Chủng người khổng lồ trong Sơn Hải Kinh đã xuất hiện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ trước đến nay, vẫn luôn có những cuốn sách mà dù chúng ta có nghiên cứu thế nào cũng thể hiểu hết. Trong số những cuốn sách này, “Sơn Hải Kinh” chắc chắn sẽ là cuốn sách hàng đầu. Nội dung của Sơn Hải Kinh thật rất khó để có thể tưởng tượng ra. Đặc biệt, cuốn sách này còn có đề cập đến một chủng người khổng lồ thời cổ đại. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ học cho thấy, loại người khổng lồ này thực sự tồn tại.

Trong “Sơn Hải Kinh - Đại hoang bắc kinh” và “Sơn Hải Kinh - Hải ngoại bắc kinh” có chép rằng: “Đối thủ của Hoàng Đế là Xi Vưu, người đã xây dựng một đội quân người khổng lồ. Những người khổng lồ này sống trên các ngọn núi lớn ở phía Bắc, được gọi là tộc Hoa Phụ hay nước Hoa Phụ. Sau đó, trong cuộc chiến với Hoàng Đế, tộc người này bị thần thú “Ứng Long” tiêu diệt toàn bộ”.

Nếu vừa nghe qua, có lẽ chúng ta sẽ cho rằng câu chuyện này chỉ là một truyền thuyết hoang đường, không thể nào có thật. Tuy nhiên những phát hiện khảo cổ gần đây đã khiến khiến các chuyên gia cho rằng, câu chuyện về chủng người khổng lồ trong “Sơn Hải Kinh” có thể không phải là chuyện tưởng tượng.

Phát hiện một chủng người mới – Chủng người khổng lồ

Câu chuyện bắt đầu tại một phiên chợ rất bình thường. Một ngày nọ vào tháng 8 năm 2017, chuyên gia cổ vật học Quý Cường đã đến dạo chơi tại khu chợ buôn bán đá ở thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong chợ, kẻ buôn người bán tấp nập, người qua kẻ lại không ngớt. Sạp hàng của những tiểu thương tại đây trưng bày đủ các loại đá với nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Chuyên gia Quý Cường dạo một vòng khắp khu chợ, nhưng ông không phát hiện được mẫu đá đặc biệt nào để mua. Lúc ông chuẩn bị trở về, đột nhiên có người gọi tên ông. Quay đầu nhìn lại, Quý Cường phát hiện ra người gọi mình là một ông chủ sạp hàng đã lớn tuổi. Trên sạp hàng của người này có trưng bày những loại đá rất bình thường như đá tùng hoa, mã não...

Ông chủ sạp liền hỏi Quý Cường: “Ngài có phải là chuyên gia cổ vật học Quý Cường không?”.

Quý Cường cảm thấy rất kỳ lạ, ông nghĩ: “Ở đây cũng có người biết mình sao?”.

Ông chủ kéo Quý Cường sang một bên, bí mật nói: “Tôi có một bảo vật muốn cho ông xem. Mấy ngày sau ông hãy quay lại sạp hàng này để tìm tôi”.

Quý Cường không hiểu, liền hỏi lại rằng: “Ông là ai? Làm sao ông biết được tôi? Ông muốn cho tôi xem bảo vật gì chứ?”.

Ông chủ cười cười, nói: “Mấy năm trước tôi đã biết đến ông rồi. Tôi luôn theo dõi những nghiên cứu của ông. Còn về bảo vật là gì, ông quay trở lại đây thì sẽ biết”.

Lúc này Quý Cường cảm thấy vô cùng hiếu kỳ: “Không biết là bảo vật gì mà khiến ông chủ này chú ý đến mình, còn phải nhất định mang đến cho mình xem?”.

Vì vậy ông quyết định vài ngày sau sẽ quay lại xem sao. Mấy ngày sau, giống như lời hẹn, Quý Cường quay trở lại sạp hàng để gặp ông chủ. Ông chủ liền kéo Quý Cường đến một góc khuất, đưa cho ông một chiếc hộp. Quý Cường hiếu kỳ mở chiếc hộp ra xem. Nhìn thấy đồ vật trong đó, Quý Cường vô cùng ngạc nhiên. Thì ra trong chiếc hộp kia là một hộp sọ hóa thạch được bảo tồn rất hoàn hảo. Nhưng kích cỡ của hộp sọ này lại lớn hơn nhiều so với hộp sọ của người bình thường. Mặc dù có kinh nghiệm nghiên cứu cổ vật nhiều năm nhưng Quý Cường cũng chưa từng nhìn thấy hộp sọ nào như vậy.

