Câu chuyện Phật gia: Văn Thù Bồ Tát và người đầu bếp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở phía tây nam của thị trấn Đài Hoài trên núi Ngũ Đài, thành phố Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, có một ngôi chùa tên là chùa Thù Tượng được xây dựng vào những năm đầu của triều đại Đông Tấn (năm 317). Ngôi chùa này thờ phụng bức tượng Văn Thù Bồ Tát được sơn màu lớn nhất ở núi Ngũ Đài.

Ngũ Đài sơn có tên gọi như vậy là do địa hình của núi gồm 5 đỉnh thuôn tròn, gọi là Bắc Đài, Nam Đài, Đông Đài, Tây Đài, Trung Đài. Trong đó, đỉnh Bắc Đài là cao nhất và đây cũng là đỉnh núi cao nhất ở vùng Hoa Bắc của Trung Quốc.

Tương truyền, núi Ngũ Đài có 128 ngôi chùa nhưng hiện giờ chỉ còn 47 chùa. Theo truyền thống của Phật giáo Trung Quốc, núi Ngũ Đài được công nhận là đạo trường tu luyện của Văn Thù Bồ Tát. Do đó, chùa Thù Tượng được coi là tổ đình của Văn Thù Bồ Tát.

Chùa Thù Tượng

Trong chùa Thù Tượng không có Đại Hùng bảo điện, mà chỉ có Văn Thù điện (chính điện), trong đó thờ phụng một bức tượng Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử cao gần chục mét, còn được gọi là tượng “Văn Thù Bồ Tát đầu kiều mạch”.

Đây là nơi có bức tượng Văn Thù Bồ Tát cao lớn nhất trong các ngôi chùa ở Ngũ Đài sơn. Trên tường của chính điện còn có tượng 500 vị La Hán, khiến cả tòa chính điện thêm linh thiêng và trang nghiêm. Mặc dù ngôi chùa này có diện tích không lớn, nhưng phong cách độc đáo của chính điện cùng những bức tượng trong sảnh khiến người xem phải kinh ngạc.

Phía sau tượng Văn Thù Bồ Tát còn có tượng Quan Âm Bồ Tát, được gọi là tượng “Quan Âm ngồi ngược”. Vì tượng Quan Âm Bồ Tát ở hầu hết các chùa luôn được đặt ngồi quay mặt về phía nam, nhưng ở chùa Thù Tượng lại quay mặt về hướng bắc, nên mới có cái tên này.

Bên ngoài ngôi chùa có một con suối gọi là "Bát Nhã Tuyền". Trong tiếng Phạn, "Bát Nhã" có nghĩa là "trí huệ". Tương truyền, uống nước ở Bát Nhã Tuyền có thể làm tăng trí huệ và trừ bỏ vô minh. Vì vậy, các đệ tử Phật giáo coi Bát Nhã Tuyền là “tịnh thủy” để cúng Phật, các thiện nam tín nữ thì mang nước suối về để thưởng thức cùng người thân bạn bè, thậm chí các hoàng đế nhà Thanh cũng uống nước suối này khi đến đây lễ Phật.

新疆阿艾石窟壁画中的文殊菩萨(左)及文殊菩萨复原图(右)。
Bức bích họa Văn Thù Bồ Tát trên hang động Ah-ai ở Tân Cương (trái) và hình ảnh Văn Thù Bồ Tát được phục dựng (phải). (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Thanh Lương Thạch

Cách chân núi Nam Đài khoảng 20 km về phía tây bắc có Thanh Lương cốc, trong đó có ngôi chùa cổ Thanh Lương tự. Phía sau chính điện của ngôi chùa, có một tảng đá tự nhiên, được gọi là Thanh Lương Thạch, là bảo vật chấn sơn của Ngũ Đài sơn.

Thanh Lương Thạch, bảo vật chấn sơn của Ngũ Đài sơn.
Thanh Lương Thạch, bảo vật chấn sơn của Ngũ Đài sơn. (Wikimedia commons)

Nơi này lưu truyền một câu chuyện thần kỳ về Văn Thù Bồ Tát. Từ rất lâu trước đây, Ngũ Đài Sơn có khí hậu khắc nghiệt, mùa hè cực kỳ nóng, mùa đông giá lạnh, quanh năm cát vàng cuồn cuộn, chim thú không thể sinh tồn được ở đây, người dân gần đó lại càng phải chịu đựng nhiều hơn. Văn Thù Bồ Tát từ bi, phát nguyện cứu độ sinh linh, đến Đông Hải Long Cung mượn một khối bảo thạch để toát ra sinh cơ của Ngũ Đài sơn.

Thế là, Văn Thù Bồ Tát biến thành một lão hoà thượng đi hoá duyên, đi vào Long Cung, mượn Long Vương một viên đá ở cửa cung để cải thiện khí hậu của Ngũ Đài sơn, tạo phúc cho nhân gian. Long Vương tỏ vẻ khó xử.

Tảng đá đó vốn được gọi là "Hiết Long Thạch". Mỗi khi năm người con của Long Vương hô mây gọi mưa trở về đều mồ hôi nhễ nhại, nhưng một khi nằm lên khối đá thì nhanh chóng phục hồi tinh thần, nên đây là bảo vật Long Vương trân quý nhất. Long Vương không tiện trực tiếp cự tuyệt, nhưng nghĩ rằng tảng đá nặng hơn một vạn cân, lão hoà thượng chưa chắc đã xê dịch được nó, nên nói: "Tảng đá cứng này cũng chẳng phải là bảo vật gì, lại còn rất nặng. Nếu ngài có bản lĩnh thì có thể đem nó đi".

