Vị thế của Thủ tướng Trung Quốc bị phơi bày qua chuyến công du châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Trung Quốc đã không được đi trên chuyên cơ. Ông cũng không thể trả lời câu hỏi của giới truyền thông. Có thể nói rằng, ông đang là người yếu thế nhất trong các đời Thủ tướng Trung Quốc.

Thủ tướng mới của Trung Quốc, ông Lý Cường, đã hoàn thành chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu vào tuần trước. Nhưng điều đáng chú ý là ông đã không bay trên một “chuyến bay đặc biệt” như những người tiền nhiệm của ông đã làm và đã từ chối tham dự phiên trả lời câu hỏi của giới truyền thông. Trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thứ bậc của ông Lý chỉ đứng sau nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, nhưng các nhà quan sát chính trị tin rằng quyền lực của Lý có thể đã bị hạn chế để khiến ông phải giữ thái độ khiêm tốn trước cấp trên của mình.

Cơ quan ngôn luận CCTV đã nêu bật các chi tiết về chuyến thăm châu Âu của ông Lý. CCTV hai lần đề cập đến “máy bay thuê bao” trong cùng một bản tin vào ngày 19/06 khi mô tả cách ông Lý rời Bắc Kinh và đến Sân bay Berlin Brandenburg vào ngày 18/06, giờ Đức.

Chuyến công du tới châu Âu phơi bày vị thế yếu kém của Thủ tướng Trung Quốc
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) cúi chào các đại biểu trong lễ khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ tư của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 11/03/2023. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Lẽ ra ông Lý phải là một trong hai nhân vật VIP trong ĐCSTQ, hưởng đặc quyền đi trên “chuyên cơ”, người còn lại là ông Tập.

Theo một quy định của đảng do ông Tập đề xuất vào tháng 12/2012, chỉ có Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương - nhà lãnh đạo cao nhất của chế độ ĐCSTQ - và Thủ tướng Quốc vụ viện mới có thể đi trên “các chuyến bay đặc biệt” trong khi các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương có thể đi bằng "máy bay hoặc phương tiện đưa đón thuê nguyên chuyến” tùy theo yêu cầu công việc.

Phóng viên của The Epoch Times đã tìm kiếm các bài báo trước đây trên các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc và không tìm thấy tiền lệ nào về việc Thủ tướng Trung Quốc đi máy bay thuê nguyên chuyến trong chuyến thăm nước ngoài. Ngay cả cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường, người có mâu thuẫn lâu dài với ông Tập, cũng đã đi tới nhiều quốc gia trên các chuyến chuyên cơ đặc biệt.

Theo nhà bình luận chính trị Chen Pokong, chuyến đi ngoại giao của ông Lý trên một chiếc máy bay thuê bao tương đương với việc công khai rằng địa vị của ông là thủ tướng Trung Quốc nhưng cũng chỉ giống như phần còn lại của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị trong ĐCSTQ.

Hạ cấp và phòng ngừa

Ông Chen cho biết trên kênh YouTube của mình vào ngày 20/06 rằng, việc ông Lý bị hạ cấp để đi máy bay thuê bao phần nào phản ánh thái độ của cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đối với ông Lý: “Một là 'hạ cấp', hai là 'phòng ngừa'”.

Ông Chen nói, mặc dù ông Lý là nhà lãnh đạo số 2 của ĐCSTQ và nhà nước, nhưng ông Tập sẵn sàng khiến ông Lý trở nên rất khác biệt so với chính mình. Ông Chen ví sự cai trị của ông Tập giống như “một hệ thống đế quốc đỏ” mà trong đó, tất cả các bộ trưởng phải tránh xa “hoàng đế đỏ”, vì ông Tập là “một người trên mọi người”.

Ông Lý là người cùng phe với ông Tập, từng là chánh thư ký của ông Tập khi ông Tập lãnh đạo tỉnh Chiết Giang từ năm 2002 đến 2007 nên ông Tập coi ông Lý là thư ký của mình dù ông Lý đã lên làm Thủ tướng. “Có lẽ ông Tập Cận Bình đã chỉ thị cho ông Thái Kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Trung ương, hạn chế không cho ông Lý đi chuyên cơ xa hoa như Thủ tướng cuối cùng Lý Khắc Cường - đây là một kiểu 'hạ cấp' đối với ông Lý Cường”, ông Chen nói.

Một biện pháp khác đang được sử dụng để đối phó với ông Lý là “phòng ngừa”. Theo quan điểm của ông Chen, tư duy quản trị của ông Lý có vẻ hơi khác với ông Tập vì ông Lý có một số ý tưởng về nền kinh tế định hướng thị trường và có quan hệ tốt với các doanh nhân trong nhiệm kỳ của ông ở tỉnh Chiết Giang và Thượng Hải. Hơn nữa, sau khi ông chủ trì công việc của chính phủ với tư cách là Thủ tướng Trung Quốc vào tháng 3, mô hình kinh doanh thịt nướng đường phố ở thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, đang nhanh chóng nổi tiếng trên toàn quốc.

