Video thực tế tiết lộ: 'Thành phố trong mơ' của ông Tập trông 'như cảnh ngày tận thế'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tháng 4 năm nay đánh dấu kỷ niệm 7 năm chính quyền Trung Quốc thành lập Tân khu Hùng An (Khu mới Hùng An) ở tỉnh Hà Bắc của nước này. Đây được gọi là “Đại kế hoạch nghìn năm” của ông Tập. Tuy nhiên, mới đây một cư dân mạng ở Trung Quốc đã đến thăm thú khu vực này và cho hay: “Cảm giác như cảnh ngày tận thế”. Có nhà phân tích chỉ ra rằng, Tân khu Hùng An này là “dự án ảo tưởng” của người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và nó sẽ trở thành một dự án dang dở.

Tân khu Hùng An được chính thức thành lập vào ngày 1/4/2017, tính đến nay là năm thứ 7. Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), hiện tại, hơn 670 tỷ nhân dân tệ (khoảng 92,6 tỷ USD) đã được đầu tư vào hơn 380 dự án trọng điểm ở Tân khu Hùng An; các doanh nghiệp trung ương Trung Quốc đã thành lập hơn 200 tổ chức thuộc nhiều loại hình ở tân khu này; đường sá, các công trình dưới lòng đất, dịch vụ thông minh trên nền tảng đám mây, v.v. cũng đã được xây dựng và thiết lập.

Người quay video: ‘Như cảnh ngày tận thế’

Tuy nhiên, gần đây khi cư dân mạng Trung Quốc trực tiếp đi đến Hùng An, họ đã nhìn thấy một cảnh tượng khác, Hùng An vẫn là một thành phố trống rỗng trên quy mô lớn.

Cư dân mạng này đã ghi lại cảnh đường phố ở đây và cho biết nơi đây gần như vắng tanh. "Nó giống như cảnh ngày tận thế, mọi người có thể đến xem xem. Có chút cảm giác như ngày mà tất cả mọi người trên thế giới này đã chết sạch vậy".

Cư dân mạng này nói: "Thực sự thì nơi này có một vấn đề. Một thành phố lớn như vậy mà phần lớn đều trống rỗng. Nhưng thành thật mà nói, về phương diện vệ sinh môi trường và cây xanh thì ở đây rất tốt, toàn bộ cơ sở hạ tầng đều đẹp. Tôi không biết ai đã đổ tiền vào đây, nhưng nhìn nó rất bi thảm. Nhìn xem, cả tòa nhà chỉ có hai tầng là có đèn sáng, còn lại đều để trống”.

"Tôi chỉ thắc mắc, nơi này không có người, vậy xây dựng những thứ này để làm gì?".

Cảnh tượng trên làm cư dân mạng này nhớ đến bộ phim khoa học viễn tưởng ngày tận thế "I Am Legend" (Tôi là huyền thoại) do nam diễn viên người Mỹ Will Smith thủ vai chính - người duy nhất còn sống sót sau khi một chủng loại virus vốn được tạo ra để chữa ung thư đã xóa sổ hầu hết nhân loại.

Cư dân mạng này nói: "Nơi này thực sự có thể trở thành một điểm du lịch. Tôi không đùa đâu"; "Mọi người nói xem, để làm việc ở đây, [người ta] phải giữ một trạng thái tâm lý như thế nào? Thực sự khó nói. Toàn bộ tòa nhà [kia] từ tầng một đến tầng trên cùng đều trống rỗng".

Chuyên gia: Hùng An nằm tại ‘rốn lũ, là ‘dự án ảo tưởng’ của ông Tập

Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học sống ở Ma Cao, nói với tờ The Epoch Times rằng: “Người dân đã trực tiếp chỉ ra rằng Hùng An hiện là một thị trấn ma. Còn phía chính quyền nói rằng, nơi đây sắp được xây dựng xong, có hàng trăm tòa nhà. Nhưng hàng trăm tòa nhà này có đi vào hoạt động được không? Có người ở hay không? Không ai quan tâm đến điều đó".

Tân khu Hùng An là tân khu cấp quốc gia đầu tiên được thành lập theo thông báo của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc. Nằm cách Bắc Kinh 100 km về phía tây nam, với diện tích 1.770 km2, khu vực này có nhiệm vụ chính là "giảm tải" cho thủ đô của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy phát triển vùng Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc.

