Câu chuyện bút thần: Từ lịch sử đến vũ đài

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Bút lông bắt nguồn từ Thần Châu, được xếp ở vị trí đầu tiên trong “văn phòng tứ bảo”: bút, mực, giấy, nghiên. Vậy ai là người đã phát minh ra bảo vật viết chữ và vẽ tranh này?

Theo ghi chép trong cổ thư, đại tướng quân Mông Điềm thời nhà Tần là người tạo ra cây bút lông sớm nhất, vậy nên thế nhân gọi ông là “Bút tổ”. Một vị đại thần thời Tây Tấn tên là Thôi Báo từng viết trong “Cổ Kim Chú” rằng, cây bút lông đầu tiên “do Mông Điềm tạo ra, tức Tần Bút Nhĩ, bút lấy gỗ khô làm quản, lông hươu làm trục, lông dê làm bị”. Khi ấy, quản bút bằng gỗ, phần đầu gắn búp lông, lõi bút làm bằng lông hươu được bọc bên ngoài bằng lông dê. Trong “Thiên Tự Văn” của Chu Hưng Tự cũng có câu: “Điềm bút Luân chỉ”, nghĩa là Mông Điềm tạo ra bút, Thái Luân tạo ra giấy.

Tuy nhiên, các cổ vật khai quật được lại cho thấy cổ nhân đã dùng bút trước thời nhà Tần hàng ngàn năm. Ví dụ như trên những mảnh xương trinh bốc (Oracle bones) khai quật ở An Dương, Hà Nam, có thể thấy nét chữ bằng bút lông chứ không phải nét khắc vạch. Trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên cũng không đề cập rằng Mông Điềm phát minh ra bút lông. Đại học giả thời nhà Thanh là Triệu Dực từng viết trong “Cai Dư Tùng Khảo”, mục “Tạo bút bất thủy Mông Điềm” rằng: Rõ ràng bút lông không bắt nguồn từ Mông Điềm, hoặc đó là thứ Điềm tạo ra nhưng tinh tế hơn vật của tiền nhân, cho nên mới có danh tiếng ấy.

Trải qua hàng ngàn năm, cây bút lông đã ghi chép biết bao lần đổi đại thay triều, biết bao lần phong vân biến đổi, cũng viết nên những thi từ ca phú, họa lại cảnh sông núi chim hoa, bày tỏ tình cảm và ý chí của các bậc tiền nhân. Lớp khói mây mờ ảo của lịch sử cũng để lại cho chúng ta biết bao câu chuyện thần kỳ về những cây bút huyền thoại.

Tương truyền, thời trẻ Lý Bạch từng có một giấc mộng kỳ lạ, ông mơ thấy trên đầu của cây bút ông vẫn thường dùng bỗng nhiên nở hoa, sau đó từng trang từng trang giấy trắng bay đến trước mặt. Lý Bạch liền cầm bút và viết, thấy trên giấy hiện lên những bông hoa tươi đẹp. Đây cũng là nguồn gốc của hai câu thành ngữ “mộng bút sinh hoa” và “sinh hoa diệu bút”. Quả nhiên sau này Lý Bạch đã chứng tỏ tài năng thiên phú, trở thành bậc thi nhân vang danh khắp thiên hạ.

Vương Tuân là văn sĩ nổi tiếng thời Đông Tấn. Một đêm nọ, Vương Tuân mộng thấy có người đưa cho ông cây bút lớn to như chiếc xà nhà. Sau khi tỉnh dậy ông kể lại giấc mộng này cho những người xung quanh và nói: “Xem ra sắp có việc đại sự cần dùng đến bút lông rồi”. Không lâu sau Hiếu Vũ Đế băng hà, Vương Tuân phụ trách viết thảo tất cả các bài văn tế và thụy nghị, sự việc này ứng với giấc mộng năm xưa. Chữ “Chuyên” nghĩa là chiếc xà nhà, còn “Thủ” là bàn tay, vậy nên ngày nay người Trung Quốc vẫn gọi các cây bút lớn và tác giả nổi tiếng là “như chuyên chi bút” hay “đại thủ bút” để ca ngợi tài năng của họ.

