Câu chuyện về Lão Tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự là Đam. Ông là một nhà tư tưởng, một nhà triết học vĩ đại, là người sáng lập ra trường phái Đạo gia. Ông đã lưu lại cho hậu nhân một tác phẩm nổi tiếng, chính là cuốn “Đạo Đức Kinh”.

Năm 571 trước Công Nguyên, Lão Tử được sinh ra tại nước Sở vào thời Đông Chu. Cha của ông là Lão Tá, lúc đó đang làm quan Tư Mã của nhà Tống. Mùa hè năm 573 trước Công Nguyên, nước Sở dẫn binh tiến đánh nước Tống. Lão Tá dẫn binh ra nghênh chiến, nhưng không may tử trận, quân đội nhà Tống lập tức tan rã.

Mẹ của Lão Tử cùng với hai người hầu và một người đánh ngựa chạy khỏi kinh đô nước Tống. Trên đường đến Tương Ấp nước Trần, mẹ của Lão Tử đột nhiên cảm thấy bụng đau không ngừng. Thì ra bà đang mang thai, lại phải lên đường chạy trốn, và rất nhanh sau đó Lão Tử đã ra đời trên xe ngựa.

Tương truyền rằng, khi Lão Tử ra đời, thân thể của ông yếu ớt nhưng đầu to, lông mày rộng cùng với hai chiếc tai to, ánh mắt rất có thần. Bởi vì có hai chiếc tai to này nên mẹ ông đặt tên là “Đam” (‘Đam’ nghĩa là vành tai to). Sau này mọi người còn gọi ông là Lý Nhĩ (‘Nhĩ’ nghĩa là tai).

Lão Tử từ nhỏ đã thông minh hơn người. Ông thường thích suy ngẫm, muốn nghe về những chuyện liên quan đến sự hưng vong thịnh suy của các quốc gia, những câu chuyện chiến tranh thành bại, và quan sát thiên tượng.

Mẹ của Lão Tử mời một vị tiên sinh tinh thông lễ nhạc nhà Thương là Thương Dung lão tiên sinh đến dạy học cho ông. Thương Dung lão tiên sinh trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, được xem là người kiến thức uyên thâm, sâu rộng, hiểu biết nhiều cả đời xưa lẫn đời nay, nhận được sự kính trọng của cả nhà Lão Tử.

Lão Tử không giống những học trò khác. Trí tò mò khiến ông không ngừng nghiên cứu những việc mà ông không hiểu, ngay cả những việc sử sách cũng không ghi chép lại.

Một ngày nọ, khi Thương Dung lão tiên sinh giảng bài cho Lão Tử rằng: “Giữa trời đất, con người là cao quý, trong dân chúng, vua là gốc”.

Lão Tử liền hỏi: “Trời là vật gì?”.

Lão tiên sinh trả lời: “Trời là cái thanh thanh ở trên”.

Lão Tử hỏi tiếp: “Cái thanh thanh là vật gì?”

Lão tiên sinh nói: “Cái thanh thanh chính là thái không”.

Lão Tử vẫn chưa thấy thỏa mãn, liền tiếp tục hỏi: “Trên thái không lại là vật gì?”.

Câu hỏi này khiến Thương Dung lão tiên sinh không trả lời được, nên đành đáp rằng: “Các bậc tiên hiền chưa truyền thụ, các thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”.

Từ đó về sau, Lão Tử thường nhìn lên bầu trời đêm, suy ngẫm về những vấn đề mà mình chưa được giải đáp.

Một lần khác, Thương Dung lão tiên sinh giảng bài: “Trong lục hợp có tồn tại thiên, địa, nhân, vật. Thiên có Thiên Đạo, Địa có địa lý, người có nhân luân, vật có vật tính. Có Thiên Đạo cho nên mặt trời, mặt trăng và các vì sao mới có thể vận hành. Có địa lý cho nên núi sông hồ biển mới có thể hình thành. Có nhân luân cho nên mới phân biệt tôn ti lớn bé. Có vật tính nên mới có thể phân biệt được dài ngắn bền giòn”.

