Bí ẩn những quả táo không bao giờ thối

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Chỉ cần ăn một miếng táo Kimura sẽ thấy các tế bào trong thân thể đều hân hoan thích thú, có cảm giác như được trở về trong lòng mẹ. Trái táo Kimura là thứ táo “đời này, dẫu chỉ ăn một lần cũng đủ mãn nguyện rồi”.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Yamazaki là nhà hàng lâu đời nổi tiếng với những món ăn Pháp ở thành phố Hirosaki, tỉnh Aomori, Nhật Bản. Trong nhiều năm liền, việc kinh doanh của nhà hàng diễn ra vô cùng sôi động, khách hàng muốn dùng bữa phải đặt lịch hẹn trước và chờ đợi ít nhất nửa năm. Món ăn tiêu biểu được ưa chuộng nhất của nhà hàng chính là “Súp táo Kimura” (“Mr Kimura's apple soup”).

Nhắc đến trái táo Kimura, có người nói: Ăn một miếng sẽ thấy các tế bào trong thân thể đều hân hoan thích thú, có cảm giác giống như được trở về vòng tay mẹ. Những bà nội trợ Nhật Bản cũng đưa trái táo Kimura lên đầu danh sách cần mua, bởi đó là thứ táo “đời này, dẫu chỉ ăn một lần cũng đủ mãn nguyện rồi”.

Điều kỳ lạ và đặc biệt hơn nữa là, trái táo Kimura không bao giờ thối, để hơn 2 năm cũng không hỏng. Rõ ràng quả táo không hề dùng chất bảo quản, vậy là vì nguyên nhân gì?

Sau khi đưa tin về phương thức trồng táo độc đáo của Kimura, tiết mục “Tác phong chuyên gia” của đài NHK đã tạo ra tiếng vang chưa từng có. Câu chuyện của Kimura giúp những bạn trẻ từng có ý định tự sát tìm lại dũng khí để tiếp tục sống, ngay cả các đại ca xã hội đen cũng muốn được ngồi xuống cùng uống rượu và chuyện trò với ông.

Vậy vì sao trái táo Kimura lại thần kỳ đến thế? Kimura tiên sinh có bí quyết gì chăng?

Bìa cuốn sách "Trái táo của ông Kimura có bán trên Amazon.

“Trong đời này, ít nhất hãy một lần làm kẻ ngốc”

Trên đây là lời thoại kinh điển trong bộ phim điện ảnh “Quả táo thần kỳ” làm cảm động cả Nhật Bản. Bộ phim kể về một ‘kẻ ngốc’ dành tới 11 năm mới trồng được hai trái táo. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật, và ‘kẻ ngốc’ được nhắc đến ở đây chính là Akinori Kimura.

Akinori Kimura sinh năm 1949 trong một gia đình nông dân làm nghề trồng hoa quả tại thị trấn Iwaki, tỉnh Aomori, Nhật Bản. Thời trẻ ông không được gọi là Akinori Kimura, mà là Akinori Mikami, mãi đến sau khi gặp tiểu thư Michiko của gia đình Kimura, ông vì ở rể nên mới thay đổi họ của mình.

Mặc dù Kimura sinh ra trong gia đình chuyên trồng cây trái, nhưng từ nhỏ ông đã không muốn kế tục nghề nông. Tuy nhiên, vì muốn kết hôn với nàng Michiko nên ông đã trồng táo, có thể nói vận mệnh và tình yêu có sức mạnh xoay chuyển cả đời người.

Chúng ta biết, nông nghiệp hiện đại gắn liền với phân hóa học và thuốc trừ sâu. Táo là một loại cây ăn quả cần bảo vệ đặc biệt, từ khi ra hoa cho đến khi hái quả, cây táo cần trải qua hơn chục lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Không phun thuốc thì không kết quả, điều này đã trở thành “kiến thức thông thường” của ngành nông nghiệp hiện đại. Khi mới vào nghề, Kimura cũng thực hiện như vậy. Nhưng sau mỗi lần phun thuốc vợ chồng ông đều rất mẫn cảm, đặc biệt là vợ ông - bà Michiko - bị dị ứng vô cùng nghiêm trọng, xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, da lở loét, thậm chí sốt cao, hôn mê.

