Vì sao người Trung Quốc trốn chạy bất chấp hiểm nguy?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vạn dặm cầu sinh

Đã lội qua một con sông, rồi lại một con sông
Đã lê qua một cánh rừng, rồi lại một cánh rừng
Đã bò qua một rặng núi, rồi lại một rặng núi
Đoàn người vẫn xiêu vẹo tiến tới…

Những con dốc cao ngất quánh bùn trơn trượt
Những dây rừng xoắn xuýt, gai góc chằng chịt
Những đá núi nhọn hoắt đâm toạc da rướm máu
Những muỗi đói, thú dữ, rắn độc, mưa rừng

Những nóc trần hỏa xa bỏng rẫy chân
Những kẻ buôn người và những tên cớm bẩn
Đoàn người vẫn xiêu vẹo tiến tới…

Những ngày đói thắt ruột, những cổ họng khát khô
Những khuôn mặt lem nhem cực khổ
Những tiếng khóc trẻ thơ não nề
Những đôi chân ngã quỵ, những ý chí sụp đổ

Một đoàn người chẳng ai giúp được ai
Kiệt quệ rồi, nhưng chỉ tử thi rớt lại
Đoàn người vẫn xiêu vẹo tiến tới…

Đó là hành trình gian khổ của đoàn người đa quốc tịch vượt biên từ các nước Nam Mỹ, đích đến là nước Mỹ xa xôi. Ngày càng nhiều người Trung Quốc gia nhập cuộc hành trình sinh tử khó lường này, khi mà xung quanh họ đều là kẻ địch. Biết vậy, sao họ vẫn chọn rời bỏ quê hương? Vì hơn ai hết, họ hiểu rằng phía sau lưng họ còn đáng sợ hơn thế.

Tương lai hay tai ương cho người ở lại?

Một người đàn ông Trung Quốc tự gọi mình là Bảo Tể đã tự làm một video clip ghi lại toàn bộ cuộc đào thoát của anh từ Trung Quốc đến Mỹ, đoạn phim ghi lại phần khó khăn nhất trong đó là hành trình xuyên qua khu rừng nhiệt đới Panama vào tháng 7/2022 vẫn tiếp tục được chia sẻ. Những người Trung Quốc dấn thân vào hành trình nguy hiểm này ngày càng nhiều.

Để tìm hiểu lý do, phóng viên của đài VOA đã phỏng vấn vài người Trung Quốc vượt biên ở biên giới Mỹ – Mexico, hầu hết họ đều là những người trẻ, sinh ra sau năm 1980. Kết quả cho thấy:

  • Có người vượt biên vì lý do chính trị, chẳng hạn như đã từng tham gia vào những cuộc phản kháng công khai đối với chính quyền nên muốn trốn tránh sự trả thù;
  • Có người vượt biên vì muốn thoát khỏi sự kiểm soát ngột ngạt của nhà nước;
  • Có người vượt biên vì không hòa nhập được văn hóa xấu xí ở quốc nội;
  • Có người vượt biên vì gia cảnh bất an;
  • Có người vượt biên vì kinh tế bần hàn;
  • Có người vượt biên vì tìm kiếm cho thế hệ sau một cuộc sống đúng nghĩa.

Nhưng tất cả những người trẻ này giống nhau ở chỗ, thay vì hy vọng ở tương lai, họ chỉ nhìn thấy những tai ương nếu còn ở lại Trung Quốc, đó là việc đối diện với chính sách kiểm soát gắt gao; sự đối xử hà khắc, bất công của chính quyền; lo sợ về sự tái diễn của một cuộc cách mạng văn hóa; thậm chí là cả nạn đói trong tương lai rất gần…

Trong trường hợp này, ai mà muốn bỏ quê hương ra đi nếu không lâm tuyệt cảnh? Và chắc hẳn họ sẽ không ra đi theo cách này nếu có đủ điều kiện tiền bạc, giấy tờ như số ít người nhận được ưu đãi của chế độ. Hành trình vượt biên là cực kỳ nguy hiểm, song thà rằng đối mặt với sông núi hiểm trở, trùng độc thú dữ, thời tiết khắc nghiệt và những kẻ giang hồ tứ chiếng, còn hơn ở lại chờ đợi tương lai của quê hương xứ sở. Một tương lai mà nhân dân và lãnh đạo Trung Quốc không có chung điểm nhìn.

Lãnh đạo nói hồng, nhân dân thấy đen

Trong thông điệp đầu năm mới 2024, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi những thành tựu Trung Quốc đạt được trong năm 2023. Trung Quốc đã có sự chuyển dịch trạng thái suôn sẻ khi đối phó Covid-19, nền kinh tế đã duy trì đà phục hồi, đồng thời nước này đã có tiến bộ đều đặn trong công tác phát triển chất lượng cao vào năm 2023. Ông nói sau nhiều năm nỗ lực, Trung Quốc đang trên đà phát triển theo hướng đổi mới, đạt được nhiều thành tựu như chế tạo máy bay chở khách cỡ lớn C919, siêu du thuyền nội địa đầu tiên, tàu vũ trụ Thần Châu và tàu ngầm có người lái Fendouzhe v.v.

