Vụ án Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc bị cảnh vệ đâm chết 28 năm trước bất ngờ bị ‘đào lại’

Giúp NTDVN sửa lỗi

28 năm trước, ông Lý Bái Dao (Li Peiyao) - cựu Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (tương đương với Phó Chủ tịch Quốc hội) - đã bị chính cảnh vệ của mình là ông Trương Kim Long (Zhang Jinlong) đâm chết. Khi đó, phía chính quyền nói rằng, do cảnh vệ này bị phát hiện khi đang ăn trộm nên đã ra tay giết người. Còn phía dư luận đồn rằng do ông Lý Bái Dao đã cưỡng hiếp em gái của ông Trương nên mới bị đâm chết. Vụ án bí ẩn này gần đây đã được truyền thông Hong Kong “đào lại”.

Hôm 21/1, nhà bình luận Từ Khách (Xu Ke) đăng bài trên tờ The Epoch Times tiếng Trung cho rằng, xét về mặt khách quan, động thái của truyền thông Hong Kong có vẻ đang ám chỉ đến tình trạng hỗn loạn hiện nay ở Trung Nam Hải - nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc bị đâm 55 nhát đến chết, tới nay vẫn còn nhiều nghi vấn

Vào sáng sớm ngày 2/2/1996 tại nhà riêng, ông Lý Bái Dao, khi đó là Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, đã bị cảnh vệ của mình là ông Trương Kim Long đâm 55 nhát bằng dao làm bếp và tử vong, hưởng dương 63 tuổi. Cha của ông Lý Bái Dao là ông Lý Tế Thâm (Li Jishen) - một nhân vật nguyên lão của Quốc dân Đảng, về sau cũng từng giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc.

Theo một bài viết đăng ngày 27/5/2004 trên tờ Báo Chính Hiệp Nhân dân, ông Hồ Trị An (Hu Zhi'an), cựu Phó Cục trưởng Cục Cán bộ thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Trung Quốc, đã dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công an khi đó là ông Bạch Cảnh Phú (Bai Jingfu) cho biết:

Ông Trương Kim Long là quân sĩ trong Trung đội 1 thuộc Chi đội 2 của Trung đoàn Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh. Vào tháng 3/1995, ông Trương bắt đầu làm việc tại nơi ở của ông Lý Bái Dao. Khoảng 4h sáng ngày 2/2/1996, lợi dụng phiên trực ban, ông Trương Kim Long đã lẻn vào nhà của ông Lý Bái Dao để trộm cắp và làm ông Lý giật mình tỉnh giấc. Thấy sự việc bị bại lộ, ông Trương đã nhanh chóng cầm hai con dao phay từ trong nhà bếp của ông Lý và giết người. Ông Lý Bái Dao đã vật lộn và giật lấy con dao để tự vệ, nhưng cuối cùng vẫn bị ông Trương Kim Long giết chết.

Các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc cũng tiết lộ chi tiết sau, tiểu đội trưởng tiểu đội cảnh sát vũ trang phụ trách ngày hôm đó cho biết, vào lúc 6h30 sáng, Trương Kim Long với khuôn mặt đầy máu đã nói với ông này rằng: “Tiểu đội trưởng, tôi giết người rồi, xin hãy để tôi đi, để tôi cao bay xa chạy". Sau khi được đưa đến trụ sở trung đội Cảnh sát Vũ trang, ông Trương Kim Long từ chối đến bệnh viện để kiểm tra vết thương mà chỉ nói: "Không cần đâu, cứ để tôi chết đi".