Trước tình cảnh ấy, Kimura phải làm gì đây?

Một ngày tình cờ, ông nhìn thấy cuốn sách “Nông pháp tự nhiên” của chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản Fukuoka Masanobu. Trên bìa sách viết: “Không làm gì cả, cũng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học”. Được gia đình ủng hộ, bắt đầu từ năm 1978 Kimura đã thử nghiệm phương thức trồng táo mới: không phun thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân hóa học.

Vào mùa xuân năm đầu tiên ngừng phun thuốc và phân bón hóa học, vườn táo của gia đình Kimura vẫn ra hoa rực rỡ. Nhưng cảnh đẹp chẳng dài lâu, đến tháng 7 năm ấy cây táo bị nhiễm bệnh đốm lá và rụng lá, từng chiếc lá vàng úa rơi rụng xuống. Chẳng mấy chốc, cả vườn táo biến thành rừng cây xơ xác, tiêu điều.

Năm thứ hai, Kimura làm công tác dự phòng trước, ông phun giấm, rượu, nước tỏi… Theo cách nói của ông, mặc dù đã dùng mọi cách nhưng đến tháng 7 lá cây vẫn rụng đến trơ trụi.

Đến năm thứ ba, cây táo dứt khoát không chịu khai hoa, năm thứ tư và thứ năm cũng như vậy. Vì không phun thuốc bảo vệ thực vật, vườn táo của Kimura đã trở thành thiên đường của côn trùng, có không dưới ba mươi loại côn trùng và sâu hại táo. Kimura huy động cả nhà làm việc cả ngày lẫn đêm trong vườn táo, dùng tay và túi nilon để bắt sâu hại, đồng thời phun xịt giấm.

Vì kiên trì quan điểm “không phun thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân hóa học”, vườn cây của Kimura đã không cho ra một trái táo nào suốt nhiều năm liền. Con gái ông từng viết trong bài văn rằng: “Bố tôi là một người nông dân trồng hoa quả, nhưng bao nhiêu năm qua ông vẫn không trồng được một trái táo nào”.

Lúc ấy thị trường táo rất sôi động, những người nông dân trồng táo ở Aomori kiếm được rất nhiều tiền, họ sống trong biệt thự, lái những chiếc xe sang trọng. Nhưng Kimura thì không có thu nhập, ông phải ra ngoài làm thuê để phụ giúp gia đình.

“Cây à, xin cây đừng chết”

Có lần, vợ Kimura tình cờ để quên vật gì đó trong vườn, khi quay lại tìm, bà vô tình nghe thấy chồng đang nói chuyện một mình. Mãi đến sau này Kimura mới tiết lộ rằng, lúc ấy ông đang đến từng cây, từng cây để xin lỗi và cầu xin, rằng vì ông không phun thuốc nên mới khiến cây cằn cỗi, rằng cây không ra hoa cũng được, không kết quả cũng chẳng sao, chỉ ngàn vạn lần xin cây đừng chết.

Kỳ thực, Kimura không nói chuyện với tất cả cây táo, nhất là những cây liền kề với vườn quả hàng xóm hoặc những cây táo trồng ở ven đường, bởi ông không muốn người khác nhìn thấy mình đang nói chuyện với táo, sợ rằng họ sẽ lầm tưởng ông mắc bệnh, tâm thần không còn bình thường nữa.

Mặc dù Kimura đã cầu xin, nhưng vẫn có nhiều cây táo khô héo, khắp vườn là những cây úa vàng. Trong đó có một hàng cây đổ xuống như quân bài domino, đến nay Kimura vẫn hối hận sâu sắc. Bởi chỉ vì ngại ngùng và xấu hổ mà ông đã không xin lỗi và cầu xin những cây táo đó, cuối cùng tất cả chúng đều khô héo, không cây nào sống sót.