Một văn học gia thời Nam triều là Giang Yêm cũng có một giấc mộng kỳ lạ về cây bút. “Nam Sử” ghi chép rằng, Giang Yêm thuở thiếu thời từng mộng thấy được Thần nhân trao tặng một cây bút ngũ sắc. Từ khi có được bút thần, ông có thể viết ra những lời văn hoa lệ, văn chương như nước chảy, các tác phẩm của ông được ca tụng và lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Đến những năm cuối đời, Giang Yêm lại nằm mộng thấy một vị tự xưng là Quách Phác đến đòi lại cây bút ngũ sắc năm xưa. Giang Yêm lấy bút từ trong ngực ra trao trả cho vị kia. Sau đó Giang Yêm vẫn tiếp tục làm thơ viết văn, nhưng thơ văn của ông tuyệt nhiên không còn câu nào mỹ lệ. Sau này người ta mượn câu nói “Giang Lang tài tận” để chỉ tài năng sớm nở rộ nhưng cũng chóng héo tàn.

Ngàn năm đằng đẵng, gió mây hôm nay đã không còn là mây gió của ngày hôm qua. Từng đợt thủy triều lên rồi xuống, từng cơn sóng đến rồi đi, tới hôm nay cây bút lông đã không còn là công cụ chủ yếu để viết lách nữa, và truyền thống trân quý của cổ nhân cũng dần dần chìm sâu vào quên lãng.

Nhưng may mắn nay, những nét đẹp ngàn xưa đã được tái hiện sống động qua các tiết mục vũ đạo của Shen Yun. Đoàn Nghệ thuật Shen Yun mang trong mình sứ mệnh lấy nghệ thuật vũ đạo và âm nhạc để hồng dương văn hóa Thần truyền, mỗi tiết mục đều lộng lẫy, mỹ lệ, gửi gắm những thông điệp sâu sắc làm chấn động lòng người. Trong các chuyến lưu diễn thế giới năm 2009 và 2015, Shen Yun lần lượt ra mắt công chúng hai vở vũ kịch về bút lông vô cùng ngoạn mục và mãn nhãn, để lại nhiều dư vị trong lòng khán thính giả.

Trên nền nhạc cổ kính và trang nhã, vở vũ kịch đầu tiên “Huyền thoại về bút lông” (2009) đưa khán thính giả ngược dòng thời gian trở về thời cổ đại với những chiếc thẻ tre khắc chữ. Các vị thư sinh đang đầm đìa mồ hôi ngồi khắc chữ, bỗng thấy một vị Tiên nhân hạ phàm và ban cây bút lông cho con người thế gian, khiến ai nấy đều mừng vui khôn xiết. Từ đó, bút lông được dùng để viết chữ, lưu giữ những nét đẹp văn hóa và lịch sử của ngàn năm.

Vở vũ kịch thứ hai "Truyền thuyết bút thần" ra mắt năm 2015 kể về một chàng thiếu niên anh tuấn yêu thích hội họa, được Long Nữ trao tặng cây bút thần, bất kỳ sự vật nào vẽ bằng cây bút ấy đều sẽ trở thành sự thực. Nhưng nào ngờ cây bút thần nhanh chóng bị một tên ác bá cướp đi. Với lòng tham vô đáy hắn đã vẽ mỹ nữ và vàng bạc châu báu, nhưng kết quả sau đó thật vô cùng bất ngờ…

Từ bút lông đến cây cọ vẽ, các câu chuyện trong vũ kịch Shen Yun luôn gắn liền với Thần, và đức tin vào Thần cũng chính là nền tảng, là huyết mạch của văn minh 5000 năm Trung Hoa. Người Hán gọi Trung Quốc là “Thần Châu đại địa”, nghĩa là vùng đất của Thần. Trên thực tế, phía sau những phát minh và sáng tạo của Trung Quốc cổ đại đều có ân điển của Thần. Những điển tích thần thánh và các giá trị văn hóa Thần truyền cũng chính là điểm nổi bật của các tác phẩm nghệ thuật Shen Yun.

Theo Cao Thiên Vận - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện bút thần: Từ lịch sử đến vũ đài