Ông cũng khẳng định Trung Quốc sẽ tăng cường cải cách và mở cửa trên diện rộng.

Ông Tập cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Ông nói: "Trẻ em cần được chăm sóc tốt và nhận được nền giáo dục tốt. Thanh niên cần có cơ hội theo đuổi sự nghiệp và thành công. Và người cao tuổi cần được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế và chăm sóc lão khoa".

Nghe cứ như mơ ước không thành của đức Khổng tử giữa thời Chiến Quốc loạn lạc hơn 2000 năm trước về “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi”, tức là: “Ta muốn các người già được an vui, các bạn bè tin lẫn nhau, các trẻ em được săn sóc vỗ về.”

Tiếc thay, hiện thực vẫn khác xa tuyên bố chính trị của lãnh đạo Trung Nam Hải. Trong khi ấy, người dân Trung Quốc vẫn ùn ùn bỏ nước ra đi. Ngày 13/2/2024, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã công bố số người nhập cư bất hợp pháp bị chặn trong tháng 1/2024. Số liệu cho thấy những người vượt biên đến từ Trung Quốc tiếp tục tăng với tốc độ tăng trưởng là nhanh nhất.

Quả là lãnh đạo nói hồng, nhân dân thấy đen.

“Dân đen” cho vào, “dân đỏ” mời đi

Theo dữ liệu của CBP, trung bình có 156 người Trung Quốc vào Mỹ mỗi ngày; truyền thông nước ngoài đưa tin gần 270 người Trung Quốc vào Mỹ chỉ trong một ngày tại biên giới phía Tây Nam trong tuần này. Ông Trần Sấm Sáng (Chen Chuangchuang), một luật sư nhập cư Trung Quốc ở New York cho rằng con số thực tế còn cao hơn, ông cũng ước tính tỷ lệ thành công của đơn xin tị nạn từ người Trung Quốc là hơn 90%, là “cao nhất” trong số tất cả các quốc gia.

Ông nói: “Lý do rất đơn giản. Một trong những điều kiện để được tị nạn ở Mỹ là ‘sợ’ trở về quê hương, và ai cũng biết rằng ĐCSTQ là chế độ đàn áp chính người dân của mình nghiêm trọng nhất.”

Sự đàn áp này có thể tạo nên một số lượng phong phú các lý do xin tị nạn của người Trung Quốc. Luật sư Trần cho biết, lý do phổ biến nhất gần đây đó là họ từng là “tù nhân của nhà nước” (ám chỉ bị phong tỏa) trong đợt dịch bệnh kéo dài 3 năm. Ông nói: “Tôi có một khách hàng bị bệnh nặng và bị bắt trên tàu trong thời gian cách ly dịch bệnh”, còn có người bị bức hại vì bị cưỡng chế phá dỡ nhà ở, hoặc vì lý do tín ngưỡng tôn giáo, quan điểm chính trị, tự do lập hội, v.v.

Luật sư Trần Sấm Sáng. (Ảnh Epoch Times)

Ngược lại, khi người xin thị thực là thành viên của một đảng chính trị toàn trị thì ngay cả những người ở diện nhập cư theo gia đình cũng có thể không được cấp. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times, Chủ tịch Trung tâm Thoái Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Toàn cầu là Dịch Dung (Yi Rong) cho biết là ngay cả những người Trung Quốc nhập cư từ biên giới cũng được hỏi về tư cách thành viên của ĐCSTQ nếu có, cũng như là liệu họ có tham gia hay không trong việc thu hoạch nội tạng sống. Vị này nói: “Việc bạn có phải là thành viên của ĐCSTQ hay không đã trở thành một vấn đề rất quan trọng. Đối với người Trung Quốc, việc thoái xuất khỏi ĐCSTQ không chỉ là nhu cầu tinh thần mà còn là nhu cầu thực tế trong cuộc sống".

Thậm chí, những sinh viên Trung Quốc du học tại đây đã bị kiểm tra khi họ trở về Hoa Kỳ sau kỳ nghỉ, sau chuyến du lịch đến nước thứ ba, hoặc tham dự hội nghị, gồm cả việc khám xét các thiết bị điện tử mà họ mang theo. Có những sinh viên bị đưa đến một “phòng tối nhỏ” để thẩm vấn theo luật pháp Hoa Kỳ. Tại đây, họ có thể bị kiểm tra điện thoại di động, máy tính và các sản phẩm điện tử khác, ngoài ra còn chịu thẩm vấn về việc họ và các thành viên gia đình mình có phải là đảng viên ĐCSTQ hay đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc hay không. Nhiều người bị hủy thị thực và bị trục xuất về nước.