Lúc này, Quý Cường vô cùng kích động, hỏi ông chủ rằng: “Làm sao ông tìm ra được khối hóa thạch này?”.

undefined
Hộp sọ người Rồng. (Wikipedia)

Thế rồi, ông chủ sạp hàng kể cho Quý Cường nghe một câu chuyện.

Năm 1933, khi thành phố Cáp Nhĩ Tân đang nằm dưới sự quản lý của quân đội Nhật Bản, chính quyền thành phố đã huy động rất nhiều nhân lực, vật lực để xây một chiếc cầu bắc qua sông Tùng Hoa. Trong quá trình đào đất, một công nhân vô tình phát hiện chiếc hộp sọ hóa thạch này. Lúc đó, người công nhân chợt nhớ lại một mẩu tin mà mình từng đọc được trước đây: “Khoảng 4 năm trước, ở thị trấn Chu Khẩu Điếm tại Bắc Kinh, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một khối hóa thạch có hình sọ người. Khối hóa thạch của người tiền sử này đã khiến cả thế giới chấn động”.

Khi đó, người công nhân cho rằng, có thể khối sọ hóa thạch này cũng sẽ khiến thế giới chấn động giống như vậy. Ông không muốn khối hóa thạch rơi vào tay người Nhật Bản, nên ông đã lặng lẽ mang hộp sọ hóa thạch đến chôn trong một chiếc giếng bỏ hoang mà người khác không thể tìm được. Sau đó, người công nhân tiếp tục giữ gìn bí mật này. Chỉ đến khi sắp qua đời, ông mới kể lại cho con trai. Ông chủ sạp hàng chính là con trai của người công nhân kia.

Sau khi nghe được câu chuyện, Quý Cường vội vàng mang chiếc hộp sọ hóa thạch về phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Lúc đó, một nhà nghiên cứu người Anh tên là Chris Stringer biết được tin tức, nên cũng đến tham gia vào quá trình nghiên cứu. Năm 2021, kết quả nghiên cứu của họ đã được công bố bằng 3 bài viết đăng trên trang The Innovation.

Báo cáo nguyên cứu cho biết, ở thành phố Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc, người ta đã tìm thấy một chủng người mới chưa từng được biết đến trong lịch sử, và nhóm nghiên cứu đặt tên cho chủng người mới ngày là người Rồng. Hộp sọ của người Rồng được bảo tồn rất hoàn hảo, trong đó các thành phần trong hốc mắt, xương mũi, phần nền sọ và các chi tiết nhỏ vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Bài báo cho rằng chiếc hộp sọ này là của một người nam có kích thước to lớn, khoảng 50 tuổi, sống ở vùng bình nguyên bồi tích có rừng rậm che phủ, cách đây ít nhất 146.000 năm. Dung tích của hộp sọ lớn hơn dung tích hộp sọ của con người hiện đại khoảng 7% và kích thước của hộp sọ to gấp 1,25 lần so với hộp sọ của chủng người tinh khôn.

Trong ngành Nhân loại học, chủng người tinh khôn được xem là tổ tiên trực hệ của con người hiện đại. Phần lớn các giả thuyết đều cho rằng nguồn gốc của con người là bắt nguồn từ châu Phi. Vào khoảng 10 vạn năm trước, chủng người tinh khôn bắt đầu rời khỏi châu Phi và di chuyển đến các nơi trên thế giới, phân biệt với chủng người Homo Erectus ở châu Á và chủng người Neanderthals ở châu Âu. Thực ra con người ngày nay cũng là chủng người hỗn huyết giữa các chủng người trên. Điều này chỉ mới được phát hiện gần đây với manh mối đầu tiên được tìm ra vào năm 2010. Một số nhà khoa học phát hiện DNA của một số người châu Âu có nhiều điểm tương đồng với DNA của các mẫu hóa thạch người Neanderthals. Điều đó cho thấy một phần con người hiện đại là kết quả giao phối dị chủng với người Neanderthals. Người Neanderthals là chủng người sống ở châu Âu cách đây hơn 30.000 năm với bộ xương và cơ bắp phát triển mạnh hơn so với con người ngày nay. Chủng người này có nhiều đặc điểm giống với loài chuyên ăn thịt.

