Anh hùng Thủy Hử truyện: Diễn dịch nội hàm Trung Nghĩa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là sát Thần hay Thiên tướng, là đám đạo tặc hay những vị anh hùng? 108 vị tinh tú thần quân, theo một luồng khí đen vọt lên từ lòng đất, hóa thành ánh kim quang rồi chuyển sinh chốn nhân gian, trở thành các hảo hán Lương Sơn, lưu lại cho nhân thế truyền kỳ về lòng son trung nghĩa. Lộ trình sát phạt của họ khiến người ta kinh sợ, nhưng tấm lòng trung nghĩa của các vị ấy lại được thế nhân ca tụng ngàn năm.

Câu chuyện Thủy Hử là những ghi chép về nhân gian tục sự, dựa trên lý niệm Thiên - nhân hợp nhất, thế giới thông Thần. Do vậy, thông qua những trận chiến giao tranh đan dệt quyền cước kiếm đao giữa tà-chính, quan-dân, chúng ta sẽ chạm tới được ý nghĩa cốt lõi - đó là tinh thần nghĩa hiệp tuân theo Thiên ý cùng chính nghĩa mà hành động, thật xứng với danh xưng là một bộ: ‘Truyền thế kỳ thư - Trung nghĩa Thủy Hử truyện’.

周文王體悟到,上古時期,三皇五帝皆是順天道而行,聖王之德猶如日月,協調運行映照世間,福澤大地九州萬民,善惠天地萬事萬物。(維基百科公有領域)
Chu Văn Vương (?-trước 1046)-tranh vẽ thời nhà Minh (Wikipedia-Miền công cộng)

Ý thơ văn mang nội hàm văn hóa trung nghĩa

Câu chuyện hảo hán Lương Sơn, vào thời nhà Minh xuất hiện nhiều nhất đề mục “Trung nghĩa Thủy Hử truyện”, còn những bản trước đó thì chỉ đề: “Trung nghĩa truyện”. Có thể thấy tác phẩm văn học lớn này bản chất là nói về sự trung quân báo quốc, trừng phạt tà ác, biểu dương thiện lương; thêm vào hai chữ ‘Thủy Hử’, thấy xa xôi xưa kia như điển cố Chu Văn Vương trung nghĩa với thiên tử, muốn nói tới hơn trăm vị anh hùng đối kháng triều đình, thân phận chân thực của họ chính là những trung thần nghĩa sĩ.

“Thủy Hử” là chỉ vùng nước ven sông, xuất hiện sớm nhất trong thơ ca “Thi kinh đại nhã”: “Cổ công đản phụ, lai triều tẩu mã. Suất tây thủy hử, chí vu kỳ hạ.” (Tạm dịch: thời cổ Công Đản Phụ (tức Chu Thái Vương), cưỡi ngựa vào triều,dẫn quân đi về phía tây bến nước (Thủy Hử), đến tận chân núi Kỳ Sơn), đây là đoạn sử thi thời nhà Chu từ thời cổ đại Chu Thái Vương đến thời Chu Văn Vương. Tổ tiên nhà Chu dẫn họ tộc đặt nền móng khai quốc ở vùng núi Kỳ Sơn, cho tới thời Văn Vương, nước Chu tuy là chư hầu của Ân Thương, nhưng địa bàn rộng lớn, cường thịnh khó bì, nếu Chu Văn Vương muốn thay ngôi thiên tử thì dễ như trở bàn tay. Nhưng ông kế thừa sự nghiệp tổ tiên, cung kính giữ phận chư hầu, trung thành với nhà Ân. Khổng Tử ngợi ca: “Thiên hạ tam phân hữu kỳ nhị, dĩ phục sự Ân. Chu chi đức, kỳ khả vị chí đức dã hỹ!” (Có trong tay 2/3 thiên hạ mà vẫn phụng sự nhà Ân. Đức ấy của nhà Chu, có thể nói là chí đức đó!)

