Bức thư pháp đệ nhất của Tô Đông Pha "Hàn thực thiếp": Vẻ đẹp thanh tịnh trong vực thẳm nhân sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tô Đông Pha (1036-1101), tên thực là Tô Thức, cả đời ông làm thơ tác phú, thành tựu văn chương cùng thư pháp của ông được hậu thế tán thưởng truyền tụng, tâm tình khoáng đạt cùng quan lộ trắc trở của ông được nhiều người biết.

Suốt cuộc đời làm quan, ông luôn gặp nạn, bị biếm chức hết lần này đến lần khác, càng ngày càng bị đày xa, nhưng sự nghiệp của ông cũng được gây dựng từ trong những hoạn nạn này. Bước ngoặt lớn trong đời là khi ông vì thơ mà bị biếm chức về Hoàng Châu, tâm cảnh của ông khi ấy được lưu lại trong bức thư pháp trứ danh “Hàn thực thiếp”.

Tô Đông Pha trong vực thẳm nhân sinh, lưu lại kiệt tác “Hàn thực thiếp”

Năm Nguyên Phong thứ hai đời Tống Thần Tông (năm 1079), Tô Đông Pha bị vu cáo dùng thơ châm chọc chính sự, bị bắt giam vào ngục hơn trăm ngày, tội bị chém đầu, đây cũng là khúc ngoặt trong đời ông. Sau đó nhờ người em là Tô Triệt, Tào Thái hậu và các đại quan khác bảo hộ mà thoát chết, bị biếm chức làm Đoàn luyện Phó sứ Hoàng Châu. Cận kề cái chết khiến ông thốt lên lời cảm thán về sự vô thường của kiếp người: ‘Thử thân tụ tán hà cùng dĩ, vị nhẫn bi ca học sở tù.’ (Tạm dịch: Thân này tụ tán sao cùng cực, cất tiếng bi ai như người tù nước Sở).

Khi tới Hoàng Châu, mới hay chức Đoàn luyện Phó sứ chỉ là hư danh, làm cả gia đình ông thiếu thốn trăm bề, áo quần rách nát. Bạn bè giúp cho một đám đất hoang, gia đình Tô Thức tận lực canh trồng, nỗ lực tự cung tự cấp. Mùa hè, họ đi cắt cỏ bên sườn dốc để lợp lên ‘Tuyết đường’ (căn lều mà Tô Đông Pha dựng lên vào một ngày tuyết lạnh, nên ông gọi đó là “Tuyết đường”), nắng thiêu gió nóng kiến thê thiếp nhà ông mặt mũi xám đen cả. Danh hiệu ‘Đông Pha cư sĩ’ cũng từ đây mà ra.

Tô Đông Pha sống ở Hoàng Châu khoảng 5 năm, là đoạn đời khốn khó nhất, ‘Vạn sự như hoa bất khả kỳ, dư nhiên tựa tửu na cấm tả’ (Tạm dịch ý: vạn sự vô thường như hoa kia tàn rụng, năm tháng cuối đời bầu rượu dốc cạn không).

Vào năm thứ ba tiết Hàn thực (năm 1082), ông lưu lại hai bài cổ thi, sau đó viết thành ‘Hàn thực thiếp’, ghi lại tâm cảnh của mình khi ấy, cảnh trời tiết Hàn thực ướt lạnh, trong lòng tang thương cảm khái, ông viết:

Từ ngày tôi đến hoàng châu
Hàn thực ba tết qua mau mất rồi
Tháng ngày chỉ tiếc Xuân thôi
Xuân đi mà chẳng một lời luyến lưu
Năm nay liên tục mưa rào
Hai tháng hiu hắt gió gào Thu phai
Nằm nghe thấy Hải Đường rơi
Phấn hoa như tuyết lại vùi bùn thâm
Tựa như tên trộm âm thầm
Nửa đêm cưỡng đoạt sức thân chống gì
Khác đâu tuổi trẻ bệnh suy
Đến khi bệnh dậy đầu thì bạc phơ

(Bản dịch: yeuhannom.blogspot.com)

Hàn thực thi quyển (bài thứ nhất) của Tô Đông Pha ở Hoàng Châu, thời Tống. (Bảo tàng Cố Cung Đài Loan cung cấp).