Đối với chủng người người Rồng vừa được phát hiện, dựa theo tỷ lệ hộp sọ, nếu chủng người tinh khôn cao trung bình khoảng 1,7m thì chủng người Rồng này cao khoảng 2,1m. So với những vận động viên bóng rổ của NBA cao trung bình 2m, thì người Rồng còn cao thêm 10cm. Bởi vậy, chúng ta cũng có thể xem họ là một chủng người khổng lồ. Việc phát hiện ra chủng người mới là một cơn địa chấn đối với giới khảo cổ. Tuy nhiên nếu chỉ có một khối sọ hóa thạch như vậy, làm sao chúng ta có thể kết luận rằng đây là một chủng người chưa từng được phát hiện? Ngay sau khi thông tin về hộp sọ hóa thạch được công bố, một nhà khoa học đã lập tức nghĩ đến một phát hiện khác từng làm chấn động thế giới cách đây hơn 10 năm.

Chủng người Denisova bí ẩn

Dãy núi Altai ở vùng Siberi nước Nga là địa điểm ưa thích của các ẩn sĩ và pháp sư. Bởi vì nơi này hoàn toàn tách biệt với thế gian, không bị thế giới bên ngoài can nhiễu, nên rất thích hợp cho việc tu hành. Vào thế kỷ 18, một ẩn sĩ tên là Hermit Dyonisiy đã tu hành trong một hang động trên dãy núi Altai. Sau khi các nhà khảo cổ phát hiện ra hang động này, họ đã đặt tên cho nó là hang Denisova.

Năm 2008, nhà khảo cổ học Michael Shunkov cùng đoàn của ông đã phát hiện được rất nhiều xương hóa thạch trong hang Denisova. Đoàn khảo cổ rất hào hứng với phát hiện này, họ hy vọng rằng có thể tìm thấy dấu tích của người Neanderthals tại đây. Sau đó tất cả số xương hóa thạch được chuyển đến phòng nghiên cứu khảo cổ Max Planck ở Đức. Các nhân viên phân tích đã tiến hành hóa nghiệm. Họ phát hiện rằng số hóa thạch này phần lớn là xương của các loài động vật như gấu, hổ, hươu, và khả năng tìm thấy dấu vết của người Neanderthals rất thấp.

Khi việc phân tích sắp kết thúc, có một mảnh xương hóa thạch nhỏ đã khiến các chuyên viên phải chú ý. Dựa theo kinh nghiệm làm việc nhiều năm, các chuyên viên cho rằng mảnh xương trên rất có thể là hóa thạch xương người. Quả nhiên, sau khi giám định, mảnh hóa thạch này đúng là xương người. Đó là mẫu hóa thạch một đốt xương ngón tay của một người phụ nữ trẻ. Lúc này, nhóm nghiên cứu vô cùng vui mừng. Họ cho rằng cuối cùng họ cũng đã tìm thấy được vết tích của người Neanderthals rồi. Thế nhưng bởi vì mảnh xương này quá nhỏ, không thể đánh giá dựa vào hình dạng, mà chỉ có thể dùng phương pháp phân tích DNA. Rất may là các nhà nghiên cứu đã chiết xuất đủ lượng DNA từ mẫu xương để kiểm tra.

Nhóm nghiên cứu vừa mừng, vừa lo, ai cũng hy vọng rằng số lượng DNA ít ỏi này có thể mang lại kết quả mà mọi người đang mong đợi. Thế nhưng mấy ngày sau, kết quả phân tích lại phát hiện rằng DNA trong mảnh xương không phải là DNA của người Neanderthals. Mọi người đều cảm thấy thất vọng, như vậy mảnh hóa thạch này rốt cuộc là gì? DNA này cũng không phải là DNA của người tinh khôn. Kết quả này khiến nhóm nghiên cứu rất bối rối, phải chăng mẫu DNA bị nhiễm tạp chất? Họ đã tốn nhiều công sức như vậy, lẽ nào lại không có kết quả gì. Nếu đúng như vậy thì lần khảo sát này đã hòa toàn thất bại rồi.

Tuy nhiên, giám định viên lại đưa ra tuyên bố rằng: Khúc xương này thuộc về một chủng người chưa từng được phát hiện trước đây. Mọi người đều rất ngạc nhiên, họ không dám tin vào tai mình nữa. Việc phát hiện ra một chủng người mới là việc có ý nghĩa rất to lớn. Đối với những nhà khảo cổ học và nhân loại học, việc này còn may mắn hơn cả trúng vé số. Nhóm nghiên cứu vui đến mức không thốt nên lời. Lúc này nhà khảo cổ học Shenkov nói rằng: “Nếu mẩu xương này được phát hiện ở hang Denisova, vậy thì chúng ta hãy gọi họ là chủng người Denisova”.