Lão Tử nghe xong, lập tức hỏi: “Mặt trời, mặt trăng và các vì sao là do ai đẩy chúng vận hành? Núi sông hồ biển là ai tạo nên? Tôn ti lớn bé là ai định mà phân ra? Dài ngắn bền giòn là ai đặt ra để phân biệt?”.

Lão tiên sinh trả lời: “Tất cả đều là do Thần làm”.

Lão Tử lại hỏi: “Thần làm thế nào để định ra tất cả những điều này?”.

Lão tiên sinh đáp: “Thần có năng lực biến hóa, có công tạo vạn vật, do đó có thể làm được như vậy”.

Lão tử tiếp tục hỏi: “Năng lực của Thần là từ đâu đến?”.

Lão tiên sinh ngẫm nghĩ một lát, chỉ đành trả lời: “Các bậc tiên hiền chưa truyền thụ, các thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”.

Lão Tử suy nghĩ câu hỏi ấy, suốt ba ngày không màng đến chuyện ăn uống.

Lại có một lần, Thương Dung lão tiên sinh giảng: “Việc trong thiên hạ, hòa là quý. Bất hòa thì sẽ giao tranh, giao tranh thì sẽ tương tàn, tương tàn thì sẽ cả hai bị thương, cả hai bị thương thì có hại mà không có lợi ích. Thế nên làm lợi cho người tức là làm lợi cho mình, gây họa cho người tức là gây họa cho mình”.

Lão Tử hỏi: “Trong thiên hạ xảy ra xung đột, bách tính gặp phải tai họa, vì sao bậc quân vương lại không quản?”.

Lão tiên sinh trả lời: “Dân tranh đoạt lẫn nhau, đó là bất hòa nhỏ. Bất hòa nhỏ thì bị tai họa nhỏ, khi đó quân vương có thể trị sửa được. Quốc gia tranh đoạt lẫn nhau, đó là bất hòa lớn. Bất hòa lớn thì bị tai họa lớn, tai họa lớn là lỗi lầm của quân vương, lấy gì để tự trị sửa mình?”.

Lão Tử lại hỏi: “Bậc quân vương không thể tự trị sửa mình, tại sao Thần không trị sửa quân vương?”.

Thương Dung lão tiên sinh không biết trả lời thế nào, đành dùng câu nói cũ để trả lời Lão Tử: “Các bậc tiên hiền chưa truyền thụ, các thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”.

Sau khi dạy Lão Tử được 3 năm, Thương Dung lão tiên sinh nói với mẹ của Lão Tử rằng: “Kiến thức của tôi có hạn. Con của bà quá thông minh, ba năm qua tôi đã truyền lại hết kiến thức của mình. Hôm nay tôi đến đây là để nói lời từ biệt. Con của bà là một đứa trẻ có chí hướng cao xa và to lớn. Tôi đề nghị bà đưa Đam Nhi đến kinh đô nhà Chu. Đó là nơi hội tụ của những nhân sĩ đức cao vọng trọng, kiến thức uyên bác. Nếu muốn Đam Nhi sau này có thể làm nên nghiệp lớn, nhất định phải đưa Đam Nhi đến đó học tập”.

Sau đó Lão Tử bái quan Bác sĩ Thái học của nhà Chu làm thầy. Người thầy này sau đó đã tiến cử Lão Tử đến làm chức quan Thủ tàng thất.

Khi Lão Tử đến tuổi trưởng thành, Thương Dung lão tiên sinh (cũng có thuyết nói là vị sư phụ khác tên là Thường Tung) đã rất già. Có lần lão tiên sinh lâm bệnh nặng, Lão Tử biết được liền đến thăm thầy. Khi Lão Tử đến bên giường bệnh, lão tiên sinh mở miệng rồi lấy tay chỉ lên miệng mà hỏi Lão Tử: “Lưỡi của ta vẫn còn chứ?”.