Bài thứ hai:

Sông xuân muốn ngập vào nhà
Thế mưa như thể chẳng là dừng ngay
Nhà con như chiếc thuyền gầy
Mênh mông giữa cõi nước mây mịt mờ
Bếp không, rau nấu lạnh tơ
Phải dùng lau ướt đốt lò vỡ tan
Đâu hay Hàn Thực đã sang
Thấy chim ngậm giấy ngỡ ngàng tết qua
Cửa vua chín lớp sâu xa
Mộ cha còn cách dặm xa muôn vàn
Đường cùng ngẫm thấy lệ chan
Lạnh lòng thổi mãi than tàn không lên

(Bản dịch: yeuhannom.blogspot.com)

Hàn thực thi quyển (bài thứ hai) của Tô Đông Pha ở Hoàng Châu, thời Tống. (Bảo tàng Cố Cung Đài Loan cung cấp).

Năm ấy, mưa xuân giăng bụi liền hai tháng, như mang cả trời thu buồn xao xác sang đây. Tô Đông Pha đang lâm bệnh, mà bệnh không hề nhẹ, trong một bài thơ khác ông so sánh tình huống khi đó ‘Hưu quan Bành Trạch bần vô tửu, ẩn kỷ Duy Ma bệnh hữu thê’ (câu này liên quan đến hai điển tích: Đào Uyên Minh từ chức huyện quan Bành Trạch, về nhà nghèo túng không đủ tiền mua rượu, cư sĩ Phật gia Duy Ma Cật khi ốm có vợ con chăm sóc.)

Trong ‘Hàn thực thiếp’ ông viết ‘Bệnh khỏi râu bạc rồi’. Cảnh càng thêm thương cảm khi bị biếm chức, khác chi ‘Nhà đã dột lại gặp mưa suốt đêm’.

Hoa Hải Đường hồng phấn ( Pixabay)

Tối tối mưa giăng, bên hiên cánh Hải Đường tàn rụng trong bùn ướt, cánh hồng ánh sắc xuân, sinh động đầy sức sống, vậy mà chỉ qua một đêm, ai đã lấy đi rồi? có thể thấy ông mượn cảnh Hải Đường hoa rụng trong bùn tối để ví cảnh nhân sinh không may nhập ngục tù, tuổi trẻ tóc xanh nay đầu bạc, chứa đựng đầy nỗi bi thương cho kiếp sống vô thường!

Trong bệnh tật, trong khổ nạn, Tô Đông Pha vẫn tự nhiên bộc lộ bản tính hài hước của mình, tự nhạo thân thể ốm yếu mà cười khổ với ‘ai’ đã lấy đi sức lực thanh xuân, ‘Ám trung thâu phụ khứ, bán dạ chân hữu lực’ (Tựa như tên trộm âm thầm, Nửa đêm cưỡng đoạt sức thân chống gì). Người ta vận mệnh xoay vần, có ai thắng nổi Trời cao an bài!

Từ đây khiến chúng ta liên tưởng “Hàn thực thiếp” với “Lan Đình tự” của Vương Hi Chi - Thiên hạ đệ nhất hành thư, có thể cảm thấy hai đại thư pháp gia đều có chung cảm ngộ về nhân sinh vô thường, qua các câu ‘Thử thân thử sinh bất thường hữu’ (thân này đời này đâu bền mãi), rồi ‘Nhân sinh vô thường’!