Không ngờ, Văn Thù Bồ Tát có thần thông quảng đại, miệng niệm chú ngữ, biến tảng đá thành một hòn đá nhỏ rồi từ từ bay vào trong tay áo của Bồ Tát. Bồ Tát bay lên mà đi, chỉ còn lại Long Vương đứng ngẩn người, trong lòng than thở không dứt.

Sau khi năm người con trai của Long Vương trở về Long Cung, biết được Hiết Long Thạch đã bị Văn Thù Bồ Tát lấy đi thì tức giận đến mức nổi trận lôi đình, hùng hùng hổ hổ bay về phía Ngũ Đài sơn để đoạt lại bảo thạch.

Năm người con của Long Vương trẻ tuổi nóng nảy, khi nhìn thấy Bồ Tát thì kiêu ngạo vô lễ. Bồ Tát liền làm phép đóng các đỉnh của Trung Đài và Bắc Đài rồi nhốt họ vào trong. Các con của Long Vương không thể di chuyển, chỉ có thể giãy giụa vùng vẫy cái đuôi rồng.

Cuối cùng, năm người con của Long Vương được Văn Thù Bồ Tát thuần hóa. Còn Hiết Long Thạch thì vĩnh viễn được đặt lại ở Ngũ Đài sơn, linh khí tràn đầy khắp núi. Từ đó, Ngũ Đài sơn trở nên mát mẻ, nước mưa dồi dào, trên đỉnh núi cỏ mọc xanh tươi thành những đồng cỏ tự nhiên, trong núi rừng cây tươi tốt, cỏ cây hoa lá muôn màu muôn vẻ, khắp nơi sinh cơ bừng bừng. Ngũ Đài sơn được gọi là Thanh Lương sơn kể từ đó, và Hiết Long Thạch cũng được đổi tên thành Thanh Lương Thạch.

Tượng “Bồ Tát Văn Thù đầu kiều mạch”

Về bức tượng “Bồ Tát Văn Thù đầu kiều mạch”, dân gian Trung Quốc có lưu truyền một câu chuyện như sau:

Khi người xưa xây dựng bức tượng Văn Thù này, thần thú mà Bồ Tát cưỡi đã được tạc xong, chỉ còn lại phần đầu của Bồ Tát. Tuy nhiên, điều này khiến những người thợ khá lúng túng vì chưa ai từng nhìn thấy dung mạo của Bồ Tát nên không thể mô tả thần thái của Bồ Tát.

Kết quả là những người thợ thủ công bắt đầu cãi vã. Một người thợ nói rằng Bồ Tát phải có hình dạng thế này, người khác nói rằng phải có hình dạng như thế kia. Đám người vô cùng hỗn loạn và ồn ào.

Khi nhóm thợ đang tranh cãi kịch liệt, người phụ trách nấu ăn đang nấu mì kiều mạch trong bếp, nghe thấy tiếng cãi nhau ngoài sân, anh tưởng rằng có chuyện nên vội chạy ra ngoài nghe ngóng. Khi biết được nguyên nhân, anh lớn tiếng nói: “Tướng mạo của Bồ Tát không thể tùy tiện nặn tạo, có cãi nhau nữa cũng vô dụng!”. Khi anh nói xong, mọi người cũng ngừng tranh luận.

Người đầu bếp cũng quay trở lại bếp để chuẩn bị làm mì kiều mạch. Đột nhiên, trong sân tràn ngập ánh sáng vàng kim, người đầu bếp nhìn qua cửa sổ thì thấy Văn Thù Bồ Tát hiện ra giữa không trung. Anh chợt nhìn thấy khuôn mặt từ bi của Bồ Tát, nhưng lúc này chạy đi tìm họa sĩ thì không kịp. May thay, trong lúc cấp bách anh nảy ra ý tưởng dùng bột mì kiều mạch để ghi lại chân dung của Bồ Tát. Khi anh nặn xong phần đầu thì Bồ Tát Văn Thù cũng biến mất. Sau khi nhóm thợ đến, họ đã dát vàng và đặt phần đầu được nặn từ bột mì kiều mạch lên thân bức tượng. Về sau, bức tượng Bồ Tát này được gọi là "Văn Thù Bồ Tát đầu kiều mạch".

Người thế nào mới có thể nhìn thấy Thần Phật

Chắc hẳn nhiều người thắc mắc tại sao những người thợ xây tượng Bồ Tát lại không thể nhìn thấy chân dung của Bồ Tát mà chỉ mình người nấu ăn kia lại được nhìn thấy. Thử nghĩ xem, để tạc tượng Thần Phật thì phải giữ một tâm thái thành kính, tâm bình ý hòa. Nếu cứ tranh cãi rồi mặt mày đỏ bừng thì sao có thể tạc được tượng Thần Phật mang dáng vẻ từ bi uy nghiêm? !

Còn người đầu bếp trong câu chuyện, không lâu sau khi anh nói “Tướng mạo của Bồ Tát không thể tùy tiện nặn tạo, có cãi nhau nữa cũng vô dụng!”, thì Bồ Tát liền hiển linh. Hẳn là bởi vì những gì người đầu bếp nói chứa đầy lòng kính ngưỡng đối với Bồ Tát, nên Bồ Tát mới quyết định hiện ra.

Đây cũng là một điểm hóa cho chúng ta: Người có lòng thành kính Thần Phật thì mới có thể tận mắt nhìn thấy sự tồn tại chân thực của Thần Phật, hoặc được chứng kiến Thần tích bằng mắt trần. Vậy thì những bức tượng Thần Phật được tạo ra mới có thể làm rung động lòng người, khiến con người sinh lòng thành kính khi đứng trước tượng Thần Phật.

Nam Phương
(Tổng hợp từ Vision Times và NTDVN)



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện Phật gia: Văn Thù Bồ Tát và người đầu bếp