Hiện nay ở Hoa Kỳ, “dân đỏ” Trung Quốc bị nghi ngờ và trục xuất, “dân đen” thì dễ được thông cảm hơn, nhất là nếu xét đến chặng đường trốn chạy nhọc nhằn của họ.

Vì sao chỉ có người Trung Quốc di tản đến Mỹ mà không có chiều ngược lại?

Nhiều dân thường Trung Quốc trốn chạy đến Mỹ, và kể cả nhiều đảng viên ĐCSTQ và gia đình của họ cũng muốn nhập cư vào Hoa Kỳ. Có nhiều người Trung Quốc miệng ra rả chống Mỹ, nhưng lại âm thầm mua nhà, di chuyển tài sản, gia tộc đến Mỹ. Những người này vẫn thường bị chế giễu là: “chửi Mỹ là nhiệm vụ, đi Mỹ là cuộc sống.” Thậm chí rất nhiều quan chức cấp cao của ĐCSTQ sau nhiều năm bòn rút của đất nước đã âm thầm tuồn những khối tài sản bất minh khổng lồ sang Hoa Kỳ để chuẩn bị cho ngày “hạ cánh an toàn”. Tổng số tài sản này lên đến trên dưới 10 nghìn tỷ Mỹ kim theo ước tính của giáo sư Chương Thiên Lượng, một chuyên gia về Trung Quốc.

Nhưng ở chiều ngược lại, dường như không thấy có người Mỹ nào, cũng hiếm thấy người ngoại quốc nào đào tẩu đến Trung Quốc. Tại sao lại như vậy? Xin hãy hỏi những người nước ngoài chịu chung số phận với người dân Trung Quốc trong thời kỳ triển khai chính sách Zero Covid; những hãng xưởng phương Tây đang rời bỏ Trung Quốc để tìm kiếm môi trường đầu tư thuận lợi hơn; những du khách cảm thấy đủ thứ bất tiện khi du lịch đến quốc gia này…

Đó là họ còn chưa nếm trải nỗi thống khổ thực sự khi làm một công dân Hoa lục.

Vì sao có người Trung Quốc mượn danh học viên Pháp Luân Công để xin tị nạn ở Mỹ?

Có những người Trung Quốc lấy danh nghĩa là học viên Pháp Luân Công để làm lý do được nhập cư. Họ có thể đến điểm luyện công của những học viên Pháp Luân Công để học năm bài công pháp của môn tu luyện này, sau đó chụp một số hình ảnh trong các loại hoạt động, rồi nói dối với chính phủ Mỹ khi làm đơn tị nạn. Có những luật sư chuyên tư vấn về nhập cư mở những lớp Pháp Luân Công để giúp làm thủ tục tị nạn, dạy người nhập cư cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” để đối đáp khi viên chức tị nạn của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) tra vấn.

Nguyên nhân của sự việc này có lẽ không khó lý giải. Trên thế giới hiện nay, mấy ai mà không biết đến cuộc bức hại môn tu luyện Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Những học viên của môn tu luyện này tuân thủ “Chân - Thiện - Nhẫn” nhưng lại bị chính quyền ĐCSTQ nhục mạ, ngăn cấm, sách nhiễu, đánh đập, bắt cóc, triệt đường sinh sống… thậm chí theo điều tra của những luật sư nhân quyền Canada là David Kilgour và David Matas, thì rất nhiều học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị mổ cướp lấy nội tạng. Thế nên, theo một trong những điều kiện để được tị nạn ở Mỹ là ‘sợ’ trở về quê hương vì bị đàn áp, thì những học viên Pháp Luân Công dễ được thông cảm nhất. Hạ viện Hoa Kỳ mới gần 1 năm trước cũng thông qua dự luật trừng phạt ĐCSTQ về mổ cướp nội tạng sống. Và người tị nạn cũng có thể sắm vai học viên Pháp Luân Công để được chấp nhận lưu trú ở Mỹ.

Dân không bỏ chính quyền một khi chính quyền vì dân

Sách sử “Tam quốc chí” và tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” đều chép về sự kiện cả chục vạn dân Tương Dương xin đi theo đoàn binh của Lưu Bị để tránh đại quân của Tào Tháo từ phương Bắc xuống. Sở dĩ người dân quyết chí bỏ lại sản nghiệp và quê hương để đi theo Lưu Bị vì ông là một vị chúa tể nhân từ, biết thương yêu và làm ích lợi cho dân.