‘Tiểu ốc như ngư chu, mông mông thủy vân lý’ (Túp lều như thuyền nhỏ, trôi mây nước mênh mông)-(Pixabay)

Mưa xuân năm ấy, đâu là mưa bụi giăng giăng, mà là mưa lớn, nước như muốn ngập vào nhà, ngôi nhà nhỏ của Tô Đông Pha tựa như chiếc thuyền con trôi trong mây nước. Những tháng ngày thân mang trọng bệnh, trong cảnh gió mưa, bếp lạnh củi ướt tro tàn, thổi không lên lửa, ‘Na tri thị Hàn Thực?’ (có biết đâu đây là tiết Hàn Thực?), thấp thoáng hư ảo bóng quạ ngậm giấy bay qua, làm ông ngậm ngùi nghĩ đến cảnh cô độc phương trời, quê hương phần mộ tổ tông xa vạn lý, miếu đường triều đình cửu trùng cách biệt. Quan lộ khốn khổ, đày nơi xa lắc, đó chẳng phải là ‘Đồ cùng lộ tận’ (đường cùng) sao? ‘Tử khôi xuy bất khởi’ (tro tàn thổi không cháy), dường như biểu thị sự thất vọng cùng cực của Tô Đông Pha. Nhưng trong cuộc đời thực ông chưa bao giờ có lời ảo não mà bỏ đi hy vọng, chỉ là ông buông bỏ tất cả, lòng nguội như tro lạnh, không bị ngoại vật dẫn động, đã thoát thai hoán cốt, siêu việt khỏi những ràng buộc công danh!

Trong tiết Hàn Thực mưa gió tơi bời, Tô Đông Pha đã trải qua những ngày gian khổ nơi tận cùng vực thẳm nhân sinh. Năm thứ nhất tới Hoàng Châu, ông viết:

‘Khứ niên hoa lạc tại Từ Châu,
Đối nguyệt hàm ca mỹ thanh dạ.
Kim niên Hoàng Châu kiến hoa phát
Tiểu viện bế môn phong lộ hạ.’

Tạm dịch:

‘Năm ngoái Từ Châu ngắm hoa rơi
Say sưa ca hát trăng sáng trời
Năm nay Hoàng Châu xem hoa nở
Cửa đóng then cài sương tả tơi’

Rồi tới khi ‘Bệnh khởi tu dĩ bạch’ (bệnh dậy râu bạc trắng), ông lại càng có cái nhìn thấu triệt về những năm tháng còn lại của đời mình, lúc này tâm cảnh của ông chuyển thành du nhàn đạm bạc, ‘Tuổi trẻ cơ hàn ăn rau đắng, lúc già nhàn nhã nếm mía ngon’, quả là tâm cảnh của một người đã thoát thai hoán cốt, tiếu ngạo giang hồ!

Sau này, Tô Đông Pha bị biếm chức nhiều lần, sau Hoàng Châu là Huệ Châu, Đam Châu càng ngày càng xa lắc, nhưng càng bị đẩy đi xa, ông càng tìm được lại chính mình, sự nghiệp một đời mong tạo phúc cho chúng dân cũng được gây dựng từ đây. Về cuối đời, ông tự đề thơ cho chân dung của mình ở chùa Kim Sơn “Tự đề Kim Sơn họa tượng”, ông viết vài dòng tự chứng: ‘Tâm tự dĩ khôi chi mộc, thân như bất hệ chi chu. Vấn nhữ bình sinh công nghiệp, Hoàng Châu Huệ Châu Đam Châu’. (Tạm dịch: Lòng tựa tro tàn, thân như thuyền không dây buộc. Hỏi ta sự nghiệp một đời, đi suốt Hoàng Châu, Huệ Châu, lại Đam Châu).

“Hàn thực Thiếp” ghi lại một quãng đời gian khổ trong vực thẳm nhân sinh của Tô Đông Pha, cũng kiến chứng cho sự tôi luyện của ông, trong gian khó mà buông bỏ hết thảy tâm danh lợi, để lòng mình nguội lạnh tro tàn, lấy vô cầu để đối đãi với nổi trôi vô thường của sinh mệnh, để thân mình như chiếc thuyền không dây buộc, phóng khoáng dạo chơi trong trời đất bao la, siêu thoát khỏi những ràng buộc của nhân sinh chìm nổi.