Hang Denisova và người Denisova. (Chụp video)

Như vậy, một chủng người mới đã xuất hiện, hơn nữa đây là chủng người duy nhất được xác định bằng cách phân tích DNA. Nhưng không ai biết rằng chủng người Denisova có hình dáng như thế nào, vì vậy các nhà khảo cổ học phải tiếp tục tìm kiếm hóa thạch. Quả nhiên công sức các nhà nghiên cứu bỏ ra đã được đền đáp. Vào năm 2019, ở phía Đông Bắc cao nguyên Thanh Tạng, tại hang đá vôi Bạch Thạch Nhai, huyện Hạ Hà, tỉnh Cam Túc, một nhóm khảo cổ đã tìm được một mảnh hóa thạch xương hàm dưới của người, phía trên vẫn còn 2 chiếc răng hàm. Thông qua xét nghiệm phân tích protein, các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng nhóm người Hạ Hà sống cách đây hơn 160.000 năm này chính là chủng người Denisova. Đây là lần đầu tiên những bằng chứng về chủng người Denisova được tìm thấy trên cao nguyên Thanh Tạng. Tuy nhiên điều kỳ lạ chính là, răng hàm của những người Hạ Hà lớn gấp 1,25 lần so với rằng hàm của chủng người tinh khôn. Thế là một câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao chủng người này lại có phần hàm dưới phát triển như vậy?

Giới khảo cổ đã đưa ra rất nhiều suy đoán về vấn đề này. Có người cho rằng, có thể là do người Hạ Hà ăn những loại thức ăn cứng trong một thời gian dài, khiến hàm dưới và răng hàm phát triển lớn. Cũng có người đoán rằng chủng người Denisova và người Hạ Hạ là một chủng người mới, khác với chủng người tinh khôn. Giới chuyên gia vẫn tiếp tục tranh luận, không ai chịu ai, vì vậy họ phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Sau đó, có người phát hiện ra rằng chiếc răng hàm lớn trên mẫu hóa thạch không là do việc ăn một loại thức ăn đặc biệt nào đó tạo thành, mà đó chính là đặc điểm hàm răng của người Hạ Hà. Bởi vì thức ăn của chủng người này hoàn toàn không có gì khác biệt so với chủng người tinh khôn và chủng người Neanderthals sống cùng thời kỳ. Như vậy, lúc này các chuyên gia đã biết được đặc điểm xương hàm dưới và răng hàm của chủng người Denisova nhưng vẫn không ai biết được khuôn mặt của những người này.

Vào năm 2014, tiến sĩ David Gokhman của trường Đại học Do Thái, Israel đã so sánh bản đồ methyl hóa DNA của người Denisova với người hiện đại, để tiến hành phục dựng lại khuôn mặt của họ. Nhưng bởi vì không có các bằng chứng hóa thạch nên việc phục dựng cũng chỉ có thể phác hóa được vài nét cơ bản. Vào năm 2012, chủng người Rồng xuất hiện, khiến rất nhiều chuyên gia khảo cổ nhận định rằng: có thể vào thời cổ đại, đã có một tộc người khổng lồ tồn tại.

Người Rồng, người Hạ Hà, người Denisova có phải là chủng người khổng lồ được ghi chép trong Sơn Hải Kinh không?

Các nhà khảo cổ đã dựa vào đặc điểm vật lý của hóa thạch để vẽ ra cây phả hệ của loài người. Khi đó, họ phát hiện rằng, chủng người Rồng và chủng người Hạ Hà có quan hệ rất mật thiết với nhau. Nếu như vậy thì đặc điểm xương hàm và răng hàm lớn của chủng người Hạ Hà cũng đã tìm được cách giải thích. Những chiếc răng và xương hàm này không phải là do việc nhai những loại thức ăn đặc thù, mà nó thuộc về một chủng người có kích thước to lớn. Đương nhiên vẫn có những nhà nhân loại học có cách nhìn khác. Họ cho rằng việc nhận định chủng người Rồng là một chủng người độc lập với chủng người tinh khôn chỉ là một phán đoán chưa đủ căn cứ. Chủng người này có thể là một nhánh của người tinh khôn hiện tại. Ví dụ các cầu thủ NBA có thể hình rất cao to nhưng chúng ta không thể nói rằng họ là một chủng người khác so với chúng ta. Nhưng cũng có rất nhiều chuyên gia khảo cổ cho rằng, người Denisova, người Hạ Hà và người Rồng là một chủng người mới, không thuộc chủng người Neanderthals, cũng không phải là chủng người tinh khôn của chúng ta ngày nay.