8 năm, hai trái táo

Cứ như vậy suốt 5, 6 năm, vào ngày những nông dân khác bội thu thì Kimura lại ngồi một mình trong vườn táo trống trải của gia đình và cảm thấy gần như tuyệt vọng.

Ông lên núi tìm nơi kết liễu cuộc đời mình. Đột nhiên, Kimura nhìn thấy trên ngọn núi hoang có một cây táo sum sê xanh tốt. Ông đến gần mới biết đó không phải táo, mà là một cây sồi.

Ở nơi cỏ hoang rậm rạp, côn trùng sinh sôi, hoàn toàn chưa từng phun thuốc bảo vệ thực vật cũng không hề bón phân, vì sao cây sồi có thể sinh trưởng tốt tươi đến như vậy? Là bởi vì thổ nhưỡng trên đỉnh núi khác với những nơi khác. Kimura lấy một nắm đất và cẩn thận ngửi, đúng rồi, ngay cả mùi vị đất cũng vô cùng khác biệt.

Từ đó về sau, Kimura bắt đầu trồng một lượng lớn đậu tương trong vườn, vi khuẩn Rhizobia dày đặc trên rễ đậu tương giúp cải thiện hàm lượng đạm trong đất. Đến năm thứ hai, vườn táo phảng phất giống như một khu rừng nguyên sinh, dưới cây đậu mọc đầy các loại cỏ dại. Côn trùng kêu râm ran trong cỏ, ếch nhái tìm bắt côn trùng, sau lưng ếch nhái là rắn đang rình mồi, thậm chí còn có chuột đồng, thỏ hoang chạy tung tăng. Mặc dù những chiếc lá bệnh lốm đốm rụng xuống và sâu cuốn lá vẫn đang hoành hành, nhưng Kimura tin rằng cây táo đã kết thúc cuộc chiến trường kỳ với bệnh tật, dần dần hồi phục khỏe mạnh.

Đến năm thứ 8 không dùng thuốc trừ sâu, một ngày ông phát hiện tại lối vào vườn táo có một cây trổ bảy bông hoa và kết được hai trái táo. Cả nhà ngỡ ngàng và hân hoan, cẩn thận đem hai trái táo lên bàn thờ rồi sau đó mới bổ ra ăn. Họ phát hiện rằng trái táo ngon đến mức khiến người ta kinh ngạc.

Cứ như thế, kiên trì đến năm thứ 11, gia đình Kimura cuối cùng cũng được nghênh đón một vụ mùa bội thu.

Trái táo thần kỳ

Một trái táo thông thường sau khi gọt vỏ và cắt miếng sẽ rất nhanh bị thâm, sau vài ngày sẽ bắt đầu thối. Tuy nhiên, quả táo của Kimura để hai năm vẫn không thối, chỉ mỗi lúc một teo nhỏ, cuối cùng khô lại và có màu đỏ nhạt, tỏa ra hương vị ngọt ngào như hoa quả sấy khô.

放在中間的木村蘋果放置2年不會如普通蘋果一樣腐爛,它只會枯萎變成乾果。(網絡圖片)
Trái táo của ông Kimura ở giữa để 2 năm vẫn không thối, 2 bên là 2 trái táo của những người khác làm đối chứng. (Internet qua ET Hong Kong)

Hisuka Iguchi, bếp trưởng của nhà hàng Yamazaki với đặc sản “Súp táo Kimura”, cho biết: “Loại táo này không bao giờ thối, có lẽ nó đã kết tinh linh hồn của người sản xuất…”.