Cái đẹp của “Hàn Thực thiếp”

“Hoàng Châu Hàn Thực thi thiếp” do Tô Đông Pha làm thơ rồi viết ra trên giấy Hoa Tiên, kích thước 34.2X18.9 cm, thể Hành thư gồm 17 hàng, 129 chữ.

Thành tựu thư pháp của Tô Đông Pha được liệt vào một trong tứ đại danh gia đời Tống, ông là nhà thư pháp đứng đầu thời Bắc Tống khai sáng cho một phong cách bút pháp kết hợp ý thơ .

Ông dung hợp một cách điêu luyện giữa thi văn ý cảnh cùng hội họa vào trong thư pháp, khai sáng ra một thể hành thư mới, một phong mạo mới, tạo lập ánh hào quang cho Hành thư cùng tỏa sáng sánh với Khải thư thời Đường.

Trong “Hàn Thực thiếp”, bút pháp, kết cấu chữ, hành khí cùng kết cấu toàn cục, không giống như quy tắc thông thường, tùy kỳ tự nhiên, mang nét đặc sắc từ một nội tâm mang thiên chân tự tại, phản phác quy chân.

Tô Đông Pha từng nói: ‘Thư ý tôi tạo ra không dựa trên pháp tắc, một nét mỗi chấm đều là thuận tay mà đưa bút, chứ không có suy xét truy cầu gì.’ Đây cũng khớp với lời chú thích cuối quyển. Thanh Cao Tông Càn Long hoàng đế đánh giá về bức thư pháp này: ‘Vô ý ư giai nải giai giả’ (Vô ý tạo vẻ đẹp mà lại đẹp), ‘Nhược khu khu chi điểm họa ba trích gian, cầu chi tắc thất chi viễn hỹ’ (Nếu cứ khư khư ôm giữ dấu chấm, nét phảy, càng truy cầu thì càng mất)

Các nhà bình luận thư pháp từ thời Nguyên, Minh, Thanh đều nhận định bức “Hàn Thực thiếp” là bức thư pháp đệ nhất của Tô Thức. Thời Thanh Nhan Thế Thanh viết: ‘Phần tái bút của Tô Đông Pha và của Sơn Cốc tiên sinh, trải qua các triều Nguyên, Minh, Thanh, lật đi xem lại vẫn đánh giá bức thư pháp của Tô Đông Pha là đệ nhất’.

Đại gia thư pháp Đổng Kỳ Xương thời Minh nói: ‘Đời ta được xem bút tích Tô Đông Pha tiên sinh, không dưới ba mươi quyển, phải coi là hạng nhất.’

Do đó, bức “Hàn thực thiếp” được tán thưởng là ‘Thiên hạ đệ tam hành thư’ (bức thư pháp thể Hành đứng thứ ba trong thiên hạ, sau Vương Hi Chi và Nhan Chân Khanh).

Cũng như vậy, đại gia thư thi Hoàng Đình Kiên thời Tống nói: ‘Bài thơ này của Tô Đông Pha tựa như thơ Lý Bạch, nhưng e là có chỗ Lý Bạch không bằng. Bức này chứa đựng cả bút ý của Nhan Lỗ Công (Nhan Chân Khanh), Dương Thiếu Sư (Dương Ngưng Thức), Lý Tây Đài (Lý Kiến Trung), nếu để Tô Đông Pha viết lại, chưa chắc đẹp bằng bức này.’

Chỗ này Hoàng Đình Kiên mượn tích Vương Hi Chi viết lại ‘Lan Đình tự’ 33 lần, nhưng không có bức nào đẹp bằng bức đầu tiên, để tán dương sự xuất thần của bức ‘Hàn Thực thiếp’. Hoàng đế Càn Long cũng suy tôn: ‘Thư pháp Tô Đông Pha, có vẻ đẹp phóng khoáng du nhàn, là hậu thế tiếp nối Nhan Chân Khanh, Dương Ngưng Thức.’

