Chuyên gia: Nhiều triệu phú Trung Quốc ly hôn, phân chia cổ phiếu để tránh bị chính quyền 'bóc lột'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm nay, nhiều triệu phú cổ phiếu A của Trung Quốc đã ly hôn và tổng giá trị thị trường của số cổ phiếu được dùng làm "phí chia tay" trong các vụ ly hôn này lên tới gần 30 tỷ nhân dân tệ. Phân tích chỉ ra rằng, trong khi chính quyền Trung Quốc không ngừng “thu hoạch” các công ty tư nhân, những người giàu cũng sử dụng phương pháp “ly hôn để giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu” nhằm tránh rủi ro.

Cổ phiếu A là cổ phiếu chứng khoán của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc, giao dịch trên hai sàn chứng khoán Trung Quốc là Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) và Sàn giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến (SZSE). Cổ phiếu A còn được gọi là cổ phiếu trong nước vì nó sử dụng đồng Nhân dân tệ (CNY) để định giá.

Vào ngày 15/9, lại có một vụ ly hôn của chủ tịch công ty cổ phiếu A ở Trung Quốc. Công ty Cổ phần Guoguang (mã chứng khoán: 002749) thông báo, chủ tịch Nhan Á Kỳ (Yan Yaqi) và vợ Hồ Lợi Hà (Hu Lixia) đã hoàn tất thủ tục ly hôn sau khi "thương lượng hòa giải và đi đến thống nhất". Ông Nhan Á Kỳ sẽ chia một nửa trong số khoảng 40.898.340 cổ phiếu mà ông nắm giữ của Guoguang cho bà Hồ Lợi Hà. Sau khi hoàn tất việc chia tách, mỗi người sẽ nắm giữ 4,702% cổ phần của công ty.

Giá trị thị trường của số cổ phiếu trên là khoảng 225 triệu CNY (khoảng 749 tỷ VND).

Gần một tháng trước, ở Trung Quốc còn xảy ra vụ ly hôn với “phí chia tay” cao ngút trời. Vào tối ngày 25/8, công ty công nghệ Heli Technology (mã chứng khoán: 603917) thông báo rằng ông Phàn Khai Thự (Fan Kaishu), một trong những cổ đông lớn và người kiểm soát thực tế của công ty, đã làm thủ tục ly hôn với vợ là bà Ổ Kim Hoa (Wu Jinhua). Ông Phàm có kế hoạch chuyển 7,0263 triệu cổ phiếu của công ty mà ông nắm giữ (chiếm 4,48% tổng vốn cổ phần của công ty) cho bà Ổ Kim Hoa. Sau khi hoàn tất việc chia tách, tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Phàm giảm xuống còn 5,76%.

Tổng giá trị cổ phiếu mà bà Ổ Kim Hoa nhận được là khoảng 132 triệu CNY (khoảng 439,5 tỷ VND).

Hôm 23/8, truyền thông Trung Quốc cũng từng nhắc đến tình trạng ly hôn năm nay của cổ đông trong các công ty niêm yết cổ phiếu A.

Cụ thể, các cổ đông nắm giữ trên 5% cổ phần của 7 công ty niêm yết cổ phiếu AI (trí tuệ nhân tạo) là 360 Security Technology, Maxscend Technologies, Fubon Financial, Red Avenue New Materials, Kexin Comm, Huitian Adhesive Enterprise và Secote Precision Electronic đã ly hôn. Tổng giá trị thị trường của số cổ phiếu được phân chia lên tới 28,5 tỷ CNY (94,89 nghìn tỷ VND).

Ngoài ra, các cổ đông lớn của hai công ty niêm yết cổ phiếu AI khác là Hangzhou Todaytec và Shijiazhuang Tonhe Elect cũng được tiết lộ đã ly hôn.

Trong số đó, vụ ly hôn của hai vợ chồng chủ công ty Red Avenue New Materials đã xác lập kỷ lục về "phí chia tay" cao nhất trong năm nay. Ông Lưu Đông Thăng (Liu Dongsheng) đã chuyển toàn bộ cổ phiếu có giá trị thị trường hơn 14 tỷ CNY (khoảng 46,6 nghìn tỷ VND) cho bà Trương Ninh (Zhang Ning). Công ty này ban đầu do cả hai cùng kiểm soát, nay chỉ còn một mình bà Trương nắm quyền.

Các công ty có cổ đông ly hôn trong năm nay chủ yếu là niêm yết cổ phiếu AI. Năm nay trùng với thời điểm bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực AI và công nghệ, giá cổ phiếu tăng vọt. Hầu như tất cả các vụ ly hôn đều xảy ra sau khi giá cổ phiếu tăng mạnh. Sự trùng hợp này đương nhiên khiến thế giới bên ngoài không khỏi suy đoán và đặt nghi vấn rằng liệu có phải "ly hôn là giả, giảm tỷ lệ sở hữu là thật". "Giảm tỷ lệ sở hữu bằng cách ly hôn" đã trở thành một chủ đề nóng.

Vào ngày 28/7, Ủy ban Quản lý Giám sát Chứng khoán Trung Quốc nhắc nhở rằng các cổ đông lớn, thành viên hội đồng quản trị, giám sát viên và giám đốc điều hành cấp cao của các công ty niêm yết “không được phép lẩn tránh các hạn chế về giảm tỷ lệ sở hữu thông qua bất kỳ hình thức nào như ly hôn, giải thể, thanh lý, chia tách, v.v.”.

Hôm 25/8, ủy ban trên đã ban hành quy định mới nhằm hạn chế hạn mức và phương thức “giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần bằng cách ly hôn”. Quy định mới này khiến các cổ đông lớn khó có thể nhanh chóng thực hiện việc cắt giảm cổ phần và rút tiền sau khi ly hôn.

Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) từ Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Mỹ nói với The Epoch Times rằng, trước việc có rất nhiều triệu phú cổ phiếu A ly hôn, không thể loại trừ khả năng họ thực sự có rạn nứt trong hôn nhân, nhưng một số người trong đó cũng có thể muốn “đi đường vòng để giảm tỷ lệ nắm giữ", như vậy có thể giúp giảm thiểu rủi ro hoặc tránh bị kiểm toán.

Ông Tạ Điền chỉ ra, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải thành lập các chi bộ đảng và bí thư đảng ủy phải nằm trong hội đồng quản trị. Hơn nữa, chế độ này liên tục “cắt rau hẹ” dưới danh nghĩa chống tham nhũng, vì thế mà tạo ra bất ổn lớn trong xã hội.

"Cắt rau hẹ" là cụm từ dùng để ám chỉ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc bóc lột của cải của các giới và các tầng lớp người dân Trung Quốc. Rau hẹ là một loại rau dễ trồng, hễ cắt lại mọc, giống như xén lông cừu.

Ông Tạ cũng cho rằng, môi trường xã hội hiện nay đã trở nên vô vọng, có rất nhiều người muốn bỏ chạy, cũng có rất nhiều người muốn rút lui khỏi thị trường để bảo vệ vốn liếng của mình. Vậy nên họ đã lựa chọn phân chia cổ phần thông qua việc ly hôn giả, đợi cơ hội giảm lượng nắm giữ và rút tiền ra, như vậy sẽ an toàn hơn là đặt toàn bộ cổ phần vào tay một người.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Nhiều triệu phú Trung Quốc ly hôn, phân chia cổ phiếu để tránh bị chính quyền 'bóc lột'