Mô hình thịt nướng Truy Bác bắt nguồn từ nền kinh tế bán hàng trên đường phố, được triển khai lần đầu tiên bởi người tiền nhiệm của ông Lý, ông Lý Khắc Cường, để giải tỏa bớt tình hình việc làm ngày càng tồi tệ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế bán hàng trên đường phố không thuyết phục được ông Tập Cận Bình và những người thân cận của ông Tập trong lúc họ tìm cách khôi phục nền kinh tế kế hoạch hóa nhà nước trong thời đại Mao.

Chuyến công du tới châu Âu phơi bày vị thế yếu kém của Thủ tướng Trung Quốc
Cựu Thủ tướng Trung Quốc (thứ 2 từ trái sang) Lý Khắc Cường bắt tay với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) trong phiên họp toàn thể lần thứ tư của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/03/2023. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Vào giữa tháng 5, ông Tập phát biểu tại một hội nghị rằng thủ đô Bắc Kinh trước hết là một trung tâm chính trị, không phải là một “mớ hổ lốn” và rằng nó không thể “vận hành một nhà máy trong ngõ hẻm” hay tham gia vào một “nền kinh tế bán hàng trên đường phố”. ” Đây là lần đầu tiên ông Tập công khai phản đối cách tiếp cận kinh tế của cựu Thủ tướng đối với các quầy hàng trên đường phố.

Do đó, chuyến công du châu Âu của ông Lý với sứ mệnh kinh tế cũng sẽ bị ĐCSTQ kiềm tỏa nhằm “ngăn chặn” không để những lời nói và hành động của ông đi chệch khỏi quỹ đạo của ông Tập, ông Chen nói.

Không trả lời giới truyền thông

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và ông Lý không nhận bất kỳ câu hỏi nào từ giới truyền thông trong cuộc họp báo ở Berlin hôm 20/06. Đây là điều hiếm thấy trong các hoạt động ngoại giao.

Người phát ngôn của ông Scholz, ông Steffen Hebestreit, giải thích vào ngày 21/06 với các nhà báo rằng, phía Trung Quốc đã nói rõ rằng họ không sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào và gợi ý rằng nếu không như vậy, Thủ tướng Trung Quốc không muốn gặp gỡ giới truyền thông: “Phương án thay thế sẽ là là, hoặc Thủ tướng [của nước Đức] xuất hiện trước báo chí một mình hoặc không có phát ngôn báo chí nào cả”.

“Theo nghĩa đó, đó là lựa chọn ít tồi tệ nhất”, ông nói.

Một số cơ quan truyền thông Đức đã lên án việc ĐCSTQ cấm các câu hỏi truyền thông, theo một bài báo bằng tiếng Trung của Đài phát thanh quốc tế Pháp vào ngày 21/06.

Chuyến công du tới châu Âu phơi bày vị thế yếu kém của Thủ tướng Trung Quốc
(Từ trái sang) Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habeck, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc Trịnh Sách Khiết chụp hình trước Diễn đàn Hợp tác Kinh tế và Công nghệ Đức - Trung tại Bộ Kinh tế tại Berlin, Đức, vào ngày 20/06/2023. (Ảnh: John MacDougall/AFP qua Getty Images)

Việc cấm đặt câu hỏi là một thông lệ nhất quán của ĐCSTQ nhằm hạn chế quyền tự do báo chí ở Trung Quốc. Có thể tân Thủ tướng Trung Quốc không đủ tự tin để trả lời một số câu hỏi nhạy cảm và tránh những tình huống khó xử khiến ĐCSTQ xấu hổ, ông Zhang Tianliang, một cây bút của The Epoch Times, cho biết trên kênh video của mình vào ngày 21/06.

Ông Zhang Tianliang nói: “Mặt khác, quyền lực của [Lý Cường] bị suy yếu đến mức ông ấy không thể nói bất cứ điều gì [với giới truyền thông nước ngoài] cho đến khi ông Tập Cận Bình đưa ra chỉ đạo cho ông ấy”.

Dù tình hình thực tế như thế nào, theo ông Zhang Tianliang: “Ông Lý Cương có vẻ yếu thế hơn dự kiến. Có thể nói rằng kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền, ông ấy là người yếu thế nhất trong số các Thủ tướng, kể cả các cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường, đây là một hiện tượng khá bất thường đối với các vận hành chính trị của ĐCSTQ”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vị thế của Thủ tướng Trung Quốc bị phơi bày qua chuyến công du châu Âu