Tân khu Hùng An còn được chính quyền Trung Quốc gọi là “Đại kế hoạch nghìn năm, đại sự của quốc gia", do ông Tập Cận Bình "đích thân lên kế hoạch và đích thân ra quyết sách". Chính quyền này từng tuyên bố rằng họ sẽ đầu tư tổng cộng 30 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,1 nghìn tỷ USD) để "xây dựng một thành phố của tương lai".

Tuy nhiên, Hùng An lại nằm ở điểm trũng nhất trong toàn bộ vùng đồng bằng Hoa Bắc, như nằm tại “rốn lũ". Ông Lý Nguyên Hoa nói: "Nói một cách đơn giản, đó là dự án ảo tưởng của ông Tập Cận Bình. Hùng An có phải là một nơi thích hợp để xây dựng thành phố hay không? Nó nằm cạnh hồ Bạch Dương, là vùng đất trũng, trước kia nó là vùng xả lũ. Vậy nếu xây một thành phố lớn và hiện đại trong vùng xả lũ, chỉ cần hơi mưa một chút, chưa nói đến mưa to, thì nơi đó đã bị ngập rồi".

"Tại sao năm ngoái Trác Châu bị ngập lụt? Thực sự là Trác Châu phát triển hơn Hùng An, nhưng [chính quyền Trung Quốc] lại làm ngập Trác Châu để bảo vệ Hùng An", ông Lý chỉ ra.

Tháng 8 năm ngoái, thành phố Trác Châu ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã bị ngập lụt nặng do chịu ảnh hưởng của cơn bão “Doksuri” và mưa lớn. Chính quyền Trung Quốc bị tố là đã xả lũ về Trác Châu để bảo vệ Tân khu Hùng An, từ đó gây ra trận lụt "ngàn năm có một" này.

(Ngày 2/8/2023, tình trạng lũ lụt ở thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc vẫn rất nặng, lực lượng cứu hộ cho biết có nơi độ sâu lên tới 12 mét)

Chuyên gia: Hùng An không có ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’, sẽ là một đại công trình dang dở

Ông Tập Cận Bình đã đi thị sát Tân khu Hùng An lần thứ ba vào ngày 10/5 năm ngoái. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cảnh báo: "Không thể dựa vào sự thích hay ghét của cá nhân, cần phải di dời thì phải di dời”. Qua đó có thể thấy rằng, các cơ quan ở Bắc Kinh đã có phản ứng trái chiều khi phải di dời đến Hùng An.

Ông Phùng Sùng Nghĩa, Phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc nói với tờ The Epoch Times rằng, tân khu Hùng An này “là nơi không có chỗ cho giá trị gia tăng. … Ở đây không có người tiêu dùng. Đặc biệt là hiện nay, chúng ta có thể cảm thấy toàn bộ ngành bất động sản [ở Trung Quốc] đang sụt giảm, mọi ngành nghề đều dư cung. Đây là nơi mà tình trạng dư thừa bất động sản nghiêm trọng nhất".

Ông Phùng cho rằng: "Hùng An không có địa lợi, cũng không có thiên thời. Vì vậy, lý do tồn tại duy nhất của nó là để giữ thể diện. Đó là ‘Đại kế hoạch nghìn năm' của ông Tập Cận Bình nên mọi người đều thuận theo ông này để tranh giành sự ưu ái".

"Cho nên đây chắc chắn là một thành phố chết, không có tương lai, không có bất kỳ cơ sở hay quy luật kinh tế gì. Trong số tất cả các quy luật sinh tồn, nó không có gì, dù là thiên thời, địa lợi, hay nhân hòa”.

“Nếu cứ tiếp tục như vậy, tân khu Hùng An sẽ hoàn toàn bị dang dở. Tác hại gây ra sẽ là lãng phí tài sản quốc gia, một số người sẽ bị lừa đầu tư vào đó, tương đương với việc bị người ta ‘cắt hẹ’ (*)".

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Chú thích: (*) "Cắt hẹ" là cụm từ dùng để ám chỉ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc bóc lột của cải của các giới và các tầng lớp người dân ở nước này. Rau hẹ là một loại rau dễ trồng, hễ cắt lại mọc, giống như xén lông cừu.



BÀI CHỌN LỌC

Video thực tế tiết lộ: 'Thành phố trong mơ' của ông Tập trông 'như cảnh ngày tận thế'