Ngày 2/5/1996, ông Trương Kim Long bị kết án tử hình và bị xử bắn. Tuy nhiên, động cơ giết người của Trương Kim Long và biểu hiện của ông này sau khi giết người luôn khiến mọi người đặt dấu hỏi chấm:

  • Trương Kim Long chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho nơi ở của Lý Bái Dao, khi nào trộm cắp chẳng được, sao lại phải đợi lúc ông Lý ở nhà mới ra tay?
  • Nếu ông Lý Bái Dao bị đánh thức rồi, sao Trương không lập tức trốn đi?
  • Nếu là “cướp của giết người”, sát nhân là đủ rồi, sao còn phải chém đối phương mấy chục phát? Nếu không phải do có hận thù sâu sắc thì sao lại làm vậy?
  • Nếu Trương Kim Long muốn giết một ông già ở tuổi lục tuần, cần gì phải dùng hai con dao làm bếp? Lý Bái Dao thực sự đã giật được con dao làm bếp từ tay của cảnh vệ Trương sao, trừ khi ông Lý là cao thủ võ lâm?

Năm 2007, một bài viết được cho là của ông Ngô Hoan (Wu Huan), cựu ủy viên Chính Hiệp Toàn quốc Trung Quốc (tức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc), đã được lan truyền trên Internet với nhan đề "Bình luận: Sau khi Lý Bái Dao bị giết hại, mặt mũi của nhân vật lớn và tôn nghiêm của nhân vật nhỏ". Bài viết này tiết lộ, hóa ra vợ chồng ông Lý Bái Dao có mối quan hệ không tốt, đã ly thân từ lâu, Trương Kim Long thấy ông Lý đáng thương nên đã gọi em gái ở quê lên làm giúp việc. Không ngờ, Lý Bái Dao đã cưỡng hiếp cô ấy, khiến cô có thai rồi đuổi cô đi. Đối mặt với sự sỉ nhục này, Trương Kim Long đã chọn cách liều mình, dùng bạo lực để chống lại bạo lực.

Tác giả bài viết này nói rằng, ai trong Liên đoàn Công đoàn toàn Trung Quốc cũng biết sự thật về vụ ông Lý Bái Dao bị giết.

Truyền thông Hong Kong đang ám chỉ điều gì ở Trung Nam Hải?

Hôm 21/1, tờ Sing Tao Daily của Hong Kong đã khơi lại vụ án Lý Bái Dao và dẫn lời một cựu quan chức Bộ Công an Trung Quốc nói rằng: "Do thông tin không được công khai và sự việc không rõ ràng nên tin đồn đã lan tràn trong xã hội".

Tờ báo này cũng cho biết, ông Ngô Hoan từng bác bỏ tin đồn và nói rằng bài bình luận kể trên về cái chết của ông Lý Bái Dao không phải do ông này viết. Tuy nhiên, Sing Tao Daily cũng dẫn lời ông Hồ Trị An, cựu Phó Cục trưởng Cục Cán bộ thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương ĐCSTQ, chỉ ra rằng trong các tin đồn về ông Lý Bái Dao vào thời điểm đó thì cũng có phần đúng là vợ chồng ông Lý không hòa hợp, họ đã ly thân được một năm và đã đệ đơn ly hôn.

Sing Tao Daily còn nói rằng, do vụ án Lý Bái Dao nên hệ thống cảnh sát vũ trang đã bị thanh trừng: Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát vũ trang Ba Trung Đàm (Ba Zhongtan) bị miễn chức và giải ngũ sớm, Chính ủy Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trương Thụ Điền (Zhang Shutian) bị điều động đến Quân khu Lan Châu làm Phó chính ủy. Khi đó, Phó tư lệnh và Phó chính ủy của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang cũng phải giải ngũ; Phó Tham mưu trưởng Lực lượng Cảnh sát vũ trang kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát vũ trang số 1 Bắc Kinh cũng bị cách chức và giải ngũ, v.v.

Vụ án này đã gây chấn động một thời vì kể từ năm 1949 đây là quan chức cấp cao nhất bị sát hại trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng những gì phía chính quyền tiết lộ về vụ án lại không thuyết phục. Dù bài bình luận kể trên có phải do ông Ngô Hoan viết hay không, ít nhất cũng đã có một bài viết nói lên những nghi ngờ của dư luận. Do chính quyền Trung Quốc thường làm giả thông tin nên người dân thường sẵn lòng tin vào những phiên bản “tin đồn” hơn.

Cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân lên nắm quyền vào năm 1996. Khi ông Giang cai trị đất nước bằng sự tham nhũng và dâm loạn, một lượng lớn thân tín được ông này đề bạt cũng là những người dâm dục như vậy, chẳng hạn như cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là các ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, v.v. Chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động đã vạch trần, đồng thời khẳng định một đặc điểm chung của các quan chức lớn và nhỏ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc: không ai là không tham nhũng, không ai là không dâm loạn.

Chiến dịch đàn áp của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã đặt nền móng cho chế độ độc tài kỹ thuật số của Trung Quốc
Cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân (phải) tham dự phiên khai mạc Đại hội Đảng 18 được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 8/11/2012 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Feng Li / Getty Images)

Đời tư của các quan chức cấp cao hiện tại và trước đây ở Trung Nam Hải cũng có phần giống với “tin đồn dâm loạn” về ông Lý Bái Dao. Chẳng hạn, đương kim Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) đã có 4 đời vợ, người vợ thứ 4 sinh năm 1985, kém ông này 30 tuổi;

Hay vụ của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) và vợ là bà Khang Khiết (Kang Jie). Ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai) tiết lộ trên Weibo cá nhân vào ngày 2/11/2021 rằng ông Trương đã ép cô quan hệ tình dục tại nhà. Điều không thể tin được là khi ông này đang thực hiện hành vi ấy, người vợ lại đứng ở bên ngoài để canh cửa giúp. Cuối cùng, dường như trước áp lực chính trị, cô Bành Soái đã phải tuyên bố rằng "Không có chuyện đó". Ông Trương Cao Lệ đã được ông Tập Cận Bình bảo vệ dưới danh nghĩa giữ thể diện cho đảng và nhà nước.

Sing Tao Daily là một kênh truyền thông Hong Kong thân Bắc Kinh, tuy bề ngoài có vẻ như đang “bác bỏ tin đồn” xung quanh vụ án từ 28 năm trước, nhưng về khách quan mà nói thì nó cũng có tác dụng ám chỉ nhất định:

  • Thứ nhất, sẽ thu hút sự chú ý của người dân về đời tư dâm loạn của các lãnh đạo cao nhất trong chính quyền Trung Quốc;
  • Thứ hai, sẽ khiến người dân liên tưởng đến sự hỗn loạn ở cả trong và ngoài Trung Nam Hải: thanh trừng đấu đá liên miên; an ninh của giới lãnh đạo được tăng cường; trong quân đội, cảnh sát vũ trang, Cục Cảnh vệ Trung ương, Cục Mật vụ Bộ Công an đều có khả năng có “thích khách”.

Ở Trung Nam Hải, người lo lắng bị ám sát nhất chính là ông Tập Cận Bình. Một nguồn tin có uy tín từng tiết lộ với The Epoch Times rằng ông Tập có cao nhân bên cạnh chỉ điểm, vì đặc biệt lo sợ bị ám sát nên ông Tập đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, bất chấp cộng đồng quốc tế nghĩ gì về mình: "Ông Tập Cận Bình thực sự tin vào lời tiên tri và rất sợ chết. Trong lời tiên tri có nhắc đến người lính đeo cung tên và ông Tập cho rằng cung tên tương ứng với tên lửa nên đã trừ khử [lãnh đạo] Lực lượng Tên lửa và bắt giữ họ. Đây là lý do chính”.

Hiện các tướng lĩnh cấp cao của Lực lượng Tên Lửa đã bị thay thế, phía chính quyền cũng không tiết lộ nguyên nhân cụ thể, nhưng không thể loại trừ khả năng họ có liên quan đến hành vi “phản Tập”.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Vụ án Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc bị cảnh vệ đâm chết 28 năm trước bất ngờ bị ‘đào lại’