Vì sao người xưa nói: Thà kết hôn với 'ông già' còn hơn kết hôn với 'cậu nhóc'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc sống của chúng ta là một vòng tuần hoàn, kinh nghiệm của người đi trước truyền lại cho đời sau với mong muốn tránh được sai lầm mà đắc những điều tốt đẹp. Cha mẹ thường khuyên con gái: "Thà kết hôn với ông già còn hơn kết hôn với cậu nhóc", sao lại khuyên con gái lấy ông già? "cậu nhóc" ở đây là gì?

Thân con gái "phận bèo trôi", hạnh phúc hay khổ đau cũng phụ thuộc nhiều vào nhân phẩm của người chồng. Vì vậy, mà cần phải kén chồng với mong muốn kén được người có phẩm chất. Kén không được thì đôi khi cha mẹ cũng khuyên con gái làm theo lời, kinh nghiệm của người xưa: "Thà kết hôn với ông già còn hơn kết hôn với cậu nhóc".

Có lẽ sẽ có không ít người cảm thấy khó hiểu, thắc mắc tại sao cha mẹ lại khuyên con gái mình lấy một ông già? Thực chất, câu nói sử dụng lối nói ẩn ý mượn hình ảnh “ông già” để nói về một người đàn ông có tuổi, "già"- độ chín chắn hơn, nhận thức sâu xa và bao dung hơn so với phụ nữ chứ không phải nói về tuổi tác. Còn hình ảnh “cậu nhóc” là chỉ một người con trai trẻ tuổi hơn so với phụ nữ.

Vì hạnh phúc của người con gái phụ thuộc rất nhiều vào người đàn ông, thường người đàn ông lớn tuổi sẽ chín chắn hơn trong suy nghĩ, có tinh thần trách nhiệm và chu đáo hơn so với người nam trẻ tuổi. Người nam trẻ tuổi chưa va vấp, từng trải đời nhiều nên kinh nghiệm sống không nhiều. Họ cũng đang trong quá trình trưởng thành. Thực tế cuộc sống và trong tâm lý học người ta cũng đề cập rằng, về mặt tâm sinh lý người nữ thường phát triển sớm hơn người nam, con gái dậy thì sớm hơn. Nên nếu lấy người bằng hoặc hơn kém ít tuổi, thì người nam suy nghĩ "trẻ con" hơn người nữ (có trường hợp ngoại lệ, người nam ít tuổi suy nghĩ chín chắn do hoàn cảnh, môi trường sống).

Vì vậy, trong tâm thức của nhiều người, nghĩ rằng lấy chồng lớn tuổi thì chồng sẽ biết nghĩ hơn, vợ được "chiều" hơn, người phụ nữ không phải lo nghĩ nhiều, gánh vác việc gia đình, xã hội một mình. Ngược lại, lấy “cậu nhóc”- người đàn ông non nớt, trẻ con, chưa chín chắn trưởng thành, người phụ nữ sẽ vất vả hơn, phải suy nghĩ, gánh vác nhiều việc thay người chồng chưa biết suy nghĩ đến.

Tất nhiên, mối quan hệ hôn nhân "chị em" không hẳn là xấu, bởi nhân duyên và chủ yếu hai người thực sự yêu thương, hiểu nhau, có thể chung sống hòa hợp thì khoảng cách tuổi tác lại không phải là vấn đề lớn.

Vì vậy, câu nói “Thà kết hôn với ông già còn hơn là kết hôn với con cậu nhóc” có phần hợp lý với nhiều người, nhưng không nhất định đúng với một số người. Bởi vì nhiều khi, một người có trưởng thành về mặt tinh thần hay không lại không liên quan mấy đến tuổi tác mà nhiều hơn là ở kinh nghiệm sống của họ. Có những người đàn ông thân xác lớn mà tâm hồn, suy nghĩ "trẻ con". Mọi người vẫn hay nói đùa nhau về những người đàn ông như vậy là "những đứa trẻ to xác". Và những người trẻ tuổi kinh nghiệm hơn tuổi lại được ví là "ông cụ non".

Thực tế cuộc sống xã hội ngày nay, câu "Thà kết hôn với ông già còn hơn kết hôn với cậu nhóc" được mọi người áp dụng nhiều, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thậm chí còn "thái quá". Không còn lý niệm đạo đức, luân thường đạo lý ước thúc, thỏa mãn dục vọng bản thân, chỉ cần bản thân thấy thích là có những người "đi trước thời đại" bỏ qua những quy phạm đạo đức. Tạo nên những hoàn cảnh dở khóc dở cười, nhiều cô gái trẻ lấy ông già theo đúng nghĩa, những người phụ nữ đáng tuổi bà, tuổi mẹ cũng lấy thanh niên trẻ tuổi như con, cháu mình được đăng nhan nhản trên các trang báo. Và những người như vậy nhận rất nhiều những lời mỉa mai, chê cười của người đời.

Tất nhiên câu trên của cổ nhân mang tính tương đối, bởi còn tùy vào hoàn cảnh, điều kiện sống và lựa chọn của mỗi người.

Ngọc Liên

(Tham khảo Vandieuhay)



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao người xưa nói: Thà kết hôn với 'ông già' còn hơn kết hôn với 'cậu nhóc'?