Không chỉ vậy, những cây táo Kimura còn có trí tuệ tự tiêu diệt côn trùng. Một nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp địa phương đã phát hiện, số vi khuẩn trên lá táo của Kimura vượt xa những vườn cây ăn quả khác. Khi phát sinh bệnh hại, cây táo sẽ ngừng cung cấp dinh dưỡng cho chiếc lá mắc bệnh và để nó tự rụng xuống.

Ngoài ra, khi côn trùng gây hại nghiêm trọng, Kimura phát hiện có rất nhiều loài ong xây tổ trên cây và bắt những côn trùng ấy. Sau khi côn trùng giảm thiểu, các loài ong cũng tự nhiên ít dần. Xem ra, chỉ cần để cây táo được kết nối với đại tự nhiên, đại tự nhiên sẽ thông qua mọi phương thức duy trì cân bằng mà không cần con người phải can thiệp quá nhiều.

Thành công của Kimura gắn liền tinh thần ‘kiên trì không bao giờ bỏ cuộc’. Một người bình thường chỉ kiên trì vài năm rồi buông xuôi, nhưng Kimura đã kiên trì những 11 năm. Hơn thế, sự chân thành của ông đối với cây táo cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Ông coi táo như một sinh mệnh có linh tính và nói chuyện với nó, từ đó nhận được hồi đáp. Điều này cũng có thể được lý giải thông qua thực nghiệm khá thú vị dưới đây:

Nước biết đáp án

Nhà khoa học Nhật Bản Masaru Emoto nổi tiếng khắp thế giới với công trình nghiên cứu tinh thể nước. Được gợi mở từ câu nói “Trên thế giới không có hai bông tuyết như nhau”, Emoto để nước kết tinh và quan sát “dung nhan” độc đáo của từng tinh thể.

The hidden message in water.png
Sách “Thông điệp của nước”. (Ảnh wikipedia/ CC BY SA 4.0)

Trải qua hơn 10 năm và hàng triệu lần thực nghiệm, tiến sĩ Emoto phát hiện trong tinh thể nước ẩn chứa những thông điệp vô cùng quan trọng, nó có thể câu thông với con người.

Tiến sĩ Emoto cho biết, khi dán lên chiếc chai thủy tinh đựng những từ “cảm ơn, biết ơn” bằng bất kỳ ngôn ngữ nào thì tinh thể nước đều trở nên rất đẹp.

Khi dán chữ “Cảm ơn, biết ơn”

tinh the nuoc tinh thuong cam on

Dán nhãn “Tình cảm vợ chồng” lên chai, sẽ thấy những tinh thể nước lớn ôm lấy tinh thể nhỏ, giống như muốn nói với chúng ta về tình cảm ân ái và vai trò của mỗi người trong cuộc sống vợ chồng.

Dán lên chữ “Tình cảm gia đình”, tinh thể nước một tầng bao trùm lấy một tầng khác, xếp chồng lên nhau giống như “tam đại đồng đường”, qua đó nói với chúng ta rằng: Tình cảm đích thực trong gia đình là đùm bọc, yêu thương, già trẻ không thể chia lìa.

Nếu như dán nhãn “Tình cảm láng giềng”, sáu cánh hoa trong tinh thể nước xếp thành một vòng gắn chặt với nhau, giống như đang trợ giúp lẫn nhau.

Trong những thực nghiệm khác, khi dán lên chai nước những lời lẽ ác ý, ví dụ như “chết tiệt”, “hận chết mất”, “ta giết ngươi”... tinh thể có hình dạng rời rạc và xấu xí. Những ý nghĩ khác nhau sẽ dẫn đến những họa tiết khác nhau.

Không chỉ vậy, nước còn có thể thưởng thức âm nhạc. Nếu như để nước nghe nhạc Bach (Johann Sebastian Bach) thì các họa tiết trên tinh thể rất ngay ngắn và rõ ràng. Nghe nhạc giao hưởng đồng quê của Beethoven, các tinh thể rất trong sáng, rõ nét và tươi vui. Nếu như nghe khúc biệt ly của Chopin, nước sẽ trở thành những tinh thể nhỏ tách rời nhau. Nếu như nghe các bài đồng dao, tinh thể nước thể hiện ra hình ảnh trong sáng và thuần phác.

