Có một mùa xuân như thế trong Đường Thi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bài thơ nổi tiếng của mình là “Xuân hiểu” (Buổi sớm mùa xuân), thi sĩ Mạnh Hạo Nhiên đã viết ra những dòng tuyệt bút. Nay xuân mới đang về nao nức, mời quý bạn đọc hãy cùng ngồi đọc lại mấy dòng này: 

Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu?

Tôi tạm dịch ra thành như sau:

Giấc xuân chẳng biết sáng trời
Nơi nơi nghe tiếng chim thời kêu vang
Gió mưa một trận phũ phàng
Hoa kia rơi rụng chẳng màng bao nhiêu!

Thi sĩ họ Mạnh sống cách chúng ta chừng 14 thế kỷ. Nhưng tôi đồ rằng, con người trước và sau hàng nghìn năm vẫn chung nhau một cảm xúc khi đón buổi sáng mùa xuân như thế. Dùng thể ngũ ngôn rất kiệm lời, trước sau chỉ 20 chữ nhưng Mạnh Hạo Nhiên đã vẽ nên một bức tranh tuyệt diệu: trong tĩnh có động, trọng động có tĩnh, thi trung hữu họa thực không biết đâu mà lần!

Cảm nhận mùa xuân của thi sĩ bắt đầu bằng một giấc ngủ vùi “xuân miên”. Đó là tĩnh. Tiếng chim kêu ríu rít phá tan bầu không khí, đó lại là động. Từ cái động của tiếng chim hót dẫn đến cái động của “phong vũ thanh” (tiếng gió mưa), của “hoa lạc” (hoa rụng), rồi lại quay về với cái tĩnh mịch trong tâm hồn: tri đa thiểu - không biết nhiều hay ít. Khởi đầu bằng một giấc mộng, kết cũng lại là một giấc mộng, thảy đều là “không”: không biết trời đã sáng, không biết hoa rụng nhiều hay ít. Quá tài tình!

Mạnh Hạo Nhiên cảm nhận mùa xuân bằng cả thính giác, khướu giác và cảm giác. Nhưng cái hay của bài thơ là tính gợi mở cho những chiêm nghiệm về nhân sinh. Đời người ta phải chăng cũng như một giấc mộng, ngủ vùi mà chẳng hay trời đã sáng. Khi trải qua hết thảy mưa gió một đời, cuối cùng nhìn lại cũng chẳng biết nhân sinh đã rơi rụng hết bao nhiêu? “Tri đa thiểu” - biết là bao nhiêu - như một tiếng thở dài đầy tiếc nuối. Giữa cảnh xuân mà gió mưa tơi bời, mà hoa lại rụng. Đó chẳng phải đang vui lại đã chớm buồn đó sao? Đời người ta, tám chín phần đều là không như ý. Nhân sinh tựa bóng câu ngoài cửa sổ. Giờ đang vui với buổi sáng mùa xuân tràn trề sinh lực nhưng chốc nữa đã buồn vì mưa gió trong đêm thổi rụng hết cánh hoa!

Hai câu thơ đầu nghe thật trong sáng, nhìn thấy cảnh một anh học trò ngủ lười, nghe thấy cả tiếng chim véo von. Nhưng hai câu sau thì đã là tâm sự của một lão niên, nhìn hoa rơi mà thấy trong lòng nằng nặng. Thơ như vậy mới thực là hay vậy!

Tiện đây, khi nhắc đến mùa xuân trong thơ Đường, tôi lại nhớ đến một thi nhân khắc khổ bậc nhất, là Đỗ Phủ. Trong cuộc đời sóng gió và khắc nghiệt của mình, không mấy khi ông được thả hồn bồng bềnh như trong bài “Giang bạn độc bộ tầm hoa” này. Đọc lên nghe cứ như là thơ Lý Bạch chứ không phải thơ họ Đỗ:

Hoàng Tứ nương gia hoa mãn khê
Thiên đóa vạn đóa áp chi đê
Lưu liên hí điệp thời thời vũ
Tự tại kiều oanh kháp kháp đề

Tôi lại mạn phép dịch nôm như sau:

Nhà Tứ nương suối đầy hoa
Vạn bông ngàn đóa trĩu cành chực rơi
Bướm đâu lượn mãi không rời
Chim oanh thánh thót mấy lời ung dung

Với một thi sĩ mang nặng lòng với thời cuộc như Đỗ Phủ, đây là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi ta thấy được họ Đỗ thực sự thanh nhàn. “Một mình dạo chơi tìm hoa ven sông”, ngay tiêu đề của bài thơ cũng đã cho thấy nét nhàn rồi. Tìm hoa lại gặp đúng cảnh hoa nở, oanh kêu, bướm lượn… thì tưởng không gì mãn nguyện hơn. Cảnh xuân sức xuân cứ như chen đua nhau sức sống. Hãy nhìn những từ láy ở đây: lưu liên, thời thời, tự tại, kháp kháp, rồi ngay cả hình ảnh “thiên đoá vạn đoá”. Trong thơ có hoạ, trong thơ có nhạc, mỗi câu thơ xứng đáng là một bức hoạ cực phẩm vậy.

Nhà Tứ nương suối đầy hoa; Vạn bông ngàn đóa trĩu cành chực rơi. (Tranh Leo-BM/ NTDVN)

Mùa xuân khởi đầu cho vạn vật. Làm thơ xuân ắt là phải vui. Ấy thế nhưng cũng có những bài thơ Đường tả cảnh xuân ly biệt thực buồn mà cũng thực đẹp. Ta hãy đọc thêm một bài “Hoài thượng biệt hữu nhân” (Trên sông Hoài từ biệt bạn):

Dương Tử giang đầu dương liễu xuân
Dương hoa sầu sát độ giang nhân
Sổ thanh phong địch ly đình vãn
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần

Mạn phép xin dịch:

Bên sông cành liễu đẫm xuân
Liễu hoa buồn chết người thân qua đò
Sáo đâu vi vút gần xa
Tiêu Tương bạn đến, riêng ta về Tần

Hai câu đầu có nhiều chữ lặp nhau: dương liễu, dương hoa, Dương Tử giang, giang nhân… Thơ Đường kiêng lặp như thế lắm. Nhưng lúc này là tâm trạng tiễn người đi, có lẽ cũng không còn nề hà chuyện phải đúng niêm luật chăng? Tình cảm quý ở chỗ tự nhiên chứ không phải là thúc ép. Đang ngắm dương liễu trên sông giữa mùa xuân mà thấy hoa liễu buồn chết dạ người sang sông, rồi nghe thấy tiếng sáo ly biệt, rồi kẻ Sở người Tần… thật là một mạch liên tưởng, ý tứ nương nhau. Giữa cảnh xuân đẹp thế kia mà lại phải biệt nhau, tưởng cũng không còn gì buồn hơn vậy. Bởi thế mà nói, bài thơ vừa đẹp lại vừa buồn biết bao.

Giờ đây, trong ngày xuân ngồi đọc lại mấy bài Đường thi cũng thật nhiều dư vị. Xin dâng tặng quý bạn đọc thưởng thức!

Kính bút!

Viên Minh

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Có một mùa xuân như thế trong Đường Thi