Lão Tử cảm thấy rất kỳ lạ, nghĩ rằng: “Lẽ nào thầy của mình mắc bệnh nên nhầm lẫn rồi, sao lại hỏi như vậy? Nếu không có lưỡi, làm sao thầy có thể nói chuyện được?”.

Lão tiên sinh hỏi tiếp: “Còn răng của ta thì sao?”.

Lúc này, lão tiên sinh đã không còn chiếc răng nào. Lão Tử cũng trả lời đúng như vậy. Lão tiên sinh nói: “Con biết ta vì sao lại hỏi như vậy không?”

Lúc này Lão Tử mới hiểu được, thầy đang muốn điểm ngộ cho mình: “Lưỡi mềm nên mới còn tồn tại, răng cứng chắc nên mới bị rụng mất. Rất nhiều việc trên thế gian đều như vậy”.

Sau này, trong cuốn “Đạo đức kinh”, Lão Tử viết: “Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được. Cho nên Thánh nhân nói: ‘Dám nhận lấy nhơ nhuốc của quốc gia, mới có thể làm chủ xã tắc, ai dám gánh chịu tai họa của quốc gia, mới có thể làm vua thiên hạ’. Lời ngay nghe trái tai”.

Chính là nói rõ rằng mặc dù trong thiên hạ, nước là thứ yếu mềm nhất nhưng sức công phá của nước lại không gì sánh bằng, yếu có thể thắng mạnh, nhu có thể thắng cương, mọi người ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được, vì vậy Thánh nhân mới cho rằng người có gánh lấy nỗi nhục của quốc gia mới có thể trở thành bậc quân vương, người có thể gánh chịu tai họa của đất nước mới có thể trở thành bậc quân chủ trong thiên hạ.

Từ đó Lão Tử đã ngộ được, ai ai cũng nên giữ được sự mềm mại, yếu nhược yên tĩnh mà có thể bao dung cả thiên hạ; như vậy Đạo sẽ như dòng nước không ngừng chảy vào cơ thể, giúp con người không rời xa đạo đức.

Thầy của Lão Tử đã dạy cho ông lễ nghi nhà Chu, cốt lõi trong đó chính là sự khiêm tốn. Lúc này Lão Tử càng nhận thức sâu sắc hơn điều này.

Lão Tử cưỡi trâu đi ra khỏi Hàm Cốc Quan. (Widodo/Wikimedia Common/CC BY-SA 3.0)

Năm 485 trước Công Nguyên, Lão Tử nhìn thấy nhà Chu ngày càng suy bại, liền từ chức quan Thủ tàng thất, chuẩn bị đi qua ải Hàm Cốc đến vùng Tây Vực để giáo hóa dân chúng. Lão Tử biết rằng quan lệnh trấn giữ ải Hàm Cốc là Doãn Hỷ trong mệnh đã định sẽ đắc Đạo. Thế nên ông đã giảng cho Doãn Hỷ 5000 chữ. Doãn Hỷ mang những lời này viết thành một cuốn sách, đặt tên là “Đạo đức kinh”.

Doãn Hỷ chiểu theo lời dạy của Lão Tử để tu luyện, quả thật đã đắc Đạo thành Tiên. Những người tu Đạo đời sau đều tôn Lão Tử là tôn sư. Theo sử sách ghi lại, cuối cùng ở núi Nhạc Lộc, huyện Lâm Thao tỉnh Cam Túc ngày nay, Lão Tử đã “bạch nhật phi thăng”. Đó chính nói rằng người tu luyện sau khi đắc Đạo, vào ban ngày bay lên Thiên giới thành Tiên. Tại nơi ông phi thăng, người đời sau đã lập nên “Phi thăng đài”, cũng gọi là "Phượng đài" hoặc là "Siêu nhiên đài" để tưởng nhớ vị thủy tổ của Đạo gia.

Theo Chinese Traditional Story

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện về Lão Tử