Chí đức mà Khổng Tử nói đến, cũng là lòng trung nghĩa của thần dân. Trung nghĩa của người nhà Chu đã có từ thời tổ tiên khai cơ lập quốc nơi bến nước núi Kỳ. Còn khi Tống Giang làm thủ lĩnh quần hùng, cao cường võ nghệ, chí khí tương đồng, như biển nạp trăm sông nơi Lương Sơn tụ nghĩa, đến triều đình cũng chẳng lay động nổi tấc lòng. Bá nghiệp này, nếu phản lại triều đình mà tự dựng lập, thì chắc cũng thành công, nhưng Tống Giang lại tìm cầu con đường chiêu an chuộc tội, sau đó dốc cạn lực lượng Lương Sơn để hộ quốc an dân, chinh chiến khắp nơi, giữ vững giang sơn Đại Tống.

Nhìn vào thân phận, hào kiệt Lương Sơn hầu hết là quan lại, thương nhân, do quan trường hắc ám, thói đời hiểm ác mà bất đắc dĩ phải nhập đường thảo khấu. Cho dù họ dấn thân nơi giang hồ cát bụi, theo nghiệp giặc cướp, thì họ vẫn giữ tín niệm nghĩa hiệp: ‘Lộ kiến bất bình, trượng nghĩa tương trợ’ (giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha), đứng ngoài pháp luật triều đình mà duy trì chính đạo nhân gian. Thêm nữa họ chỉ phản ác quan chứ không phản lại triều đình, lòng hướng về tông miếu, sau khi trở thành bề tôi nhà Tống thì dốc lòng bình định phản loạn, lấy đó làm trách nhiệm của tự mình mà xả thân. Bị bức bách phải lên Lương Sơn, mang nhiều nỗi niềm u uất, nhưng vô luận thân phận nhân sinh biến hóa thế nào, khí tiết ấy, chính khí ấy vẫn trường tồn cùng nhật nguyệt.

Những sự tích trong cuộc đời của họ, chẳng phải là sự kế thừa mạch tinh thần trung nghĩa từ thời nhà Chu đó sao? Có lẽ tiêu đề ‘Thủy Hử’ cũng đã ẩn hàm hai chữ ‘Trung Nghĩa’ trong đó rồi, nên hậu thế lược bớt đi, lấy sự tích Chu Văn Vương phụng sự nhà Ân để hiển dương giá trị đạo đức của các anh hùng tụ nghĩa Lương Sơn, làm tăng thêm phần trân trọng của lịch sử.

Tranh trên hành lang Di Hòa Viên-Lỗ Trí Thâm nhổ bật gốc dương liễu (shizhao/Wikipedia).

“Thạch đầu ký” - Tấm bia đá ẩn tàng

Một vị thái úy họ Hồng, khai quật được một tấm bia đá trên đó khắc: “Ngộ Hồng nhi khai” (gặp Hồng thì khai mở), cơ duyên xảo hợp mà giải khai phong ấn đã nhiều năm của các ‘Tinh tú ma vương’, dẫn đến sự kiện ‘Tai dị’ cho nhà Tống; 108 vị hảo hán tụ nghĩa Lương Sơn, một tấm bia đá đột nhiên xuất hiện, trên khắc ghi rõ danh hiệu cùng thứ tự từng vị - từ đó tại Trung Nghĩa đường Lương Sơn Bạc, các hảo hán trên ứng Thiên Tinh, dưới hợp nhân sự, diễn dịch lên một truyền kỳ trung nghĩa.

Câu chuyện Thủy Hử có mối liên quan sâu xa mật thiết với tấm bia đá. Vào thời thượng cổ, người xưa dùng công cụ bằng đá mưu sinh, mang lại những tiện lợi giúp nhân loại trường tồn, nên đối với đá thường có một cảm giác thân thuộc cùng sự cảm ân man mác. Nhưng trong Thần thoại viễn cổ, đá được coi là một loại Thánh vật.