Chuyên gia khảo cổ Shara Bailey của trường Đại học New York khẳng định chắc chắn rằng: “Mọi người đều đang đoán xem người Denisova trông như thế nào. Thật ra, chủng người Rồng chính là chủng người Denisova mà chúng ta đã tìm thấy trước đó”.

Hiện tại điều cần làm tiếp theo chính là so sánh DNA của hóa thạch hộp sọ người Rồng với DNA của chủng người Denisova và người hiện đại, thì có thể biết được ngay người Rồng thuộc chủng người nào. Nhưng các nhân viên nghiên cứu lại nói rằng, không thể làm như vậy bởi vì họ không biết chắc rằng việc này có làm hư hại mẫu hóa thạch hay không. Sự xuất hiện của chủng người người Rồng khổng lồ và người Denisova là một đả kích đối với những nhà khoa học tin vào thuyết tiến hóa.

Có một điều ngạc nhiên hơn chính là, trong hang của người Denisova còn có một loại trang sức. Các nhà khảo cổ đã xác định rằng, niên đại của chiếc vòng tay phát hiện trong hang Denisova là ít nhất 70.000 năm. Nếu chỉ quan sát bề ngoài, mẫu trang sức này giống với những mẫu vật trong thời kỳ đồ đá mới. Sau khi các kỹ thuật viên phục dựng lại hình dáng nguyên bản của chiếc vòng tay này, các chuyên gia khảo cổ rất bất ngờ. Điều kinh ngạc chính là trên mẫu trang sức này có một lỗ khoan có đường kính 0,8 cm. Các kỹ thuật viên nói rằng, lỗ này không thể dùng các dụng cụ bằng đá để tạo thành được. Để chế tác lỗ này, cần phải dùng máy khoan tốc độ cao, hơn nữa chiếc vòng tay cũng có kỹ thuật đánh bóng cao hơn nhiều so với thời kỳ đồ đá.

Lẽ nào vào 70.000 năm trước đã có máy khoan điện tốc độ cao, hoặc là chủng người Denisova không phải là chủng người mông muội ăn lông ở lỗ? Nếu như vậy thì chúng ta phải sửa đổi lại lịch sử rồi. Chủng người Denisova phát hiện ở phía Nam vùng Siberi, đến chủng người Rồng ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, và nhóm người Hạ Hà ở vùng đông bắc cao nguyên Thanh Tạng, nếu kết nối tất cả các manh mối này lại, chúng ta có thể cho rằng, có thể từng có những người khổng lồ sinh sống trên một vùng rộng lớn ở phía Bắc của đại lục Á Âu.

Chúng ta sẽ xem lại câu chuyện trong Sơn Hải Kinh: Xi Vưu cũng đến từ phía Bắc của Trung Quốc. Như vậy nếu nói Xi Vưu dẫn theo một nhóm người khổng lồ từ phía Bắc chống lại Hoàng Đế, thì cũng chẳng phải là chuyện rất hợp lý sao? Không chỉ như vậy, ngày nay các chuyên gia còn tìm thấy DNA của chủng người Denisova trên những người Melanesia ở châu Úc. Từ vùng Siberia đến cao nguyên Thanh Tạng, đến phía Nam Thái Bình Dương, ADN của chủng người khổng lồ đã phân bố rộng hơn một nửa diện tích địa cầu.

Một chi tiết quan trong Sơn Hải Kinh là, trong cuộc chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu, toàn bộ quân đoàn của tộc người khổng lồ Hoa Phụ đã bị diệt. Nếu chủng người Denisova và người Rồng mới được phát hiện là một nhánh của nhóm người khổng lồ thời cổ đại, thì trận chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu sẽ không chỉ là cuộc chiến của các tộc người Hoa Hạ vào thời cổ đại, mà còn là trận chiến liên quan đến sự biến đổi các chủng người trên Trái Đất. Trải qua cuộc chiến này, toàn bộ tộc người khổng lồ đã bị tuyệt chủng. Những người khổng lồ may mắn sống sót, vì để tránh bị đuổi giết, đã chạy trốn đến nơi khác, giao phối dị chủng với các chủng tộc khác. Cùng với thời gian, DNA của họ đã hòa cùng với DNA của con người hiện đại.

Theo Wenzhao

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chủng người khổng lồ trong Sơn Hải Kinh đã xuất hiện