Chẳng hạn, sách sử “Tam quốc chí”, phần “Thục chí” chép: “Đi gần đến Tương Dương, dân chúng kéo theo hơn chục vạn người, xe chở đồ nặng mấy ngàn chiếc, mỗi ngày đi được hơn chục dặm đường, Tiên Chủ liền biệt phái Quan Vũ lĩnh mấy trăm thuyền bè, hẹn gặp nhau ở Giang Lăng. Có người bảo Tiên Chủ rằng: ‘Nên gấp rút tới giữ Giang Lăng, nay dẫu ta có nhiều người ủng hộ, nhưng binh sĩ mặc giáp ít ỏi, nếu binh của Tào Công đến, sao cự nổi đây?’ Tiên Chủ đáp: ‘Kẻ chúa tể làm nên đại sự hẳn phải lấy dân làm gốc, nay mọi người đi theo, sao ta nỡ bỏ đi được!’ ”

Sách “Luận ngữ” cũng chép rằng: “Tử Cống hỏi về phép trị dân. Khổng tử đáp: ‘Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền’. Tử Cống hỏi: ‘Trong ba điều đó, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một, thì bỏ điều nào trước?’ Đáp: ‘Binh bị’. Tử Cống lại hỏi: ‘Trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một nữa, thì bỏ điều nào trước?’ Đáp: ‘Bỏ lương thực. Từ xưa vẫn có người chết, nhưng nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền phải đổ.’ ”

Thành ra, mặc kệ chính quyền Trung Nam Hải vẽ vời viễn cảnh xán lạn, dân Trung Quốc vẫn trốn chạy như những tù nhân vượt ngục vậy.

Sicily - miền đất dữ. Còn Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa thì sao?

Trong tiểu thuyết Bố Già của nhà văn Mario Puzo, nhân vật chính Michael Corleone quay trở lại mảnh đất Sicily chôn nhau cắt rốn sau vụ án trên đất Mỹ. Lúc này, anh ta mới có cơ hội để tìm hiểu về gốc tích của tổ chức Mafia ra đời nơi đây, và sự tàn phá của nó đối với xứ sở này, cũng như những nơi mà vòi bạch tuộc của nó vươn đến. Lạ thay, Sicily chẳng phải là một vùng đất cằn cỗi, mà chính Mafia đã biến nó thành một miền đất dữ khiến bao nhiêu người bản xứ phải bỏ quê hương mà đi.

Sau đây là một trích đoạn gợi nhiều liên tưởng:

“Michael không thể không suy nghĩ về cái tổ chức do bố anh lập ra ở Mỹ. Nếu như cái tổ chức đó tiếp tục phất lên như hiện nay, nó sẽ thành một khối ung thư, làm cho cả nước Mỹ cũng phải kiệt quệ, như điều đã xảy ra với cái hòn đảo này. Sicily đã trở thành một mảnh đất chết: Những người đàn ông trai tráng thì bỏ quê đi khắp bốn phương trời để mong kiếm được kế sinh nhai hay đơn giản là để trốn khỏi bị trừng phạt vì đã dám thử sử dụng các quyền tự do về kinh tế và chính trị mà pháp luật cho phép.

Điều khiến Michael ngạc nhiên nhất là thiên nhiên của xứ sở này tươi đẹp tuyệt vời. Đã không biết bao nhiêu lần anh đi lang thang qua những khu vườn cam xum xuê tỏa bóng mát rượi như trong lòng hang đá, những giếng phun có từ trước ngày Chúa ra đời, nước vọt ra từ các tảng đá lớn tạc hình đầu rắn. Rải rác đó đây là những tòa lâu đài với mặt tiền rất rộng bằng đá cẩm thạch, các hàng cột hiên cao ngất theo kiểu La Mã giờ bỏ hoang cho lũ cừu lạc bầy đến nấp. Và những khu vườn, những thửa ruộng xanh mơn mởn như ngọc bích. Có những lần vui chân, anh cuốc bộ tới tận Corleone, cái làng quê xưa của cha anh mà giờ đã trở thành một thị trấn mười tám ngàn dân, nhà cửa xây bằng đá tảng lấy từ ngọn núi gần đó. Năm vừa qua ở Corleone đã xảy ra trên sáu mươi vụ án mạng, khắp nơi như lảng vảng mùi chết chóc. Khu rừng Ficuzza ở bên càng làm cho khung cảnh thêm ghê rợn dữ dằn.” (Hết trích).

Sicily được Mario Puzo coi là một miền đất dữ. Còn mảnh đất Thần Châu 5000 năm văn hóa Thần truyền bao giờ mới hiền hòa trở lại, khi nào mới tái hiện khung cảnh mà cổ nhân từng gọi là “vạn quốc triều lai”?

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao người Trung Quốc trốn chạy bất chấp hiểm nguy?