Hoàng Đình Kiên viết lời bạt cho “Hàn Thực thiếp”. (Bảo tàng Cố Cung Đài Loan cung cấp), đặc tính của bút có ảnh hưởng tới người viết cùng độ tươi nhuận của bút tích, thể hiện rất rõ trong “Hàn Thực thiếp”.

Naitō Konan (1866-1934) là nhà Hán học nổi tiếng của Nhật Bản nhận thấy: ‘Quyển này dùng bút lông tơ gà, nét thật tươi nhuận tự tại!’, ý tứ là bản này là dùng bút cực mềm, là lông tơ không mang kình lực viết thành, cho nên nét mác nhìn không mạnh nhưng thẳng sắc, cách vận bút nghiêng nghiêng, chuyển đổi biến ảo, đứt liền tự như, đan xen hồn nhiên thiên thành.

Bản thiếp này có thể chữ biến hóa phong phú, lấn át hình chữ, nét bút dày đặc, truyền đạt nỗi lòng u uẩn đè nén, vừa khớp với tình cảnh trong thơ, trong bài có bốn chỗ dùng nét sổ như kim dài bất thường, tựa như phá cách, tạo ra một khoảng không rộng rãi, hình thành bố cục đối lập thưa-dày. Từ khổ thơ thứ nhất sang khổ thơ thứ hai, tự thể cũng lớn dần, nhưng màu mực lại dần nhạt, uyển chuyển dung hợp với tâm tình thay đổi, cấu thành tiết tấu biến hóa của văn chương, kết nối dung hợp cảnh giới giữa thơ từ cùng thư pháp.

“Hàn Thực thiếp” - kỳ tích truyền thế

Quá trình lưu truyền bức “Hàn Thực thiếp” của Tô Đông Pha chứa đầy những thần kỳ, trải qua mấy lần hỏa hoạn, bị lưỡi Thần lửa Chúc Dung liếm cháy sém, giấy viết có vài chỗ hỏng, nhưng nội dung văn tự thì không hư hại chút nào. Năm Hàm Phong thứ 8 triều Thanh, bức thiếp này được giấu trong vườn Viên Minh, trải qua nạn liên quân Anh Pháp, nhưng hữu kinh vô hiểm, rồi lưu lạc trong tay các nhà sưu tập nhân gian. Qua vài nhà sưu tầm, tới năm 1992 thì vào Nhật Bản, được nhà sưu tầm Kikuchi Shodo trả giá rất cao mua được.

Năm sau, nhà Kikuchi gặp động đất lớn ở Tokyo, phần lớn các cổ vật thư họa đều bị cháy sạch, Kikuchi mạo hiểm tính mệnh, lao vào lửa dữ cứu lấy bức “Hàn Thực thiếp”, trên giấy còn lưu vết lửa liếm vào, nhưng thư tích còn nguyên.

Sau đó, trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Tokyo gặp trận động đất cùng hỏa hoạn chưa từng có, bị hủy hoại gần như hoàn toàn, nhưng bức “Hàn Thực thiếp” vẫn không hề hấn. Chiến sự kết thúc, bức thiếp này được Trung Hoa Dân Quốc chuộc về, hiện lưu tại bảo tàng Cố Cung Đài Bắc, Đài Loan.

Người viết cảm thấy rằng: Những thần tích của bức “Hàn Thực thiếp” là đối ứng với cuộc đời trắc trở - nhưng càng khó khăn lại càng kiên dũng của Tô Đông Pha. Trong tiết Hàn Thực mưa gió tơi bời ấy, thân mang trọng bệnh lạnh như tro tàn, nhưng tâm hồn ông vẫn kiên định hoàn hảo như thuở đầu, chưa từng có chút mảy may suy chuyển- Một kiệt tác ngàn năm lưu dấu cũng ra đời từ đây - “Hàn Thực thiếp”!

Đạp Tuyết Phi Hồng - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bức thư pháp đệ nhất của Tô Đông Pha "Hàn thực thiếp": Vẻ đẹp thanh tịnh trong vực thẳm nhân sinh