệ căn, nghe xong “Hảo liễu ca” trong tâm đột nhiên bừng tỉnh ngộ. Ông bỏ lại sau lưng tất cả để đi theo Đạo nhân, từ đó vận mệnh của ông thay đổi, sinh mệnh cũng được thăng hoa.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, rất nhiều người có thiên tính thiện lương, họ có tâm cầu Đạo và tin vào chuyện Thần Tiên. Nhưng vì mê trong hồng trần, dù biết rõ là làm Thần Tiên tốt đẹp hơn làm người nhưng họ lại không buông bỏ được những tham niệm và trói buộc trong tâm. Cho dù thực sự gặp được cao nhân, Đạo sĩ, họ vẫn bị lòng tham xúi giục mà truy cầu những thứ bất chính, từ đó mất đi phúc phận và lòng thiện lương vốn có.

Vào thời nhà Minh, ở huyện Đồng Lư tỉnh Chiết Giang lưu truyền một truyền thuyết về “Tửu tỉnh” (giếng rượu). Câu chuyện được học giả Tiền Hy Ngôn ghi chép trong bộ sách “Quái Viên”, quyển thứ nhất.

Chuyện kể rằng, xưa có một vị Đạo nhân vân du tới Đồng Lư, mỗi lần tới đây ông đều bước vào một quán nhỏ và gọi rất nhiều rượu, hễ uống xong liền vội vã rời đi. Chủ quán thấy ông là người tu Đạo thì vô cùng cung kính tiếp đãi, hết lòng phục vụ, hơn nữa cũng không nhắc ông phải trả tiền.

Một ngày, Đạo nhân đến thăm chủ quán và nói lời từ biệt. Đạo nhân mở chiếc Ngư Cổ Đồng mà ông luôn đeo bên mình, lấy ra hai viên đan dược màu vàng, long lanh đẹp như mắt rồng, rồi ném thẳng vào trong giếng. Xong xuôi, Đạo nhân nói với chủ quán: “Bần đạo đã nhiều lần được ngài khoản đãi rượu ngon mà không có gì báo đáp, đến hôm nay mới có món quà nhỏ cảm tạ ngài. Viên đan này có thể biến nước thành rượu, ngày ngày đều có đủ rượu ngon phục vụ khách hàng, như thế từ nay ngài sẽ không cần phải khổ công nấu rượu nữa”. Dứt lời, vị Đạo nhân chắp tay từ tạ rồi rời đi.

Đạo nhân đến thăm chủ quán và nói lời từ biệt. (Trang: Shen Yun)

Qua một đêm, nước trong giếng bốc hơi nghi ngút, chủ quán múc ra nếm thử thấy có vị ngọt nồng tịnh khiết, quả đúng là mỹ tửu có một không hai trên đời. Mùi rượu thơm xông vào mũi khiến người ta mê say, vậy nên được dân chúng trong vùng gọi là “rượu Thần Tiên”.

Từ đó, chủ quán không cần phải nhọc sức chưng cất gạo để nấu rượu nữa, chỉ cần ngồi chơi mà vẫn có thể thu được món hời lớn. Nhờ có viên đan dược của Đạo nhân, chủ quán ngày càng làm ăn phát đạt, dần dà tích lũy được rất nhiều của cải. Sau 30 năm làm nghề kinh doanh rượu, ông ta đã trở thành đại phú hào nức tiếng trong vùng.

Nhiều năm đằng đẵng bặt vô âm tín, một ngày vị Đạo nhân bất ngờ đến huyện Đồng Lư thăm người chủ quán xưa kia.

Đạo nhân thong thả hỏi chủ quán: “Từ khi có giếng rượu này, gia đình ngài có còn gì vướng bận hay không?”.

Chủ quán đáp: “Cảm ơn trưởng lão, rượu rất ngon, ai ai cũng ưa chuộng. Có điều, chỉ có mỹ tửu mà lại không có bã rượu cho lợn ăn thì thật là tiếc lắm”.

Đạo nhân thở dài một tiếng rồi than rằng: “Nhân tâm băng hoại, lòng tham vô đáy chẳng lẽ đã đến mức này rồi sao?”.

Nói rồi, Đạo nhân duỗi cánh tay về phía giếng và lấy ra viên đan dược năm xưa. Điều kỳ lạ là đan dược đã bao nhiêu năm ngâm trong nước mà không hề tan chảy, ngay cả màu sắc cũng không bị phai đi, thậm chí còn rực sáng hệt như 30 năm về trước. Sau khi Đạo nhân thu lại đan dược, hương rượu lập tức tiêu tan, nước giếng khôi phục lại mùi vị như trước, không còn là “rượu Thần Tiên” nữa.

Chủ quán vừa hối hận vừa hổ thẹn nhưng đã quá muộn rồi. Từ đó, quán rượu cũng trở nên tiêu điều ế ẩm. Câu chuyện trên được các bậc hương thân lão niên lưu truyền rộng rãi. Đến thời nhà Minh, khi học giả Tiền Hy Ngôn ghi chép lại sự việc này thì nền móng của giếng rượu ấy vẫn còn đó.

Có thể thấy, chủ quán trong câu chuyện trên có bản tính thiện lương, đối với Đạo nhân ông mười phần lễ đãi, còn vị Đạo nhân cũng dùng thiện báo đáp ông. Đáng tiếc rằng, bản tính thiện lương ấy đã bị lòng tham che khuất, để những khiếm khuyết trong nhân tính có cơ hội trỗi dậy, cuối cùng trở thành trở ngại khiến tâm tính không thể thăng hoa, vận mệnh cũng vì thế mà thay đổi. Có lẽ đây chính là bài học giáo huấn mà truyền thuyết “Tửu tỉnh” lưu lại cho hậu thế hôm nay.

Minh Hạnh
Theo Đỗ Nhược - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thuyết giếng rượu – câu chuyện cảnh tỉnh về lòng tham