Vị Thần Bàn Cổ sau khi khai thiên tịch địa, từ thân thể Ngài hóa sinh ra vạn vật, trong đó cốt tủy Ngài biến ra đá ngọc châu; trụ chống trời gãy đổ, khi trời không còn che đất, khắp nơi dân chúng điêu linh, mẹ đất là Nữ Oa Thần luyện đá ngũ sắc vá trời; hồng thủy ngút trời,.. một khối đất đá cứ theo nước lên mà cao dần, chặn dòng nước lũ, giải cứu lê dân thương sinh khỏi nguy nan…

Qua ngàn năm lịch sử, tảng đá trong văn hóa Trung Hoa có nội hàm tượng trưng cho sự trấn định càn khôn, cứu giúp thế nhân. Cuốn kỳ thư Thủy Hử lại càng là ‘Thực thoại thạch thuyết’ (lời thực như đá tảng), kể ra thiên cơ tinh tú giáng trần, trừ bạo an lương. Trên tấm bia ghi thứ tự của các hảo hán Lương Sơn, có tám chữ khắc lời răn- ‘Thế thiên hành đạo’ (thay Trời hành đạo), nói rõ chuẩn tắc mà cả đời các anh hùng phải tuân theo; ‘Trung nghĩa song toàn’ đó cũng là đức hạnh chí thiện của các vị ấy khi hành hiệp giang hồ.

Những hảo hán Lương Sơn đến từ các giai tầng trong xã hội, các địa khu khác nhau, nếm trải gian nan cũng khác biệt, nhưng họ đều cùng chung chí hướng xoay chuyển hoàn cảnh quan trường gian tà triều Tống, khôi phục chính trị thanh bình, xả thân vì đạo nghĩa. Tâm nguyện của cộng đồng đã nâng bước các hảo hán trở thành nghĩa sĩ, hình thành lên lực ngưng tụ vững như đá tảng, chí cứu quốc cùng tình huynh đệ được họ triển hiện thật bi tráng hào hùng.

Theo bia đá ấy mà xuất thế, do bia đá ấy mà định danh, an bài này tựa như Trời đã sớm ban cho các vị ấy tính cách quả cảm kiên nghị vững như bàn thạch, như Thần Đá mang sứ mệnh đặc thù giúp đời cứu người. Thần Đá, lặng lẽ theo mạch truyện của các vị anh hùng, trở thành biểu tượng cho tinh thần của hảo hán Lương Sơn.

宋江(公有領域)
Tranh vẽ Tống Giang (Miền công cộng).

Thừa Thiên ý Thần linh tương trợ

Các tinh tú ứng kiếp chuyển sinh, hạ thế làm người, đó là Thiên ý, cũng thể hiện Thiên lý chính nghĩa: Phạt mạnh giúp yếu, trừng ác dương thiện. Những anh hùng đều võ nghệ phi phàm, hoặc mang thần lực như Võ Tòng rượu say đả hổ, Lỗ Trí Thâm nhổ bật gốc dương; hoặc kèm thần thông như Đới Tung ngày đi tám trăm dặm, rồi Công Tôn Thắng gọi gió bày trận pháp. Tất cả thần công cái thế đó đều đến từ năng lực trời ban từ tiền kiếp, cũng là từ Thiên ý mà ra, bảo đảm cho họ tại nhân gian một địch được mười, hoàn thành sứ mệnh trừng gian trừ bạo.

Không chỉ riêng thân thế trời ban, trong những lúc gian nguy hiểm cảnh, đều thấy sự bảo hộ của Thần. Lỗ Trí Thâm xuất gia bị chúng tăng cản trở, trưởng lão nhập định nhận được khải thị của Thần, biết ông có căn cơ phi phàm, liền thuận theo Thiên ý mà giúp ông xuống tóc; cuộc đời ông hoàn toàn ấn chứng với hai bài Phật kệ dự ngôn, Lỗ Trí Thâm vào thời khắc cuối cùng của sinh mệnh cũng thản nhiên nhập định viên tịch.