Điều kỳ diệu hơn nữa là, nếu để nước xem bức ảnh hoa sen, tinh thể sẽ giống như hoa sen không ngừng sinh trưởng. Nếu ngửi dầu hương hoa cúc, tinh thể nước sẽ thể hiện ra hình dáng giống như hoa cúc, v.v.

Tiến sĩ Emoto đã trình bày những phát hiện của mình trong cuốn sách “Nước biết đáp án” (Water Knows The Answer). Sau đó, ông cũng được mời đến Liên Hiệp Quốc làm báo cáo chuyên đề, chủ đề chính là vạn vật trên thế gian đều có thể câu thông, suy nghĩ của nhân loại quyết định hoàn cảnh xung quanh. Những suy nghĩ trong tâm lý con người, bao gồm lời nói và chữ viết, đối với nước sẽ sinh ra những ảnh hưởng mà chúng ta không ngờ tới.

cac thong diep khac nhau va tinh the nuoc
Hình dạng tinh thể nước tương ứng với các nhãn hiệu khác nhau được gắn lên bình chứa. (Ảnh: Image Shack)

Được truyền cảm hứng từ nghiên cứu của tiến sĩ Emoto, có người đã mở rộng đối tượng thí nghiệm. Họ phát hiện những vật chất như cây cối, cơm ăn, v.v. đều có năng lực nhận thức. Cây táo của Kimura cũng góp phần chứng thực điểm này. Các nhà vật lý học lượng tử đã tiến thêm một bước, từ góc độ của lý luận vật lý mà luận chứng rằng vạn sự vạn vật đều có khả năng cảm thụ. Bởi vì năng lượng của vũ trụ là quán thông, toàn bộ tin tức trong vũ trụ đối ứng với nhau, giống như cổ nhân từng nói: “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri”.

Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển

Cổ nhân giảng: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, tám chữ giản đơn ấy đã khái quát lại các thành quả nghiên cứu của ngàn vạn thí nghiệm khoa học. Qua đó tiết lộ cho chúng ta biết bản chất của các sinh mệnh, đó chính là: Hết thảy mọi thứ trong vũ trụ, từ thực vật, khoáng vật, sông núi, đại địa… đều có linh tính, đều có thể nhìn, có thể nghe, có thể hiểu được suy nghĩ của con người. Đây cũng là bản năng và bản tính của vạn vật trong thế gian.

Con người cũng từ đó minh bạch được đạo lý quan trọng nhất, đó là: Nhân loại cần giữ thiện niệm, nói lời hay, làm việc tốt, làm một người lương thiện, như vậy mới có thể khiến thế giới mà bản thân sinh tồn giữ gìn được trạng thái tốt đẹp và không bị hủy diệt. Vì tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển, do đó sau khi xem các thực nghiệm về nước, chúng ta sẽ thấy “mệnh do tâm tạo, phúc tự mình cầu”. Vận mệnh của nhân loại là do tâm của bản thân mỗi người mà tạo thành, hết thảy những thảm họa tự nhiên cũng là do tác động và tín tức từ ác niệm của nhân loại mà gây ra.

Hàng triệu thí nghiệm khoa học về tinh thể nước đã nói rõ chân lý và các quy luật tự nhiên của nhân sinh trong vũ trụ. Vạn vật trong thế gian không gì không yêu thích mỹ hảo, không gì không cần được quan tâm. Bạn yêu quý nó, nó sẽ hồi báo cho bạn những điều tốt đẹp. Ngay cả nước cũng cần tình yêu, cây táo cũng cần được đối đãi bằng sự chân thành, huống hồ là chúng ta?

Minh Hạnh
Theo Phù Dao - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn những quả táo không bao giờ thối