Cho dù thân lâm hiểm cảnh, các anh hùng luôn được Trời cao tương trợ, biến nguy thành an. Sự tích thủ lĩnh Tống Giang hai lần gặp Cửu Thiên Huyền Nữ, là dẫn chứng rõ nhất. Lần thứ nhất, ông bị quân binh vây bắt ở thôn quê, phải trốn trong miếu cổ, quân binh lùng sục mấy lần, tưởng như bị bắt tới nơi. Kết quả là, nếu không phải bụi trần che mắt, thì cũng là quái phong mây đen bao phủ, truy binh cho là đã làm kinh động Thần linh, cuối cùng hoảng sợ rút chạy.

Tống Giang nằm mộng, hồn du Thiên quốc, được Tiên đồng dẫn tới bái kiến Huyền Nữ, không chỉ được biết nhân quả kiếp trước, mà còn được ban kệ ngữ cùng ba cuốn Thiên thư. Lần mộng thứ hai, là vào lúc Tống Giang bí bách cùng đường vô kế khả thi, được Huyền Nữ đích thân trao cho kế pháp phá trận.

Trong mộng cảnh, Huyền Nữ ân cần dặn dò: cần ‘Trợ quốc an dân, khứ tà quy chính’, thì sau mới có thể thuận lợi quay về Thiên giới. Tống Giang bản chất là người có lòng nhân hậu, hay giúp dân nghèo, từ đó canh cánh trong lòng vận nước an nguy, nên thường khuyên bảo các huynh đệ thành tâm quy thuận, thực hiện tâm nguyện trung quân báo quốc. Có như vậy, lục lâm đạo tặc mới có thể quay về chính đạo, các tướng tinh chuyển sinh mới có thể quy vị về trời sau vai diễn trăm năm hồng trần lưu lạc.

Khi các đầu lĩnh tề tựu Lương Sơn, Tống Giang thuận Thiên kính Thần cho bày đại lễ cúng tế ‘La thiên đại tiếu’, báo đáp ân điển Thần linh phù hộ, đồng thời siêu độ cho những sinh linh vô tội bị hại. Lòng thành kính ấy đã cảm động thiên giới, dẫn đến thiên nhãn đại khai, một tảng cự thạch từ trời cao giáng xuống, xác lập gốc tích thân phận cùng thứ bậc của các vị hảo hán Lương Sơn. Quần hùng đều thuận theo Thiên ý, theo thứ bậc Trời ban mà làm tận phận mình.

Bậc trung nghĩa tất có Thần phù trợ. Dưới sự chỉ bảo của Thần, các hảo hán Lương Sơn bảo lưu được tính cách chân thực như thuở đầu, mang chính lý trừng ác dương thiện hồng dương quảng đại, cuối cùng tụ hợp lại thành một đội quân thần dũng vô địch, kiên cố không thể phá, thực hiện xong hồng nguyện ‘Thế thiên hành đạo’.

Nhìn suốt các nhân vật anh hùng Thủy Hử, đa số đều từng trải việc sát nhân phóng hỏa, thanh toán ân cừu, nhìn tựa như ngẫu nhiên không gì ràng buộc, nhưng thực ra vận mệnh đang nằm trong Thiên ý vận hành, vừa trùng khớp với tư tưởng ‘Thiên nhân hợp nhất’ của cổ nhân. Có lẽ “Thủy Hử truyện” cũng như các tiểu thuyết cổ điển khác, đều truyền tải cho hậu nhân nội hàm tinh túy văn hóa Thần truyền của văn minh Trung Hoa.

Theo Liễu Địch - Epochtimes

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Anh hùng Thủy Hử truyện: Diễn dịch nội hàm Trung Nghĩa